Giáo sư Đặng Thai Mai sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, có lòng yêu nước thiết tha. Trong hoàn cảnh nào, Giáo sư cũng học tập, rèn luyện, uyên bác về tri thức văn hóa. Ông là người có công lớn trong việc cùng Đảng ta đặt nền móng văn hóa cho nền văn học cách mạng. Ông mất ngày 25/9/1984, cách đây tròn 30 năm.
Khánh thành tượng GS. Đặng Thai Mai tại Trường ĐH Sư phạm HN. Ảnh: dangcongsan.vn.
|
Giáo sư Đặng Thai Mai sinh ngày 25/12/1902, tại làng Lương Điền (nay là xã Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Thân sinh là cụ Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, từng làm đốc học, sau tham gia phong trào Duy Tân của cụ Phan Bội Châu, bị kết án 13 năm tù khổ sai, đày đi Côn Đảo.
Năm 1925, Đặng Thai Mai vào học Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương tại Hà Nội. Thời gian này, ông tham gia phong trào đòi "ân xá" cụ Phan Bội Châu, truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Năm 1936, ông tham gia phong trào Mặt trận bình dân, tham gia viết và biên tập các báo tiếng Việt và tiếng Pháp của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Cùng với các ông Vương Kim Toàn, Nguyễn Văn Tố thành lập Hội Truyền bá chữ Quốc ngữ. Năm 1939, ông được Đảng Cộng sản Đông Dương giới thiệu ứng cử vào Viện Dân biểu Trung Kỳ…
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám cho đến sau này, ông đã giữ nhiều trọng trách như: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Hiệu trưởng kiêm Chủ nhiệm khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Viện trưởng Viện Văn học. Ông cũng là người tham gia sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam.
Đặng Thai Mai là một nhà văn hóa, ông đã không ngớt suy tư về vấn đề tu dưỡng nghệ thuật. Ngay trong tạp chí Tiền Phong của Hội Văn hóa cứu quốc (số 11 ngày 15-5-1946) (tức chỉ mới gần 9 tháng sau cách mạng Tháng Tám thành công), ông đã viết: "Sự tu dưỡng nghệ thuật là một nhật lệnh thượng khẩn trong tình thế văn hóa hiện nay...
Trong công cuộc đấu tranh trên chiến tuyến văn hóa, một nghệ thuật độc đáo, sắc sảo, sâu xa là một sự thắng lợi... Dân tộc Việt Nam đang chờ nhà văn, nhà nghệ sĩ của non nước".
Nhà văn Hoàng Văn Bổn từng hồi tưởng về người thầy Đặng Thai Mai khi được theo học Trường viết văn Hội Nhà văn:
"Mỗi sáng, chiếc ô tô đưa ông đến Trường, chúng tôi đã tề tựu, đứng dậy chào. Ông bước lên bục giảng, mặc áo pađờsuy đen, thắt cravát sọc, tay cầm điếu thuốc lá Thăng Long. Chúng tôi im lặng chờ đợi. Ông vừa hút thuốc lá vừa đi đi lại lại theo chiều dài của lớp, hai tay đút túi áo pađờsuy, nhìn theo những bước chân mình, bắt đầu đọc bằng nguyên văn tiếng Pháp các kịch bản cổ điển của Môlie, Sếchxpia như Anđrômác, Êđip làm vua, Vua Lia... giọng ấm áp và diễn cảm theo tình huống trong tác phẩm, đôi khi kèm cả bộ điệu..."
"Hầu hết các tác phẩm ông giảng dạy chúng tôi là bi kịch, bi kịch cổ điển. Thỉnh thoảng ông im lặng. Cái dòng đời đang chảy trong tác phẩm ngưng đọng...Ông không giảng, mà ông hồi tưởng, suy nghĩ, nhấm nháp, chiêm ngưỡng một nền văn học cao cả của nhân loại. Từ chiêm nghiệm mà giảng, tự thân truyền đạt cho thế hệ chúng tôi. Trong khóa học đầu tiên ấy, hầu hết đều ít nhiều thành công, đều có tác phẩm".
Giáo sư Đặng Thai Mai có cả một thư viện sách. Ở thư viện của ông, mọi người có thể bắt gặp các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến trao đổi về quốc gia đại sự, các văn nghệ sĩ đến học hỏi thêm kinh nghiệm, các Việt kiều về nước mến mộ tên tuổi ông mà đến thăm.
Còn nữa là các anh, các chị đến xin ông giải cho những chỗ bí trong văn học thế giới. Và chính căn phòng nhỏ đầy ắp sách Đông Tây kim cổ này đã chứng kiến những phút hào hứng của ông sau những trang sách, bản thảo của mỗi công trình.
Đối với ông, công trình lớn nhất, có giá trị hơn cả là công trình đào tạo biết bao môn sinh thành đạt. Có thế mới lĩnh hội hết ý nghĩa của cái bắt tay, nụ cười của ông khi thấy sách của học trò gửi đến tặng. Nhà văn Nguyễn Đình Thi, trong bài Người chăm luống xanh, tặng ông có viết:
"Thâu đêm trang sách mở…
Anh chăm những luống xanh
Cho thời đại con người..."
Trong những "luống xanh" này, có cả hàng trăm bản thảo của các nhà xuất bản gửi đến xin ý kiến của ông về chất lượng. Ai đã thấy những bản nhận xét, góp ý kiến, những trang ông chữa móc nối vòng vèo mới thấy hết công lao sáng tạo thầm lặng vô giá này.
Giáo sư Nguyễn Lương Ngọc-một đồng nghiệp, khi sinh thời đã gọi Giáo sư Đặng Thai Mai là "Người hiền". Nhà thơ Tú Mỡ tổng kết về ông:
"Văn chương lý luận như gang thép
Cốt cách tinh thần tựa trúc mai"
Giáo sư Đặng Thai Mai đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị như: Nghiên cứu văn học Việt Nam và thế giới, Văn học khái luận, Lỗ Tấn, Triết học phổ thông, Chủ nghĩa nhân văn dưới thời kỳ văn hóa phục hưng, Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc, Văn thơ Phan Bội Châu, Văn học cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, Trên con đường học tập và nghiên cứu (3 tập), Đặng Thai Mai tác phẩm và hồi ký, Thế giới hiện đại, Lịch sử triết học phương Tây...
Do những cống hiến to lớn của ông trong các hoạt động chính trị-xã hội và văn học nghệ thuật, Đảng và Nhà nước đã tặng ông nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1982); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (năm 1996).
Trung tâm Thông tin tư liệu/TTXVN
Theo Baonghean.vn
|