Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, 17 tuổi, ông Nguyễn Văn Nam, (thôn Kim Thượng xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương) tham gia dân công chống Pháp, hết mở đường, rồi cõng muối ở Trung Lào. Sau đó đi xây dựng công trường, giảng dạy trong phong trào bình dân học vụ, làm kế toán, phó chủ nhiệm hợp tác xã ở địa phương. Khi Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam, tháng 5/1965 ông lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ thông tin, lăn lộn trên chiến trường Quảng Trị. Trong một trận đánh tại Cùa – Cam Lộ, ông bị thương ở bả vai, phải chuyển về tuyến sau và xuất ngũ năm 1968.
Về lại quê hương, thương binh Nguyễn Văn Nam không chỉ là một xã viên tích cực gương mẫu, miệng nói tay làm trong sản xuất nông nghiệp, mà ông còn hăng hái tham gia công tác ở địa phương với nhiều nhiệm vụ khác nhau: kế toán xí nghiệp, phó ban công an xã, bí thư chi bộ… Hai nhiệm vụ mà ông đảm nhận lâu nhất là: phó chủ tịch hội nông dân và phó ban chính sách xã.
Mấy chục năm làm việc ở xã, dấu ấn sâu đậm nhất để lại trong ông là những tháng ngày làm phó ban chính sách. Đây là công việc liên quan nhiều đến quyền lợi của người có công, đặc biệt là quyền lợi của thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và những cá nhân, gia đình có công với cách mạng. Ông đã đem hết khả năng, tinh thần trách nhiệm, lương tâm của người cán bộ chính sách, để làm tốt công việc được giao. Chế độ của đối tượng có công, được giải quyết thấu đáo đến nơi đến chốn, đúng, đủ, chính xác, kịp thời từng cân gạo, đồng tiền, hộp sữa… Sổ sách công khai, minh bạch, rõ ràng. Vì lẽ đó công tác chính sách của xã đã hoàn thành tốt, không tồn tại một khúc mắc nào dù nhỏ nhất.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ông có những sáng kiến hay, được vận dụng vào thực tế như đánh máy bảng theo dõi chế độ chính sách, phát cho từng đối tượng… Ngày đó, việc làm này là rất mới, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho công tác chính sách ở địa phương. Do năng lực làm việc và tinh thần trách nhiệm cao, nhiều lần ông được phòng lao động thương binh – xã hội huyện Thanh Chương đề nghị trợ giúp phòng, trong công tác hồ sơ chính sách. Mỗi lần như vậy, ông lại tay xách nách mang lên huyện vài ba tháng, dù công trên, việc dưới, đôi đường bận bịu, nhưng việc nào cũng hoàn thành trọn vẹn. Ông chia sẻ: “Huyện gọi thì tui đi, chuyện hồ sơ giấy tờ, tui cũng làm quen rồi. Nhiều khi tui cũng đi ở tỉnh nữa. Phòng giao việc, thế là đi. Đi Vinh bằng xe đạp, sớm đi, chiều về, ngày xưa là rứa”.
Năm 2010, 75 tuổi, ông vẫn là bí thư chi bộ thôn Kim Thượng. Năm ngoái ông còn là thành viên của ban lăn đổi ruộng đất ở thôn, trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trời mưa, gió rét căm căm, dân làng vẫn thấy ông tham gia cùng bà con chia ruộng, thực hiện dồn đồng đổi thửa. Hiện nay, đã bước sang tuổi 79, ông không còn làm hội trưởng hội phụ huynh trường cấp 1, nhưng lại làm hội trưởng hội khuyến học của thôn.
Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà gỗ nhỏ, nhưng ấm cúng không khí gia đình, ông bộc bạch chuyện nhà, chuyện đời và cả… chuyện thế giới. Ẩn chứa phía sau khuôn mặt hiền lành, vị tha, nhân hậu của ông, là sự nhiệt huyết, vô tư. Được biết, ông đã sống với người mẹ già 107 tuổi và người vợ nằm liệt giường trước khi mất bằng cả tấm lòng hiếu thảo của một người con và tình nghĩa thủy chung của một người chồng. Bà con lối xóm vô cùng mến phục. Chi hội trưởng người cao tuổi thôn - Ông Phạm Hồng Như đã nói: “Ông Nam không chỉ là người nhiệt huyết, vô tư với phong trào tập thể, mà còn là một người giàu tình nghĩa”.
Hai tháng nay, căn bệnh tiểu đường gây biến chứng tắc mạch ở chân, làm ông phải vào viện. Nhìn người con dâu chăm lo bữa cơm, người con trai xăm xắn lo toan từng viên thuốc, các cháu nhỏ thì khệ nệ ôm từng chồng sách vở, giấy tờ cho ông, mà người ngoài cũng thấy ấm lòng… Những tháng năm qua, ông đã sống thanh bạch giản dị trong tình yêu thương của con cháu, cùng với tiền trợ cấp thương binh 820 nghìn đồng/tháng. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, dù tuổi cao sức yếu, bệnh tật rập rình, nhưng trong ông, dường như chưa bao giờ hết những trăn trở về công việc tập thể, đặc biệt là về phong trào xây dựng nông thôn mới. Với ông, đúng là “tuổi cao chí khí càng cao”.
Năm nay, xấp xỉ tuổi 80, tròn 50 năm tuổi Đảng, và cũng hơn chừng ấy thời gian tham gia cống hiến, đóng góp công sức cho tập thể, cho xã hội, ông đã được nhà nước tặng Huân kháng chiến chống Mỹ, Huy chương chiến sĩ giải phóng, nhiều Bằng khen, Giấy khen, Thư khen của các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương.
Chia tay ông Nam và người dân Kim Thượng, nhưng hình ảnh người thương binh già vẫn còn đọng mãi trong lòng chúng tôi. Giữa cuộc sống đời thường hôm nay, những người như ông, thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao./.
Huy Thư
|