(Baonghean) - Chương trình giao lưu âm nhạc “Ân tình ví, giặm” do các cựu học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu tổ chức tại Nhà hát Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) đêm 7/3/2015 mới đây đã thành công hơn mong đợi. Mưa phùn, gió lạnh đã không ngăn nổi những bước chân của người dân Thủ đô đến với đêm nhạc...
Góc nhìn chuyên môn
Cố PGS. Ninh Viết Giao từng viết: “Quanh năm trên đất Hồng Lam, lúc nào cũng có tiếng hát ví của bà con lao động... Tiếng hát ví đò đưa như nhớ thương người, theo nhịp mái chèo từ mặt nước sông Lam, sông La, sông Phố vẳng lên quyện với giọng hát ví phường vải... “êm như nhiễu, nhẹ như tơ”, trầm ấm man mác từ các thôn xóm vọng ra, lan tỏa khắp động nội cỏ cây”... Nói như vậy để khẳng định ví, giặm là của người lao động xứ Nghệ. Môi trường diễn xướng của cũng là môi trường lao động. Ví, giặm như một động lực tinh thần để tăng cường khả năng lao động và thông qua đó để giao lưu, để đáp ứng nhu cầu giải trí và tình cảm của người lao động.
Đó là những âm hưởng đồng quê thuần khiết, vừa bay bổng mà lại sâu đằm, phải nghe mới thấu hiểu bởi không gì có thể diễn tả hết được. Nguyên thủy ví, giặm không có, không cần nhạc cụ, không có động tác vũ đạo, đơn giản là những câu hát mộc mạc của người nông dân chân lấm tay bùn trong lao động. Không gian cổ truyền diễn xướng đang mất dần đi theo năm tháng. Để bảo tồn ví, giặm và quảng bá thì dẫu muốn hay không cũng phải thay đổi. Nhưng thay đổi thế nào, đưa lên sân khấu những gì để người xem đón nhận là cả vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo. Nhất là khi đưa ví, giặm ra Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, đất của chèo và quan họ Bắc Ninh.
Sắc màu của đêm nhạc “Ân tình ví, giặm” là sự đan xen sự hoành tráng của các tiết mục của các nghệ sỹ đến từ Nhà hát dân ca Nghệ An, Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ và các nghệ nhân dân ca đến từ các câu lạc bộ Ngọc Sơn (Thanh Chương - Nghệ An), Xuân Giang (Nghi Xuân - Hà Tĩnh), Kỳ Bắc (Kỳ Anh - Hà Tĩnh), Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh). Chị Vũ Thị Thanh Minh, nghệ nhân ở câu lạc bộ dân ca Cẩm Mỹ - Cẩm Xuyên cho biết, mặc dù các thành viên của câu lạc bộ dân ca tuổi đã cao nhưng khi được mời ra biểu diễn ở Thủ đô, ai cũng háo hức và xem đây là trách nhiệm với ví, giặm - kho báu mà ông cha đã để lại. Một câu hát của chị đã nói đến tận cùng tình yêu với ví giặm của người phụ nữ này: “Người ơi! Ngọc nhìn lâu sẽ tìm thấy vết/Hoa để gần sẽ hết mùi hương/Chơ câu dân ca vẫn mãi trường tồn/Trong lòng người dân xứ Nghệ nỏ niên mô phai mờ”. Nhiều người cho ví, giặm là “hòn ngọc quý”, còn với chị nó còn quý hơn cả ngọc.
Rõ ràng, 12 tiết mục công diễn đã được tuyển lựa từ hàng chục bài ví, giặm nổi tiếng, nhưng người am hiểu loại hình âm nhạc đồng quê này vẫn ước, giá như được nghe “Mẹ dòng lệch gối nghiêng chăn”, hay “Lục súc tranh công” là những bài lời cổ quen thuộc. Màn diễn xướng “Đêm trăng phường vải” Nhà hát Dân ca Nghệ An thực hiện rất công phu nhưng với thời lượng 7 phút vẫn được coi là hơi quá sức chịu đựng của người nghe. Bài cổ “Ô Lục Soạn” do nghệ nhân Khánh Cẩm 80 tuổi đến từ Kỳ Anh là tiết mục kết hợp tốt giữa nhịp điệu sôi động của bài hát và vũ điệu của người diễn nhưng phần lớn người Hà Nội (không phải gốc xứ Nghệ) có mặt không thể hiểu hết nội dung. Trong khi đó, các tiết mục “Xa khơi” do ca sỹ chuyên Opera Vành Khuyên và “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” từ lời mới trên cơ sở giai điệu ví, giặm do Đăng Thuật trình bày lại được công chúng nồng nhiệt cổ vũ.
Đúng như TS. Trần Đình Châu, Chánh Văn phòng của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực có mặt tại đêm diễn nhận xét: “Để ví, giặm có thể đứng chân tại cái nôi của hát chèo và dân ca quan họ thì đạo diễn chương trình cần phải tinh tế từ khâu lựa chọn bài hát, ca sỹ, cách bố trí, dàn dựng chương trình”. Việc bố trí các nghệ nhân sinh hoạt tại các CLB biểu diễn cùng các nghệ sỹ tên tuổi cũng cần cân nhắc để tránh độ chênh. Khâu xử lý âm thanh tốt cũng đã góp phần cho “Ân tình ví, giặm” thành công. Ví đò đưa có nốt hai trưởng vang, sáng (Rê Mi) do thuyền ở bờ bên này hát với thuyền ở bờ bên kia, quãng giữa là sông nước mênh mang... phải thật vang mới thấu. Ví phường vải thì khác, nhỏ nhẹ hơn ở nốt rê thứ: “Ờ... chị em phường vải ta ơi...” do khoảng cách hát từ ngoài ngõ vào sân rất hẹp. Những điều đó đã được đạo diễn chương trình xử lý rất tốt, nên dù là nhạc đồng quê đưa lên sân khấu nhưng người nghe vẫn cảm giác được sự gần gũi, thân thiện.
Chúng ta tôn vinh ví, giặm bằng cách sân khấu hóa dân ca, chuyển người biểu diễn là các nông dân, nghệ nhân, là người lao động hát dân ca bằng các nghệ sỹ nhưng không được làm mất cái hồn đặc sắc vốn có của nó. Làm được vậy, ví, giặm mới được công chúng ngoài xứ Nghệ mới cảm nhận được sự tinh túy của ví, giặm, hồ hởi đón nhận và ví, giặm có điều kiện dần lan tỏa.
|
Hội cựu học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An tặng quà cho chương trình.
|
Góc nhà tổ chức
Trong đêm “Ân tình ví, giặm” thì ngoài Nhà hát Âu Cơ và Rạp xiếc Trung ương, tất cả các địa điểm biểu diễn của Hà Nội đều tắt đèn. Phần các đoàn nghệ thuật phía Bắc đều cố tình “né” mùa lễ hội, phần “tránh” ngày lễ Quốc tế Phụ nữ lâu nay vốn dành cho gia đình. Nhưng theo BTC thì từ một tuần trước ngày biểu diễn, gần 800 vé đều được phân phối hết, tình trạng “cháy vé” khiến các thành viên BTC khá đau đầu. Thực ra, vé không bán ra ngoài mà chủ yếu tặng các cá nhân, tập thể đã đóng góp ủng hộ kinh phí tổ chức đêm diễn. Mọi người đều nhận định, giá như có thêm 300 - 400 vé nữa mới phần nào đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của bà con yêu thích ví, giặm.
Theo tính toán của các bầu show muốn “sống khỏe”, các đoàn nghệ thuật dân ca khi đến biểu diễn tại Thủ đô phải bán được trên 1.500 vé (ít nhất là 2 đêm) với giá vé dao động 200 - 300 ngàn đồng. Với loại hình sân khấu dân ca, đối tượng khán giả chính là người đứng tuổi thì cần chú trọng thật tốt khâu truyền thông trước đêm diễn mới có thể kéo mọi người đến xem. Một trong những nguyên nhân để “Ân tình ví, giặm” thành công là hiệu ứng truyền thông cực tốt theo kiểu “cây nhà, lá vườn” không tốn kém mà lan tỏa nhanh, rộng. Việc các đài truyền hình VTV, VTC, HaNoiTV, VOV và hơn chục tờ báo Trung ương, địa phương đưa tin khiến cho cộng đồng Nghệ An tại Hà Nội háo hức đón chờ; khá nhiều phóng viên tự tìm đến đưa tin. Ban tổ chức còn biết dùng truyền thông nội bộ hội đồng hương, kênh cựu học sinh Trường Phan, biết “nhá” và “nhứ” để tạo sự tò mò, hấp dẫn cho đêm diễn.
Thể loại nhạc đồng quê, không gian diễn xướng hoàn toàn gắn liền với nông thôn vì vậy khâu âm thanh, ánh sáng, sân khấu cũng phải được lựa chọn công phu mới tạo nên chất lượng của chương trình. Rõ ràng, lấy cái tứ là dòng Lam, con đò, bến nước, triền đê, bụi tre... sân khấu đẹp, có thông điệp rõ nét cùng với hiệu ứng ánh sáng tốt đã làm cho người xem có dịp thả hồn phiêu khi nghe “Phụ tử tình thâm” do NSND Hồng Lựu thể hiện và “Thập ân phụ mẫu” do nghệ sỹ Hồng Vân trình bày. Không ít người cao tuổi xa quê đã khóc khi ngồi nghe các làn điệu quen thuộc tại Nhà hát Âu Cơ.
|
Một số tiết mục tại đêm nhạc “Ân tình ví, giặm” tại Hà Nội.
|
Vĩ thanh
Không phải thành công của “Ân tình ví, giặm” là ví, giặm đã có ngay được chỗ đứng trong lòng công chúng yêu dân ca tại Hà Nội và các địa phương ngoài Nghệ - Tĩnh nhưng rõ ràng đây là đợt “tập dượt” quan trọng và cần thiết. Và từ thành công của đêm diễn cho thấy ví, giặm muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh mới cần tạo ra không gian hình hài mới. Các tác phẩm thật đa dạng thông qua các thể loại như tổ khúc dân ca, khí nhạc, kết hợp với vũ đạo... mà không nhất thiết phải đưa cái nguyên gốc lên không gian sân khấu thành phố. Đi ra từ đồng ruộng, sân đình, ví, giặm cần có màu áo mới của nó. Trước hết, vẫn phải cám ơn sự nỗ lực vượt qua không biết bao khó khăn của Hội cựu học sinh Trường Phan đã “Chào Xuân” Thủ đô bằng một chương trình dân ca đặc sắc, đẫm tình quê hương. Hãy chung tay đưa ví, giặm lan tỏa dần trong cộng đồng Nghệ - Tĩnh và vượt ra ngoài, đúng với tinh thần “Người Nghệ còn, còn ví, giặm”!
An Nhân – An Thanh
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm, Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ An tại Hà Nội với lý do sức khỏe tuy không đến dự được đã gửi thư: “Tôi đánh giá cao và hoan nghênh sáng kiến này vì việc tôn vinh dân ca ví, giặm không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ, mà còn của cả nước. Hơn nữa UNESCO còn xem đây là di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại. Việc quảng bá, ví, giặm là rất cần thiết và cũng là trách nhiệm của những người con xứ Nghệ”.
Ông Hồ Quang Lợi - Ủy viên BTV - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: “Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa của Hội cựu học sinh Trường Phan để tôn vinh và lan tỏa những giá trị của ví, giặm và truyền được sức sống bền lâu. Giữa Thủ đô Hà Nội văn hiến - nơi hội tụ tinh hoa văn hóa các vùng miền, tôi càng thấy tự hào và yêu quê hương mình hơn khi nghe ví, giặm tại Nhà hát Âu Cơ. Và cũng thấy chương trình làm được việc thiện nguyện rất tốt, đó là kêu gọi sự đóng góp của mọi người cho 10 câu lạc bộ dân ca của cả 2 tỉnh, mỗi câu lạc bộ 10 triệu đồng và sau đêm diễn con số này có thể còn tăng lên từ sự đóng góp của những tấm lòng vì ví, giặm. Tôi mong muốn những đêm diễn đầy ý nghĩa như thế này sẽ được tiếp tục tổ chức tại các vùng miền trên cả nước. Với vẻ đẹp của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tôi thấy không chỉ bằng các đêm diễn mà dân ca phải đi vào đời sống cộng đồng một cách tự nhiên. Và để có được điều đó cần thiết nuôi dưỡng các câu lạc bộ dân ca ở 2 địa phương bằng sự quan tâm của các cấp chính quyền, của công tác xã hội hóa. Sở Giáo dục và Đào tạo 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nên nghiên cứu hướng đưa dạy hát dân ca vào trường học là bắt buộc, để mãi mãi các thế hệ sau này đều hiểu và yêu dân ca hơn!”.
Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo: “Nội dung phong phú của các tiết mục đã đưa người xem về với các phường vải, phường nón, phường cấy và sự cộng hưởng của các bài hát mới phát triển từ chất liệu dân ca đã mở ra những không gian mới, tinh thần mới cho đời sống xã hội đương đại... Và bảo tồn dân ca xứ Nghệ không chỉ là giữ gốc mà chúng ta phải phát triển nó và đó là hướng bảo tồn bền vững, làm cho dân ca ngày càng phong phú, mở rộng hơn”.
Trần Anh Nghĩa, cựu học sinh Trường Phan K22 đang làm nghiên cứu sinh tại Mát-xcơ-va Nga chia sẻ trên Facebook: “Thật vinh dự, tự hào và ấm áp hơn khi chương trình đã lan tỏa ra ngoài cộng đồng xã hội, được nhiều người quan tâm ủng hộ, theo dõi. Từ phương xa ngóng về quê nhà, là người con xứ Nghệ, lại là cựu học sinh Trường Phan, tôi thật sự xúc động và tự hào khi anh chị em các khóa cùng nhau đoàn kết, ủng hộ, giúp đỡ để có một đêm diễn trong không khí tình cảm nồng ấm, cùng lắng nghe những giai điệu ví, giặm, cùng tô thắm lên những nét đẹp của trò Phan. Chắc chắn rằng, ví, giặm sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn. “Chiều Mạc Tư Khoa rừng dương như trầm lặng, mà nghe câu giặm rằng hết giận rồi thương. Ơi câu hò quê hương, em hát chiều ni răng mà thương mà nhớ...”.
|
Theo baonghean.vn:
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201503/nguoi-nghe-con-con-vi-giam-592783/
|