(Baonghean) - Không có tấm bằng đại học nhưng chàng thanh niên 28 tuổi ở xã Nghi Long (Nghi Lộc) đã rất mạnh dạn và táo bạo xây dựng một mô hình lập nghiệp mới ở nông thôn và xứng đáng trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp.
|
Khu vui chơi Thiên thần ở xóm 7, xã Nghi Long (Nghi Lộc)
|
Sự cần cù và ý tưởng
Dáng người dong dỏng cao, hơi gầy, Trần Ngọc Hoàng có vẻ rụt rè khi nói về mô hình khu vui chơi cho thiếu nhi của mình, bởi theo anh, mới chỉ một thời gian ngắn (2 tháng), chưa thể khẳng định được hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, qua chuyện trò, anh đã bộc bạch nhiều điều thú vị về quá trình xây dựng, hoạt động cũng như tương lai của mô hình này.
Sinh năm 1988, Trần Ngọc Hoàng là con thứ tư trong một gia đình thuần nông có 5 anh, chị em ở xóm 8, xã Nghi Long (Nghi Lộc). Năm 1998, khi Hoàng đang học lớp 5 thì mẹ mất, một mình bố phải xoay sở với cảnh “gà trống nuôi con”, gia cảnh vốn đã nghèo lại càng thêm khốn khó. Vì thế, 3 người chị của Hoàng học hết cấp 2 đều phải nghỉ học để bươn chải kiếm sống, chỉ riêng Hoàng và người em trai được bố cho gắng học tiếp cấp 3.
Năm 2006, tốt nghiệp THPT, cũng như nhiều học trò trường làng có học lực khá, cậu học trò nghèo Trần Ngọc Hoàng cũng mang trong mình nhiều ước mơ hoài bão về giảng đường đại học. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến Hoàng phải gác ước mơ đó để theo chân những thanh niên trong làng “Nam tiến” kiếm kế sinh nhai. Vào TP. Hồ Chí Minh, Hoàng được nhận vào làm ở một công ty may xuất khẩu.
Ở đất khách quê người, tuy còn trẻ nhưng không như những thanh niên xa quê khác, Hoàng rất có ý thức gìn giữ, tích góp những đồng tiền lương công nhân của mình. Anh tuân thủ nghiêm túc nội quy của công ty, tích cực, cần cù làm tăng ca, đồng thời cố gắng hạn chế những cuộc vui chơi với bạn bè, đồng nghiệp. Nhờ đó, sau 5 năm làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Hoàng cũng đã tích góp cho mình một khoản tiền kha khá. Đầu năm 2011, khi biết đến chương trình tu nghiệp sinh tại Nhật Bản, Hoàng đăng ký thi tuyển và trúng tuyển chương trình tu nghiệp theo hợp đồng 3 năm. Ở Nhật, Hoàng làm việc tại một nhà máy sản xuất linh kiện của hãng xe Toyota.
Đầu năm 2014, hết hạn hợp đồng tu nghiệp sinh, Hoàng trở về nước. Ban đầu, anh định tiếp tục ở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc. Tuy nhiên, khi về thăm nhà, thấy bố già yếu đi nhiều, sau nhiều đêm trăn trở, Hoàng quyết định ở lại quê nhà khởi nghiệp với số tiền tích cóp được sau 7 năm xa quê. Nhưng làm gì để có thu nhập thì không phải là một điều đơn giản!
Hoàng chợt nhớ lại, những năm ở TP. Hồ Chí Minh, anh thấy phường nào mà anh đến cũng có khu vui chơi cho trẻ em; còn ở quê nhà, dù là huyện phụ cận TP. Vinh nhưng trẻ em nông thôn hiện nay rất thiếu sân chơi, đặc biệt vào dịp hè. Ý tưởng về xây dựng một khu vui chơi cho trẻ em được hình thành từ đó. Để biến ý tưởng đó thành hiện thực, Hoàng lại một lần nữa vào TP. Hồ Chí Minh để tham khảo cách làm. Đầu tháng 5, Hoàng trở về quê, bắt tay vào xây dựng khu vui chơi. Khu đất của gia đình không đủ rộng và nằm ở vị trí không mấy thuận lợi nên anh liên hệ và thuê được hơn 820m2 đất vườn của một hộ ở xóm 7, xã Nghi Long, ngay gần UBND xã với thời hạn hợp đồng 6 năm. Sau đó là san nền, mua sắm, lắp đặt trang, thiết bị, dụng cụ. Sau hơn 1 tháng chuẩn bị, ngày 15/6/2005, “Khu vui chơi Thiên thần” của ông chủ trẻ Trần Ngọc Hoàng chính thức đi vào hoạt động.
|
Trần Ngọc Hoàng đang trò chuyện về khu vui chơi
|
Quan trọng là phải tâm huyết
Hoàng kể, khi anh đưa ra ý tưởng trên bàn với những người thân trong gia đình và họ hàng, không ít người đã bày tỏ sự e ngại, vì nó quá táo bạo. Nhiều người nói rằng ở nông thôn, thanh niên làm các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt hay mở xưởng tiểu thủ công nghiệp thì nhiều, nhưng làm mô hình khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi thì mới nghe lần đầu. Nhưng sau khi nghe anh kiên trì thuyết phục, họ cũng ủng hộ và còn cho anh vay một ít vốn để đầu tư. Chính quyền xã thì tạo điều kiện cho anh trong việc giải quyết các thủ tục thuê đất, cấp giấy phép kinh doanh.
Hoàng cho biết, khu vui chơi dành cho trẻ em của anh có số vốn ban đầu hơn 300 triệu đồng, bao gồm 55 triệu tiền thuê đất, chi phí san nền, mua sắp, lắp đặt các trang, thiết bị gồm xe lửa điện, xe điện đụng, nhà hơi, thú nhún điện, bể câu cá, giàn đu quay, tượng thạch cao tô màu và các thiết bi chiếu sáng. Vào 2 tháng hè, khu vui chơi thường đón khách từ 5h chiều đến 9 -10h tối. Khách hàng không những là các em nhỏ trên địa bàn xã Nghi Thuận mà còn ở vùng lân cận như Thị trấn Quán Hành, xã Nghi Thuận, Nghi Thịnh, Nghi Xá… Với mức giá trung bình các trò chơi giao động từ 2.000 – 8.000/15 phút, sau 2 tháng hoạt động, khu vui chơi đã mang về cho Hoàng doanh thu xấp xỉ 50 triệu đồng.
Trước những thành công ban đầu đó, Hoàng chia sẻ: “Em thấy có nhiều người cũng khởi sự từ hai bàn tay trắng, tự lực cánh sinh, không được đào tạo chính quy, bài bản qua trường lớp nào cả mà vẫn rất thành công. Có nhiều con đường lập nghiệp thành công, tùy vào suy nghĩ và đam mê của mỗi người, quan trọng hơn là mình phải xác định được niềm đam mê, đặt tâm huyết vào cái mà mình làm thì sẽ cảm thấy tự tin hơn. Trước khi quyết định đầu tư xây dựng khu vui chơi này, em đã lường trước những khó khăn như đời sống của người dân nông thôn chưa đồng đều, nhận thức và tạo điều kiện cho trẻ em vui chơi của nhiều bậc phụ huynh còn hạn chế; rồi tình trạng thưa vắng khách khi bước vào năm học hay vào những ngày trời mưa, gió rét… Nhưng em vẫn tin rằng mình sẽ thành công. Trong thời gian tới, em sẽ trồng thêm cây xanh, thảm cỏ, lắp đặt thêm một số trò chơi nhà bóng, cầu trượt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các em, đồng thời quan tâm đến vấn đề giá cả cũng như đảm bảo an toàn cho các em đến chơi”.
Chị Lê Thị Hà - một phụ huynh ở xóm 7, xã Nghi Long cho biết: “Các cháu nhỏ ở nông thôn hiện nay rất thiếu điều kiện vui chơi, giải trí. Trước đây, vào dịp cuối tuần, nếu muốn cho 2 cháu nhà tôi vui chơi, cả nhà thường phải vượt gần 20 km vào Thành phố Vinh hoặc xuống TX. Cửa Lò. Nhưng nhờ có khu vui chơi của anh Hoàng mà các cháu nhà tôi có thể vui chơi hàng ngày, giá cả phù hợp với thu nhập của gia đình”. Còn theo ông Lê Văn Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghi Long: Mô hình khu vui chơi của anh Trần Ngọc Hoàng rất bổ ích, giải quyết được vấn đề vui chơi giải trí cho các em thanh, thiếu niên, nhất là vùng nông thôn hiện nay. Sự táo bạo, ý chí, nghị lực của đoàn viên Trần Ngọc Hoàng đã và đang trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên lập nghiệp cho thanh niên các địa phương noi theo.
Bài, ảnh: Minh Quân
Theo Baonghean.vn
|