(Baohatinh.vn) - Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử cuộc chiến tranh thần thánh chống đế quốc của dân tộc ta. Biết bao lời thơ, ý nhạc, thước phim đã bất tử hóa những người con ngã xuống. Tất cả đã tạc vào thời gian miền đất thiêng và những con người bình dị mà anh hùng. Để rồi, Đồng Lộc mãi xanh tươi, bất tử, trở thành biểu tượng của tinh thần chiến đấu, sẵn sàng quên thân khi Tổ quốc cần. Đấy là hằng số của tính cách dân tộc, là niềm tin sắt đá vào tiền đồ ngàn năm.
|
Ngã ba Đồng Lộc - ngã ba huyền thoại. Ảnh: Quang Vinh |
Năm 1965, khi Mỹ đánh phá QL 1A, Ngã ba Đồng Lộc trở thành yết hầu giao thông trên đất Hà Tĩnh. Mỹ đã dồn về đây một lực lượng khổng lồ, liên tiếp dội bom hòng cắt đứt mạch máu giao thông nối hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Chọn 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, vùng đất hẹp về bề ngang để đánh phá, trong đó tập trung là vùng Can Lộc, đế quốc Mỹ đã rất cặn kẽ và chính xác trong nghiên cứu chiến trường. Tuyến QL 1 bị địch đánh phá dữ dội và bị cắt đứt, nhất là đoạn từ Hạ Vàng, Thượng Gia, Cổ Ngựa. Đường 15 đoạn ngã ba Khiêm Ích vào Ngã ba Đồng Lộc, hai bên là núi, nếu địch tập trung hỏa lực sẽ dễ chặt đứt lưu thông, việc mở đường tránh, đường xế vô cùng gian khó. Âm mưu của kẻ địch đã đặt quân và dân ta vào một tình thế ngặt nghèo, cùng lúc vừa chiến đấu chống địch phá hoại, vừa ra sức làm đường với khẩu hiệu “Địch phá một, ta làm mười”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”.
Suốt 7 tháng “ném bom hạn chế” năm 1968, trên bầu trời Ngã ba Đồng Lộc không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Chúng đã đánh 1.864 lần với gần 49.000 quả bom các loại, chưa kể bom bi, rốc-két, đạn 20 mm. Dẫu biết rằng, tổn thất sẽ vô cùng lớn lao, song không có sự lựa chọn nào khác, quân và dân ta đã đội mưa bom để đánh địch, nối đường. Lực lượng chiến đấu bảo vệ tuyến đường năm ấy bao gồm: Trung đoàn pháo cao xạ 210, Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ của tỉnh, một bộ phận của Tiểu đoàn 30 công binh Quân khu 4.
Tháng 5/1968, sau khi Ban đảm bảo giao thông tỉnh và Ngã ba Đồng Lộc được thành lập, các tổ quan sát đếm bom, cắm cọc tiêu, rà phá bom, bộ phận ứng cứu đường cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông được hình thành. 7/8 đại đội thuộc Tổng đội TNXP 55 - P18 (từ C551- C557) được điều động với hơn 1.000 người rải trên tuyến đường từ cầu Cơn Bạng đến Khe Giao. Lực lượng ngành GTVT gồm: Tổ lái máy ủi, 1/2 Đại đội chủ lực cầu, 1/2 Đại đội chủ lực giao thông, 3 đội công trình: II, III và VI, Tổ máy gạt I Cục Công trình I, Đội xe ben chở đá của Công ty Cơ giới giao thông, đội xe của Binh trạm 9. Nhân dân toàn tỉnh, toàn huyện đã căng mình, dồn hết sức người, sức của quyết tâm giữ vững cung đường chiến lược.
Chỉ trong 5 tháng, ta đã bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Trong 7 tháng năm 1968, ta đã phá 1.780 quả bom, góp 974.240 ngày công để thông tuyến, làm 6 km đường từ Khiêm Ích, Truông Kén, Bãi Dịa. Quân và dân các xã đã góp 185.400 ngày công với 42.620 người phục vụ chiến đấu, đào đắp 95.209 m3 đất đá, cung cấp 22.448 cọc tre, 24.000 gánh bổi chống lầy... Tổng quân số toàn bộ mặt trận lúc cao điểm nhất 16.000 người.
|
Đồng Lộc - Những buổi ngày xưa vọng nói về… Ảnh: Hương Thành |
Trong cuộc chiến đấu ác liệt, thi gan, đấu trí với không lực Hoa Kỳ tại “ngã ba chết”, nhiều tập thể và cá nhân đã chiến đấu anh hùng như: cán bộ và nhân dân các lực lượng vũ trang xã Đồng Lộc; Tiểu đội 4 Đại đội 552 TNXP gồm 10 liệt sĩ do Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng; Đại đội 551, 557 TNXP - Tổng đội TNXP 55, nữ công nhân La Thị Tám; Đội trưởng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh - Nguyễn Tiến Tuẩn, Đại đội trưởng TNXP Nguyễn Tri Ân, dũng sĩ phá bom Vương Đình Nhỏ, chiến sĩ lái máy húc C.100 Uông Xuân Lý… Đã có hàng trăm người ngã xuống tại Ngã ba Đồng Lộc (trong đó Trung đoàn 210 với 122 người hy sinh), tiêu biểu là 10 liệt nữ đang tuổi xuân đầy hứa hẹn.…
Sau gần 40 năm chiến tranh kết thúc, những đồi cây trơ trọi, cỗi cằn, giờ chỉ còn trong bức ảnh tư liệu. Những con đường láng mịn, rợp bóng cây xanh. Những tòa nhà đã mọc lên, đất đai được cải tạo phì nhiêu, tươi tốt. Đặc biệt, tại ngã ba anh hùng, Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, các tỉnh bạn, các doanh nghiệp và nhân dân đã đồng lòng, góp sức tạo nên một Đồng Lộc hội tụ của những biểu tượng thiêng liêng. Đó là cột biểu tượng lưu niệm của ngành GTVT, tượng đài chiến thắng, nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, đài tưởng niệm các anh hùng, liệt sỹ ngành GTVT tại Ngã ba Đồng Lộc, cụm tượng 10 cô gái TNXP Ngã ba Đồng Lộc, tháp chuông Đồng Lộc...
Ông Trần Đình Ước - Trưởng BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc cho biết: “Bình quân mỗi năm, Khu di tích đón hơn 300 ngàn lượt người tham quan, trong đó có một bộ phận người nước ngoài. Năm nay, ước tính khách tham quan sẽ lên đến 350 ngàn lượt, trong đó, riêng tháng 7 sẽ đón hơn 30.000 lượt. Hiện tại, chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị các công đoạn để tổ chức tốt chương trình kỷ niệm 46 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc”.
Có mặt tại Đồng Lộc giữa tiết trời hạ chí, tôi chậm bước chân nhìn đất trời, nghe lá thông rì rào trò chuyện. Từng bước chiêm nghiệm, tôi nghe 2 tiếng Đồng Lộc vang lên trúc trắc như nhịp của những chiếc xe bất tử ra chiến trường. Ký ức của đất gợi những lời thơ chắc, khỏe của Nguyễn Đình Thi: Nước chúng ta/Nước của những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về…
Nguyễn Mạnh Hà
http://baohatinh.vn/news/chinh-tri/mai-xanh-dong-loc/83786