(Baonghean) - Từ trung tâm chợ Phuống, theo Tỉnh lộ 533 xuôi về chợ Đón, qua cầu Kho là đến làng Liễu Nha (xã Thanh Lâm, Thanh Chương) – thuộc vùng hạ huyện, quanh năm ruộng đồng chiêm khô mùa trũng, nhưng tự hào là vùng đất giàu truyền thống hiếu học và cách mạng. Hiện làng vẫn còn lưu giữ nhiều nét cổ xưa với những giếng làng, đền chùa, miếu mạo…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một góc làng Liễu Nha (xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương). |
Làng kéo dài theo chân núi, sau lưng là núi, trước mặt là đồng, xa hơn là dãy Kim Nghê sừng sững. Làng Liễu Nha còn có tên là Lưỡng Nghi (lập nên từ 2 xóm Nghi Văn và Nghi Xuân), làng Nghè... Tương truyền, ngày xưa, trong làng có người học giỏi, thi cử đậu đạt, trở thành “ông nghè”, được vinh quy bái tổ, làm rạng danh cả làng. Từ đây, tên đất, tên làng, núi, khe, đồng ruộng… đều có danh xưng là Nghè, như một cách ghi nhận, tôn vinh, lưu danh của dân gian. Giữa cánh đồng làng, vẫn còn đó hai mô đất, dấu tích của non Nghiên, núi Bút, được người xưa đắp nên tượng trưng, nhắc nhở cho cháu con về truyền thống hiếu học của làng.
Làng xưa xây dựng nhiều đền, chùa. Dưới chân núi gần cánh đồng Chùa, ngày trước có chùa Em, ở phía trên với những bệ đá rêu phong và chùa Anh ở phía dưới uy nghi với nhiều tượng phật, có sư trụ trì. Sát chân núi Nghè có đền Cao Sơn thờ đức Cao Sơn Đại Vương với hai toà thượng, hạ, tượng quan Tả, quan Hữu oai phong, ẩn dưới 3 cây đa cổ thụ. Dưới chế độ phong kiến, đền đã được các triều đại sắc phong. Trải qua dâu bể, đền không còn bề thế như xưa, xuống cấp trầm trọng và hiện đang được trùng tu, tôn tạo. Những hiện vật cổ xưa còn lại của đền là long ngai, kiệu rước… Trên núi Họ, thấp thoáng giữa cây rừng xanh ngắt là đền Lâm Si, thờ thần bản cảnh. Đứng trước cửa đền, phóng tầm mắt ra xa, nhìn bao quát làng xóm, núi non, ruộng Chọ, ruộng Nghè, khe Nghè… trùng điệp. Một thời chỉ còn dấu tích, nay đền Lâm Si đã được nhân dân địa phương khôi phục khang trang. Hai ngôi đền cổ, hiện là những địa điểm sinh hoạt văn hoá tâm linh của người dân trong vùng.
Ven làng, có đình Liễu Nha, ngoảnh mặt ra đồng, hướng nhìn non Nghiên, núi Bút, ngày xưa cũng gọi là đình Nghè. Theo các cụ cao niên, đình được xây dựng vào thế kỷ XIX để thờ Thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã. Đình thượng, 2 gian nằm dọc, gian sau cùng để hương án thờ tự. Đình hạ 5 gian 2 hồi, 2 gian hai đầu, đặt 2 bục ghế cho quan viên văn, võ. Mỗi năm tại đình làng thường tổ chức cúng tế đầu xuân, cầu mong sức khoẻ, mưa nắng thuận hoà, mùa màng tươi tốt. Trong làng có người đậu đạt, nơi đây sẽ diễn ra lễ vinh quy và tổ chức khao làng của những nho sinh trúng tuyển. Những năm thuộc Pháp, đình làng là sân diễn của nhiều vở tuồng cổ, mang nội dung lịch sử, bồi đắp tinh thần yêu nước, căm thù giặc cho nhân dân… Sau thời gian dài vắng bóng đình xưa, năm 2011, đình Liễu Nha đã được khôi phục trong niềm mong đợi của bà con. Vẫn đình hạ, đình thượng toạ lạc trên vị trí xưa, có cổng nghê chầu rất đẹp. Đình thượng hiện không chỉ thờ Thành hoàng mà còn là nơi lưu danh, tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ của làng.
Làng Liễu Nha có 2 giếng cổ. Bên phải đình, dưới chân núi Nghè có giếng Côi. Bên trái đình, dưới chân núi Họ, gần đền Lâm Si có giếng Thống. Giếng làng tồn tại từ xa xưa, là rốn mạch nước ngọt chảy từ trong núi, cung cấp nguồn nước chính cho làng. Mùa hạ bỏng rát gió Lào, dù mọi nơi khô hạn, nhưng giếng làng vẫn không bao giờ cạn nước… Sau thời gian rơi vào quên lãng, nay các giếng làng đã được người dân tu sửa, ghép đá, xây thành, lát nền sạch đẹp. Với người dân làng Nghè, giếng làng không chỉ là mỏ nước sạch phục vụ sinh hoạt, mà còn là nơi gặp gỡ, giao thân của tình làng nghĩa xóm.
Giữa làng có nhà thờ họ Nguyễn, nổi tiếng với những vị tiên hiền học rộng, những chiến sỹ cách mạng kiên cường bất khuất, có công lớn với nhân dân, đất nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc: Cụ cử - giám sát ngự sử - tham biện quân vụ Nguyễn Đức Lân; Giải nguyên – hàn lâm viện kiểm tịch Nguyễn Văn Chính; Phó Thủ tướng Nguyễn Côn; người dâu hiền của dòng họ - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bà Tôn Thị Quế… Nhà thờ họ Nguyễn là nơi hội họp bàn kế đánh giặc của các sỹ phu trong phong trào Cần Vương, là nơi hoạt động bí mật của các tổ chức Tân Việt, Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Từ khi Đảng ra đời, nơi đây là địa điểm hội họp bí mật của các đảng viên, chiến sỹ cách mạng, là nơi in ấn, cất giấu tài liệu, khẩu hiệu đấu tranh của Đảng… Hiện nay, nhà thờ họ Nguyễn là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh, là nơi thăm viếng tưởng niệm của con cháu họ Nguyễn cũng như du khách gần xa.
Cụ Nguyễn Văn Tơng (91 tuổi) cho biết, người làng chất phác, thuần hậu, chăm chỉ làm ăn; ngày mùa, tất bật lo toan, ngày ba tháng tám rảnh rang, ưa tuồng chèo tích cổ. Trong làng, ngoài đình, thường diễn ra tuồng Trưng Trắc - Trưng Nhị, người xem như hội. Mùa lụt, ruộng đồng ngập trong biển nước, người Liễu Nha vẫn chèo thuyền, bên nam, bên nữ, hát vè, hát đối vang vọng xóm làng. Những đêm gió mát trăng thanh còn đi giao duyên với các làng gần, làng xa trong tổng…
Người Liễu Nha muôn đời vẫn vậy, dẫu cuộc sống còn lắm khó khăn, vẫn tiếp bước cha ông, như mong đợi của tiền nhân gửi gắm vào núi Bút, non Nghiên trước cánh đồng làng. Chẳng còn cảnh “Phàm như các chủ làng Nghè/Đến mùa cày cấy ăn thuê mà rầu”, sân đình, giếng nước năm xưa, lại ấm tình thôn dã đồng quê, chất chứa, lắng sâu thêm, nét duyên làng cổ!
Huy Thư
Theo Baonghean.vn
http://baonghean.vn/nghe-an-dat-va-nguoi/201411/lang-co-lieu-nha-561740/