Y sỹ Trần Chử trong ký ức người con trai
(Baonghean)- Tôi gặp bác sĩ Trần Phong – con trai của Trần Chử, Anh hùng Lao động đầu tiên của ngành Y xứ Nghệ trong ngôi nhà riêng tại xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu.Ông là người con thứ ba trong gia đình và là người duy nhất trong 6 anh em theo nghiệp bố làm nghề y. Cuộc đời đã bước sang tuổi ngũ tuần, cũng đủ nếm trải đắng cay, ngọt bùi của nghề nghiệp và cuộc sống, nhưngký ức về người bố thì vẫn vẹn nguyên…...
Kỳ tích của người y sỹ cấp cơ sở
Trần Chử là người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động ngành Y tế đầu tiên của xứ Nghệ, đồng thời cũng là người Anh hùng đầu tiên của tuyến y tế cơ sở trên cả nước.
Bắt đầu từ năm 1954 – 1955, Trần Chử làm Trạm trưởng Trạm Y tế Quỳnh Sơn (xã Sơn Hải bây giờ). Đến năm 1960, ông được điều về làm Trạm trưởng Trạm Y tế Cầu Giát. Trải qua nhiều thay đổi, cuối cùng y sỹ Trần Chử về công tác tại Quỳnh Giang vào đầu những năm 70 và từ đây gây dựng nên một trạm xá điển hình tiêu biểu của cả nước mà cho tới tận bây giờ vẫn khó có trạm y tế nào có thể làm được.
Trước hết, phải kể đến là việc sưu tầm và trồng các loại thuốc trong trạm để tạo nguồn thuốc tại chỗ. “Nam dược trị Nam nhân” là lời dạy ai làm trong ngành y đều biết, nhưng biến trạm xá xã trở thành một vườn thuốc Nam với hàng trăm vị thuốc thì đúng là chuyện “xưa nay hiếm”. Ngày ấy, Trần Chử cùng với cán bộ và nhân viên trạm chia nhau đi các ngả tìm kiếm các loại cây thuốc, thực hiện phương châm “đi không về có”. Chỉ trong một thời gian ngắn, vườn dược liệu của Trạm Y tế Quỳnh Giang đã có hàng trăm loại cây thuốc thuộc nhiều nhóm thuốc trị bệnh khác nhau. Đồng thời trồng thêmloại cây thuốc mẫu vào chậu cảnh có treo bảng hướng dẫn công dụng và cách sử dụng.
Bác sỹ Phong kể: “Để có thêm những dược liệu tốt đưa về trồng, bố tôi đã cùng với nhân viên trong trạm đi nhiều vùng miền của đất nước, thậm chí sang cả những nước láng giềng như Lào, Trung Quốc để tìm kiếm, sưu tầm. Từ những ngày còn nhỏ và chứng kiến việc bố đã từng đi khắp miền Bắc để tìm cho được giống bạc hà tinh dầu tốt nhất, hay đi lên Sapa để giống Atiso đỏ về cho trạm xá, tôi đã cảm thấy khâm phục và trân trọng vô cùng công việc mà bố mình đang làm”.
Y sỹ Trần Chử bên ngọn đèn được đốt sáng từ khí biogas
(Ảnh gia đình cung cấp)
Không chỉ trồng thuốc để tìm phục vụ nhu cầu của trạm, y sỹ Trần Chử còn chế biến thuốc Nam, nấu cao nhằm “lấy dược nuôi y”. Bởi vì trong điều kiện thiếu thốn khó khăn lúc bấy giờ, phải vừa điều trị, vừa… kinh doanh thì mới có thể tồn tại được.
Một trong những biện pháp để chữa bệnh cứu người là dạy cho người dân biết tự sơ cứu cho mình trước khi đến cơ sở y tế. Trạm Y tế Quỳnh Giang đã phổ biến, tuyên truyền cho mỗi gia đình những kinh nghiệm về phương pháp trồng và sử dụng cây thuốc nam để chữa những bệnh thông thường tại nhà, vừa tiện lợi, vừa rẻ tiền mà lại không độc hại.
Y sỹ Trần Chử không chỉ là một thầy thuốc giỏi, mà còn là một nhà khoa học đầy sáng tạo. Ngay từ những năm 70 của thế kỷ vừa qua, ông đã rất chú trọng đến vấn đề môi trường, mày mò nghiên cứu và xây dựng những hố Biogas ủ rác thải, vừa tạo ra khí đốt dùng cho thắp sáng, nấu ăn, đồng thời xử lý rác thành phân để quay lại tưới cho vườn thuốc của trạm. Lò khí metan đầu tiên của Việt Nam được xây dựng tại Trạm Y tế xã Quỳnh Giang, tác giả của nó không ai khác chính là y sỹ Trần Chử.
Tất cả những thành tựu này đã khiến Trạm Y tế Quỳnh Giang trở thành điểm sáng điển hình của ngành Y tế sau chiến tranh, thu hút hàng ngàn đoàn tham quan trong tỉnh cũng như trong cả nước về học tập, nhân rộng mô hình. Hầu hết lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đã về thăm và cả nhiều đoàn khách nước ngoài. Mỗi đoàn khách đến tham quan, y sỹ Trần Chử đều nhiệt tình tiếp đón và truyền đạt những kiến thức kinh nghiệm, bài học của mình.
Năm 1985, Trần Chử vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, một phần thưởng xứng đáng cho những cống hiến to lớn không mệt mỏi của ông!
Những bài học vô giá từ người cha
Y sỹ Trần Chử của Trạm xá Quỳnh Giang ngày nào, đối với bác sỹ Phong, vừa là một người cha, vừa là một người thầy mà bài học dạy cho các con từ thủa ngây thơ chính là cuộc đời lao động, cống hiến miệt mài không mệt mỏi, là lương y, là nhân đức không phải thể hiện ra bằng lời nói, mà từ những hành động giản dị hằng ngày. Bác sỹ Trần Phong kể: “Có một chuyện từ ngày còn bé, tôi vẫn nhớ mãi tới tận bây giờ. Hồi đó, bố tôi làm việc cả ngày ở trạm y tế, về nhà lại tiếp tục thức tới tận khuya để đọc sách, nghiên cứu, tìm tòi. Một hôm, thấy bố vừa đi ngủ đã có người đến kêu cửa, mấy đứa con thương bố vất vả, muốn bố ngủ thêm tý nữa nên nói dối là bố đi chưa về. Ông cụ ở trong nhà đã trở mình, ho một cái là dậy rồi xách túi đi luôn. Đêm cứ ai gọi là đi, không phân biệt là giàu hay nghèo đều tận tình cứu chữa.
Ngày ấy tuổi còn nhỏ, chưa nhận thức được hết công việc của một thầy thuốc, sau này lớn thêm một chút, hiểu rõ hơn về nghề, đặc biệt là khi chính tay mình khám bệnh cho mọi người thì mới càng kính trọng, càng khâm phục y đức của bố và đó như một tấm gương để tôi noi theo”.
Không chỉ hết lòng với bệnh nhân, trong quan hệ xã hội với mọi người, cụ Trần Chử cũng thể hiện một tấm lòng nhiệt tình, chu đáo. Bác sỹ Phong nhớ lại: “Bố tôi rất hay mời khách về nhà chơi, ăn cơm. Ngày xưa, cứ mỗi lần có khách về tham quan Trạm Y tế Quỳnh Giang, hay những người đến học hỏi kinh nghiệm trồng thuốc, làm bể biogas…cụ đều đưa về nhà. Hồi đó, chưa có chuyện xã hay trạm xá mời cơm khách đâu. Có những lần về nhà đúng bữa cơm, thế là cả nhà lại nhường cơm cho khách”. Có lẽ chính vì tấm lòng nhiệt thành vô tư đó mà không chỉ các bệnh nhân mà còn nhiều bạn bè khác đều yêu quý y sỹ Trần Chử.
Chia sẻ về việc mình nối nghiệp bố học nghề y để về quê chữa bệnh, bác sỹ Phong nói rằng đó cũng là do sự thôi thúc từ bên trong bản thân mình, khi thấu hiểu được công việc của bố cũng như nhìn thấy nỗi lo lắng của người bệnh, sự trông cậy, tin tưởng của họ vào thầy thuốc như thế nào. Và một phần, cũng vì muốn giữ lấy nghề truyền thống của gia đình (cụ thân sinh ra y sỹ Trần Chử ngày xưa cũng làm nghề bốc thuốc).
Bác sỹ Phong cũng tâm sự rằng, trước kia ông không phải là người chăm chỉ học hành ngay từ đầu, mà còn khá lười biếng. Nhưng cụ Trần Chử trong một lần đã nói: “Nếu thi đỗ được thì đi học, còn không thì mua cho cái… xe bò ở nhà mà làm ruộng”. Trần Phong hiểu rằng, tiếng tăm hay sự quý trọng của mọi người dành cho bố không phải là cái cầu để cho mình bước vào đời dễ dàng hơn người khác, mà ai cũng thế, cần tự nỗ lực, cố gắng mà thôi. Ông cũng chưa thi đại học luôn mà trước đó còn tham gia quân đội 5 năm. Đi bộ đội cũng chính là để rèn nhân đức trước, rèn ý chí, quyết tâm, nghị lực, rèn luyện phong cách sống đầy trách nhiệm . Và Trần Phong đã trưởng thành rất nhiều từ thời gian đó.
Năm 1979, trong một chuyến tàu ra ga Hàng Cỏ (bây giờ là ga Hà Nội), đi qua Trường đại học Bách Khoa, nhìn thấy cổng trường hình Parabol và những sinh viên đi học: “Trong lòng tôi có một cảm xúc rất khó tả, hình ảnh giảng đường đại học có cái gì đó rất đẹp đẽ, lớn lao thôi thúc trong tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, với đất nước, sau khi trở về sẽ thi vào đại học. Và sau khi rời quân đội, tôi đã trở về và thực hiện ước mơ, đứng trên giảng đường đại học, trở thành sinh viên trường Y khoa Hà Nội”, bác sỹ Trần Phong chia sẻ.
Học nghề làm bác sỹ, rồi từ đó ông để tâm nhiều hơn tới công việc của bố, theo cụ đi khám bệnh cho bệnh nhân, và học hỏi được rất nhiều cả về kiến thức lẫn y đức từ người cha của mình. Sau này, khi đã bước vào nghề chữa bệnh cứu người, bác sỹ Trần Phong luôn tâm niệm: “Ngày ấy khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, bố chỉ là một y sỹ xã, với 2 bàn tay và chiếc ống nghe, thế mà vẫn khám bệnh, chữa bệnh, sáng tạo không ngừng để cứu thêm được nhiều người bệnh. Còn mình được đi học làm bác sỹ, có điều kiện hơn, nhiều phương tiện hơn thì phải làm được nhiều hơn thế. Nhưng điều quan trọng nhất đối với một người bác sỹ vẫn là tấm lòng, là y đức. Ngày ấy, người dân trong vùng còn truyền nhau câu nói: Có bệnh mà chưa được bác Chửkhám mà chết là chết oan, còn đã được bác Chử chữa rồi, nhưng không qua khỏi mà chết thì không còn gì để hối tiếc nữa. Thậm chí, người ta còn bảo khi bệnh nặng, mở mắt ra thấy bác sỹ Chử đang ngồi bên cạnh khám là thấy bệnh đã đỡ, cơn đau đã giảm. Có thể đó là cách nói quá, nhưng chính tấm lòng của người thầy thuốc đã ra sự yên tâm, tin cậy mà từ đó chính là liều thuốc tinh thần đầu tiên giúp cho bệnh nhân khỏe lại…
Bài học đầu tiên trong ngành Y mà tôi được học từ bố mình không phải là một vị thuốc mà là cách tiếp xúc với bệnh nhân. Ngay từ việc chào hỏi bệnh nhận và người nhà, cách cụ hỏi han về bệnh tật, sau đó thì dặn dò hết mực chu đáo, tận tình. Bố đã dạy cho tôi, một cách giản đơn, tự nhiên mà thấm thía về lương y, về tác phong của người thầy thuốc. Cuộc đời thăng trầm nhưng đạo đức muôn đời giữ lại, người bệnh cần trước hết là cái tâm của người thầy thuốc”… bác sỹ Trần Phong (Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Quỳnh Lưu) đã kết thúc buổi nói chuyện của chúng tôi bằng những lời tâm huyết ấy!
Hồ Lài
bao nghean
|