(Baohatinh.vn) - Theo năm tháng, con người sinh ra và lớn lên neo giữ trong tim mình biết bao kỷ niệm. Những kỷ niệm ấy như đợt sóng dào lên trong mỗi tâm hồn. Nỗi nhớ người thương, nỗi nhớ bạn bè, nỗi nhớ quê hương sâu thẳm khiến họ tìm về những ký ức giao mùa với “Thanh minh trong tiết tháng ba...”.
Bức tranh quê
Tháng ba - tháng của “mùa xuân chín”, tôi mơ mộng, lãng mạn như ngồi trên chiếc xe tam mã đi cùng trời, cuối đất để tận hưởng không khí mát lành. Tôi ngước mắt nhìn trời, bầu trời không còn những áng mây đen u ám với cơn mưa rả rích, dầm dề, cả khoảng không gian vô tận rờ rỡ màu ngọc bích. Những cơn gió cần mẫn như chị lao công thường ngày gom tất cả lá vàng từ trên cây rụng xuống, để cho mặt đất sạch, đẹp và thấp thỏm đợi bình minh lên. Niềm vui tiết thanh minh khiến muôn loài chim không ngủ, đợi nắng về. Ánh nắng của mùa xuân chín dịu dàng khó tả, nắng chải cho con chào mào bóng thêm chiếc mũ đen đội trên đầu, con sáo sậu vàng thêm chiếc mỏ, con chích chòe biếc hơn bộ áo cánh.
|
Bức tranh quê. Ảnh: Đậu Bình |
Tất cả chào đón Thanh minh bằng những ca khúc riêng của mình. Cả làng quê rộn rã dàn hợp xướng của loài chim. Tiếng chim vọng trên ngọn cây đa cổ thụ đầu làng, tiếng chim lảnh lót bên bờ suối, tiếng chim dồn dập đuổi nhau trên đồi cọ. Một làng quê thanh bình, yên ả bỗng dưng ngan ngát mùi hương, bỗng dưng tràn ngập lộc biếc, bỗng dưng tràn ngập sắc hoa. Chao ôi, cứ mỗi ban mai thức dậy, làng tôi lại điểm xuyết thêm những màu hoa mới.
Tôi ra trước hiên nhà gặp hoa trẩu trắng. Cây trẩu cao, tán rộng, hoa nở bung hết cỡ. Nhìn từ xa, cứ ngỡ mỗi tán trẩu như một rừng bươm bướm tụ về. Rặng xoan đứng ở góc vườn cũng trổ hết mình để ban tặng cho làng tôi một màu trắng điệu đàng, thanh khiết... Tôi lùa bò lên núi, cả làng tôi, ngọn núi nào cũng tím biếc hoa sim, hoa mua... Dưới chân đồi, những ô ruộng trải bàn cờ vừa mới cấy sau dịp tết no nước, uống nắng dịu, hít thở không khí trời đất giao hòa mát mẻ đã lộ rõ sức xanh của thì con gái.
Tuổi thơ tôi đã đi qua những màu sắc và âm thanh ấy, để nhiều lúc hoài niệm về cố hương, tôi lại thầm nghĩ: dường như được trời ban phước lộc, quê tôi đẹp tự nhiên, hồn hậu. Giá như bây giờ có phép thần tiên, tôi sẽ hóa thành trẻ thơ bắt đom đóm cùng bạn bè bỏ vào lọ thủy tinh làm đèn trong những đêm thanh minh ở một xóm nhỏ nghèo, chứa chan yêu thương như thế... Dường như quê tôi bốn mùa đều có đom đóm, nhưng đom đóm hội tụ nhiều nhất vẫn vào tiết Thanh minh. Đom đóm bay đầy ngõ, đầy đường, đom đóm múa lượn tưởng như trời đổ mưa sao... Những lúc đom đóm sum vầy cũng là lúc cả làng tôi tất bật trồng vừng, tra đỗ, tra lạc, trồng sắn, trồng khoai...
Làng quê thời tuổi thơ tôi tuyệt nhiên không ánh điện, chỉ những ngọn đèn dầu leo lét. Dưới ngọn đèn dầu ấy lại vù vù kéo cối xay lúa và thậm thịch giã gạo... Tôi nghe rất rõ tiếng chị dâu nói với mẹ: “Mẹ à, chú Tường về phép chuẩn bị cưới vợ. Con cố xay cho xong thúng thóc này để mai dành ít cân mừng bà Minh”. Mẹ tôi nói với chị: “Tiết Thanh minh đẹp nên xóm ta có tới ba đám cưới. Con cứ lấy bát gỗ đong cho đủ mỗi nhà hai cân...”. Rồi mẹ tôi và chị dâu thì thầm to nhỏ. Mẹ tôi cho biết: Cách đây 3 ngày, cha đi họp họ, ông tộc trưởng có đưa ra chuyện làm lễ tế họ. Năm nay, đến lượt mình được phân công làm cỗ. Nhiều con cháu ở xa về nên phần cỗ xôi và thịt phải xôm hơn. Rất may, nhà mình đã có hai con gà trống lớn nên khỏi phải ra chợ. Phía ngoài sân, cha tôi vẫn lúi húi ngồi bóc lạc, thứ lạc giống đựng kín được lấy từ chum ra còn thơm mùi lá chuối khô, trong ánh sáng ngọn đèn dầu hỏa vẫn thấy tươi roi rói từng hạt.
Tảo mộ ngày Thanh minh
Hàng năm, cứ đến ngày 3 tháng 3 (âm lịch), cả làng tôi, từ miền hạ đến miền thượng Hương Sơn, đâu đâu cũng náo nức ngày lễ tảo mộ, thắp hương cho những người quá cố, bái vọng tổ tiên, tri ân công đức những “lớp người muôn năm cũ”. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ mồn một, ngày hôm ấy, tôi và anh tôi cùng các bác trong họ đều dậy sớm để tham dự lễ tảo mộ họ. Cha tôi chuẩn bị đầy đủ ven, cuốc, xuổng, rựa và gói cẩn thận hai gói to: một gói hương thắp lên các ngôi mộ, một gói hàng mã chuyển cho “người âm”... Phan tộc của tôi năm nào cũng vậy, cứ đến lễ tảo mộ là con cháu quây quần kín cả sân.
Nhà thờ họ Phan tọa lạc trên ngọn đồi cao nên chỉ cần một hồi chiêng đồng gióng lên, tiếng ngân vọng tận ngoài sông Ngàn Phố. Tôi vẫn còn mường tượng chiếc chiêng đồng cách đây bốn thập kỷ, nó được treo trên cái giá bằng gỗ ngay trước sảnh đường nhà thờ. Chiếc chiêng tròn to màu đen, núm chiêng lộ lên màu đồng vàng ánh. Trước giờ khai lễ, chú Dinh đánh ba hồi chiêng, tất cả cháu con đứng nghiêm trang hướng về bàn thờ. Hai ngọn nến đỏ được thắp lên. Ông Xá cẩn thận thắp hương cắm đều đặn trên các lư hương. Cỗ cúng xôi gà, rượu đã được bày sẵn. Bác Bút - tộc trưởng họ Phan, đầu vấn khăn nhung đen, mặc bộ đồ cúng màu đen, dõng dạc đọc văn tế trước giờ tảo mộ. Bài văn tế được bác viết bằng chữ Hán, viết theo từng cột dọc và phiên âm bằng chữ quốc ngữ. Bài văn ngắn gọn nhưng từ già tới trẻ đều yên lặng khi nhắc đến cội nguồn thiêng liêng dòng họ với sự báo hiếu, trả nghĩa tổ tiên của lớp người hôm nay.
|
Tháng ba hoa gạo đỏ trời. Ảnh Internet
|
Sau lễ tế, chờ bác Bút ra sân, tôi nắm tay bác hỏi: Tục tảo mộ có lâu chưa bác? Bác bảo: Có từ hàng ngàn đời nay cháu ạ, không những mình mà ở Trung Quốc, họ cũng chọn ngày 3 tháng 3 là ngày gia đình đoàn viên, cháu con dù ai đi ngược về xuôi cũng trở về cố hương để làm lễ tảo mộ. Con chim có tổ, con người có tông. Chả thế mà, trong ngày Thanh minh, khu nghĩa địa nào cũng chật ních người. Tảo mộ không chỉ là trách nhiệm của người lớn mà phải cho trẻ em biết phần mộ ông bà, cố can mình ở đâu để sau này lớp cũ mất, lớp sau tiếp tục tri ân với tổ tiên.
Trong buổi tảo mộ hôm ấy, bác Dương kể thêm lai lịch ông tổ cho chúng tôi nghe. Ông tổ tên tự Phan Đình Hạnh, quê làng Tùng Ảnh (Đức Thọ). Cách đây hơn ba trăm năm, ông theo người vợ lẽ lên định cư tại xã Sơn Hà (Hương Sơn) và sinh hạ được ba người con trai. Ông vốn là người có chữ và giỏi làm ăn nên dòng họ Phan thịnh phát... Hơn hai mươi phút dành để thắp hương, đốt vàng mã, cầu khấn vong linh ông tổ độ trì cho con cháu họ Phan, chúng tôi về lại nhà thờ họ, trời cũng “tà tà bóng ngả về tây”. Lúc này, lễ xôi gà tại nhà thờ họ được bày ra trên tấm lá chuối vườn, mỗi cỗ xôi ngồi quây quần hơn chục người. Một bữa tiệc thực sự chân quê, mộc mạc nhưng đầy tình ruột thịt.
Tháng ba này, tôi trở lại cố hương. Tiết Thanh minh nhưng lớp trẻ đâu còn bắt đom đóm chơi như chúng tôi ngày xưa nữa. Trên đồi cao không còn bóng dáng trẻ chăn trâu và màu hoa sim tím. Bù lại, bây giờ ngun ngút những tràm, những keo. Quê tôi không còn ngọn đèn dầu và mọi người không tất bật lo trỉa ngô, trồng đậu như xưa nữa. Cách mạng về giao thông, cách mạng về kỹ thuật gieo trồng đã giải phóng cho người nông dân trong làng thoát khỏi sự lao động cực nhọc, nhưng năng suất, hiệu quả gấp trăm lần những thập kỷ trước. Người làng tôi, tiết Thanh minh ngày xưa chỉ quanh quẩn bên lũy tre làng, ai dám mơ đến vãn cảnh, lễ hội chùa chiền. Ấy vậy mà, năm Giáp Ngọ này, sau khi gieo cấy xong, nhiều gia đình đã lên kế hoạch vãn cảnh chùa Hương Tích, thăm đền Bà Hải. Không ít gia đình có con cái lao động ở nước ngoài gửi tiền và động viên cha mẹ đi thăm chùa Bái Đính, lên Yên Tử để thư thái tâm hồn trong những ngày xuân ấm áp.
Phan Thế Cải
Tháng 3/2014