(Baonghean) - Từ một xã đặc biệt khó khăn ven biển, xã Quỳnh Liên (TX Hoàng Mai) đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hình mẫu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh gối vụ ở nông thôn. Không những vậy, địa phương này đã và đang có những nỗ lực để đi lên sản xuất lớn, tạo nguồn lực để xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh…
|
Nông dân ở xóm 5, xã Quỳnh Liên (TX. Hoàng Mai) thu hoạch rau.
|
Khác với trước đây, khi nhắc đến Quỳnh Liên người ta nhớ đến những cồn cát khô hạn, chỉ có rặng cây phi lao còi cọc. Thế nhưng, chỉ sau hơn 5 năm, với nỗ lực vươn mình, người dân nơi đây đã biến cồn cát hoang dại thành mảnh đất phì nhiêu, với cơ cấu trồng rau màu đa dạng, phong phú và cho giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Văn Hòa ở xóm 5, xã Quỳnh Liên, một trong những hộ trồng rau màu sớm nhất ngoài đồng cát cho biết: Do đất vườn ít nên gia đình ông phải nhận khoán hơn 2 mẫu đất cát để trồng rau màu. Quá trình làm, thử nghiệm cây trồng mới, có vụ thành công có vụ thất bại nhưng ông không nản chí. Đến năm thứ 3, ông đã định hình được mùa vụ cho các loại cây trồng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với ông là chưa có hệ thống bơm tưới nên chỉ sản xuất rau vụ đông, mùa hè phải bơm tưới thủ công mất nhiều công sức mà thu nhập không cao… Đến khi có sáng kiến cải tiến của ông Bạch Văn Thành ở xóm 3, xã Quỳnh Liên về hệ thống bơm tưới tự động, làm bằng ống nhựa, ông Hòa đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để đào 3 giếng, mua máy bơm công suất lớn và lắp đặt hệ thống vòi phun tưới nên vừa đảm bảo nước tưới vừa tiết kiệm nhân lực. Từ chỗ thường xuyên cần 5 - 7 lao động, nay chỉ cần 2 vợ chồng ông làm việc trên cùng diện tích. Hơn nữa sau khi chủ động được nước tưới, ông bố trí cơ cấu cây trồng đa dạng gồm: hành hoa, cải ngọt, củ cải, su su… liên tục. Mỗi năm sản xuất khoảng 5 - 6 vụ; thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/sào; sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi 200 triệu đồng.
Theo gương ông Hòa, không chỉ bà con trong xóm mà nhiều người dân xã khác nhận thấy tiềm năng nên đã đến xã thuê, nhận khoán đất để làm rau màu. Anh Lê Văn Chung - người dân xã Quỳnh Bảng nhưng sang xóm 4, xã Quỳnh Liên nhận khoán 8 sào đất để trồng rau màu cho biết: Rút kinh nghiệm từ trước, trong số 8 sào đất, mỗi một loại cây anh bố trí ra nhiều lứa khác nhau nên bình quân 1 tháng là có 1 lứa rau để bán. Do đã có hệ thống bơm tưới tự động nên việc chăm sóc thuận lợi, chỉ trừ lúc làm cỏ, bón phân mới phải mượn thêm người. Được biết, hệ thống bơm tưới khá rẻ, kể cả máy bơm và đào giếng chi phí khoảng 5 triệu đồng/sào và người dân có thể mua vật liệu về tự lắp được nên dễ ứng dụng, diện tích càng lớn thì đầu tư ban đầu càng rẻ.
Sau khi một số hộ lắp đặt hệ thống bơm tưới có hiệu quả, cộng với việc thị xã và xã hỗ trợ trên 200 triệu đồng làm mô hình điểm tưới cho 2 ha tại xóm 9 và 10 nên người dân mạnh dạn đầu tư hơn. Hiện nay, không chỉ ngoài đồng sản xuất lớn mà trong vườn hầu hết các hộ đều đầu tư lắp đặt hệ thống bơm tưới tự động để trồng rau. Xã cũng hỗ trợ bằng cách đầu tư xây dựng trạm điện và kéo dây điện ra đồng để nhân dân sản xuất. Nhờ vậy diện tích trồng rau đã tăng lên đáng kể, 3 năm gần đây sản lượng rau các loại của xã đều đạt gần 13 ngàn tấn/năm, năng suất khoảng 16 tấn/ha, giá trị từ trồng trọt gần 48 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đảm bảo được vấn đề nước tưới, rút kinh nghiệm từ các năm trước và tránh tình trạng “được mùa rớt giá” gây thiệt hại cho bà con nông dân, xã vận động bà con bố trí cơ cấu rau màu hợp lý và lựa chọn cây trồng có giá trị hàng hóa. Cụ thể, thay vì canh tác cây truyền thống là cải bắp, su hào đòi hỏi thời gian canh tác dài, trọng lượng nặng nhưng giá bán không cao, bà con Quỳnh Liên đã chuyển sang trồng các cây có thời gian sinh trưởng ngắn và giá trị cao như: dưa đỏ, hành hoa, cải ngọt, cải củ, su su… Bên cạnh đó, cùng với đẩy nhanh quá trình chuyển đổi nhằm tích tụ ruộng đất (xã đã làm xong 6/10 xóm), thì xã căn cứ vào địa hình đồng đất để đa dạng hóa cây trồng và lịch thời vụ. Mùa mưa thì tận dụng vùng đồng đất cao để trồng rau; mùa hạ trồng rau vùng thấp, su su vùng cao. Nhờ cách làm này, Quỳnh Liên tránh được tình trạng sau trận lụt, bà con ra giống đồng loạt dẫn đến thu hoạch ế ẩm, giá rớt thảm hại.
Hiện nay, Quỳnh Liên có khoảng 335 ha sản xuất rau màu nhưng hệ số sử dụng đất khoảng 3,5 lần, diện tích sản xuất rau màu của xã thực tế lên tới trên 1.150 ha; mỗi ha có mức thu nhập khoảng 120 - 150 triệu đồng/năm, cá biệt có thửa cho thu nhập 270 triệu đồng/ha. Đây là nguồn thu không nhỏ, góp phần nâng cao đời sống người dân, thu nhập bình quân đầu người của Quỳnh Liên năm 2013 đạt khoảng 20 triệu đồng; số hộ nghèo giảm nhanh từ trên 20% năm 2010 xuống còn 6,9% năm 2014. Đây là tiền đề, cơ sở để Quỳnh Liên được rà soát công nhận thoát nghèo từ năm 2013.
Ông Hồ Đức Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên chia sẻ: Thị xã Hoàng Mai chọn Quỳnh Liên là xã điểm xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2015 phải về đích nên nhiệm vụ khá nặng nề. Với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và hình thành được các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, xã có điều kiện không nhỏ nâng cao thu nhập cho người dân, tạo ra sức mạnh nội lực để xây dựng nông thôn mới vững chắc và là điều kiện để xã huy động thêm nguồn lực đầu tư để tập trung phấn đấu hoàn thành thêm 2 tiêu chí nữa vào cuối năm để về đích nông thôn mới.
Mong muốn lớn nhất của người dân cũng như lãnh đạo xã Quỳnh Liên là các ngành chức năng đưa mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP về thử nghiệm trên địa bàn để bà con học hỏi, nhân rộng. Đây không chỉ là cơ hội để nâng cao chất lượng, quảng bá, tiếp thị tạo đầu ra bền vững hơn cho sản phẩm rau màu Quỳnh Liên để bà con yên tâm đầu tư thâm cạnh và sản xuất rau màu quy mô ngày càng lớn hơn.
Nguyễn Hải
Theo Baonghean.vn
|