Trang chủ Liên hệ       Thứ năm, Ngày 26/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Ngọc Sơn – đẹp mãi tên làng - Tác giả bài viết An Nam Ngọc Sơn – đẹp mãi tên làng - Tác giả bài viết An Nam , Người xứ Nghệ Kiev
 

 photo DSC03369_zps23b52857.jpg

 

Tựa lưng vào núi Ngọc sừng sững, được sông Lam, sông Gang bồi đắp vỗ về, làng Ngọc Sơn (xã Ngọc Sơn, Thanh Chương) như là nơi hội tụ linh khí đất trời, để làm nên hồn cốt của một vùng quê nổi tiếng với bề dày văn hoá hun đúc tự ngàn xưa. Quần cư dưới chân núi Ngọc (rú Nguộc) nên tên làng gọi là Ngọc Sơn…

Nơi đây, núi non, sông nước giao hoà. Lưng chừng núi Ngọc, ẩn giữa cây rừng cổ thụ xum xuê là đền thờ thánh Ba. Tương truyền, Ngài đi đánh giặc về, tạ thế ngay chân núi, dân làng chài chôn cất và lập đền thờ tự. Qua thời gian, chiến tranh đổ nát, đền đã được khôi phục, tuy không lớn như xưa. Khói hương dìu dặt, tiếng suối Cửa Đền róc rách ngày đêm như làm huyền bí thêm những câu chuyện mà dân gian truyền tụng. Từ cửa đền thu vào tầm mắt, xóm làng, sông, bãi, nhấp nhô. Trước mặt, bên trái là Cồn Mả Tổ, nơi yên nghỉ của các vị thuỷ tổ dòng họ Nguyễn Cảnh – một vọng tộc của xứ Nghệ với 18 Quận công, 76 tước, hầu, và nhiều cống hiến lớn lao cho sự nghiệp hộ quốc an dân trong thời hậu Lê. Tiêu biểu như: Phúc khánh Quận công Nguyễn Cảnh Huy, Thái phó Tấn quốc công Nguyễn Cảnh Hoan… Làng Ngọc Sơn tự hào là nơi phát tích một dòng họ trâm anh thế phiệt, giữa làng, nay còn có nhà thờ thứ chi .

Làng xưa có 3 xóm: Ao, Cồn, Nha. Ở xóm Cồn sát bến sông, ngày trước tồn tại 2 ngôi đền đứng gần nhau dưới bóng những cây Sui, cây Quắn hàng trăm năm tuổi. Đền Cả thờ Bụt hay còn gọi là chùa Bà Bụt, uy nghi với nền tế trời ba cấp. Đền Hai thờ Cao Sơn, Cao Các thượng đẳng đại vương. Nơi đây, mỗi dịp lễ làng, đã từng khói hương nghi ngút. Trong chiến tranh, đền Cả bị dỡ, đền Hai bị bom Mỹ ném sập. Dấu tích còn lại của đền xưa là vườn cây rậm rạp, những hòn đá kê chân cột và một tảng đá lớn, tương truyền là ngôi mộ thần linh thiêng. Xóm Cồn một thời có tên Bàn Thạch là vì vậy.

Cạnh chợ Tàu là quán Ngọc Sơn gồm hai nhà: thượng, hạ. Quán thờ ông Lộ Ban – vị thần của “làng thợ” và Phục Hi Thần Nông Hoàng Đế - vị thần của dân cày. Mỗi năm, dân “làng thợ” và dân “làng cày” tổ chức cúng thần để cầu mong sức khoẻ, mùa màng và nghề nghiệp hanh thông. Trong khuôn viên quán xưa, làng dựng một nhà bia chữ Hán, ghi danh những người có học, làm quan, có chức tước, có công trong làng. Những năm “bình dân học vụ”, trẻ con, người già, náo nức về đây. Quán là trường học cho làng. Sau chiến tranh, quán chỉ còn bia đá, trên nền đất xưa, bây giờ là trạm xá xã Ngọc Sơn.

Gần chợ, cạnh quán là đình Ngọc Sơn. Theo các cụ cao niên, đình được xây dựng từ thời vua Tự Đức, thờ thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã. Đình thượng chạm trổ hoa văn rất đẹp, bởi bàn tay khéo léo của người thợ Ngọc Sơn. Đình hạ 3 gian 2 hồi, “mấy dãy cột lim người ôm không phỉ”, tất cả đều lợp ngói âm dương. Cổng đình, hai cột uy nghi, Nghê chầu trên đỉnh. Đình làng có một cái chiêng, một cái trống to bằng “nống nậy” chỉ đánh những khi tế lễ .

   Ngày đó, người trong làng thường vào hội nghề. Người biết văn chương, thơ phú, thì vào hội Tư văn; người có học hành thì vào Sĩ hội; người làm thợ thì vào Làng thợ… Mỗi năm tại đình diễn ra mấy lần cúng tế. Hội đồng tế lễ, đặt tổ mại biện lo toan công việc, chọn hội Tư văn lo chuyện cúng cầu. “Làng mổ bò thiết lễ, dân làm cỗ trăm mâm”, đồng tế Thành hoàng, Ôn hoàng dịch lễ, Ngũ Đế đăng quang.

Những ngày cách mạng, dân làng đã tập trung tại đình Ngọc Sơn để nghe diễn thuyết, đi cướp chính quyền. Trong kháng chiến chống Mỹ, những năm 1966 - 1967, trường Đảng - Lê Hồng Phong đã di tản về làng, từng lấy đình Ngọc Sơn làm trụ sở. Đơn vị quân đội 249 cũng từng về đóng ở nơi đây…

Sau thời gian dài vắng bóng đình xưa, do bom đạn, nắng mưa tàn phá, đầu năm 2013, đình Ngọc Sơn đã được khôi phục khang trang trong niềm vui sướng, mong đợi của người dân. Những ngày lễ tết, con cháu tha phương lại được về thắp hương trong mái đình làng cổ. Bà con xóm giềng lại được tề tựu đông vui, ngồi “ôn cổ tri tân”, ngắm bia đá tạc thời gian, sau bao năm trú tạm tại nhà thờ họ Phạm, đã được đưa về trước sân đình.

Theo cụ Nguyễn Văn Xuân 87 tuổi, làng xưa trù mật, đời sống dân cư khấm khá, nhiều người học hành đậu đạt, thông Nho. Phụ nữ, con gái chăm chỉ lúa ngô, siêng quay tằm dệt lụa. Đàn ông, con trai giỏi chuyện cày bừa, khéo tay làm mộc, xong mùa vụ là đi làm nghề tứ xứ. Ông cố của cụ Xuân cũng là một trong những người thợ đã góp sức làm nên đình làng. Nghề mộc của làng không chỉ nổi tiếng trong vùng, trong huyện, mà còn lan ra hàng tỉnh: “Thợ cưa Nghi Lộc, thợ mộc Ngọc Sơn”. Ban ngày, mọi người chuyên chú làm ăn. Đêm về, không kể trai thanh gái lịch, đều say mê hát vè, hát ghẹo, hát phường vải giao duyên. Dân trong làng còn lập phường hát ghẹo, mỗi phường thường có một “thầy bắt chuyện” giỏi chữ Nho, hay thơ phú, đưa đi hát các làng và mời các làng về hát. Những đêm trăng sáng, mê hát thâu đêm, tận cả miệt Nam Đàn. Câu ghẹo đối đáp năm nào, người Ngọc Sơn còn nhớ như in: “Gái Xuân Liễu, đi chợ Liễu, mặt hoa má liễu, đẹp bằng tiên / Trai Ngọc Sơn, đội nón Sơn, chân đi giày Sơn, hình giống tướng”…

Sông Lam đã bồi bãi trước. Chợ Tàu đã dời về sau. Lỗ chỗ hố bom trên núi Ngọc đang lành vì màu xanh cây núi. Dẫu bao sự đổi thay, mảnh đất này vẫn còn in khắc những nếp xưa làng cổ, đậm hồn quê Việt. Về Ngọc Sơn, ngắm mái đình làng, nghe câu hát dân ca, thêm nặng tình đất, tình người.

                                 An Nam - Huy Thư

                                       Theo bản tác giả gửi tặng


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66095721

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July