Trang chủ Liên hệ       Chủ nhật, Ngày 24/11/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Nhạc sĩ An Thuyên - Tình ca và khúc quân hành Nhạc sĩ An Thuyên - Tình ca và khúc quân hành , Người xứ Nghệ Kiev
 

Nhiều người nhận định: An Thuyên là nhạc sĩ tiêu biểu nhất trong số các nhạc sĩ trưởng thành sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ông thực sự tài hoa ở 2 mảng đề tài, đó là tình ca và khúc quân hành.


Kể từ ca khúc Em chọn lối này được sáng tác năm 1972 tươi vui theo phong cách dân ca Thái Nghệ An cho đến nay, An Thuyên có tới vài trăm ca khúc, trong số đó có nhiều ca khúc hay được công chúng yêu thích. Điều tuyệt vời mà hiếm nhạc sĩ nào cùng thời với ông có được đó là thành công ở hai đề tài: Tình khúc thấm đẫm làn điệu dân ca quê hương xứ sở và ca khúc về quân đội hùng tráng, đầy khí phách.

Ai hiểu về An Thuyên thì dễ dàng giải mã điều kỳ diệu trước tài năng lớn này. Đó là trước khi trở thành nhạc sĩ, chàng trai trẻ đất Quỳnh Lưu, Nghệ An là một nhà sưu tầm văn hóa văn nghệ, trong đó chủ yếu là dân ca xứ Nghệ. Chính An Thuyên tâm sự, những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, ông được đi làm trợ lý cho các nhà nghiên cứu lớn. Sau đó, khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người thường cho rằng tuổi trẻ bồng bột, ít kiên trì, nhất là mảng sưu tầm văn hóa dân gian thì An Thuyên làm ngược lại. Ông đã xung phong tiếp tục công việc, vác máy ghi âm cũ kỹ R5, cùng chiếc xe đạp cà tàng tự mình lặn lội khắp nẻo cùng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, sau đó về xử lý lại thành hàng trăm băng nhỏ theo đề tài, chủng loại. Có thể nói đây là công trình sưu tầm về dân ca rất có giá trị. Rất tiếc, đến năm 1975, ông nhập ngũ nên đành để lại toàn bộ sản phẩm quý giá này. Trong thời gian này, tuy chỉ có kiến thức âm nhạc sơ đẳng nhưng ông lại sáng tác được 2 bài gây tiếng vang lớn trong giới âm nhạc. Đó là bài hát Em chọn lối này có âm hưởng dân ca Thái và Đêm nghe đò đưa nhớ Bác theo phong cách dân ca ví dặm “phường vải”. Nếu nói vui, chỉ cần 2 bài hát này An Thuyên cũng đã đủ tư cách ngồi trong chiếu làng âm nhạc Việt.

Sau khởi đầu trên nền tảng vững chắc của các giai điệu dân ca đã thấm đẫm vào máu thịt, An Thuyên có bước đi thật thú vị: tình ca và khúc quân hành. Trước hết, với tư cách là một nhạc sĩ quân đội, ông đã làm say đắm hàng triệu trái tim chiến sĩ bằng những bài hát như: Hành quân lên Tây Bắc đầy âm hưởng chiến thắng Điện Biên và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc với biểu tượng Những bước chân mang hình mũi tên sáng tác năm 1984. Cũng trong năm này, ông có bài Khi xe tăng anh qua miền quan họ rất hay, làm nhiều nhạc sĩ ngả mũ thán phục vì hình ảnh thứ vũ khí to lớn, thô ráp với làn điệu quan họ khó có thể hòa quyện, thế mà qua tay ông, tất cả trở nên mềm mại, dịu dàng, chan chứa tình quân dân. Riêng Mẹ Việt Nam anh hùng có thể coi là bài ca chính thức của mọi buổi lễ tôn vinh mẹ Việt Nam anh hùng, đây là bài hát theo đơn đặt hàng của Tổng cục Chính trị và Bộ Văn hóa. Có một chi tiết thú vị là Bộ trưởng Bộ Văn hóa khi đó là nhạc sĩ lừng danh Trần Hoàn đã vỗ vai An Thuyên “đặt hàng”, điều đó chứng tỏ ông được tin cậy như thế nào! Và chỉ trong một đêm, chàng nhạc sĩ trẻ đã hoàn thành “khúc khải hoàn ca” về các bà mẹ Việt Nam. Trong buổi lễ tuyên dương đầu tiên tại Phủ Chủ tịch, tốp ca Trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội nơi ông làm Hiệu trưởng đã hát vang bài hát này, và tất cả mọi người đều ứa nước mắt.

Song hành với hàng trăm ca khúc mảng quân đội, trong sâu thẳm tâm hồn của người nhạc sĩ xứ Nghệ luôn dâng trào những làn điệu dân ca nên ông vẫn không quên tình ca. Chỉ có điều rất lạ là cùng với những bài hát mang âm hưởng giai điệu dân ca quê hương như: Hà Tĩnh mình thương, Ca dao em và tôi, Em chọn lối này, Neo đậu bến quê… thì đi tới bất cứ nơi đâu, An Thuyên cũng “xử lý” ngọt ngào chất liệu dân ca nơi ấy như Huế thương, Chín bậc tình yêu, Chiều sông Thương, Thơ tình của núi… Gần đây, ông lại có những bài hát rất sang trọng và lạ như: Dương cầm thu không em, Phật bà nghìn mắt nghìn tay... Hay trước đó - năm 1980, ông cũng để lại cho công chúng một bài hát về công trình thủy điện Sông Đà rất hay: Tiếng đàn balalaika trên sông Đà, đến tận bây giờ nhiều người vẫn nhớ.

Cùng với thành tựu sáng tác vô cùng phong phú và giá trị, An Thuyên còn là nhà sư phạm nghệ thuật nổi tiếng với chức danh Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghệ thuật Quân đội, sau đó nâng cấp lên đại học. Nơi đây đào tạo rất nhiều tài năng nghệ thuật cho quân đội và cả nước như: Hương Mơ, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà, Kasim Hoàng Vũ, Phương Anh, Mai Trang, Quang Hào, Xuân Hảo... Càng tuyệt vời hơn, ngôi trường này có những giảng viên cũng là những nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng như Nghệ sĩ Ưu tú Dương Minh Đức, Bích Việt, Đức Trịnh, Đỗ Bảo... An Thuyên là nhạc sĩ Việt Nam và quân đội duy nhất được phong quân hàm thiếu tướng.

Với phong trào âm nhạc, An Thuyên đã từng đảm nhiệm Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, là chủ khảo nhiều hội thi về âm nhạc quốc gia. Mới đây nhất, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa doanh nhân Việt Nam. Điều đáng nói nhất là ông đang là chủ biên một công trình đầy ý nghĩa về các ca khúc cho thiếu nhi Việt Nam từ đầu thế kỷ cho tới nay. Về đời riêng, An Thuyên là ông bố hạnh phúc của hai người con cũng khá nổi tiếng là nhạc sĩ An Hiếu và ca sĩ Bông Mai cùng người vợ tuyệt vời - đạo diễn, nghệ sĩ Ngô Huyền Lâm. Chính từ người vợ này mà người nhạc sĩ tài hoa đầy lãng mạn dám dũng cảm nói trước công chúng: “Cả đời tôi mê đắm phụ nữ, vì không yêu, không bay bổng sao viết hay được?”. Đó là câu nói của người đàn ông tràn đầy hạnh phúc và tự hào.

 
 
Tác giả bài viết: Lê Đức Dương 
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa 

http://nghean24h.vn/news/Xa-hoi/Nhac-si-An-Thuyen-Tinh-ca-va-khuc-quan-hanh-256358.html


  Các Tin khác
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Sáng tháng Năm về thăm quê Bác (16/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 65194316

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July