(Baonghean) - Phát huy truyền thống hiếu học trên quê hương Nghệ An, nhiều gia đình, dòng họ và địa phương dù có các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều một tâm huyết vì sự học, đã thiết thực hỗ trợ, kịp thời động viên con em vươn lên học tập rèn luyện; đáp lại sự quan tâm ấy, các thế hệ học trò Nghệ An với thành tích xuất sắc trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, đại học, cao đẳng… góp phần làm rạng danh đất học.
|
Tặng quà cho học sinh Trường THCS Tri Lễ (Quế Phong) đầu năm học mới. Ảnh: Trần Hải
|
Từ gia đình hiếu học…
Chị Nguyễn Thị Thậm (xóm Phong Yên – Nghi Phong – Nghi Lộc) chồng mất đã 10 năm, một mình nuôi 3 con học lên đại học. Chị đã lam lũ với 5 sào ruộng khoán, rồi đi gặt, cấy thuê, rửa bát cho các nhà hàng, cả bán bánh mì dạo... miễn là có tiền học cho các con. Thấy mẹ vất vả, nhiều lần hai cậu con trai xin mẹ nghỉ học để đi làm đỡ đần mẹ, nhưng chị dứt khoát không đồng ý vì nghĩ đến tương lai các con, chỉ có học, có việc làm ổn định thì các con mới thoát khỏi cảnh nghèo. Và niềm an ủi lớn nhất của chị Thậm là các con rất ngoan, tự giác học tập, đứa lớn bày vẽ, chỉ dạy cho đứa nhỏ, cứ thế ba anh em trưởng thành để rồi hôm nay chị có quyền tự hào về “thành quả” của mình: Con trai cả là giáo viên Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn, Quốc hiện đang bảo vệ luận văn thạc sỹ tại Hà Nội, con trai thứ hai vừa trúng tuyển thủy thủ tàu viễn dương, con gái út học năm đầu tiên Đại học Vinh.
Gia đình anh Nguyễn Công Sáng và chị Trần Thị Ngại ở xóm 3, Hưng Đạo (Hưng Nguyên) cũng là một gia đình hiếu học tiêu biểu nhiều năm liền của huyện. Trong ngôi nhà cấp 4 ẩm thấp của anh chị không có gì đáng giá, nhưng như sáng lên những tấm giấy khen của hai con và những bằng khen của các cấp khen thưởng cho gia đình hiếu học. Chị Ngại chỉ vào những bì lúa chất góc nhà, vừa nói giọng như khoe nhưng cũng đầy lo lắng: “Cả nhà có 6 sào ruộng khoán, năm nay được mùa nhưng tất cả chỗ đó đã bán lúa non để lấy tiền cho thằng út học đại học!”... Chồng chị Ngại bị mù bẩm sinh nên hầu như mọi việc trong nhà đều do một tay chị thu vén. Ngoài làm ruộng, chị còn chăn nuôi thêm bò, gà, ngan, vịt… bán đủ để thỉnh thoảng gửi cho con chục trứng, hay đến kỳ nộp tiền học cho con. Hai con chị, con gái đầu Nguyễn Thị Diệu Thuỳ hiện đang làm việc ở Cổng thông tin Bộ Thông tin và Truyền thông và con trai thứ hai Nguyễn Công Truyền – cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, hiện đang học Đại học Bách khoa năm thứ 3.
Gia đình chị Thậm, chị Ngại chỉ là những gia đình hiếu học tiêu biểu trong hàng nghìn gia đình hiếu học trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với những dòng họ hiếu học, các gia đình hiếu học ấy đang góp phần xây dựng một xã hội học tập hôm nay…
…đến dòng họ khuyến học
Trong những năm gần đây, phong trào khuyến học, khuyến tài ở các dòng họ đã phát triển rộng khắp và tạo thành một động lực quan trọng thúc đẩy tinh thần hiếu học ở mỗi địa phương trong toàn tỉnh. Chuyện học và khuyến khích con em học hành thành đạt đã được nhiều dòng họ đưa vào “chương trình nghị sự” của các cuộc họp họ. Việc noi gương sáng trong học hành của con em luôn được dòng họ quan tâm bằng tuyên truyền, vận động lập bảng vàng và làm tốt việc lập quỹ khuyến học khuyến tài, tổ chức trao thưởng vào dịp tổng kết năm học, thi đại học, cao đẳng.
Là một trong những dòng họ văn hoá, khuyến học tiêu biểu của huyện Nghi Lộc, họ Hoàng ở Nghi Phong (nơi thờ tự cụ tổ Hoàng Đình Công – làm quan triều Hậu Lê) luôn coi sự hiếu học và đoàn kết thương yêu nhau là một truyền thống quý báu cần gìn giữ. Từ năm 2011, dòng họ Hoàng đã thành lập quỹ khuyến học để khuyến khích, động viên con cháu trong họ. Ông Hoàng Trung Vợi – thành viên Ban Khuyến học dòng họ, cũng là Bí thư Chi bộ xóm Phong Yên, cho biết: “Trong công tác khuyến học, khuyến tài dòng họ quy định rõ: Khi con em đến tuổi đi học thì 100% các cháu đều phải được đến trường, chọn ngày Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy hàng năm làm ngày khen thưởng con em trong dòng họ học giỏi, đỗ đạt thành tài”. Từ khi thành lập cho đến nay Ban Khuyến học của dòng họ Hoàng đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình quan tâm đến việc học hành của con cái. Đồng thời Ban Khuyến học còn tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, động viên khuyến khích họ duy trì việc học tập cho con em, không để con em bỏ học giữa chừng. Nhờ vậy mà sự học của con em trong dòng họ Hoàng ở Nghi Phong ngày càng phát triển, hiện nay dòng họ có 138 người có trình độ đại học và trên đại học, 6 tiến sỹ…
Còn với chi họ Phan Đình ở Hưng Đạo (Hưng Nguyên), nay con cháu trong dòng họ có hơn 50% theo nghề giáo. Cụ Phan Xuân Thuỷ (84 tuổi) – thành viên Hội đồng Gia tộc dòng họ Phan Đình, xã Hưng Đạo, cho rằng: Nghề dạy học như thấm sâu vào từng nếp nghĩ, cách làm của con cháu họ Phan. Với suy nghĩ giản dị mà mộc mạc, “cho con nén vàng không bằng cho con nang chữ”, những lời dạy bảo đó được các cụ trong dòng họ luôn nhắc nhở con cháu trong những dịp họp họ, tế tổ đầu năm hay dịp trao phần thưởng cho các cháu vào dịp Rằm tháng Tám...
|
Nhà trường, Hội Phụ huynh tặng xe đạp cho em Nguyễn Hữu Công (lớp 9B, Trường THCS Nghĩa Đồng, Tân Kỳ) vì thành tích vượt khó, học giỏi.
|
Và rạng danh đất học
Cùng với gia đình hiếu học, dòng học hiếu học, trong những năm qua, hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta đã góp phần tích cực cùng ngành GD - ĐT thực hiện Kế hoạch phát triển GD - ĐT; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, quan tâm đầu tư đúng mức chất lượng học sinh giỏi (giữ vững chất lượng HSG quốc gia, HSG quốc tế); số học sinh đậu đại học, cao đẳng tăng nhanh, từ đó tạo nên vị thế ngày càng cao của ngành GD&ĐT Nghệ An trong hệ thống giáo dục và đào tạo của cả nước.
Ông Trần Xuân Bí – Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, cho biết: Thời gian qua, Hội Khuyến học các cấp ở Nghệ An tích cực vận động cán bộ, hội viên và nhân dân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh ủng hộ các hoạt động khuyến học, khuyến tài trong nhà trường. Hết quý 2/2014, toàn tỉnh đã vận động được trên 40 tỷ đồng quỹ khuyến học; đã tặng thưởng cho học sinh giỏi quốc tế, quốc gia; tặng học bổng cho 57.122 em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó với tổng số tiền 14,9 tỷ đồng; khen thưởng cho 144.932 em học sinh, sinh viên giỏi tài năng trên các lĩnh vực với số tiền 17,636 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh có 370 ngàn/465 ngàn Gia đình hiếu học, đạt 79%; có 3.261/3.665 dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ hiếu học, đạt 89%; có 3.568/3.965 khối, xóm đạt danh hiệu Xóm Khuyến học đạt 90%; 340/405 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu Xã Khuyến học đạt 84%; 15/20 huyện hội đạt danh hiệu Huyện Khuyến học, đạt 75%…
Từ phong trào khuyến học đã góp phần không nhỏ vào kết quả chung của ngành Giáo dục Nghệ An trong năm học 2013 – 2014: 107 em đạt học sinh giỏi quốc gia, đứng thứ 2 toàn quốc, 3 học sinh đạt huy chương tại các cuộc thi Olympic quốc tế và khu vực. Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực giỏi, khá ở các cấp học cao hơn năm trước... Trong kỳ thi đại học, cao đẳng 2014, Nghệ An có 131 học sinh đỗ đại học đạt từ 24 điểm trở lên. Trong đó có trên 20 em đỗ Thủ khoa, Á khoa các trường đại học danh tiếng trong cả nước…
Thanh thủy
Theo Baonghean.vn
|