Hàng năm, mỗi độ giáp tết, người dân quê tôi, nhà nào cũng quây quần bên bếp lửa, háo hức, chế biến một món ăn truyền thống, mộc mạc, đời thường nhưng đậm đà dư vị quê hương. Đó là kẹo cà, kẹo ong… ngày nay người ta thường gọi chung là “kẹo quê” để phân biệt với các loại bánh kẹo bán trên thị trường.
Người già nhất làng tôi cũng không biết “kẹo quê” có từ bao giờ, chỉ biết đời cha truyền cho đời con, rồi mỗi dịp xuân về lại làm để cúng tổ tiên và ăn trong ba ngày tết. Cuối năm khi hoa đào hé nụ, mọi người chộn rộn chuẩn bị nấu bánh chưng, bánh tét, cũng là lúc nồi “kẹo quê” sắp được bắc lên. Nguyên liệu chính để làm kẹo là những sản vật đồng quê dễ kiếm như mật mía, cốm nếp, lạc rang, gừng tươi. Các mẹ, các chị thường lựa chọn những thứ này, mua, cất, để dành tới tết. Ngày xưa, quê tôi trồng nhiều mía. Những tháng cuối năm, đi đâu cũng thơm lừng mật mía, rộn ràng tiếng trâu kéo “che” ép mật, cót két, vui tai. Người đi chợ, chọn mua những chai mật mới nấu, đặc sánh, màu cánh dán, về cất vào khuông bếp. Mùa lúa nếp vàng ươm, nhà nào cũng chọn lấy một ít nếp vừa chín tới, còn đọng mùi hương trên hạt, gặt về, luộc, phơi, xay, giã lấy gạo, cất làm cốm vào dịp cuối năm. Gừng tươi thì có ở trong vườn… Ngày nay, đất quê không còn trồng mía, mật được chuyển từ Nghĩa Đàn, Tân Kỳ về bán tận làng. Từ rằm tháng 12 âm lịch, mọi nhà đã rậm rịch chuyện mua mật ngon làm kẹo tết.
Lớn lên từ xứ Nghệ, có lẽ ai cũng từng ăn và ít nhiều biết cách làm món kẹo này. Gạo nếp luộc, dậy cốm thơm, xay thành bột mịn. Lạc rang, lăn chai thuỷ tinh cho vỡ ba, tư. Gừng tươi giã nhỏ. Nấu mật sôi trào, khi nào nhỏ mật vào trong bát nước thấy lắng dưới đáy là cho các thứ vào đảo kỹ, tạo thành một hỗn hợp dẻo quéo, thơm nồng. Nếu làm kẹo cà thì đổ hỗn hợp này vào một cái mâm. Mọi người trong gia đình ngồi vây quanh mâm kẹo nóng hổi, cùng nhau vo, viên, thành những cái kẹo đều đặn như những quả cà. Nếu làm kẹo ong thì đổ hỗn hợp kẹo lên mặt bàn hay tấm nhựa cứng, dạt mỏng thành hình chữ nhật hay hình vuông. Đặt thanh gỗ lên, dùng dao rạch thành những song kẹo dài như cái thước, rồi cắt nhỏ ra như những miếng khoai lang phơi dưới nắng hè (cắt kiểu con ong). Để làm được một mẻ “kẹo quê” ngon, giòn, tơi, sáng, đòi hỏi người làm phải nắm được kỹ thuật, trộn hỗn hợp đúng tỷ lệ, đúng thời gian. Nấu mật lâu quá thì kẹo sẽ cứng, sẽ sẫm màu, còn chưa đủ thời lượng thì kẹo sẽ non mềm, dễ chảy nước. Sau khi làm xong, kẹo được lăn qua một lớp bột khô chống ẩm, để nguội và cất vào nồi, chờ tết.
Người quê tôi, quan niệm làm kẹo tết để dâng cúng gia tiên, nên không được nếm trước. “Kẹo quê” là một trong những món chính trên mâm cỗ ngày xuân. Chỉ sau bữa cơm tất niên chiều cuối năm, cả nhà mới xum vầy, thưởng thức món kẹo vừa cúng, được làm nên bởi chính bàn tay khéo léo của các thành viên trong gia đình. Bên ly trà xanh ấm nóng, thoang thoảng hương trầm, mọi người ngồi nhấm nháp từng viên kẹo cà, kẹo ong, cảm nhận cái ngọt ngào của mật, cái béo bùi của lạc, cái thơm nồng của cốm nếp, gừng tươi, nghe vị quê lan toả, trong không khí mùa xuân đang về.
Ngày đầu năm, đi chúc tết anh em, bà con làng xóm, trên bàn khách nhà nào cũng có “kẹo quê”. Giữa rất nhiều loại kẹo bánh ngày xuân, ai cũng chọn lấy “kẹo quê” để ăn, để nếm, vì đó là sản phẩm thể hiện sự độc đáo, sáng tạo của từng nhà, vừa ngon, lại vừa an toàn. Mọi người được dịp thưởng thức, bình phẩm về chất lượng, hình thức của kẹo giữa các gia đình và trao đổi kinh nghiệm làm kẹo cho nhau, đầm ấm, vui tươi, trong tình làng nghĩa xóm.
Ngày nay, trên thị trường, bánh kẹo làm sẵn vô cùng phong phú, mẫu mã bắt mắt, nhiều loại vừa ngon, vừa đẹp; tuy vậy, món “kẹo quê” vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng người quê, làng quê - nơi đã sản sinh ra nó. Cuộc sống hiện đại, chuộng đồ ăn, thức uống nhanh chóng, tiện lợi, nhưng cũng rập rình hoá chất; vì vậy những món ẩm thực “sinh ra từ làng”, ngày càng được nhiều người ưa thích, trong đó có “kẹo quê”. Người dân quê tôi, mỗi dịp tết đến xuân về, dù công việc cuối năm tất bật, vẫn dành thời gian để làm món “kẹo quê” thân thuộc. Nhà nào cũng náo nức làm kẹo. Những đêm cuối năm, trong không khí ấm cúng, chan hoà, của ngày đoàn tụ, nồi “kẹo quê” đượm mùi ngào ngạt, đã tạo thêm không khí đón tết cho mỗi gia đình. Có “kẹo quê” trong nhà, là có thêm hương vị tết.
Với nhiều người Nghệ, “kẹo quê” đâu chỉ là món ăn quen thuộc, in dấu bao kỷ niệm tuổi thơ, mà còn là hình ảnh quê hương mộc mạc, đơn sơ, nhưng đầy ắp nghĩa tình. Sang xuân, “kẹo quê” lại “lên xe” theo chân người đi xa, vào Nam, ra Bắc, đến các thành phố lớn. Nơi đất khách, thưởng thức vị “kẹo quê” ngọt ngào do bàn tay mẹ tự làm, những người con xa xứ đã thấy ấm lòng như được về sống giữa đất quê.
Xuân đang đến, làng tôi lại bắt đầu thơm mùi kẹo mới. Những đêm nấu bánh, làm kẹo cùng người thân bên ánh lửa bập bùng, lại trở về như tự ngày xưa. Cùng với bánh chưng xanh, câu đối đỏ, “kẹo quê” mộc mạc đã góp phần làm cho ngày tết cổ truyền của mỗi gia đình, thêm ấm cúng, đủ đầy và đậm đà bản sắc quê hương.
An Nam – Huy Thư
|