Đồng đội gặp nhau mừng mừng, tủi tủi.
Ngày 28/7/1978, Sư đoàn 337 được thành lập tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngày 18/2/1979, Sư đoàn nhận nhiệm vụ ra biên giới phía Bắc, hành quân thần tốc với tinh thần “Dặm bước thần kì phong cách Quang Trung”. Chỉ sau một tuần, Sư đoàn triển khai xong đội hình sẵn sàng chiến đấu. Đúng 10 giờ ngày 25/2/1979, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn bộ binh 4 nổ phát súng đầu tiên tiêu diệt toàn bộ quân địch vượt cầu Khánh Khê, qua sông Kỳ Cùng. Cùng đơn vị bạn đánh địch trên toàn tuyến Quốc lộ 1A, thị xã Lạng Sơn. Cuộc chiến diễn ra vô cùng quyết liệt suốt 12 ngày đêm. Liệt sĩ Trần Minh Lệ, quê huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An một mình giữa vòng vây quân thù, anh dũng chiến đấu và hi sinh. Tấm gương chiến đấu của đồng chí Lệ được cả Sư đoàn học tập. Liệt sĩ Tham mưu trưởng Trung đoàn 4 Hồ Trọng Long, quê huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mưu trí, bình tĩnh chỉ huy anh em đánh chiếm lại trận địa đã trút hơi thở cuối cùng khi quân ta giành chiến thắng. Trong cuộc gặp mặt này, bà Văn Thị Lơi, vợ liệt sĩ Hồ Trọng Long xúc động nói: “Thật vô cùng cảm động, 35 năm trôi qua nhưng đồng chí, đồng đội không ai quên chiến công của chồng tôi. Tôi thường dặn các con noi gương bố cố gắng học tập, công tác. Đến nay các cháu đã trưởng thành”.
Cả hội trường im phăng phắc, nhiều người rơi nước mắt khi nghe bà Lê Thị Đào ngâm bài thơ “Tìm về sư đoàn” tác giả Tuấn Long. Bài thơ được bộ đội yêu thích trong những năm tháng Sư đoàn chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong thời gian đó, bà Lê Thị Đào là một trong 13 chiến sĩ trong đội tuyên truyền văn hóa của Sư đoàn đến từng điểm chốt hát, ngâm thơ phục vụ bộ đội. Giọng hát của các bà thêm ấm lòng những người lính, để họ vững vàng đối mặt với kẻ thù. 36 năm mới có một lần gặp mặt, về đời thường mỗi người một công việc, có người cuộc sống rất khó khăn, nhưng tất cả đều nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Trong buổi gặp mặt, các CCB kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ 475 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn anh dũng hi sinh bảo vệ biên giới, tô thắm thêm 10 chữ vàng truyền thống của Sư đoàn: “Khẩn trương, nghiêm túc, đoàn kết, kiên cường, quyết thắng”.
Trong thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc, Sư đoàn được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 112 Huân chương các loại, có 2 Huân chương Chiến công hạng Ba, 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. 2 đồng chí được phong hàm Trung tướng, 6 Thiếu tướng, nhiều đồng chí là Giáo sư, Tiến sĩ… Hiện sư đoàn có Ban liên lạc CCB ở nhiều địa phương như Hà Nội, Nghệ An, Lạng Sơn, Thái Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Hồ Chí Minh.
Gặp mặt xúc động, chia tay bịn rịn… Nhiều cựu binh mái đầu bạc trắng, nắm tay đồng đội mà không cầm được nước mắt. Không thể quên những ngày trên chốt chia nhau từng hạt muối, cọng rau… Hơn ai hết họ hiểu giá trị của cuộc sống thời bình hôm nay