(Baonghean) - Sự kết nối giữa Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh trên thực tế đã được hình thành cách đây hàng trăm năm. Từ TP. Hồ Chí Minh, Bác đã ra đi mở đầu cho hành trình cứu nước, giải phóng dân tộc thống nhất non sông. Trên mảnh đất thành phố này thẫm đấm máu xương của các anh hùng liệt sỹ, trong đó có rất nhiều người con quê Bác. Bởi vậy, việc hợp tác giữa Nghệ An và thành phố mang tên Người có những giá trị sâu đậm về tình cảm cũng như thể hiện rõ trách nhiệm của mỗi địa phương vì mục tiêu phát triển bền vững.
Tháng 8 năm 2003, trong chuyến công tác đầu tiên đến Nghệ An, đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh (thời điểm đó đồng chí là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố), dẫn theo hàng chục doanh nghiệp từ thành phố mang tên Người về quê Bác. Mục đích của chuyến công tác này được xác định rõ là tăng cường hợp tác, đưa quê Bác phát triển. Phát biểu với Đảng bộ và nhân dân Nghệ An, đồng chí khẳng định: “Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Hồ Chí Minh sẵn sàng làm tất cả vì Nghệ An quê hương Bác”. Với tình cảm và trách nhiệm như thế, ngay sau đó, đồng chí đã chỉ đạo các ban, ngành, vận động các doanh nghiệp thực hiện các chương trình hợp tác, hỗ trợ xúc tiến đầu tư vào quê Bác. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân Thành phố tạo mọi điều kiện thuận lợi về vốn, các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh tham gia đầu tư tại Nghệ An.
|
Đồng chí Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tặng quà lãnh đạo tỉnh Nghệ An.
|
Cũng chính từ đó, “luồng gió” đầu tư của các doanh nghiệp từ thành phố mang tên Bác trở thành động lực quan trọng giúp quê hương Nghệ An phát triển. Cho đến nay, TP.Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều nhất các doanh nghiệp, với trên 40 đơn vị đầu tư vào Nghệ An. Trong số những doanh nghiệp đầu tiên từ TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào Nghệ An, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới (TECCO) đã nhanh chóng thực hiện những công trình, dự án tạo nên hiệu ứng kinh tế- xã hội tích cực. Năm 2004, công ty bắt tay ngay vào đầu tư xây dựng khu C1, Quang Trung(Tp Vinh). Giữa năm 2007, dự án nhà chung cư và thương mại 18 tầng với 227 căn hộ được đưa vào sử dụng, tạo nên điểm nhấn kiến trúc đô thị hiện đại ở TP. Vinh. Ngay sau thành công này,... TECCO tiếp tục đầu tư nhiều tòa nhà đô thị mới ở Quang Trung, Lê Lợi, Vinh Tân, Trường Thi. Đến nay, trên địa bàn Nghệ An, công ty đã đầu tư 10 tòa nhà với trên 1000 căn hộ, khu thương mại, góp phần tích cực chỉnh trang đô thị, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho cán bộ, công chức và người dân.
Điều đáng quý là những người quản lý, điều hành công ty đều là con em Nghệ An thành đạt. Bởi vậy, trong quá trình đầu tư về quê hương, họ nỗ lực thực hiện bằng cả tình cảm và trách nhiệm. Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Quyền- Giám đốc TECCO chi nhánh Vinh cho biết: “Ban lãnh đạo cũng như anh em trong đơn vị luôn xác định mình đầu tư về quê hương phải đảm bảo hiệu quả, chất lượng công trình và tạo nên bộ mặt đô thị mới. Đành rằng, bất kỳ một doanh nghiệp nào khi quyết định đầu tư phải tính đến lợi nhuận nhưng những công trình mà công ty chúng tôi đầu tư tại Nghệ An có yếu tố quan trọng hơn là vì sự phát triển của quê hương. Cũng chính vì thế, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành và sự hưởng ứng tích cực của người dân…”.
Đối với Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực miền Trung, mặc dù đầu tư vào Nghệ An chậm hơn một số doanh nghiệp khác nhưng đã để lại những dấu ấn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, công ty đã thành lập được Đại học Công nghiệp Vinh để cùng với các đơn vị, trường học khác hình thành nên “Trung tâm giáo dục đào tạo” của vùng Bắc Trung bộ.
Để thu hút các doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, UBND tỉnh Nghệ An luôn vào cuộc tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng, giải phóng mặt bằng, huy động nhân lực… phục vụ các đơn vị, doanh nghiệp khi có dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh. Thống kê của Sở KH&ĐT, từ năm 2003 đến nay, có 45 doanh nghiệp, nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào Nghệ An với tổng vốn đăng ký 15.377,2 tỷ đồng, trong đó có 40 dự án còn hiệu lực, 25 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn 13.653,2 tỷ đồng. 10 năm qua, các doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đã tạo việc làm cho hơn 43.000 lao động người Nghệ An, đóng góp vào ngân sách tỉnh hàng nghìn tỷ đồng. Những dự án lớn đầu tư và hoạt động hiệu quả tốt, có thể kể đến Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam; Nhà máy bao bì Sabeco; Khu du lịch sinh thái Bãi Lữ; Khu đô thị mới Vinh Tân; Bệnh viện Thành An Sài Gòn; Khu nhà ở dịch vụ tổng hợp và nhà ở xã hội tại phường Lê Lợi; Công viên Trung tâm… Lãnh đạo tỉnh cũng đã phối hợp chặt chẽ với Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn về hoạt động đầu tư vào Nghệ An với phương châm: “Niềm tin – Đổi mới – Hợp tác & Phát triển”. Ông Nguyễn Cảnh Nam - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng tôi, những người Nghệ lao động, học tập, sinh sống ở xa luôn hướng về quê hương bằng cả tình cảm cá nhân và trách nhiệm với cộng đồng. Những năm qua, chúng tôi được sự quan tâm, động viên rất lớn từ phía lãnh đạo tỉnh nên tự tin về quê đầu tư, làm cầu nối tích cực giữa Nghệ An với TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh những công trình dự án đã thành công, sắp tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với tỉnh để kêu gọi thêm các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư trên địa bàn Nghệ An, góp phần giải quyết việc làm, thu nhập cho lao động cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển…”.
Trong vòng hơn 10 năm qua, hoạt động trao đổi giữa Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh được duy trì, phát huy. Mỗi năm ít nhất một lần, TP. Hồ Chí Minh cử đoàn đại biểu ra thăm và làm việc tại Nghệ An; đồng thời, tỉnh Nghệ An cử nhiều đoàn cán bộ vào TP. Hồ Chí Minh để trao đổi kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội. Năm 2013, đoàn cán bộ chủ chốt của Nghệ An do đồng chí Hồ Đức Phớc- Bí thư Tỉnh ủy dẫn đầu vào làm việc với TP. Hồ Chí Minh; Bên cạnh việc đánh giá những kết quả và bài học kinh nghiệm 10 năm hợp tác, lãnh đạo hai tỉnh thống nhất tiếp tục tăng cường các hoạt động trao đổi, xúc tiến đầu tư đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên quê hương Bác. Quá trình đó, đồng chí Lê Hoàng Quân - Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn tự hào là địa phương được mang tên Bác Hồ. Đó là động lực để mỗi công dân phấn đấu học tập, lao động sản xuất, vì sự phát triển của thành phố và đóng góp tích cực vào sự phát triển của cả nước. Những thành công bước đầu trong hợp tác giữa hai địa phương sẽ là nền tảng quan trọng để chúng ta đưa mối quan hệ lên tầm cao mới với mục tiêu đạt hiệu quả cao hơn”.
Nguyên Nguyên - Baonghean.vn
|