(Baonghean) - Đã bước sang tuổi 84, ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, hàng ngày có thể đạp xe khắp vùng để thăm hỏi đồng đội xưa và ôn lại những ngày tháng gian khổ, rất đỗi hào hùng. Theo ông, ký ức chính là điểm tựa tinh thần để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, để cuộc đời có thêm nhiều ý nghĩa. Người chúng tôi đang nói đến là ông Nguyễn Văn Uy, ở xóm 2, xã Diễn Xuân (Diễn Châu) - một người lính trở về từ chiến trường Điện Biên năm xưa...
Thắm tình đồng đội
Căn nhà của ông Uy nằm giữa xóm 2, xã Diễn Xuân được đón những làn gió mát rượi từ cánh đồng làng đang kỳ trổ hạt, đơm bông. Những làn gió mang theo mùi hương của lúa và vị mặn mòi của biển khiến cho cả chủ và khách thêm phần vui tươi, phấn khởi. Năm 1953, đang ở độ tuổi 19, 20, chàng thanh niên làng Thừa Sủng Nguyễn Văn Uy lên đường nhập ngũ và được cử đi học ở Trường Thông tin của Bộ Quốc phòng. Tại đây, người chiến sỹ trẻ được làm quen với hệ thống thông tin liên lạc quân sự và phương pháp xử lý thông tin trong điều kiện chiến tranh. Sau đó, chiến sỹ Nguyễn Văn Uy được lệnh hành quân lên Điện Biên Phủ và được biên chế vào bộ phận Thông tin của Bộ chỉ huy mặt trận.
Ông Uy nhớ lại: “Ngày ấy, đường lên Điện Biên sôi động và tập nập vô cùng. Nào xe pháo hạng nặng và đoàn quân trùng trùng điệp điệp, nào dân công hỏa tuyến với xe đạp thồ và gồng gánh trên vai. Tất cả đều quyết tâm vượt qua gian khổ để hướng lên phía trước, để đến đích cuối cùng là giải phóng Điện Biên”. Chiến sỹ Nguyễn Văn Uy được giao nhiệm vụ đi khắp chiến trường, trong đó tập trung ở khu vực Đồi A1, căn cứ Him Lam và Sân bay Mường Thanh để trinh sát, nắm bắt tình hình quân trang, vũ khí và cách bố phòng của địch. Thu thập được thông tin, nhiệm vụ tiếp theo là truyền về Bộ chỉ huy bằng hệ thống mật mã. Và người chiến sỹ Điện Biên ấy không bao giờ quên những ngày tháng ác liệt, gian khổ nơi trận địa. Suốt ngày nấp dưới hầm ngập nước và bùn non, luôn sống trong tình trạng đói và khát, có khi phải uống cả nước bùn, không lúc nào có được một giấc ngủ yên, thường xuyên đối diện với bệnh tật và bom đạn của kẻ thù. Vậy nhưng không một ai than vãn nửa lời, mà tất cả cùng một quyết tâm sẻ chia gian khó, đào từng mét hầm vào Sân bay Mường Thanh, động viên nhau giữ vững tinh thần chiến đấu vì đây là trận quyết chiến chiến lược, ngày chiến thắng đã đến gần...
|
Ông Uy và các chiến sỹ Điện Biên Phủ xã Diễn Xuân (Diễn Châu).
|
Ông Nguyễn Văn Uy tâm sự: “Đối với dân tộc ta, Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa đặc biệt, có tiếng vang khắp địa cầu. Với tôi, Chiến dịch Điện Biên Phủ còn đem đến một niềm vui và ý nghĩa trong cuộc đời, đó là có thêm 2 người anh. Gia đình tôi có 3 anh em ruột đều tham gia đánh Pháp, tôi lại có thêm 2 người anh tuy không cùng cha, cùng mẹ nhưng coi nhau như ruột thịt một nhà...”. Kể rõ sự tình, ông Uy cho biết, lần hành quân từ Liên khu 4 lên mặt trận Điện Biên phải đi cả tháng trời, ngày nghỉ, đêm đi, trèo đèo, lội suối. Có một đêm mưa dầm gió rét, ông bị vấp ngã và gác chân lên một người đang nằm co quắp, toàn thân run lẩy bẩy, miệng lập cập nói không thành lời.
Ông Uy ngoái đầu hỏi nhỏ, người ấy thều thào: “Đơn vị hành quân... sốt rét... nằm lại... không biết... đi xa... rồi”. Trải qua những chặng đường hành quân vất vả, mệt nhọc, trên vai mang gần 30 kg quân trang, vũ khí nhưng chiến sỹ Nguyễn Văn Uy vẫn cố gắng dùng hết sức vực dậy rồi cõng đồng chí bị sốt rét cùng lên đường. Dọc đường, hỏi chuyện, hai người càng mừng rỡ vì họ là đồng hương Diễn Châu, ở 2 xã gần nhau. Người bị ốm tên là Nguyễn Minh, nhà ở xã Diễn Liên, cách Diễn Xuân không xa. Sáng hôm sau, ông Uy dìu người đồng chí, đồng hương vào điều trị tại trạm giao liên rồi tiếp tục lên đường vào trận địa.
Đến giờ G của Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Uy được lệnh tiến vào Sân bay Mường Thanh, chọc thủng “dạ dày” của địch. Dường như “đánh hơi” được sự có mặt của bộ đội ta, địch từ các lô cốt bắn ra loạn xạ. Mới tới lô cốt đầu tiên, tiểu đội của ông đã bị thương 3 người. Trong khi đó, các loại hỏa lực của địch vẫn bắn ra xối xả, thêm 3 đồng chí ôm bộc phá mở đường bị hy sinh. Tình hình rất căng thẳng, Tiểu đội trưởng ra lệnh toàn tiểu đội lùi lại phía sau chờ thời cơ tiếp tục mở đường. Bỗng dưng ông Uy thấy mặt đất rung chuyển, mắt mũi tối sầm rồi ngã khuỵu. Đang lúc nửa mê nửa tỉnh, ông nghe tiếng đồng đội: “Bị thương nặng không? Có qua khỏi được không? Có nhắn gì với gia đình tớ chuyển cho?”.
Thì ra, lúc tiểu đội rút lui, không thấy ông Uy, đồng chí Nguyễn Thanh, quê ở xã Phúc Thành (Yên Thành) đã băng qua lưới đạn của kẻ thù để tìm đồng đội. Rất may, ông chỉ bị thương ở 2 xương sườn, không nguy hiểm đến tính mạng. Mấy ngày sau, khi đang điều trị vết thương tại tram quân y dã chiến, ông Uy cùng mọi người đã hò reo vui sướng vì hay tin quân ta đã bắt sống được Tướng Đờ-cát-tơ-ri, toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã đưa cờ trắng ra hàng. Tháng 10/1954, chiến sỹ Nguyễn Văn Uy có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô và 4 năm sau (năm 1958), ông được phục viên.
Trở về quê hương, việc làm đầu tiên là ông Uy lên xã Phúc Thành tìm gặp người đồng đội đã băng qua lửa đạn, đưa ông ra khỏi vùng nguy hiểm để có cơ hội cứu chữa vết thương. Hai gia đình càng trở nên thân thiết, ông Thanh và ông Uy trở thành anh em. Cũng dịp ấy, ông Nguyễn Minh từ Diễn Liên sang Diễn Xuân tìm ông Uy để cảm tạ vì đã cõng mình qua một chặng đường dài khi cái chết đã cận kề để có cơ may sống sót. Từ đó, 3 người lính Điện Biên, 3 người con của quê hương Phủ Diễn trở thành những người anh em, tất cả xuất phát từ tình đồng chí, đồng đội và đồng hương. Theo ông Uy, đó là vì ông đã tích thiện nên được gặp thiện. Về sau, ông luôn dạy bảo con cháu phải làm việc thiện để cái thiện tìm đến với mình.
Kết nối những hồi ức
Rời quân ngũ, ông Nguyễn Văn Uy theo học ngành Sư phạm và trở thành người “gõ đầu trẻ” trên quê hương Diễn Châu. Biết bao thế hệ học trò đã được thầy giáo Uy cầm tay đưa nét chữ đầu tiên và hướng dẫn thực hiện những phép tính cộng - trừ - nhân - chia. Từ đó, học ở thầy đức tính hiền lành, đức độ và vị tha để làm hành trang vào đời. Trước khi nghỉ hưu, ông Uy có thời gian làm công đoàn ngành Giáo dục và cán bộ tổ chức của huyện Diễn Châu. Về nghỉ hưu (1985), ông Uy lại tiếp tục với công việc xã hội với vai trò là cán bộ mặt trận, Hội Cựu giáo chức xã và Trưởng Ban Liên lạc Chiến sỹ Điện Biên huyện Diễn Châu. Có thể nói, ông là người có công lớn trong việc xúc tiến thành lập 39 CLB Chiến sỹ Điện Biên của các xã, thị trấn ở Diễn Châu. Với vai trò là Trưởng Ban Liên lạc cấp huyện, ông Uy đã có những sáng kiến và việc làm mang đầy ý nghĩa nhân văn như gây quỹ để thăm hỏi, động viên nhau lúc đau ốm, tổ chức mừng thọ cho những người bước vào độ tuổi 80, 85, 90...
|
Ông Nguyễn Văn Uy xem lại các tư liệu về Chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Bước sang thế kỷ 21, phần lớn chiến sỹ Điện Biên năm xưa đã bước vào độ tuổi “cổ lai hy”, có người đã bước qua tuổi 80 và tiến sát tuổi 90. Nhận thấy điều này, ông Uy nghĩ rằng phải tranh thủ khai thác tư liệu từ những nhân chứng sống để truyền lại cho thế hệ mai sau. Bởi lẽ, nếu để chậm khoảng 5- 10 năm nữa e rằng sẽ không còn kịp, lúc ấy nhiều người đã ra đi, nếu còn sống chắc gì còn minh mẫn. Đã nghĩ là làm, ông và các đồng chí trong Ban Liên lạc tiến hành vận động hội viên viết hồi ký, hồi ức, kể lại những ngày tháng tham gia Chiến dịch Điên Biên Phủ.
Tuổi đã cao, hàng ngày ông Nguyễn Văn Uy vẫn lần theo địa chỉ của từng hội viên trên địa bàn toàn huyện để động viên viết bài. Khi có hội viên gửi bài đến, ông lại bỏ công ngồi chỉnh sửa, cặm cụi với từng chữ, từng câu. Thậm chí, có những hội viên già cả, ốm đau, ông đến bên giường nhờ họ kể lại để ghi chép. Cứ thế, năm này qua năm khác, ông đã có được tập tư liệu quý giá. Nguồn tư liệu này được tập hợp thành cuốn sách “Chiến sỹ Điện Biên Phủ Diễn Châu” (2 tập) với tổng số hơn 700 trang. Để 2 tập sách này ra đời, ông Uy và các đồng chí trong Ban Liên lạc đã đi vận động các cơ quan, đơn vị và cá nhân trên địa bàn huyện hỗ trợ kinh phí in ấn. In xong, phát cho mỗi hội viên một bộ và mỗi cơ quan, trường học 2 bộ để góp phần giáo dục truyền thống quê hương.
Thời gian gần đây, đã có nhiều địa phương tập hợp, in ấn được tư liệu truyền thống về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở thời điểm năm 2007, Diễn Châu là một trong những địa phương đầu tiên làm được việc này. Tư liệu được gửi ra tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đã viết thư trả lời: “Tôi hoan nghênh các đồng chí CCB Điện Biên Phủ ở Diễn Châu đã viết hồi ký kể chuyện chiến đấu. Các đồng chí đã tự hào góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chúc các đồng chí mạnh khỏe, luôn nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, tiếp tục góp phần vào công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN!”.
Trên căn phòng thuộc gác 2, bên cạnh bàn thờ gia tiên, ông Nguyễn Văn Uy bố trí một bàn thờ trang trọng để thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông tâm sự: “Ngày Bác Hồ mất, tôi và các em học trò ôm lấy nhau khóc. Ngày Đại tướng mất, tôi cũng khóc, suốt đêm không tài nào ngủ được...”. Thay mặt các chiến sỹ Điện Biên Phủ huyện Diễn Châu, ông Uy đã ra tận Thủ đô viếng Đại tướng. Và dịp đầu năm nay, ông lại có chuyến vào Vũng Chùa - Đảo Yến để viếng mộ Đại tướng. Vào những ngày lễ, tết trọng đại của quê hương, đất nước, ông Uy lại thắp một nén hương trước bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp để báo công và bày tỏ tấm lòng biết ơn, thành kính. Và những người chiến sỹ Điện Biên mỗi khi tìm đến nhà ông cũng đều có nén hương dâng lên hương hồn những người con ưu tú của dân tộc.
Tiễn khách về, ông Uy chia sẻ: “Cuộc đời tôi, ý nghĩa nhất là những ngày tháng được sống và chiến đấu ở Điện Biên. Có lẽ, tất cả những ai trở về từ chiến trường Điện Biên đều có chung niềm vinh dự, tự hào này. Vì thế, chúng tôi thường nhắc nhủ nhau phải sống tốt, xứng đáng với sự hy sinh của đồng đội và để làm gương cho thế hệ con cháu...”.
Công Kiên - Baonghean.vn
|