(Baonghean) - Tiếng trống từ bao đời đã in sâu trong tiềm thức văn hóa tâm linh của mỗi người dân đất Việt. Trong những nghi lễ trang nghiêm hay lễ hội hè, tiếng trống trầm hùng, vang vọng tạo ra không khí uy nghi, làm tăng lòng tự hào dân tộc…
Men theo Quốc lộ 7, cách Thành phố Vinh 55 km về phía Đông Bắc, chúng tôi tìm về xã Hợp Thành (Yên Thành) được coi là nơi giữ hồn trống tế linh thiêng nổi tiếng từ bao đời nay. Hợp Thành vẫn còn giữ lại cho mình những nét trầm mặc, uy nghiêm, cổ kính của ngàn xưa với cây đa, bến nước, sân đình. Cùng với chùa Tạnh, đền Tam Tọa thờ Lý Nhật Quang, thờ tượng thần Kim Quy, thì hội thi đánh trống tế tại đình Phụng Luật vào 14 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm được xem là nét văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây. Đình Phụng Luật - địa điểm tổ chức hội thi là nơi phụ nữ xã may cờ phục vụ cho cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền huyện tháng 8/1945, hiện đang được xã làm hồ sơ trình xét công nhận là di tích lịch sử quốc gia.
|
Hội trống tế xã Hợp Thành (Yên Thành). Ảnh Internet
|
Hội thi đánh trống tế được tổ chức với mục đích tạo không khí vui tươi, phấn khởi, mừng Đảng, mừng Xuân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương đất nước. Thông qua hội thi nhằm thắt chặt tinh thần đoàn kết, giao lưu học hỏi giữa các dòng họ với nhau, khơi dậy tình yêu làng xóm để con em hướng về cội nguồn. Đối tượng tham gia là các dòng họ Đại tôn đóng trên địa bàn xã Hợp Thành. Mỗi dòng họ thành lập một đội tuyển có ít nhất 3 thành viên là con cháu trong họ tộc, phụ trách 3 lĩnh vực bao gồm: trống to, trống con, nao.
Trong phần thi, mỗi đội tuyển tham gia đánh 3 hồi trống tế với thời gian không quá 12 phút. Mỗi dòng họ tham gia cuộc thi có một người điều khiển. Người này phụ trách nghi lễ trước bàn thờ tổ tiên và đánh 3 hồi 9 tiếng vào trống to, hay còn gọi là trống sấm để bắt đầu cuộc thi.Theo những người dân ở đây kể lại, trống sấm là loại trống có từ lâu đời, chỉ dùng cho những đại lễ linh thiêng như Tết Nguyên đán hay ngày Rằm tháng Giêng hàng năm. Tang trống làm bằng lõi mít 300 năm tuổi. Con trâu mà người ta lấy da dùng để ghép mặt trống phải được thờ cúng trước và lựa chọn kỹ càng. Sau khi người điều khiển trống đánh 3 hồi 9 tiếng, những người khác trong đội bắt đầu bắt nhịp và nổi nhạc trống. Người tham gia cuộc thi phải mặc áo dài, khăn đóng nghiêm trang đúng với phong tục tập quán của cha ông xưa. Đánh trống tế không những phải đúng nhịp mà còn phải kết hợp múa dùi trống sao cho đẹp và uyển chuyển, hợp với giai điệu hồn của nhạc trống. Một hội thi bao gồm 6 phần: Cổ Tam Thông (1 hồi); Khai Chỉnh Cổ (1 hồi 9 tiếng); Tiễu nhạc tác (1 hồi); Trống tế (1 hồi); Trống tán (5-7 nhịp); Trống rước (5-7 nhịp).
May mắn được gặp cụ Nguyễn Hữu Châu (72 tuổi) là bậc lão làng, đồng thời là ban giám khảo cho cuộc thi đánh trống tế. Khi được hỏi về cách thức cũng như nét đặc sắc của cuộc thi, cụ hồ hởi: “Lớn lên đã thấy làng có hội thi trống tế của làng rồi. Mỗi một xã hay dòng họ lại có những cách đánh nhịp phách khác nhau. Nhịp phách có lúc dồn dập có lúc chậm rãi, nhưng tiêu chí là phải lôi cuốn được mọi người, hướng con người đến với cái thiện. Người đánh trống to phải láy theo trống con cho khớp nhịp để tạo được âm hưởng linh thiêng, thúc dục”.
Hội thi trống tế là sự hòa hợp giữa các thế hệ với nhau. Trong một đội trống của dòng họ có cả nam và nữ, nhiều thế hệ tham gia, từ các cụ lão làng đến những cháu nhỏ. Ban Tổ chức có các giải khuyến khích những thế hệ trẻ trong làng trong họ tham gia như thí sinh đánh trống to, trẻ triển vọng nhất hay thí sinh nữ xuất sắc nhất. Hội thi không chỉ có 14 họ tộc trên địa bàn tham gia, mà còn thu hút hàng ngàn người trong và ngoài xã đến xem và cổ vũ, tạo không khí đoàn kết “quốc thái, dân an”.
Ông Hoàng Trọng Lý (Chủ tịch UBND xã Hợp Thành) khẳng định: “Tổ chức hội thi trống tế hàng năm được người dân đánh giá cao về mặt giá trị tâm linh cũng như văn hóa. Sắp tới, rút kinh nghiệm từ những lần tổ chức trước, xã sẽ xây dựng quy chế hội thi. Mặt khác, mở rộng quy mô và nghi lễ trống tế như trong nhà thờ, như kết hợp đánh trống với dâng hương, đọc tế, trống cúng; tổ chức giao lưu với các xã bạn. Mỗi xã có cách đánh trống tế với tiết tấu khác nhau, để qua đó giao lưu và làm phong phú hơn cho hội thi”.
Khắc Thịnh
Hà Giang
Theo baonghean.vn:
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201502/giu-hon-trong-te-584308/
|