"Trong những năm tháng của tuổi trẻ, nếu chúng ta không chịu khó suy nghĩ thì tuổi trẻ sẽ trôi đi một cách vô tình. Không ai giằng níu được cái tuổi, nhưng cái sức trẻ thì ta phải giữ lấy, bởi mỗi con người cầm bút đều mang trong mình sức nổ tầm xa" - một lời tự bạch bỗng hóa lời tuyên ngôn của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh được in trên báo Tiền Phong cùng với chùm thơ, gồm bốn bài: Mẹ, Sư đoàn, Tiếng chiêng A Túc, Lời diễn viên vào tháng 3 năm 1975 đã khiến tôi ngưỡng mộ anh.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (ngoài cùng, bên trái) cùng các cán bộ, BTV Tạp chí VNQĐ. Ảnh: vannghequandoi.com.vn |
Tôi đã đọc thơ Phạm Ngọc Cảnh, thuộc thơ anh trên lưng trâu, từ hồi còn bé khi được các chú bộ đội qua làng tặng cuốn Tạp chí văn nghệ quân đội. Đã không ít lần trong bài văn phân tích hay bình luận về thơ ca chống Mỹ cứu nước, tôi lại lấy bài thơ "Quảng Trị" của ông ra dẫn chứng, cho tới bây giờ bài thơ ấy vẫn còn neo vào đáy dạ tôi:
Nơi đất nằm yêu thương
Nơi đất bừng mãnh liệt
Một đường Chín anh hùng
Thơ chào không kịp viết
Nhà thơ cho độc giả hiểu thêm về sự khốc liệt mảnh đất này:
Pháo và gió đặc trời
Xe tăng gào tới khản
Đầy vơi lại đầy vơi
Sau lưng là túi đạn...
Khi tôi lên đường nhập ngũ, lại được một người bạn thân gửi tặng chiếc khăn tay và tập thơ "Đêm Quảng Trị". Tập thơ ấy hồi tân binh, tôi đã cho cả trung đội mượn đọc, người nọ chuyền người kia đến nhàu nát cả sách. Không ít những anh lính trẻ trước khi ra chiến trường đã chép bài thơ ấy gửi về cho người yêu của mình. "Một ba một, tâm hồn chiến sĩ", cuộc đời của người chiến sĩ đã sống đẹp những tháng năm như thế.
Tôi yêu thơ Pham Ngọc Cảnh, bởi thơ ông có một phong cách riêng, thể hiện sự lao động nghiêm túc, không bao giờ dễ dãi về câu chữ. Thơ Phạm Ngọc Cảnh chan chứa tình người, nhưng cũng đầy chất trí tuệ (tuy có đôi bài mang chút cầu kỳ lạm dụng phương ngôn về vật lý hay toán học). Dẫu viết về quê hương, đất nước hoặc ca ngợi lãnh tụ, đối Phạm Ngọc Cảnh bao giờ cũng khám phá cho mình một tứ thơ độc đáo.
Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Ảnh: nguyentrongtao.info |
Bài "Trăng lên" không chỉ hay khi nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc mà chính trong bài thơ đã lung linh vẻ đẹp của "ý tại ngôn ngoại" rồi. Hay bài "Lý ngựa ô ở hai vùng đất" mỗi lần đêm khuya nghe nghệ sĩ Kim Cúc ngâm, thính giả ôm đài mà trái tim như muốn nhảy ra khỏi lòng ngực, nhập cùng dòng cảm xúc tột đỉnh của thi sĩ :
Anh đa tình nên cứ muốn nhìn theo
Xấu hổ gì đâu mà anh dấu diếm
Đêm đánh giặc tràn lên cao điểm
Vạch lá rừng nhìn xuống quê em
Mặt đất ra sao mà thúc vào điệu lý
Khuôn mặt ra sao mà suốt đời chống Mỹ
Lý ngựa ô hát đến mê người...
Nhiều người yêu thơ còn biết đến Phạm Ngọc Cảnh với một bút danh khác là Vũ Ngàn Chi. Ông là người con của Hà Tĩnh và cũng là một cộng tác viên tích cực của Báo Hà Tĩnh. Với nhà thơ Duy Thảo, Minh Nho, Nguyễn Quốc Anh... đã trở thành bạn bè thân thiết. Có lần trên đường vào miền Nam công tác, ông đã mang ba lô bách bộ trên thị xã Hà Tĩnh, tìm đến tòa soạn Báo Hà Tĩnh nghỉ và đàm đạo với anh em văn nghệ sĩ tỉnh nhà. Tại tòa soạn, ông đã sáng tác ngay bài thơ "Sáng mai này" gửi nhà thơ Duy Thảo để báo in số đặc biệt mừng miền Nam giải phóng.
Tháng 10 năm 1991, khi Nghệ Tĩnh chia tách, anh em văn nghệ sĩ Hà Tĩnh xúc động khi nhà thơ lại lặn lội từ Hà Nội về thăm bạn bè và quê hương. Hôm đó tôi nhớ tại hội trường của Công ty lương thực Hà Tĩnh, Phạm Ngọc Cảnh nói: "Mới chia tỉnh tôi nhìn quê mình còn nghèo và anh em còn vất vả lắm, nhưng có một điều ta hơn thiên hạ là người Hà Tĩnh giàu tình nhân nghĩa. Vì lẽ đó mà người Hà Tĩnh làm thơ hay, tôi tin quê mình rồi sẽ khác đi bằng trí, bằng tâm của người Hà Tĩnh".
Mới đó mà đã hợn hai thập kỷ rồi, ông không có dịp để tận mắt nhìn quê mình đổi thay như niềm tin của ông ngày mới trở về nữa. Căn bệnh tai biến mạch máu não đã hành hạ ông trong năm tháng cuối đời. Nhà thơ Phạm Ngọc cảnh ra đi lặng lẽ ở tuổi tám mươi, nhưng chắc hẳn vẫn còn đau đáu với quê hương với những gì ông đang khát vọng.
Ngần ấy trong cuộc đời với những tập thơ: Đêm Quảng Trị, Ngọn lửa dòng sông, Một tiếng Xa Ma Khi, Lối vào phía Bắc, Trăng sau rằm, Đất hai vùng, Miền hương lặng, Nhặt lá, Bến tìm sông, Khúc rong chơi... thế cũng đủ cho bạn đọc và giới văn nghệ sĩ phục tài năng và sức lao động của ông rồi. Người đọc còn khâm phục ở ông là nhà viết ký, với nhiều tác phẩm như: Gió núi xôn xao, Bài hát về cây ngải cứu.
Đại tá, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người đa tài. Ông sinh ngày 30-7-1934 tại thị xã Hà Tĩnh, năm 1947 thì vào lính, trước lúc xuất hiện tên tuổi trên văn đàn ông là diễn viên sân khấu. Ông đã từng tham gia viết nhiều kịch bản phim, viết lời bình cho các bộ phim tài liệu thời sự và có lúc còn tham gia cả làm diễn viên điện ảnh cho một số phim truyện nữa.
Nhà thơ Pham Ngọc Cảnh là một nhà thơ trưởng thành từ chiến tranh. Thời đại đã nuôi dưỡng tâm hồn ông và cây bút ông đã trở thành vũ khí sắc bén thổi bừng thêm sức sống mãnh liệt của dân tộc.
Phan Thế Cải