(Baonghean) - Sinh thời, Bác Hồ dành cả cuộc đời mình phục vụ nhân dân, đất nước. Trước khi ra đi, Người chỉ có một ước nguyện, muốn nghe một câu hò, điệu ví... mang âm hưởng dân ca vào cõi bất tử. Mong muốn dung dị ấy của Bác đã để lại cho các thế hệ mai sau bài học sâu sắc, “rằng muốn yêu Tổ quốc mình càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”.
Dân ca trong trái tim Người
Giữa những ngày cả tỉnh, cả nước đang hướng về xứ Nghệ, hướng về Lễ vinh danh Dân ca ví, giặm là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, chúng tôi đã tìm đến nghệ sỹ Song Thao - người 3 lần may mắn được gặp Bác và 2 lần vinh dự được hát cho Bác nghe. Trong ngôi nhà nhỏ ở Thành Vinh vào ngày rét ngọt, bà kể với giọng đầy xúc động: Tháng 12/1961, lần thứ hai khi Bác về thăm quê. Lần đó, Đoàn Văn công Nghệ An đang luyện tập thì nhận được chỉ thị của Tỉnh ủy, đoàn vinh dự được biểu diễn phục vụ Người. Cả đoàn reo mừng, sung sướng.
Đến ngày diễn, tôi hồi hộp lắm, tập đến quên ăn, quên ngủ, nhưng vẫn chưa tự tin. Hơn 6h tối, xe đưa đoàn văn công đến hội trường Công an vũ trang tỉnh để chuẩn bị. Đúng 19h, có tiếng còi ôtô. “Bác đến!", một thành viên trong đoàn kêu to, cả đoàn nín thở sau cánh gà nhìn dồn vào cửa hội trường. Thật bất ngờ, phút chốc Bác Hồ đã đến ngay bên cạnh đoàn văn công. Bác giơ tay chào, thăm hỏi sức khỏe từng người và căn dặn diễn cho tốt… Cử chỉ ân cần của Người làm những lo lắng, hồi hộp của cả đoàn lắng xuống.
|
Nghệ sỹ Ưu tú Song Thao.
|
Trong toàn bộ chương trình, có thể nói các tiết mục dân ca được xem là “linh hồn” buổi diễn, được xếp vào giữa chương trình để có thời gian chuẩn bị. Nghệ sỹ ưu tú Song Thao vẫn nhớ rất rõ buổi diễn hôm đó: “Bước ra sân khấu, tôi cố lấy lại bình tĩnh, tự chủ hơn, tôi nhìn Bác, lại nhìn khán giả, cảm nhận được sự động viên to lớn. Tôi bắt đầu hát, dường như tôi đã “đắm mình” trong làn điệu và cố gắng nhìn Bác được rõ hơn “Người ơi... trăm năm đá nát vàng phai, đốt chùa không tội bằng sai lời nguyền/ Ờ... ơ... chư bao giờ Hồng Lĩnh hết cây/ Mà sông Lam hết nước thì đó với đây mới hết ơ tình...!”.
Tiết mục hát dân ca của bà và các nghệ sỹ làm Bác xúc động. Người rút khăn tay chấm nước mắt khi nghe tiếng hát khơi gợi thời thơ ấu của mình. Bác nói với ông Nguyễn Sỹ Quế - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc bấy giờ: “Nên khen các cháu hát dân ca, vì ngày xưa người ta chỉ hát ví ở sân nhà, ngoài đồng, trên sông. Nay các cháu đã mạnh dạn đưa lên sân khấu, mà lại hát có tình, có ý, nghe hay, có sáng tạo”. Người nhanh nhẹn bước lên sát sân khấu, giơ cao một chiếc lẵng mây, tươi cười: “Các cháu diễn tốt Bác thưởng kẹo, có thích ăn kẹo không?” cả đoàn đồng thanh: “Thưa Bác có ạ!”. Mọi người vui vẻ đón nhận món quà nhỏ đầy ý nghĩa của người cha già dân tộc.
Hai lần sau là vào năm 1965, NSƯT Song Thao dự Liên hoan ca múa nhạc toàn miền Bắc, được vào Phủ Chủ tịch hát cho Bác nghe, được đi xem triển lãm cùng Bác tại khu Tràng Tiền. Lần này, được gặp Bác ngay tại nơi Người ở và làm việc, thật vô cùng hạnh phúc. NSƯT Song Thao luôn khắc ghi lời căn dặn của Bác: “Các cháu hát dân ca lời cổ, phải hiểu tấm lòng của tổ tiên, ông bà ta ngày trước…”. Chỉ từng ấy thôi đã khiến bao trái tim trong đoàn thổn thức, nhiều dòng nước mắt sung sướng và biết ơn dâng trào.
Năm 1969, bà cùng đoàn ra Hà Nội luyện tập chương trình chuẩn bị đi biểu diễn giao lưu ở nước ngoài thì được tin Bác mất. Lúc đó, bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” được nhạc sỹ Đỗ Nhuận cải biên từ dân ca “Giận mà thương” của Nghệ Tĩnh hoàn thành đang tìm người hát. Nhạc sỹ Đỗ Nhuận đã gặp Song Thao và 2 người có 15 phút để luyện tập, sau đó thu âm phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Những ngày đau thương ấy, bài hát do Song Thao thể hiện cất lên cùng nước mắt của triệu triệu người dân Việt… “Bài hát có thể chưa chuẩn về mặt kỹ thuật, nhưng nó đã vang lên bằng tất cả nỗi nhớ thương, kính trọng của tôi đối với Bác Hồ” - bà nói.
NSƯT Song Thao chia sẻ: Lúc sinh thời, Người không chỉ yêu cuộc sống, yêu tự do, thích sống hòa đồng với thiên nhiên, mà còn nặng lòng, tha thiết với những khúc hát dân ca. Những khúc hát dân ca là hồn cốt của dân tộc, mang trong mình cả hình bóng quê hương, xứ sở, được sáng tạo bởi quần chúng nhân dân lao động từ bao đời nay. Mong muốn giản dị mà sâu sắc ấy của Người phần nào đã được hiện thực hóa khi Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh luôn có chỗ đứng quan trọng trong đời sống âm nhạc đương đại và được UNESCO vinh danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Gặp nhau ở câu hò, điệu ví…
Điều khiến tôi đặc biệt ấn tượng về câu lạc bộ dân ca của những “nghệ sỹ làng” ấy là được tổ chức như là một “ban nhạc” thực thụ. Người hát, người chơi nhạc, người viết lời, dàn dựng… Chất keo kết nối những người dân quê ấy lại với nhau chính là niềm đam mê bất tận với câu hò, điệu ví.
Ông Nguyễn Đình Kỳ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca Tân Sơn (Đô Lương) kể: Trước đây, vào những năm 80, ở Tân Sơn, phong trào văn hoá, văn nghệ phát triển rất mạnh. Thời đó, nam nữ thanh niên trong làng đều say mê phong trào, họ cùng nhau lập nên Đội văn nghệ lưu động, đi biểu diễn khắp nơi trong làng, ngoài xã. Về sau, đội lưu động giải thể. Như một lẽ tự nhiên, những người cùng chung tình yêu với câu hò, điệu ví lập nên câu lạc bộ dân ca. Và họ trở thành những hạt nhân của câu lạc bộ dân ca cho đến bây giờ.
|
CLB Dân ca xã Tân Sơn tham gia Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2014.
|
Từ 7 thành viên đầu tiên, để lan toả tình yêu với điệu ví, Câu lạc bộ Dân ca Tân Sơn đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể xây dựng chương trình biểu diễn trong các lễ kỷ niệm, hội nghị, trong trường học… Qua thời gian, câu lạc bộ ngày càng thu hút đông đảo các thành viên tham gia. Đến nay, câu lạc bộ có trên 20 thành viên với đa dạng các ngành nghề, từ cán bộ xã, giáo viên, học sinh, nông dân. Mỗi thành viên đều được “phân vai” đảm nhận một nhiệm vụ trong “ban nhạc” làng quê ấy.
Ông Nguyễn Đình Kỳ vừa là giọng nam chính, vừa phụ trách viết lời cho các tiết mục của câu lạc bộ. Ông luôn trăn trở làm sao để lưu giữ nét đẹp truyền thống của quê mình. Với ông, “càng đào sâu tìm hiểu càng thấy “vỡ” ra và thấm thía cái hay, cái đẹp của lời ca, điệu ví”. Bởi vậy, ngoài việc dày công sưu tầm các bài dân ca cổ, ông Kỳ còn dành nhiều tâm huyết viết lời mới dựa theo các làn điệu Dân ca ví giặm. Dù ca ngợi quê hương, đất nước, hay để tuyên truyền về phòng, chống ma túy, chống bạo lực gia đình… lời bài hát do ông sáng tác luôn giàu ý nghĩa, chứa đựng triết lý sâu sắc và dễ thuộc, dễ nhớ, dễ gần với bà con.
Chúng tôi đọc thấy trong ánh mắt những người nông dân chân chất ấy niềm đam mê Dân ca ví, giặm đến lạ kỳ. Chỉ có đam mê, họ mới có thể trút bỏ những lam lũ, mệt nhọc trên ruộng đồng để đêm đêm luyện tập; chỉ có đam mê mới thôi thúc họ gác lại những bận rộn, lo toan gia đình để cùng câu lạc bộ đi khắp nơi tham gia những hội thi, hội diễn, những đợt liên hoan cấp huyện, tỉnh…
Câu lạc bộ còn thu hút cả những giáo viên làng cùng tham gia. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Thuý (giáo viên Trường Tiểu học Tân Sơn) đảm nhận việc dàn dựng các chương trình, tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ. Vốn yêu thích ca hát và nhiệt tình với các phong trào văn nghệ, nên sau vài lần được nghe, xem câu lạc bộ biểu diễn, cô bị cuốn vào phong trào lúc nào không hay. Luôn trăn trở để sáng tạo, làm mới những chương trình biểu diễn, cô Thuý đã tự mình sưu tầm các trò diễn xướng dân ca, từ đó biến hoá thành những tiết mục biểu diễn phù hợp với mỗi sự kiện mà câu lạc bộ tham gia. Cô Thuý còn tình nguyện “lo” các khâu trang phục và hoá trang cho từng thành viên trong các buổi diễn.
Như là “đứa con tình thần” chung, nên mỗi thành viên luôn ý thức tự nguyện đóng góp để trang bị các loại nhạc cụ: từ trống, đàn, sáo đến các đạo cụ để phục vụ cho các tiết mục biểu diễn… Cùng với tổ chức khá bài bản, mỗi thành viên đều say sưa, nhiệt huyết với phong trào, nên câu lạc bộ Tân Sơn đã gặt hái được nhiều giải thưởng trong các kỳ liên hoan: Năm 2012, đạt giải A Liên hoan Dân ca ví, giặm toàn tỉnh với tiết mục tập thể “Khúc giao duyên làng nồi”; Giải B Liên hoan Dân ca ví, giặm cấp tỉnh năm 2014 với tiết mục “Nghĩa mẹ tình quê”…
Mối duyên người nghệ sỹ
Đã bước qua tuổi bảy mươi nhưng chất tài tử, hào hoa của Nghệ sỹ Ưu tú Đình Bảo vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Nó cũng giống như tình yêu của ông với Dân ca ví, giặm, dẫu đến nay ông đã rời xa ánh đèn sân khấu trên hai mươi năm…
Với những ai đã từng xem vai diễn Cu Phí trong vở “Không phải tôi”; anh Giao trong vở “Hạt lúa quê ta”… hẳn sẽ không thể quên được lối diễn dung dị, tự nhiên và giọng hát đầy cảm xúc của ông. Tình yêu của ông với nghệ sỹ Phạm Thị Lan cũng bắt đầu từ sàn diễn của Đoàn Dân ca Nghệ An ngày nào. Hành trang của vợ chồng trẻ đầu những năm 1970 thật đơn sơ. Thứ giàu nhất của họ khi đó có lẽ là tuổi trẻ và tình yêu, khát khao đưa loại hình Dân ca ví, giặm từ trong dân gian lên sân khấu. Đó cũng là khi người dân Thành phố Vinh, người dân khắp cả nước bắt đầu biết đến Dân ca ví, giặm với những vở diễn để đời như “Mai Thúc Loan”, “Cô gái sông Lam”, “Linh hồn của đá”, “Chuyện tình ông vua trẻ”…
|
Nghệ sỹ Ưu tú Đình Bảo và vợ.
|
Để có những vở diễn đó, bản thân ông đã phải trải qua rất nhiều vất vả. Và điều mà nghệ sỹ Đình Bảo cùng với những người đồng nghiệp như Song Thao, Xuân Năm, Thanh Lưu, Nam Trung, Linh Quảng… không thể quên được chính là những ngày rong ruổi khắp hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh để sưu tầm các làn điệu Dân ca ví, giặm. Tờ mờ sáng ông đã xách chiếc xe đạp cũ kỹ, trên xe lỉnh kỉnh đủ thứ hàng, nào chè xanh, nào gạo… rong ruổi các miền quê để sưu tầm dân ca. Thời điểm đoàn đi sưu tầm nhiều nhất là trong hai năm 1973 - 1974, có những chuyến đi xuống cơ sở kéo dài nhiều tháng liền.
Thành quả lớn nhất từ những chuyến đi đó là đã ghi lại được hầu hết các làn điệu Dân ca ví, giặm xứ Nghệ đang còn lưu giữ trong dân gian và sau này được xuất bản thành nhiều tập sách có giá trị. Nghệ sỹ Đình Bảo khẳng định: Nếu ngày ấy công tác sưu tầm, bảo tồn không được chú trọng, thì nay khó có thể được công nhận Dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại bởi ví giặm phải ở trong dân, từ nhân dân mà hình thành và nó mang hơi thở cuộc sống của người dân xứ Nghệ. Đơn giản như cùng là hát ví, nhưng nơi ươm tơ, dệt vải thì gọi là hát ví phường vải, nơi có nghề làm nón gọi là hát ví phường nón, nơi gần sông nước gọi là hát chầu hến…
Nghệ sỹ Đình Bảo còn có niềm tự hào riêng, đó là đã sáng tác thành công làn điệu tứ hoa, một trong ba làn điệu được xem là “kinh điển” của sân khấu dân ca Nghệ Tĩnh (cùng với làn điệu Giận thương của đạo diễn Nguyễn Trung Phong và điệu hát khuyên của Nhạc sỹ Thanh Lưu)… 30 năm trôi qua, kể từ khi làn điệu tứ hoa chính thức được sáng tác, cho đến bây giờ vẫn được các đạo diễn sử dụng thường xuyên và trở thành điểm nhấn tạo nên sự lôi cuốn của các vở diễn.
Một đời làm nghệ sỹ với hàng chục vai diễn trên sân khấu, khi về hưu, nghệ sỹ Đình Bảo vẫn xem đó là điều may mắn nhất trong cuộc đời mình. Để rồi thỉnh thoảng nhớ bạn diễn, nhớ ánh đèn sân khấu, ông lại ngược đường Lê Lợi tìm đến nhà hát dân ca xưa để nghe và truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ trẻ. Ông cũng vào cả Kỳ Anh, Nghi Xuân (Hà Tĩnh), hay Anh Sơn, Diễn Châu, Quỳnh Lưu để cùng với các địa phương mở lớp dạy hát dân ca và dạy cách viết lời… Bình dị hơn, thỉnh thoảng ông lại cùng vợ và cũng là người đồng nghiệp xưa diễn lại một số trích đoạn cũ… Rằng thì Ơ ai biết nước sông Lam răng là trong là đục/ Thì biết sống cuộc đời chứ răng là nhục là vinh/ Thuyền em lên thác xuống ghềnh/ Nước non là nghĩa, là tình... mà ai ơi!
Phạm Ngân - Đinh Nguyệt - Song Hoàng
Theo Baonghean.vn:
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201501/cang-yeu-tha-thiet-nhung-khuc-hat-dan-ca-583844/
|