(Baonghean) - Mảnh đất Quỳ Châu những ngày hội vui rộn rã tiếng cồng chiêng. Trong không khí vui tươi đó, cùng lời ước hẹn với non ngàn, từ ngày 11-13/2/2012, Lễ hội hang Bua được huyện Quỳ Châu tổ chức trọng thể.
Bây giờ đang độ đầu Xuân, tiết trời Quỳ Châu những ngày ấm áp, cây cối, ruộng đồng một màu mướt mát, mơn man xanh. Việc chuẩn bị cho vụ mùa mới, nương vườn cũng đã sớm xong, đất lành Mường Chiềng Ngam vào hội lớn.
Từ sáng sớm hôm nay, trên những con đường nhựa uốn lượn, đường núi đường đất khúc khuỷu, người dân bản nô nức đi đông lắm, những cô gái xúng xính trong bộ trang phục truyền thống người Thái, diêm dúa đường ren, những chàng trai mang theo chiếc khèn, chiếc pí hướng về dãy núi Phà Én thuộc bản Hồng Tiến, xã Châu Tiến, nơi tổ chức Lễ hội hang Bua - lễ hội lớn của cộng đồng người dân Quỳ Châu.
Cũng như mọi người, hôm nay cụ Lữ Khuyến, 90 tuổi, bản Hồng Tiến 2 thức dậy từ 5 giờ sáng, khoác lên mình bộ đồ đẹp nhất mà bà cất kỹ, dành riêng cho ngày hội hang Bua; mang theo cau trầu têm sΩn rồi sang hàng xóm rủ các cụ bạn, đưa các cháu con cùng đi.
Chương trình văn nghệ trong Lễ hội.
Vào ngày hội chính hang Bua sáng 12/2, theo lễ cổ, ban tổ chức cùng các đoàn đại biểu, du khách cùng bà con nhân dân 12 xã, thị trong huyện đã đến dâng hương làm lễ Đại tế ở Đền thờ Thành hoàng Mường Chiềng Ngam - là ngôi đền có lịch sử lâu đời thờ 3 vị Thành hoàng là ông Xiêu Bọ, Xiêu Ké và Xiêu Luông, những bậc tiền nhân đã có công khai bản lập mường.
Lễ Đại tế với chương trình phần lễ tâm linh được tổ chức theo phong tục truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Dưới bóng mát của cây thị cổ thụ bên Đền, dòng người thành kính dâng hương giữa tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng. Sau lễ cúng, thầy mo Lữ Văn Dũng phát lộc, ban lễ, mọi người ai cũng đều tiến đến uống một hơi rượu cần, ăn một chút xôi.
Thầy mo Lữ Văn Dũng vui vẻ cho biết: Lễ bày tỏ tấm lòng biết ơn của hậu thế đối với các vị thần với cha ông; trong buổi lễ, những ước mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no hạnh phúc, đất nước quê hương ngày càng phát triển thịnh vượng đã được gửi đến các vị thần... Bên ngôi đền thiêng, hội đã bắt đầu với những sinh hoạt văn hóa như nhảy sạp, ném còn, khắc luống. Những người trẻ thì vui vẻ tham gia, người già phúc hậu móm mém cười, mơ màng về điệu múa, những câu hát giao duyên ngày hội.
9 giờ sáng, Lễ hội hang Bua chính thức khai hội với sự chứng kiến của hàng vạn du khách, nhân dân địa phương. Các màn diễn xướng, ca vũ đã thể hiện tấm lòng thành kính, trân trọng với cội nguồn bản sắc văn hóa dân tộc và tình bằng hữu gần xa nối vòng tay thân ái. Lời khai mạc lễ hội do đồng chí Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Chương trình bày đã khẳng định Lễ hội hang Bua mãi, luôn có sức sống mãnh liệt trong dòng chảy của văn hóa cội nguồn, ăn sâu trong tâm thức của mỗi người dân Quỳ Châu nói riêng và đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung.
Sau tiếng trống khai hội dõng dạc của đồng chí Lang Văn Chiến - Bí thư Huyện ủy, lễ hội đã tưng bừng diễn ra với nhiều chương trình văn nghệ, ca hát, nhảy sạp, khắc luống, cồng chiêng; thi văn hóa ẩm thực; thi cắm trại đẹp; thi viết chữ Thái; diễn xướng rượu cần kết hợp hát nhuôn, xuối giữa các câu lạc bộ văn hóa truyền thống; thi thêu dệt, xe sợi; thi cuốn hương trầm; thi trình diễn trang phục dân tộc, Người đẹp hang Bua và đốt lửa trại. Các hoạt động thể thao gồm bóng chuyền, bóng đá, bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, nắm còn qua vòng, đu quay, chơi tọ lẹ, đi cà kheo, ném còn...
Trước hang Bua gắn liền với những huyền thoại, thần tích của cuộc giao tranh giữa Thần Núi (Phí - Nú - Phá - Hùng) và Thần Nước (Phí -Nặm - Huồi Hạ), của chuyện tình Tạo Khun Tinh với nàng Ni, các hoạt động lễ hội đã diễn ra trên khoảng đất rộng rãi, cao ráo, bằng phẳng; giữa tiếng reo hò phấn khởi của mọi người dân.
Bên này là trận bóng chuyền giữa hai đội Châu Hội và Thị trấn Tân Lạc, bên kia là cuộc thi văn hóa ẩm thực của 12 đơn vị xã, thị. Những mâm cỗ với nhiều món ăn cổ truyền của dân tộc Thái dâng lên trong ngày lễ là cá nướng, thịt chua, xôi chẻo, cơm lam, nước chè nấu trong ống mét khiến nhiều người tham dự chứng kiến cuộc thi nhớ về những hương vị ngày Tết thân quen. Này đây là phần thi đan những vật dụng bằng mây tre, những chiếc giỏ chiếc túi xinh xắn lần lượt ra đời dưới bàn tay các người thợ thủ công khéo léo. Xa xa sôi nổi là những trận bóng đá; những cô gái Thái xúng xiếng váy chàm trổ tài bắn tên. Quả còn được tung qua vòng nhưng chẳng được cánh tay của cô nàng nào bắt, rơi xuống thảm cỏ xanh; sắc mặt đỏ hồng chàng trai ngượng nghịu làm quen cô bạn lần đầu tiên được gặp.
Tiếng khèn, tiếng pí cũng như điệu hát nhuôn, xuối, on, ổi, giao duyên giao hòa cùng những điệu nhạc mới đã tạo nên không khí ồn ã dễ chịu mang đặc trưng của ngày hội. Đám trẻ níu tay những người già kéo đi xem triển lãm ảnh phát triển kinh tế, xã hội của huyện, vào hang Bua, dưới lớp nhũ đá tìm những dấu tích của tổ tiên xưa, rồi trở ra lẫn vào giữa vô vàn hàng quán, hội trại rực rỡ sắc màu. Bên bóng núi, cô bé Vi Thị Hiền, học sinh lớp 7, bản Nật Trên, xã Châu Hoàn được bố mẹ đưa đi trẩy hội miệng lẩm nhẩm đọc những lời hay ý đẹp bằng tiếng Thái trên các tấm thiệp do các thành viên Câu lạc hộ Văn hóa Thái cổ nắn nót viết. Hiền bảo: "Nhà em ở cách đây xa hơn 30 km nhưng năm nào cũng được bố mẹ cho đi tham gia lễ hội. Qua lễ hội này, em được biết nhiều hơn, rõ hơn về quê mình, dân tộc mình, được gặp nhiều bạn bè mới, nhiều cái lạ mà em chưa thấy. Mai này, em muốn những ngày hội này còn mãi...".
Trong những lán trại được dựng theo kiểu nhà sàn, mọi người chúc nhau chén rượu đầu xuân; ché rượu cần ủ công phu được bưng ra thết những người bạn từ phương xa mới tới. Đó là các vị khách đặc biệt đến từ đoàn công tác hai huyện kết nghĩa với huyện Quỳ Châu là Trà Bồng và Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi; huyện Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân - tỉnh Thanh Hóa; đại diện các huyện, thị, cùng đông đảo du khách thập phương. Lời diễn xướng nói lên tấm lòng hiếu khách đặc biệt của người dân Quỳ Châu, mảnh đất Mường Chiềng Ngam sẽ giàu có bởi sức lao động, mồ hôi, bằng con tim và khối óc của các cư dân... Mùi hương trầm được các làng nghề sản xuất trầm hương Thị trấn Tân Lạc đốt lên thơm nồng nàn, vướng vất. Ông Nguyễn Văn Thịnh (huyện Trà Bồng) tâm sự: "Về đây, chúng tôi cảm giác như về chính quê hương mình. Biết đâu đó, trong đoàn dân hoan ái vượt biển mở đất, mở nước, tạo nên Quảng Ngãi năm xưa đó có mặt tổ tiên tôi. Quảng Ngãi - Nghệ An, Trà Bồng - Quỳ Châu xa về mặt địa lý nhưng đồng điệu về tâm hồn, về truyền thống cách mạng. Quỳ Châu và Trà Bồng hiện vẫn đang là huyện nghèo, chúng tôi sẽ học tập, trao đổi lẫn nhau những kinh nghiệm, mô hình hay để kinh tế phát triển, cuộc sống đi lên".
Những người đẹp hang Bua năm nay tươi tắn trong trang phục lễ hội khăn phiu quấn đầu, tóc mây như suối chảy, lưng ong đeo quả đào bằng bạc, vòng kiềng lấp lánh, ai cũng hiểu thông, biết rộng về phong tục tập quán, lịch sử truyền thống cũng như các địa danh, thắng cảnh của quê hương mình... Trương Mai Trang ở Thị trấn Tân Lạc, đang học năm cuối Đại học Công đoàn về tham dự và đạt giải Nhì Hội thi Người đẹp hang Bua 2012 cho biết: "Chúng em luôn tự hào về những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, quê hương mình. Tham dự hội thi lần này, em tự nhủ đây là dịp tốt để nâng cao thêm kiến thức của bản thân cũng như nhận thức chung của mọi người dân. Những cô gái Thái ai cũng đẹp người, đẹp nết và đầy tài năng...".
Cứ mải mê thưởng thức, thưởng ngoạn lễ hội, anh Trần Sơn Lâm, một du khách về từ Thủ đô Hà Nội mỏi mắt nhìn theo những trái còn bay, quên chụp ảnh lưu niệm. Anh Lâm bảo, đi khắp nơi chưa thấy đâu màu sắc lễ hội đẫm nét như nơi này. Hết lễ hội, anh sẽ còn đi thăm Tôn Thạt, hang Voi, hang Thẳm Ồm, leo núi Phá Xăng nữa... Đêm về khuya, hội càng như say hơn, lung linh hơn dưới muôn vàn ánh điện. Ngày mai, dưới ánh bình minh hồng ngọc, chắc rằng niềm vui từ lễ hội theo mọi người về các bản xa.
Thành Chung - Thu Hương
|