Trang chủ Liên hệ       Thứ tư, Ngày 25/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Chuyện về “Bế Văn Đàn” của Đảo Mắt anh hùng Bài 1: Lấy thân mình làm giá súng, bắn rơi máy bay Mỹ Chuyện về “Bế Văn Đàn” của Đảo Mắt anh hùng Bài 1: Lấy thân mình làm giá súng, bắn rơi máy bay Mỹ , Người xứ Nghệ Kiev
 


QĐND - Câu chuyện Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Bế Văn Đàn trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã “lấy thân mình làm giá súng” để đồng đội bắn diệt quân thù khiến mỗi người chúng ta cảm phục về lòng dũng cảm và sự bất khuất của Bộ đội Cụ Hồ. Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, có thể còn những hành động như Bế Văn Đàn mà chưa được nhắc tới. Tôi biết một trường hợp như vậy. Đó là y tá Hồ Sĩ Châu của Đảo Mắt anh hùng.

Buổi phát thanh đời người

Đã gần ba chục năm nay, nhắc tới bác Hồ Sĩ Châu là người dân ở thôn Đồng Nại, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An nghĩ tới một bí thư chi bộ cần mẫn, một CCB đầy trách nhiệm, một y sĩ hết lòng vì người bệnh. Bác sống bình lặng, thanh bạch, hòa nhã với xóm giềng. Đã 70 tuổi, những di chứng của chiến tranh ngày ngày vẫn dày vò cơ thể gầy yếu của bác. Nhiều lúc bác cảm thấy đau nhói như có kiến đốt trong xương. Những ngày trở trời, đầu bác nhức buốt, quay cuồng. Chưa hết, điều nguy hiểm nhất chính là những cơn nghít thở từ chứng bệnh phổi tắc nghẽn khiến bác thường chỉ ngồi trên chiếc ghế ở thềm nhà, thở hổn hển và chiếc máy thở ở kề bên, sẵn sàng cấp cứu khi cần thiết.

Y tá Hồ Sĩ Châu thời trẻ

Bác Châu từng trải qua nhiều chiến trường ác liệt, nhưng vốn tính vô tư, trầm lặng, ít nói về bản thân nên ngay cả vợ con cũng không biết rõ về chuyện bác chiến đấu ở những chiến trường nào, bị thương ở đâu, vào năm nào. Với bác, còn sống trở về là may mắn lắm rồi, không mong gì hơn nữa.

Thế rồi, ngày 2-9-2013 trở thành một dấu ấn đặc biệt đối với bác và gia đình. Hôm ấy, hai vợ chồng bác nằm nghe chương trình phát thanh “Biển, đảo Việt Nam” trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát lúc 5 giờ 30 sáng. Chương trình hôm ấy nói về Đảo Mắt anh hùng của tỉnh Nghệ An. Bỗng giọng của phát thanh viên trở nên trầm hùng khi nhắc đến câu chuyện chiến đấu kiên cường bảo vệ đảo trong những năm kháng chiến chống Mỹ, trong đó có câu: “Nơi đây còn có tấm bia lưu giữ sự kiện ngày 17-8-1968, khi tên lửa của địch bắn trúng khẩu đội chiến đấu. Y tá Hồ Sỹ Châu đã lấy thân mình làm giá súng, cùng với đồng đội chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và bắn tan máy bay AD6 của địch.” “Trời!” - Hồ Sĩ Châu choáng váng. Bác nghẹn ngào nói với vợ: “ Bà ơi, như thế vẫn còn có người nhớ đến tôi. Họ còn nhớ tôi đã chiến đấu trên đảo như thế nào.”

Chính nhờ bài phát thanh ấy, mà cả một thời tuổi trẻ “trên trận tuyến đánh quân thù” của bác Châu tưởng như đã dần trôi vào quên lãng bởi sức khỏe yếu và cuộc sống lam lũ, vất vả, bỗng lại ùa về.

Tuy nhiên, có hai chi tiết ở trong bài phát thanh chưa chính xác. Thứ nhất là ngày của trận chiến đấu thì chuẩn, nhưng năm diễn ra trận chiến đấu thì không đúng. Theo trí nhớ của bác, trận đánh ấy diễn ra vào năm 1965 chứ không phải năm 1968, vì năm 1966 bác đã rời đảo. Thứ hai là chi tiết “y tá Hồ Sĩ Châu đã… chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, ý muốn nói bác Châu đã … hi sinh, nhưng thực chất bác vẫn còn sống.

Đảo Mắt hiên ngang trên biển

Bác Châu kể, bác đi bộ đội từ đầu năm 1964, khi mới 18 tuổi. Sau mấy tháng tân binh và được đào tạo y tá, tháng 6-1965, bác được cử ra làm y tá trên Đảo Mắt (Nghệ An) trong biên chế Đại đội 32 (C32) là đại đội độc lập thuộc Sư đoàn 341, Quân khu 4.

Đảo Mắt là đảo tiền tiêu, án ngữ phía trước của tỉnh Nghệ An, cách bờ khoảng 30 km. Trong chiến tranh chống Mỹ, đây là một trong nhóm 4 hòn đảo là phên giậu án ngữ phía biển của Quân khu 4, bao gồm Đảo Ngư, Đảo Mắt (Nghệ An), Hòn Mê (Thanh Hóa) và Cồn Cỏ (Quảng Trị). Vì thế, máy bay Mỹ từ hạm đội ngoài biển thường bay qua đây trước khi vào đánh phá các vị trí trọng yếu của Quân khu 4. Trên đường quay trở về hạm đội, máy bay Mỹ lại ngang qua đảo, trút nốt toàn bộ số bom, đạn còn lại. Bác Hồ Sĩ Châu ra Đảo Mắt chỉ 3 tháng sau trận đầu tiên đảo đánh máy bay Mỹ ngày 31-3-1965. Trận này, máy bay Mỹ bị bộ đội trên đảo bắn rơi và người chiến sĩ đầu tiên trên đảo đã anh dũng ngã xuống - đó là liệt sĩ Hồ Kim Giao.

Theo trí nhớ của bác Hồ Sĩ Châu, lúc ấy, chỉ huy trưởng trên đảo là trung úy Nguyễn Nhậm, chính trị viên là Nguyễn Văn Bảy, đều là cán bộ miền Nam tập kết. Tổ quân y trên đảo thời điểm đó bao gồm: Bác sĩ Nguyễn Hồng Kỳ, y tá Hồ Sĩ Châu, y tá Kinh (hay Binh - vì bác không nhớ rõ lắm) và y sĩ Ngô Tám. Vì vị trí đóng quân của đơn vị được bố trí phân tán khắp đảo, nối với nhau bằng giao thông hào nên tổ quân y luôn phải cơ động trong chiến đấu kịp thời cấp cứu bộ đội.

Bia chiến công trên Đảo Mắt ghi danh y tá Hồ Sĩ Châu “lấy thân mình làm giá súng”.

Gần 1 năm rưỡi trên đảo, từ tháng 6-1965 đến tháng 10-1966, Hồ Sĩ Châu cùng bộ đội trên đảo đã trải qua cả trăm trận đánh, kiên cường bám trụ, bảo vệ đảo trước những trận bom hủy diệt của máy bay Mỹ. Ngày đêm máy bay địch ném bom, bắn rốc két nhằm hủy diệt đảo. Theo bác Hồ Sĩ Châu thì có ngày địch đánh phá đảo hơn chục trận. Sống dưới bom, đạn và cái chết lúc nào cũng cận kề nên cảm giác sợ hãi dần mất đi. Bom, đạn đã tôi luyện cho người lính đảo sự kiên cường và điềm tĩnh trong mọi tình huống. Họ không kịp ăn, không kịp ngủ, lúc nào cũng túc trực ngay tại mâm pháo, luôn căng mắt dõi ra biển để sẵn sàng phát hiện máy bay, tàu chiến của kẻ địch. Với họ nhiều khi ý thức về thời gian khá nhạt nhòa, bởi lúc nào cũng trong tư thế SSCĐ. “Dường như trận nào cũng giống trận nào. Tiếng máy bay ù ù, tiếng bom, rốc két nổ ầm ầm suốt ngày đêm”, bác Châu nhớ lại.

Trận quyết chiến và hành động anh hùng

Thế nhưng, cái trận đánh mà Đài Tiếng nói Việt Nam nhắc tới, bác còn nhớ khá rõ. Đó là vào ngày 17-8-1965. Khoảng đầu giờ chiều, tiếng máy bay Mỹ ù ù trên trời. Cả đảo ầm ầm tiếng bom, đạn, khói lửa mù mịt. Khi đó, y tá Hồ Sĩ Châu đang trực cấp cứu, ở trong hầm chỉ huy của trận địa cùng với trung đội trưởng Hoạc, cách khẩu đội 12 ly 7 có chục bước chân. Tiếng 12 ly 7 điểm xạ dài xen điểm xạ ngắn ròn đanh, bỗng im bặt. Hồ Sĩ Châu nghe tiếng hét lớn: “Chân súng hỏng rồi. Có ai ở đó không.” Được sự đồng ý của trung đội trưởng Hoạc, Hồ Sĩ Châu lao ngay ra khẩu đội 12 ly 7 để trợ giúp. Đến nơi, bác thấy các đồng chí Trương Văn Thủ, Nguyễn Ngọc Linh, Phạm Văn Lưu đang lúng túng vì một chân khẩu 12 ly 7 bị hỏng, súng bị nghiêng một bên. Không chần chừ, Hồ Sĩ Châu một tay bám vào chân súng còn lại, rồi ghé vai nâng khẩu súng lên, lấy lại cân bằng. Cứ thế, Hồ Sĩ Châu biến mình thành một chân của khẩu 12ly 7. Khẩu đội chỉnh lại hướng bắn. Khẩu 12 ly 7 lại giật liên hồi trên vai Hồ Sĩ Châu. Lúc ấy, tiếng máy bay rít, tiếng bom, tiếng rốc két, tiếng đạn 12 ly 7, khói bụi mù mịt… khiến tai của Hồ Sĩ Châu gần như điếc đặc, không nghe thấy gì nữa.

Một máy bay địch phát hiện được trận địa khẩu 12 ly 7 nhào xuống để tấn công. Khẩu đội hiên ngang, bình tĩnh, một loạt đạn vỗ thẳng mặt thằng giặc trời đang vù vù lao vào trận địa của khẩu đội. Chiếc AD6 ăn gọn loạt đạn 12ly 7 bốc cháy dữ dội, nó lảo đảo bỏ chạy và rơi xuống biển. Thấy đồng bọn bị tiêu diệt, máy bay địch càng điên cuồng ném bom, phóng rốc két như muốn nhấn chìm cả đảo. Một tiếng nổ lớn làm đất đá trùm lên trận địa 12 ly 7. Bác Châu không biết gì nữa…

Tỉnh dậy, bác đã thấy mình đang nằm trong hầm chỉ huy ở đỉnh đảo, miệng khô đắng. Đồng đội cho biết, bác đã bất tỉnh một ngày đêm. Khẩu đội đã bắn rơi chiếc máy bay AD6 của giặc Mỹ. Sau đó, khẩu đội bị trúng rốc két. Tất cả đều bị thương.

Hồ Sĩ Châu bị thương một vết ở đầu, một vết ở tay, một vết ở mông, bị gãy xương sườn do sức ép. Điều trị tại đảo khoảng 10 ngày, bác được tàu đưa vào đất liền, nằm điều trị ở tiểu đoàn quân y. Rất may vết thương không quá nặng, khoảng nửa tháng sau khi sức khỏe ổn định, bác lại quay về đảo.

Sau đó, bác nghe nói, chỉ huy đơn vị đã họp, nêu công trạng và quyết định đề nghị cấp trên tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3 cho bác. “Khẩu đội 12 ly 7 cũng được đề nghị tặng thưởng Huân chương chiến công, không biết là hạng mấy, vì bác chỉ nghe nói lại.”, Bác Hồ Sĩ Châu kể. Nhưng rồi, bác chưa được tặng Huân chương và cũng không thấy ai nhắc lại chuyện này nữa. Vì những thành tích trong chiến đấu, trước khi kết thúc thời gian ở đảo, ngày 28-9-1966, bác đã được kết nạp vào Đảng. Đầu tháng 10-1966, bác rời đảo vào đất liền và được cử ra Hà Nội học khóa 1 Trường Trung cấp Quân y thuộc Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần). Năm 1968, Hồ Sĩ Châu được cử vào Mặt trận B5, trải qua các trận đánh ác liệt từ Khe Sanh (Quảng Trị) cho đến đường 9 Nam Lào. Mãi đến cuối năm 1978, tức là 3 năm sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, bác mới quay về nhà, chuyển ngành, làm y sĩ ở Lâm trường Quỳ Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ Tĩnh, nay là tỉnh Nghệ An)…

Bác Hồ Sĩ Châu đã gọi ngay cho tôi sau khi nghe được câu chuyện về Đảo Mắt, về tấm gương chiến đấu anh dũng của chính mình được phát trên trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Giọng bác vừa hân hoan, vừa lạc đi vì xúc động: “Cháu ơi, trên đài, người ta vừa nói về bác. Họ nói về việc bác lấy thân mình làm giá súng. Chắc là nhà báo đã gặp được những đồng đội của bác. Cháu giúp bác tìm lại đồng đội nhé”. Tôi chưa bao giờ chứng kiến bác trong trạng thái cảm xúc như vậy. Với trách nhiệm và sự cảm phục vô hạn của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước, chúng tôi bắt đầu hành trình đi tìm câu chuyện chiến công “lấy thân mình làm giá súng bắn máy bay Mỹ” ở Đảo Mắt anh hùng.

Bài và ảnh: HỒ QUANG PHƯƠNG  - LÊ ANH TẦN

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/phong-su/bai-1-lay-than-minh-lam-gia-sung-ban-roi-may-bay-my/314083.html


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 1
Total: 66066151

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July