Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Hướng tới kỷ niệm 600 năm danh xưng Quỳ Châu (1415 - 2015) Khí thế đổi mới trên miền đất huyền sử Hướng tới kỷ niệm 600 năm danh xưng Quỳ Châu (1415 - 2015) Khí thế đổi mới trên miền đất huyền sử , Người xứ Nghệ Kiev
 

(Baonghean) - Trong 600 năm có danh xưng Quỳ Châu, đồng bào các dân tộc sinh sống trên vùng đất mường Chiềng Ngam này luôn đồng hành cùng nhân dân xứ Nghệ nói riêng và nước Việt nói chung, có những đóng góp xứng đáng vào lịch sử hào hùng của dân tộc ta... Và, đồng bào các dân tộc Quỳ Châu đã, đang và sẽ mãi làm nên những mùa vui hội xuân mới trên quê hương ngày càng khởi sắc.

 

Mạch nguồn truyền thống 

 

Từng tồn tại với nhiều danh xưng khác nhau, địa danh Quỳ Châu xuất hiện tương đối sớm. Tài liệu đầu tiên ghi chép về địa danh này là Minh Thực Lục, ghi rằng: “Vĩnh Lạc thập tam niên hạ tứ nguyệt… Nhâm Thân: thiết Giao Chỉ Diễn Châu phủ chi Châu Quỳ” (dịch là: Ngày 13/5/1415, tại Giao Chỉ, phủ Diễn Châu lập thêm Quỳ Châu). Như vậy, tính đến nay, Quỳ Châu với tư cách là một đơn vị hành chính đã tròn 600 năm tuổi.

 

Lễ Đại tế nơi Đền Chiềng Ngam, xã Châu Tiến

Lễ Đại tế nơi Đền Chiềng Ngam, xã Châu Tiến

 

Vào đầu thế kỷ XV, đồng bào các dân tộc Quỳ Châu đã có những đóng góp to lớn cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, góp phần giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ của giặc Minh. Nhiều địa danh trên mảnh đất này còn ghi dấu hoạt động của nghĩa quân như Hang Voi (Châu Thuận), Bù Đằng (Châu Nga). Đội quân Áo Đỏ của người Thái nơi đây đã sát cánh cùng nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu anh dũng và lập được nhiều chiến công. Cuối thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, nhân dân Quỳ Châu dưới sự lãnh đạo của Đốc Thiết, Đốc Hạnh đã đứng lên khởi nghĩa, gây cho địch nhiều thiệt hại. Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại, nhưng một lần nữa chứng minh lòng yêu nước nồng nàn của đồng báo các dân tộc Quỳ Châu.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Quỳ Châu hăng hái tham gia vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Với sự hoạt động của các hội cứu quốc, phong trào cách mạng ở Quỳ Châu phát triển nhanh chóng. Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Quỳ Châu bước vào chặng đường mới xây dựng chế độ và kháng chiến chống thực dân Pháp. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào các dân tộc ở huyện Qùy Châu đã tích cực đóng góp “Tuần lễ vàng”, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Lực lượng dân quân tự vệ ở đây phát triển nhanh chóng, phối hợp với bộ đội chủ lực bảo vệ chính quyền và đánh bật các lần tập kích của giặc bảo vệ xóm làng. Trong chiến dịch Thượng Lào, huyện Quỳ Châu đã huy động 5.367 dân công vượt suối băng ngàn, vận chuyển lương thực, phục vụ tiền tuyến; huy động 2.418 dân công làm Tỉnh lộ 15A.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, huyện Quỳ Châu lúc này với tư cách đơn vị hành chính mới đã vừa chiến đấu vừa sản xuất, chi viện cho chiến trường miền Nam và nước bạn Lào; phong trào “phòng tránh đánh địch” và truy bắt biệt kích được toàn dân tham gia. Chiến dịch Hồ Chí Minh  1975 toàn thắng, hòa chung vào niềm vui lớn, đồng bào các dân tộc Quỳ Châu bước vào thời kỳ mới, bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dù đời sống còn không ít khó khăn, nhưng đồng bào vẫn tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc phát triển của đất nước…

Khí thế đổi mới

Gần 30 năm qua hòa vào công cuộc đổi mới của đất nước, từ một huyện miền núi kinh tế thuần nông, nay Quỳ Châu đã chuyển dần sang đa dạng hóa. Công tác quản lý sản xuất nông nghiệp tiến bộ, coi trọng thâm canh tăng vụ, phát huy năng lực hộ gia đình, chuyển đổi cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa. Chất lượng giáo dục, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng nâng cao. Tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản, góp phần làm thay đổi bộ mặt bản làng. Quốc phòng – an ninh được đảm bảo theo phương châm quốc phòng toàn dân, xây dựng phong trào tự quản, phong trào an toàn làm chủ và xây dựng làng, xã chiến đấu.

Quỳ Châu có nhiều tiềm năng cơ hội và cũng lắm thách thức. Thiên nhiên đã ban tặng cho Quỳ Châu nhiều thắng cảnh hùng vĩ với nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh đó là sự giàu có về bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân dân tộc ở đây. Song bên cạnh đó là những trở ngại như: Sự khắc nghiệt của “tiểu vùng khí hậu” miền núi phía Tây, địa hình đồi dốc, các loại đất manh mún, nền kinh tế cơ bản vẫn là nền sản xuất nhỏ, phân tán, thuần nông, trình độ lực lượng sản xuất, trang thiết bị còn thấp; điều kiện vật chất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu hụt và lạc hậu nhiều mặt…

Phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, trở ngại, Đại hội đại biểu Đảng bộ Quỳ Châu khóa XXIV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ xây dựng, phát triển toàn diện cho cả huyện với tầm nhìn 2020: Đẩy nhanh chuyển dịch kinh tế theo hướng lâm -  nông - công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tập trung cao trí tuệ, phát huy và khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực để đầu tư cho phát triển nhanh, bền vững; nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra đặc sản để hướng tới thị trường bên ngoài; cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội…

5 năm qua, bằng nhiều nỗ lực, huyện Quỳ Châu đã đạt được nhiều kết quả đáng kể: Kinh tế có bước tăng trưởng khá, dịch chuyển đúng hướng; giá trị sản xuất tăng từ 943,7 tỷ đồng năm 2010 lên 1.299,5 tỷ đồng năm 2014 và ước đạt 1.540,3 tỷ đồng năm 2015, đạt 106,9% kế hoạch; tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 7,4%/năm; hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được tập trung đầu tư xây dựng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng khang trang. Về văn hóa - xã hội, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, tỷ lệ mù chữ giảm dưới 5%, ước đến năm 2015 có 29 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã, thị trấn có thiết chế văn hóa thể thao, trong đó thiết chế đạt chuẩn 66,6%. Chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng được nâng lên, cơ sở hạ tầng được tăng cường; tiêm chủng mở rộng hàng năm đạt trên 95%, có 94% dân số tham gia BHYT; 100% trạm y tế xã có bác sỹ, 66,6% xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi là 19%... Trong giai đoạn 2011 - 2015, đã có 2.775 lao động được đào tạo nghề, nâng số lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề lên 13.072 người, đạt 35%; giải quyết việc làm cho 5.927 lao động; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 52,78% năm 2011 xuống còn 36% năm 2015...

Phát huy tiềm năng, sức mạnh của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa, thời gian tới, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện Quỳ Châu vẫn bền sức đồng lòng, tiếp tục kiên định mục tiêu trên cơ sở quan điểm phát triển thống nhất: Đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững; xử lý tốt các mối quan hệ trong phát triển. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; phát triển kinh tế với chăm lo các vấn đề xã hội; phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm ổn định xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Xuân về vui hội mới

Huyện Quỳ Châu có 74,6% dân số là dân tộc Thái, hiện vẫn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa như: dân ca dân vũ; nhạc cụ và nhiều lễ hội dân tộc đặc sắc như Lễ Cầu mưa, Lễ Háu Cắm, Lễ Hội Thề, Hội Xên Mường, Xên Bản, Hội Xăng Khan…Các lễ, hội thường diễn ra trong mùa Xuân và nổi tiếng nhất là Lễ hội Hang Bua. Các hoạt động giàu bản sắc văn hóa đều được phô diễn tại lễ hội. Lễ hội Hang Bua có xuất xứ từ xa xưa, được tổ chức vào các ngày 20, 21, 22 tháng Giêng hàng năm. Năm 2015 này, dồn lực cho Lễ kỷ niệm 600 năm danh xưng Quỳ Châu và các ngày lễ trọng đại khác, được sự đồng ý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện Quỳ Châu chỉ tổ chức phần lễ Hang Bua mà không tổ chức phần hội.

Múa sạp tại Lễ hội Hang Bua.

Múa sạp tại Lễ hội Hang Bua.


Như thường lệ, lễ tế năm nay được tổ chức tại đền Chiềng Ngam, bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến. Lễ cúng tế tại đền Chiềng Ngam – ngôi đền linh thiêng thờ 3 vị Thành hoàng Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông có công khai bản, lập mường, tạo nên một vùng đất rộng lớn nơi miền Tây Bắc xứ Nghệ ấm no, trù phú diễn ra rất trọng thể, nghiêm trang thể hiện sự biết ơn của đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu đối với 3 vị tiên hiền. Các lễ tế bao gồm Lễ khai quang, Lễ cáo, Lễ đại tế và Lễ tạ được điều hành bởi 3 thầy mo, gồm 1 thầy mo chính và 2 thầy mo phụ. Đây chính là những người có uy tín, làm ăn giỏi, con cháu đề huề nhất trong vùng và trong bản, được cả xứ mường bầu chọn, đặc biệt phải am hiểu tường tận về ý nghĩa cũng như lịch sử về ngôi đền linh thiêng này.

Lễ Khai quang, Lễ Yết cáo được 3 thầy mo và các cán bộ huyện Quỳ Châu thực hiện vào sáng sớm ngày 20 tháng Giêng – là ngày đầu tiên của Lễ hội Hang Bua. Vật phẩm của buổi lễ được dân bản chuẩn bị gồm hoa quả, rượu, thịt… nhằm mục đích mời tổ tiên về trước án để con cháu thờ phụng. Sáng 21 tháng Giêng (tức ngày 11/3/2015), Lễ đại tế được diễn ra. Là buổi chính lễ, vật phẩm dâng cúng năm nay là 1 con trâu. Người dân bản địa quan niệm “con trâu là đầu cơ nghiệp”, vì thế phải mổ trâu cúng tế để phục vụ việc đồng áng cho tiền nhân. Trước đây đã có thời người dân thay trâu bằng dê để tiết kiệm kinh phí, nhưng ghi nhận của người dân thì cúng trâu là tốt nhất, bởi năm nào cúng trâu thì năm đó mùa màng tốt tươi, làm ăn thuận lợi, dân bản ấm no, hạnh phúc và ít bị bệnh tật hơn. Năm nay, đời sống người dân xã Châu Tiến có nhiều bước phát triển, ấm no sung túc hơn nên thể theo nguyện vọng của nhân dân, lễ phẩm dâng lên là 1 con trâu.

Chuỗi sự kiện lễ hội sẽ kết thúc bằng Lễ tạ vào chiều 22 tháng Giêng ngay tại chính ngôi đền Chiềng Ngam nhằm cảm ơn tiên tổ đã về chứng giám và chung vui với dân bản. Tại các buổi lễ, điều mà các thầy mo đại diện cho người bản, người mường khẩn các vị thành hoàng phù hộ cho con cháu được bình an, có sức khỏe, con cái đề huề đủ cả trai lẫn gái; mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi…

Năm nay, chỉ có phần lễ và không có phần hội, tuy vậy không vì thế mà Lễ tế Hang Bua kém cuốn hút. Trong cách sống, cách suy nghĩ của người dân huyện Quỳ Châu, đền Chiềng Ngam là trái tim, tâm hồn, nơi hướng tới, chốn mong về. Chuẩn bị cho lễ, các bản trong xã Châu Tiến đã tích cực chuẩn bị mâm cúng để dâng lên; làm vệ sinh sạch sẽ khu vực đền, Hang Bua và trang trí các con đường đỏ về. Đó là cách để người dân tri ân, để học tập tiền nhân có công khai bản, lập mường.

1 trong 3 thầy mo chủ lễ năm nay kể về một truyền thuyết: Cây thị cổ thụ trên đền Chiềng Ngam là hiện thân của một nàng tiên vô cùng xinh đẹp. Nàng tiên ấy trong một lần xuống chốn trần gian đã bị mê hoặc bởi phong cảnh chốn Chiềng Ngam mà không nhớ đến giờ phải về chốn thiên cung. Khi trời tối cũng là lúc cửa thiên đường đóng sập lại và nàng đã ngồi đây mà khóc cho đến khi tan vào đá núi, nơi nàng ngồi khóc xưa kia đã mọc lên một cây thị… Cây thị hàng trăm năm tuổi trên đền cành lá sum suê, vào mùa quả chín tỏa hương thơm khắp một vùng rộng lớn đã là như chứng tích của 600 năm Quỳ Châu anh hùng, của bao mùa Lễ hội Hang Bua; của một Châu Tiến hôm nay sắp được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Quỳ Châu đang từng bước thoát nghèo.

Thanh Sơn – Cảnh Nam

Theo baonghean.vn:

http://baonghean.vn/mien-tay-nghe-an/201503/huong-toi-ky-niem-600-nam-danh-xung-quy-chau-1415-2015-khi-the-doi-moi-tren-mien-dat-huyen-su-592453/


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 65176350

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July