Chiều nào mẹ Lê Thị Nguyên (75 tuổi, trú tại xóm Thành Công, xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cũng ra bờ biển. Mẹ đứng trên bờ, dõi đôi mắt đã mờ đục ra phía biển xa. Hai người con trai của mẹ vẫn nằm đâu đó giữa biển. Mẹ ra đứng ngóng các anh về…
Tuổi tác và những vất vả đời thường đã bào mòn trí nhớ của mẹ nhưng kí ức về người con trai cả dường như vẫn vẹn nguyên. Miệng móm mém nhai trầu, mẹ hoạt bát hẳn lên khi kể về người con trai cả - niềm tự hào của mình. Mẹ sinh được 6 người con, Trần Văn Minh (SN 1963) là con thứ hai, sau một người chị gái nên cũng là con trai cả. Thời đó, đói khổ quanh năm, mẹ hiếm khi nấu cho các con được bữa cơm no. Trần Văn Minh nhỏ thó, đen nhẻm nhưng chăm chỉ lắm. Hơn 10 tuổi, Minh đã theo cha ra biển.
Mẹ Lê Thị Nguyên - mẹ liệt sỹ Trần Văn Minh.
“Hắn nhỏ xíu, cha hắn phải cõng xuống thuyền chứ có lội được ra đâu”, mẹ cười móm mém. 12 tuổi, nhà khó khăn quá nên Minh phải nghỉ học. Từ đó, những chuyến đi biển của thủy thủ nhí dày đặc hơn. Mẹ thương anh sớm chịu vất vả nhưng cũng hi vọng sóng gió biển khơi sẽ rèn giũa anh sớm trở thành chàng trai quả cảm, can trường như những người đàn ông vùng biển này.
Đúng như mẹ kỳ vọng, con trai mẹ lớn lên, gia nhập hàng ngũ những người lính hải quân. Đầu năm 1988, Trần Văn Minh khi đó đã là máy trưởng, được về phép thăm nhà. “Hắn mua cho mẹ cái áo len đỏ đẹp lắm. Hắn bảo, mùa ni gió biển lạnh, mẹ nhớ mặc cho ấm. Hắn hiền lắm, mẹ nấu gì cũng khen ngon. Mà nhà mẹ hồi đó nghèo lắm, chỉ ăn cơm với rau thôi, mà cơm cũng đến hai phần độn khoai, độn sắn. Hắn chưa khi nào được ăn bữa cơm no. Hai mấy tuổi đầu, trong khi con trai miền biển bẳng tuổi hắn đều vợ con đề huề thì hắn vẫn chỉ cười trừ mỗi khi mẹ giục chuyện vợ con”, giọng mẹ như lạc đi.
Liệt sỹ Trần Văn Minh ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.
Ở nhà được mấy ngày thì Minh được lệnh quay trở lại đơn vị gấp. Mẹ đâu nghĩ đó là lần cuối cùng mình được gặp con. Bẵng đi một thời gian không có tin tức của anh. Một bữa chiều tháng 3/1988, mẹ đang ngồi trước hiên nhà thì ông hàng xóm hớt hải chạy sang. Ông bảo, vừa nghe đài. Trên đài họ thông báo 64 người lính hải quân Việt Nam hi sinh trong lúc bảo vệ đảo Gạc Ma, thấy người ta đọc đích danh thằng Minh, đọc cụ thể cả xóm, cả xã nữa. Mẹ nghe mà chết lặng cả người. Mẹ mong người ta đọc nhầm hoặc ông hàng xóm nghe nhầm nhưng linh tính người mẹ mách bảo con trai mẹ đã không còn…
Mấy tháng sau khi nhận được giấy báo tử của liệt sỹ Trần Văn Minh, mẹ lại phải gánh chịu thêm một nỗi đau thương nữa. Con trai thứ của mẹ, anh Trần Văn Quý, gặp nạn trên biển, không trở về… Mẹ khóc cạn nước mắt vì thương con. Hai đứa con trai yêu quý của mẹ đều bỏ mạng ngoài biển khơi, đến giờ vẫn chưa tìm thấy thi thể.
“Cách đây mấy năm, có đoàn cán bộ đến lấy máu của mẹ, của con Liên (chị gái của liệt sỹ Trần Văn Minh – PV). Họ bảo xem máu của mẹ có trùng với máu các liệt sỹ mới được tìm thấy không. Cơ mà, bẵng đi mấy năm rồi không thấy họ quay lại. Chắc trong số các liệt sỹ được tìm thấy đó không có con trai mẹ”, mẹ Nguyên buồn bã.
Chiều nào mẹ cũng ra biển để ngóng những đứa con xa trở về.
Dẫu biết con trai không còn nữa nhưng gần 30 năm trời, mẹ vẫn ra biển đứng ngóng đợi con về. Cả đời mẹ sống bám vào biển, con trai mẹ cũng hòa tan vào biển. Biển đã trở thành một phần máu thịt của mẹ. Biển nuôi sống các con của mẹ và biển đã dang vòng tay ôm hai con trai mẹ vào lòng. Mẹ yêu biển nhưng cũng giận biển. Đúng hơn là mẹ sợ những cơn giận giữ của biển. Bởi vậy, đã có khi mẹ không cho người con trai út, anh Trần Văn Thọ ra khơi đánh cá. Anh nghe lời mẹ, vào tận miền Nam kiếm kế sinh nhai. Nhưng con của biển, sinh ra và lớn lên từ biển, đến vùng đất bằng, thiếu sóng, thiếu gió thấy cái chân của mình không quen được. Vậy là lại ra với biển.
Mẹ hiểu con, mẹ tin biển chẳng bạc ác với mẹ. Biển sẽ nâng đỡ con trai mẹ trong những chuyến ra khơi vào lộng vì mẹ biết, trong từng con sóng vỗ mạn thuyền ấy có hình bóng của hai con trai của mẹ. Mẹ bảo, ra với biển, anh em chúng sẽ được gần nhau hơn, hai anh trai của anh Thọ cũng bớt cô đơn hơn.
Mẹ mong được đón anh trở về dẫu anh đã đi ngót 30 năm trời...
“Mẹ ước một lần ra Trường Sa, để gần thằng Minh hơn một chút. Gần 30 năm rồi… nhưng giờ mẹ đã già, sức khỏe chẳng còn mấy, lại say sóng nữa nên ước nguyện đó chắc không thực hiện được. Mẹ chỉ mong trời cho mẹ sức khỏe để được đón thằng Minh trở về. Hắn sẽ về với mẹ phải không con?”, mẹ khóc cho ước mơ lớn nhất cuộc đời mình. Mẹ tin anh sẽ về, trong một ngày gần nhất.
Chiều nay, như bao nhiêu chiều khác, mẹ lại ra biển đón đứa con xa. Biển quê mẹ bao đời nay vẫn thế, những con sóng vẫn đều đều vỗ vào bờ cát bằng bản nhạc dạt dào bất tận.
Mẹ ơi đừng khóc, anh đã về, bằng những con sóng vỗ bờ quê hương…
Hoàng Lam
http://dantri.com.vn/xa-hoi/bien-dang-tay-om-cac-con-me-vao-long-1038308.htm