Nghị lực phi thường của thầy giáo Nguyễn Hữu Thắng (Nghệ An) khiến nhiều người phải nể phục.
Ngôi nhà nơi anh Thắng ở
Trong căn nhà cấp bốn lụp sụp nằm sau dãy núi Đại Huệ (huyện Nam Đàn, Nghệ An), qua khe cửa sổ mở hé, một người đàn ông mặc áo trắng nằm bất động trên chiếc giường một đã cũ.
Khi tôi cất tiếng chào, anh dùng cánh tay nhỏ bé, gầy gò cầm chiếc gương để bên người phản chiếu ra, trả lời: "Đúng nhà thầy Thắng đây rồi". Ngay sau đó, một cụ bà bước chầm chậm từ trong nhà ra đón khách. Bà là Nguyễn Thị Vượng (83 tuổi), mẹ của thầy giáo Nguyễn Hữu Thắng.
Đã gần 40 năm qua, từ lúc bị teo cơ, anh Nguyễn Hữu Thắng (53 tuổi) chỉ nằm một chỗ và do một tay bà Vượng chăm sóc. Đến nay, ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Vượng vẫn ngày ngày đi chợ nấu cơm, chăm sóc con trai tật nguyền.
Éo le cuộc đời
Khi ra đời, anh Thắng cũng khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Là con đầu nên anh Thắng được giao nhiệm vụ đi chăn trâu, đỡ đần cha mẹ. Với bản tính ham học, mỗi lần đưa trâu ra đồng, anh không quên kèm theo sách vở tranh thủ học bài.
Trong một lần đi chăn trâu, anh Thắng có cảm giác bị nhói ở bàn chân trái, từ nhẹ đến nặng dần, vài hôm sau phải đi tập tễnh. Gia đình nghĩ anh nô đùa nên vội đưa đến thầy lang trong làng bốc thuốc. Không biết hết bao nhiêu thuốc, bao nhiêu thầy nhưng chân anh Thắng vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm.
Gia đình tiếp tục đưa anh lên bệnh viện huyện Nam Đàn (Nghệ An) kiểm tra, chữa trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán anh bị thấp khớp, kê đơn thuốc cho về nhà tự uống. Chữa trị một thời gian nhưng không được, tuyến huyện giới thiệu lên tuyến tỉnh.
Sau khi thăm khám, kết luận anh bị thấp khớp và chuyển ngược về tuyến huyện tiếp tục điều trị. Nhưng rồi gia đình nghĩ chữa lâu không được, huyện giới thiệu lên giờ trên lại chuyển xuống dưới nên gia đình không chữa theo con đường bệnh viện.
Đến năm 1982, bố anh Thắng qua đời vì bệnh gan, cánh tay phải của anh cũng bắt đầu teo tóp dần và bị liệt hẳn, mất khả năng sinh hoạt.
Dạy thế hệ sau về nghị lực sống
Ngày biết mình hết khả năng đi lại, con đường đến trường cũng khép lại từ đó, anh Thắng vô cùng buồn bã. Anh Thắng tâm sự có lúc đã suy nghĩ tìm đến cái chết nhằm giải thoát nhưng nghĩ tới mẹ, tới các em, anh quyết chống lại sự bất công của số phận.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Thắng trò chuyện với PV Báo sáng 19/11
Anh Thắng nói với mẹ mượn sách vở về tự học, tự nghiên cứu kiến thức. Lứa học sinh đầu tiên của thầy Thắng chính là là cô em gái học lớp 5 và nhóm bạn học cùng lớp.
Do không thể dùng cả hai tay nên anh nói nhiều hơn, nói kỹ từng vấn đề. Anh cũng ra đề kiểm tra bằng miệng, sau khi làm xong, học sinh đọc và anh trả ngay kết quả bằng miệng.
Thấy anh chỉ bảo dễ hiểu, những người đến học đến thường xuyên hơn. Người này đồn tai người khác, mỗi năm đều có người đến xin được anh hướng dẫn, giảng giải những bài ở lớp chưa hiểu.
Hàng năm, vào dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, học sinh, các bậc phụ huynh thường mua hoa đến tặng thầy Thắng.
Khi phóng viên đang trò chuyện cùng anh Thắng vào sáng ngày 19/11, điện thoại anh reo lên, đầu dây bên kia là học sinh tên Dũng đã ra trường, đi làm gọi về hỏi thăm và gửi lời chúc đến người thầy cũ.
"Tôi có mượn sách về tìm hiểu, đọc thì nắm được nhiều vấn đề trước chưa học. Tuy nhiên chỉ để biết, không dám dùng kiến thức đó truyền đạt lại cho các em, vì những cái mình chưa thực sự thông hiểu mà truyền đạt dễ làm các em lệch lạc kiến thức. Bởi thế tôi chỉ bày học sinh học từ lớp 7 trở xuống" - anh Thắng thẳng thắn chia sẻ.