Tổ quốc gọi tên anh…
(Baohatinh.vn) - Dẫu chưa có thống kê đầy đủ nhưng qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi biết rằng số lượng con em Hà Tĩnh tham gia các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển rất nhiều. Họ chủ yếu được sinh ra từ làng biển, lớn lên nhờ “lộc” biển và theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc đã hiến dâng sức trẻ để góp phần gìn giữ vùng biển đảo của quê hương.
Hiến dâng sức trẻ nơi đầu sóng
Trong những ngày tháng nóng bỏng này, với sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, ngăn cấm hoạt động đánh bắt và đe dọa tính mạng của ngư dân, hơn lúc nào hết, sự mưu trí, dũng cảm của các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư dân đã trở thành những hình ảnh đẹp làm lay động muôn triệu trái tim của người dân yêu chuộng hòa bình. Tình yêu quê hương lớn lao và những tình cảm ấm áp từ hậu phương vững chắc đã giúp các anh vượt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, kiên trì bám biển.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Cũng như bao người thân đang ngày đêm dõi theo những tin tức, diễn biến từ vùng biển khơi, anh Nguyễn Đức Bình (Cẩm Hòa, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Tiếp bước người cha thân yêu, mấy anh em chúng tôi đều theo đường binh nghiệp. Anh cả đã hy sinh xương máu của mình cho độc lập quê hương và giờ đây chú em tôi cũng đang làm nhiệm vụ cao cả trên vùng biển nóng. Lo lắng cho em nhưng cả gia đình cũng rất tự hào, luôn mong em vững vàng nơi đầu sóng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Em trai anh Bình là anh Nguyễn Đức Thuận, máy trưởng trên tàu kiểm ngư 774. Cùng với một số tàu khác trong quá trình làm nhiệm vụ, tàu kiểm ngư 774 đã bị tàu Trung Quốc làm hư hỏng nhẹ. Trong những phút vội vã tàu về cập cảng sửa chữa và tiếp nhiên liệu gần đây, qua điện thoại, anh Nguyễn Đức Thuận cho biết: “Kinh nghiệm 20 năm lái tàu, thông thuộc từng lạch luồng, từng con sóng giữa biển khơi nên tôi tin tưởng vào tay lái của mình. Ở ngoài này, mỗi một thời khắc luôn tiềm ẩn những hiểm nguy nhưng tinh thần đoàn kết của anh em, sự quan tâm dõi theo của hậu phương và trên tất cả là quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương đã giúp chúng tôi vững tay lái”…
Lặng thầm tình yêu hậu phương
Không phải ngẫu nhiên mà các cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư có thể yên tâm bám biển vì nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Sau các anh là những “lũy tre làng” luôn bền bỉ, xanh tươi… Câu chuyện về gia đình chị Phạm Thị Trâm Anh - giáo viên Trường THPT Cẩm Bình, vợ của Thượng úy Hoàng Đình Trường, Trưởng ngành Hàng hải tàu Cảnh sát biển 4033 khiến chúng ta cảm phục và thấu hiểu sự hy sinh thầm lặng của người vợ cảnh sát biển.
|
Bác sỹ Bệnh viện Điều dưỡng và PHCN chăm sóc, hướng dẫn phục hồi chức năng cho bố cảnh sát biển Phạm Khả Đăng bị liệt do tai biến |
Chị Trâm Anh kể, chị quen anh Trường năm 2003 và đến 2005 thì làm đám cưới. Từ khi quen nhau đến khi trở thành vợ chồng, chị chỉ gặp anh mấy lần, chủ yếu qua điện thoại. Gia đình anh Trường chỉ có hai mẹ con. Mẹ anh là bệnh binh 2/4; một cánh tay bị khuyết hoàn toàn. Anh Trường thường xuyên đi xa. Năm nhiều nhất anh về nhà cũng chỉ được 2 lần. Và rồi lần lượt hai đứa con của anh chị ra đời. Hạnh phúc nhân lên nhưng mẹ già, con nhỏ, nỗi vất vả, cực nhọc càng nặng trên đôi vai của chị.
Tuy vậy, chị vẫn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ nhà trường giao. Là giáo viên dạy Toán và làm công tác chủ nhiệm, năm 2013, chị được Công đoàn trường công nhận “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
|
Chị Phạm Thị Trâm Anh và con tranh thủ vào thăm, động viên chồng, bố khi tàu về Đà Nẵng sửa chữa |
Ngôi nhà tạm chứa đầy cái nóng của mùa hè. Câu chuyện cùng chúng tôi cứ bị gián đoạn bởi sự nghịch ngợm của hai đứa trẻ nhưng chị Trâm Anh không hề nhắc đến nỗi vất vả, cực nhọc. Bao nhiêu thương nhớ giấu vào trong, lo cho anh nhưng chị rất kiên tâm: “Với công việc của anh, chị cũng lo lắng nhưng quan trọng hơn là chị thấy ấm lòng. Anh em trên tàu rất đoàn kết và thương yêu nhau em ạ. Vừa rồi tàu anh về Đà Nẵng sửa chữa, chị có tranh thủ đưa cháu vào thăm. Anh em trên tàu đều xa nhà lâu ngày. Mặc dù vậy, mọi người đều kiên định và luôn sẵn sàng tiếp tục làm nhiệm vụ. Vì vậy, mình càng phải làm tốt hơn nữa trách nhiệm của người vợ, người mẹ, người con để anh ấy yên tâm cùng đồng đội bám biển”…
Kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 và liên tục có những hành động ngang ngược xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam, không chỉ những người thân mà tất cả con dân đất Việt đều một lòng hướng về biển đảo, động viên, tiếp sức cùng các anh làm nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Bác sỹ Nguyễn Thị Diện - Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng cho biết: “Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ chung của chúng ta. Bệnh viện chúng tôi đã nhận chăm sóc bố của đồng chí Cảnh sát biển Phạm Khả Đăng bị tai biến liệt người. Chúng tôi phân công cán bộ chăm sóc, phục vụ chu đáo và thanh toán tiền sinh hoạt phí liên quan để đồng chí Đăng yên tâm làm nhiệm vụ”…
Thúy Ngọc - Biện Nhung