Hà Mại tự là Hà Tông Hiếu, sinh ngày mùng 8 tháng Tư năm Giáp Tuất (1334) trong một gia đình Hào trưởng phía Bắc kinh kì Thăng Long. Được cha mẹ có điều kiện cho ăn học thấu đáo, Hà Mại sớm ý thức được thời cuộc nên ra sức rèn chí, luyện tài giúp ích cho đời.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh triều đình có những biến cố đặc biệt, Hà Mại chứng kiến phía Bắc nhà Minh đang lăm le xâm chiếm nước ta. Phía Nam giặc Chiêm Thành thường xuyên quấy phá, xâm lấn, càn quét cướp bóc của cải dân lành. Nạn hạn hán, lũ lụt lớn nhiều năm, dân tình đói kém, nạn trộm cướp hoành hành khắp nơi, xã hội bất ổn buộc triều đình phải thường xuyên điều quân dẹp loạn. Lúc này, triều Trần bước vào giai đoạn mạt kì đang trên đường suy yếu, mục nát.
Một sự kiện đánh dấu bước chuyển quan trọng, vua Trần Duệ Tông mang quân trực tiếp đi đánh Chiêm Thành bị tử trận cùng nhiều tướng lĩnh thân cận. Từ đó gần như cơ đồ, quyền bính Nhà Trần chuyển sang tay Phụ chính Thái sư Lê Quý Ly. Quý Ly tìm cách củng cố thế lực bằng các thủ đoạn đê hèn như giết hại vua Trần Phế Đế (tháng 12/1388); sau đó là Trần Thuận Tông 1399… tự xưng làm vua, đổi họ Hồ lập nên nhà Hồ (1400 – 1407). Nội triều như vậy đã tác động mạnh mẽ tới hàng ngũ quan lại vốn một thời trung quân ái quốc. Nhiều người từ bỏ quan trường lui về tìm nơi ẩn dật. Trong số đó có Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, Chương túc Quốc thượng hầu Trần Nguyên Đán…
Hội thảo khoa học một số nhân vật tiêu biểu họ Hà Nghệ Tĩnh.
Hà Mại là tướng quân tài ba của Nhà Trần, năm 17 tuổi, dự thi đỗ hạng ưu khoa thi quan võ, được nhà vua bổ nhiệm huấn luyện và chỉ huy đội quân cấm vệ bảo vệ Triều đình. Với tài năng và ưu thế võ nghệ, chỉ 5 năm sau ông được bổ nhiệm chỉ huy đơn vị bảo vệ Thái thượng hoàng Trần Minh Tông và Thượng hoàng Trần Dụ Tông đi kinh lí biên giới phía Nam nước Đại Việt. Để bảo đảm biên cương vững chắc; Hà Mại được giao trú lại trấn Nghệ An (bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh ngày nay) để xây dựng phòng tuyến biên giới phía Nam Đại Việt. Hơn 13 năm (1376 đến 1389), tướng Hà Mại cùng quân sĩ đánh bại 6 đợt tấn công của Chiêm Thành, bảo vệ vững chắc biên giới phía Nam của đất nước. Với công lao và sự cống hiến, Hà Mại được triều đình nhà Trần phong tước: Phụ Quốc, Thượng tướng quân, Thượng vị hầu và bổ làm Trấn thủ Nghệ An. Tại đây ông đã xây dựng quê hương thứ hai cùng vợ là Lê Thị Quý Yên, con gái một Xã trưởng vùng Trấn ải.
Cuối thế kỉ XIV, chính sự nhà Trần bị Quý Ly nắm quyền, thấy không thể tiếp nối hầu hạ một vị vua với lòng dạ như thế, tướng quân Hà Mại xin từ quan về ở ẩn tại vùng núi Hồng lĩnh. Nơi đây, sau này trở thành căn cứ địa của cụ Hà Mại và con trai Hà Tông Chính (lúc nhỏ là Hà Dư) cùng nhà Hậu Trần chiến đấu anh dũng chống giặc Minh xâm lược (1407 – 1413). Cụ Hà Mại khai sinh ra dòng họ Hà xứ Nghệ từ đó.
Sau khi giặc Minh đặt được ách thống trị lên đất nước ta, cháu chắt cụ Hà Mại phải mai danh ẩn tích nhiều nơi tránh sự truy lùng của giặc. Đến nay họ Hà đã có trên 25 đời; sinh sống hầu hết ở các huyện, thành, thị của tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cùng nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước và một số nước trên thế giới. Rất nhiều người con các thế hệ họ Hà đã làm rạng danh quê hương từ đời này qua đời khác. Thời Cần Vương có Hà Văn Mỹ (Hà Văn Côn) là tướng quân thuộc quyền Phan Đình Phùng, chỉ huy đội quân Xuân thứ (Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có Hương cống Hà Huy Sào, Hà Huy Quang, Hà Huy Phẩm, Hà Học Văn… Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, sau Tổng Bí thư Hà Huy Tập, các Ủy viên TW Đảng Hà Huy Giáp, Hà Xuân Trường, Hà Học Trạc; còn có Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hà Quang Tập (1941), Hà Uyên (1949), cùng nhiều tên tuổi khác đóng góp đáng kể vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như: Hà Học Hợi, Hà Văn Tấn, Hà Huy Khôi, Hà Huy Tâm, Hà Huy Tiến, Hà Văn Mạo, Hà Văn Ngạc…
Con cháu hậu duệ họ Hà, dù ở đâu cũng đều cố gắng học hành, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, nhiều người có công với nước, hiện giữ trọng trách chủ chốt ở tỉnh, nhiều huyện, thị trong tỉnh, làm rạng danh họ Hà noi theo gương sáng tiên tổ của Tướng quân Hà Mại.