Nằm trên dải đất hẹp miền Trung với thế núi, hình sông hùng vĩ, thiên nhiên thơ mộng hữu tình nên Hà Tĩnh từ xa xưa đã ghi dấu là một vùng đất địa linh nhân kiệt. Dòng máu thơm từ cha ông truyền vào huyết mạch của con cháu nên thời nào Hà Tĩnh cũng nổi danh bởi các anh hùng, thi sĩ, nhà cách mạng, danh nhân khoa bảng. Qua bao lớp sóng thời gian, người Hà Tĩnh hôm nay đã được bồi đắp thêm nhiều phẩm chất mới, tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng bạn bè. “Khúc tâm tình” của người Hà Tĩnh luôn đằm sâu trong trái tim bao người.
|
Các giáo sư, trí thức tiêu biểu Hà Tĩnh trong ngày vui gặp mặt do tỉnh tổ chức gần đây
|
Trong cuốn “Le vieux An - Tĩnh” (An Tĩnh cổ lục), nhà sử học người Pháp Le Breton đã viết về vùng đất Xứ Nghệ: “An - Tĩnh là quê hương của nhiều triều vua. Đất này đã sản sinh ra những vị đế vương, những loạn thần, những võ tướng và những thi nhân... Đất An - Tĩnh là quê hương của những bậc đại nho ở An Nam lừng danh một thời”. Có thể trong mắt ông, những chí sĩ yêu nước như: Đặng Dung, Phan Đình Phùng, Nguyễn Hàng Chi... dám đứng lên khởi đầu phong trào yêu nước chống lại triều đình là những “loạn thần”, nhưng với người Hà Tĩnh, đó là những tấm gương yêu nước tiêu biểu.
Đặng Dung quê Tùng Lộc (Can Lộc), sống vào thế kỷ XV, vì chưa trả được nợ nước mà mái đầu đã bạc, đêm đêm mài gươm “bóng nguyệt tà”. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, ông cùng đạo quân của Trần Ngỗi giải phóng cả một vùng rộng lớn từ Thuận Hóa đến Nghệ An. Khi bị giặc bắt giải về Trung Quốc, trên đường đi, ông đã nhảy xuống sông tự vẫn, tỏ rõ khí tiết của một tráng sĩ không khuất phục kẻ thù.
Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng là một người khảng khái, dám chống lại triều đình, theo chiếu Cần vương, từ quan về vùng núi Vụ Quang, Hương Khê dấy binh khởi nghĩa chống Pháp suốt 10 năm ròng, làm cho kẻ thù điêu đứng. Còn biết bao tấm gương kiên trung vị nước, vị dân qua nhiều triều đại như: Nguyễn Biên, Ngô Phúc Vạn, Bùi Cầm Hổ, Hà Tôn Mục, Nguyễn Công Trứ…
|
Sinh hoạt dân ca ví, giặm tại xã Thịnh Lộc (Lộc Hà). Ảnh tư liệu
|
Bước vào thế kỷ XX, với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, những người con ưu tú của Đảng như: Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Huy Tập, Lý Tự Trọng… đã hội đủ những phẩm chất kiên cường, bất khuất, thông minh tài trí của người Hà Tĩnh, lại được sự giáo dục, rèn luyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nên sớm trở thành những người lãnh đạo cách mạng.
Câu nói nổi tiếng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” chính là lẽ sống, là chân lý của những người cộng sản và người dân yêu nước. Năm 1930-1931, nông dân Hà Tĩnh và Nghệ An với búa liềm trong tay đã nhất tề nổi dậy làm nên phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh anh hùng. Khí chất can trường, dũng cảm, dám xả thân, đi đầu trong phong trào cách mạng của người Hà Tĩnh tỏa sáng đến hôm nay.
Và tên tuổi của những Trần Hữu Duyệt, Mai Kính, Trần Thị Hường, Lê Bá Cảnh, Nguyễn Huy Lung, Trần Xu, Phạm Thị Dung… mãi mãi khắc sâu trong trái tim cháu con mai sau.
Trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc, được tiếp lửa từ quá khứ hào hùng của cha ông, người dân Hà Tĩnh đã không để thực dân Pháp đứng chân nổi một tiếng đồng hồ, đảm bảo giao thông, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam…
Những người con ưu tú dám xả thân cho đất nước như: anh hùng Phan Đình Giót, Phan Như Cẩn, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Viết Hồng, La Thị Tám, Nguyễn Tri Ân, Uông Xuân Lý, Vương Đình Nhỏ, 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc… đã thành gương soi hậu thế. Câu nói của liệt sĩ Võ Thị Tần trong bức thư gửi mẹ đã phản ánh đủ khí chất can trường, dũng cảm của người dân Hà Tĩnh giai đoạn này: “Bom đạn địch có thể làm rung chuyển cả núi rừng nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con”.
|
Gặp mặt tướng lĩnh, trí thức tiêu biểu quê hương Hà Tĩnh
|
Khí chất người Hà Tĩnh còn được truyền giữ trong tinh thần hiếu học. Học để chiếm lĩnh tri thức, góp phần kiến tạo và bồi đắp dòng chảy văn hóa, làm rạng danh gia đình, dòng họ. Tên tuổi của các danh nhân khoa bảng Hà Tĩnh mãi còn sáng soi hậu thế. Đó là Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Chú, Phan Kính, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Khắc Niêm, Võ Liêm Sơn, Ngô Đức Kế, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Xuân Hãn...
Có một điều rất đặc biệt của người Hà Tĩnh, đó là sự hài hòa giữa con người công dân với con người thi nhân. Đất nước có giặc, họ là những vị tướng, nhà quân sự, nhà ngoại giao giỏi. Nhưng giữa cuộc đời, họ lại có tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt, chất chứa khát vọng, tinh tế và nhạy cảm. Bởi vậy, Nguyễn Du, một viên quan thời Nguyễn được cử đi sứ Trung Quốc đã có “Bắc Hành tạp lục” và “Nam Trung tạp ngâm” đầy nỗi niềm thế sự bên cạnh Truyện Kiều vằng vặc như ánh trăng rằm. Nguyễn Công Trứ là vị tướng, dinh điền sứ, đồng thời là người làm thơ nổi tiếng, người viết phần lời ca và khởi xướng phong trào ca trù Cổ Đạm. Huy Cận là người trong phái đoàn Chính phủ lâm thời vào Huế nhận ấn kiếm thoái vị của vua Bảo Đại, sau này là Bộ trưởng Bộ Canh nông, đồng thời là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào “Thơ mới” 1930-1945, Viện sĩ Viện Hàn lâm thơ thế giới v.v...
Xét về góc độ bản sắc văn hóa, người Nghệ Tĩnh có những nét nổi trội khác biệt với con người vùng quê khác: chân thật đến quê mùa, can trường đến gan góc, tiết kiệm đến “cá gỗ”, thủy chung đến mức bảo thủ và có phần “gàn”. Nhà thơ Huy Cận từng viết: “Tình Xứ Nghệ không mau, nhưng bền và sâu lắng”. Người Hà Tĩnh không vồ vập, hoa mỹ để rồi “lời nói gió bay”, nhất là trong tình yêu.
Người Hà Tĩnh chung thủy, coi trọng nghĩa tình, lấy ân đức làm trọng và đã chọn con đường đi, lựa chọn bạn đời, bạn tâm giao, bạn làm ăn là ít khi thay đổi. Người Hà Tĩnh thành đạt bởi tố chất trung thành, tận tụy, không nề hà gian khổ, hy sinh vì lý tưởng, trở thành những bề tôi trung; những học giả nổi tiếng; những người bạn tốt; người yêu lý tưởng; người bố, người mẹ mẫu mực.
Tuy nhiên, từ một góc độ khác, những ưu điểm trên cũng chính là hạn chế mà người Hà Tĩnh hôm nay cần khắc phục. Đó là sự bảo thủ, trì trệ, khép mình trong tiếp nhận những điều mới mẻ bên ngoài, nhất là trong làm ăn, giao tiếp, tư duy sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại. Chính vì vậy, số lượng doanh nhân, cán bộ kỹ thuật giỏi ở Hà Tĩnh chưa nhiều. Người Hà Tĩnh luôn đặt chữ danh lên trên hết nên dễ bị ảo tưởng, phi thực tế, coi trọng “danh hão” hơn lợi ích cụ thể.
Thừa thầy, thiếu thợ, coi trọng tấm bằng đại học hơn tay nghề giỏi; tìm mọi cách vào cơ quan nhà nước hơn là năng động làm ăn bên ngoài… là những biểu hiện rõ nhất của lối suy nghĩ này. Lý luận nhiều nhưng thực tiễn ít; chịu khổ mà không chịu khó trong làm ăn; tính cách ngang tàng, gàn dở... là những hạn chế mà người Hà Tĩnh, nhất là một bộ phận giới trẻ hiện nay cần nhận rõ để thay đổi, hòa nhập với xu thế chung của thời đại; vừa giữ được tố chất truyền thống của cha ông, vừa tạo nên những phẩm chất năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm… để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thiện: Xây dựng con người Hà Tĩnh chân, thiện, mỹ, nhân văn, thượng tôn pháp luật
Là vùng đất văn hóa, địa linh nhân kiệt, con người Hà Tĩnh nổi lên với nhiều phẩm chất, truyền thống tốt đẹp: yêu nước, dũng cảm, thông minh, cần cù, sáng tạo, hiếu học, có nghĩa khí lớn, sống nghĩa tình… Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay của đất nước cũng như trong tương lai, cần phải xây dựng chuẩn mực con người Hà Tĩnh toàn diện với những đức tính: yêu quê hương, tự hào dân tộc, chịu khó học hỏi, tự lực, đoàn kết, có lối sống lành mạnh, nhân ái, nghĩa tình, tôn trọng kỷ cương, phép nước, hiểu biết về lịch sử văn hóa quê hương,… Tóm lại, phải xây dựng con người Hà Tĩnh chân, thiện, mỹ, nhân văn, thượng tôn pháp luật.
Muốn vậy, phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp điều kiện phát triển trong từng cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị gắn với các quy định của T.Ư, Chỉ thị 35, Kết luận 05; Chỉ thị 20 của BTV Tỉnh ủy, hương ước, quy ước làng xã; đề cao tinh thần tập thể, tăng cường thể lực, bồi dưỡng tâm hồn, tính cách, phẩm chất của con người Hà Tĩnh; xây dựng gia đình, làng bản, thôn xóm, khối phố, đơn vị văn hóa; xây dựng văn hóa trong Đảng, trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phát triển giáo dục toàn diện; đẩy mạnh hoạt động quản lý báo chí, thông tin - truyền thông, hoàn thiện hạ tầng thông tin phục vụ nhu cầu phát triển của người dân…
Tiếp tục bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, chủ động hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ sĩ, cán bộ văn hóa ngày càng vững mạnh; tạo điều kiện để nâng cao sự hưởng thụ văn hóa cho nhân dân, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội …
Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh: Giúp mỗi cá thể nâng cao nhận thức bản thân
Văn hóa và con người là hai phạm trù luôn song hành, văn hóa làm nền tảng cho con người, còn con người là cốt lõi của văn hóa. Xây dựng văn hóa cũng chính là xây dựng con người về mọi mặt. Ở mỗi một hoàn cảnh lịch sử, môi trường sống, hình ảnh con người lại hiện lên với những phẩm chất khác nhau. Con người Việt Nam kiên cường, bất khuất trong chiến tranh; sống nghĩa tình, vị tha, chịu thương, chịu khó ở thời bình. Riêng con người Nghệ Tĩnh, nổi trội ở sự chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng tiên phong trong mọi lĩnh vực. Chính mảnh đất núi Hồng, sông Lam với gió lào nắng cháy đã tôi luyện con người Xứ Nghệ đức tính cần cù, tiết kiệm.
Người Nghệ Tĩnh yêu, ghét rõ ràng, khi đã nói là nói tới cùng, nhiều ý kiến còn cho rằng, tính cách ấy hơi cực đoan. Tuy vậy, trong mối quan hệ vua - tôi, thầy - trò, chồng - vợ, bạn bè thì lại gắn bó keo sơn, bền chặt. Ấy là cái tình, dù ít ỏi cũng làm nên cái nghĩa rất sâu đậm, không bao giờ mất. Tưởng chừng 2 tính cách trái ngược, nhưng lại không hề mâu thuẫn. Nó làm nên phẩm chất đặc trưng của con người Xứ Nghệ, yêu ghét phân minh; sống nghĩa tình, có trước, có sau.
Để phát huy giá trị con người, dù ở bối cảnh nào thì cũng phải có tri thức, thường xuyên bồi dưỡng trí tuệ. Muốn vậy, phải tôn trọng tự do mỗi cá nhân. Không thể tách rời con người khỏi tổ chức, kỷ luật, song họ cần được tự do trong suy nghĩ, lành mạnh trong lối sống. Việc bồi dưỡng nhân cách, đạo đức con người phải đặt lên hàng đầu, tùy từng đối tượng mà có hành động và cách ứng xử phù hợp. Nhất là với thế hệ thanh niên, không được rập khuôn, giáo điều. Quan trọng là giúp mỗi cá thể tự nâng cao nhận thức bản thân, như Lê-nin từng nói, làm người cộng sản phải thu hái, tiếp nhận tri thức của loài người thì mới làm tròn trách nhiệm.
Nhà văn Đức Ban: Xây dựng con người: nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách
Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, Đảng ta khẳng định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội” (Nghị quyết 4 của BCH T.Ư Đảng khóa VII). Trước đó, năm 1943, trong “Đề cương văn hóa Việt Nam”, với phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng”, Đảng ta đã khẳng định sức mạnh của văn hóa phục vụ kháng chiến và kiến quốc. 55 năm sau, Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII): “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã làm mới nhận thức về văn hóa, chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách “xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết trong các tổ chức đảng và Nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng và trong từng gia đình”. Nhiệm vụ ấy, toàn Đảng, toàn dân ta phải thực hiện trong một thực tế vô cùng phức tạp: xu thế toàn cầu hóa và hội nhập với sự phát triển khoa học công nghệ, phá vỡ mọi ngăn cách dân tộc.
Một cuộc xâm nhập sâu rộng về văn hóa từ nhiều nguồn diễn ra dưới rất nhiều hình thức thông qua báo chí, văn học, dịch thuật, đầu tư, xuất nhập khẩu, du lịch, giao lưu, hội thảo… tác động mạnh mẽ vào tư tưởng, tình cảm, tâm lý, thói quen, lẽ sống và cách sống của công chúng. Cùng với nó, mặt trái của đời sống thị trường ngày một lộ rõ hình hài, đồng tiền “lên ngôi” quyết liệt cái thế lực vô liêm sỉ của nó; tham vọng quyền lực, tham vọng quyền lợi - hai bản năng nguy hiểm nhất của con người trỗi dậy mạnh mẽ. Trước thực tế ấy, tháng 5/2014, BCH T.Ư Đảng đã kịp thời ban hành Nghị quyết T.Ư 9 (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Lần đầu tiên “Con người” được đưa vào trang trọng trong tên gọi nghị quyết của Đảng.
Văn hóa, Con người được Đảng minh định thành chiến lược quốc gia trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chiến lược ấy với những bước đi cụ thể trong quy hoạch, chương trình, kế hoạch về xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, xây dựng con người theo 4 yêu cầu: nhân văn, dân tộc - dân chủ, khoa học, đạo đức (trên cả hai phương diện nhân cách và lối sống). Tất cả sẽ là nền tảng tinh thần, chống lại sự suy thoái, tạo thành động lực to lớn cho tiến trình hội nhập, phát triển đất nước. Công việc này là trách nhiệm của mỗi người, của mọi tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng.
|
Bùi Minh Huệ
Theo Baohatinh.vn
|