(Baonghean) - Đền Nguyễn Trung Minh cổ kính, uy nghiêm giữa làng Thừa Sủng, xã Diễn Xuân (Diễn Châu), bao đời nay trở thành niềm tự hào của quê hương và dòng họ. Với kiểu kiến trúc cổ cùng các loại sắc phong, đồ tế khí được lưu giữ từ hàng trăm năm nay, đền thực sự xứng đáng khi được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa.
Đền thờ Nguyễn Trung Minh ở làng Thừa Sủng (Diễn Xuân- Diễn Châu). |
Theo tộc phả dòng họ Nguyễn làng Thừa Sủng và các tư liệu đang lưu giữ, ngôi đền cổ này là nơi thờ Dực Bảo trung hưng Nguyễn Trung Minh, một nhân vật lịch sử. Lúc triều đình phong kiến Lê - Trịnh bước vào giai đoạn suy thoái, lập tức các phe phái nổi lên hòng cát cứ, tranh quyền đoạt lợi, gây ra cảnh binh đao kéo dài. Đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, nhân dân đói khổ lầm than, phải lưu tán khắp nơi để sinh sống và tránh họa. Họ Nguyễn ở Thừa Sủng từ miền Bắc vào và chọn vùng đất Hoan Châu làm chốn dựng chân, lập làng bên cạnh con sông Bùng. Những người con của dòng họ Nguyễn cùng ra sức khai hoang, ngăn đập, be bờ đắp thửa để trồng lúa, trồng ngô và hình thành, phát triển nghề phụ. Nhờ đó, cảnh đói khát, thiếu ăn, thiếu mặc dần được đẩy lùi, cuộc sống ngày càng yên ấm. Thấy vậy, người dân quanh vùng tìm về đây sinh cơ lập nghiệp ngày một đông, và một thời gian sau lập nên làng Kẻ Suống, thuộc xã Lý Trai, phủ Diễn Châu. Khi ruộng đồng tươi tốt, lúa ngô đầy nhà, cuộc sống no đủ, xóm làng yên vui, con cháu dòng họ Nguyễn bắt đầu chuyên tâm vào việc đèn sách, thi cử mong mở mặt với đời. Thời vua Cảnh Hưng, dòng họ Nguyễn làng Sủng có 3 người được ghi bảng vàng.
Là hậu duệ đời thứ 5 của dòng họ Nguyễn làng Thừa Sủng, Nguyễn Trung Minh nổi tiếng thông minh, sáng dạ, thông thuộc kinh sử, lại giàu lòng nhân ái, vị tha. Sinh thời, ông làm nghề dạy học và bốc thuốc cứu người, lại còn giúp dân cách đào ao, khơi giếng, mở rộng đường sá, xây dựng đình đền chăm lo đời sống tâm linh, tổ chức cúng tế vào các dịp lễ, tết. Với tấm lòng thiết tha và trọn nghĩa với xóm làng, họ tộc, Nguyễn Trung Minh một lòng thờ phụng tổ tiên và giúp đỡ dân lành, được mọi người kính trọng.
Một lần nữa, đất nước lại rơi vào cảnh binh đao loạn lạc, nhân dân cực khổ lầm than, giặc dã lại lăm le bờ cõi, dù tuổi đã cao Nguyễn Trung Minh vẫn xin tòng quân cứu nước. Với tài năng và đức độ sẵn có, ông tập hợp được đông đảo nghĩa quân và nhân dân, tiến hành xây dựng căn cứ. Nhận thấy tấm lòng tận trung, tận hiếu và tài thao lược của con người thuộc đất Hoan Châu này, triều đình đã giao cho Nguyễn Trung Minh chức Trấn thủ Sơn Tây, một địa bàn chiếc lược vô cùng quan trọng. Trong một trận đánh ác liệt, địch đông và mạnh, ông đã hy sinh để giữ thành. Để tỏ lòng tiếc thương và ghi nhớ công lao của ông, vua Lê Thần Tông (niên hiệu Thịnh Đức 1653 - 1657) phong sắc: “Bản cảnh Thành hoàng, chính trực linh thông, sắc phong Dực Bảo trung hưng, gia phong bảo an chính trực, duệ võ tinh văn, đoan túc linh phù tôn thần”.
Về sau, vua Lê Hiển Tông (1717- 1786, niên hiệu Cảnh Hưng) đã phong Nguyễn Trung Minh là Dực Bảo trung hưng và cấp đất cho nhân dân làng Thừa Sủng và con cháu dòng họ Nguyễn lập đền thờ và xây dựng lăng mộ uy nghi, hoành tráng. Sang thời Nguyễn, vua Thành Thái xuống sắc phong ông là “Dực Bảo trung hưng linh phù chi thần”, nội dung sắc phong có đoạn: “Sắc ban Nghệ An tỉnh, Đông Thành huyện, Lý Trai xã, Thừa Sủng thôn phụng sự thần “Bản cảnh thành hoàng chính trực linh thông chi thần” đã từng tỏ rõ rất linh ứng, từ trước đến nay chưa có dự phong. Nay trẫm kế thừa mệnh lớn, nghĩ đến công lao của thần làm tướng thống suất xuất quân, hoàn thành xuất sắc, thành tích lẫy lừng, xứng đáng phong làm: “Dực Bảo trung hưng linh phù chi thần” chuẩn cho phụng thờ như cũ. Thần hãy phù hộ, che chở cho dân của trẫm”.
Đền thờ Nguyễn Trung Minh mặt hướng về phía Biển Đông, tựa lưng trên sống đất kỳ long cao ráo và linh thiêng. Kiểu kiến trúc được xác định là đặc trưng của thời Hậu Lê. Qua hàng trăm năm với biết bao biến động thăng trầm, ngôi đền vẫn còn giữ được hậu cung, trung điện và bái đường, tất cả đều được làm bằng gỗ lim. Năm 1999, đền được UBND tỉnh công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hóa. Từ đó đến nay, chính quyền địa phương và con cháu dòng họ Nguyễn tiếp tục bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo để ngôi đền đứng mãi cùng thời gian, để giữ mái nét thiêng của làng Thừa Sủng. Hằng năm, vào ngày Tết và ngày giỗ tổ, con cháu khắp nơi tìm về đây để bày tỏ tấm lòng tri ân và ngưỡng trước tổ tiên. Đây chính là cội nguồn văn hóa hình thành nên nhân cách tốt đẹp của con người, dù làm gì, ở đâu cũng luôn gìn giữ đất lề, quê thói.
Công Kiên
Theo Baonghean.vn:
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201412/net-thieng-lang-thua-sung-573937/