(Baohatinh.vn) - Cùng với sông Lam, núi Hồng được xem như là “đặc sản”, là hồn thiêng của Xứ Nghệ. Với cảnh đẹp thơ mộng, kỳ vỹ mà tạo hóa ban tặng, núi Hồng - sông Lam đã trở thành mạch nguồn sáng tạo cho biết bao thi nhân mặc khách. Cũng trong mạch cảm xúc ấy, trong niềm tự hào và tình yêu quê hương thiết tha, sâu lắng mà nhà thơ Xuân Hoài và nhạc sỹ Quốc Việt, 2 thế hệ, 2 tâm hồn đã cùng chung những phút giây đồng điệu.
Chiều cuối đông se lạnh trong quán nhỏ thưa người, tôi đã được nghe nhạc sỹ Quốc Việt trải lòng về cuộc đời, về cảm xúc đã thai nghén nên nhạc phẩm Núi Hồng sông Lam. Sinh ra trên mảnh đất Kỳ Anh đầy nắng gió, tuổi thơ của Quốc Việt gắn liền với ngọt đắng, buồn vui, những lo toan, vất vả sớm hôm của cha mẹ quanh năm cần cù, lam lũ. Anh gắn kết với âm nhạc dường như là bản năng, là cơ duyên vậy.
|
Núi Hồng - sông Lam. Ảnh: Quang Vinh
|
Trước đó, tên tuổi của nhạc sỹ trẻ Quốc Việt đã được đông đảo khán giả yêu âm nhạc, yêu mảnh đất Hà Tĩnh biết đến với những ca khúc: Một khúc xuân, Sông La ngày về, Huyền thoại núi Hồng... Nhưng phải đến ca khúc Núi Hồng sông Lam, Quốc Việt mới trở thành một trong những nhạc sỹ trẻ có nhiều bài hát hay về quê hương, góp phần viết thêm trang vàng âm nhạc Hà Tĩnh những giai điệu mới, đưa Hà Tĩnh trở thành một trong những địa phương có nhiều bài hát về quê hương nổi tiếng nhất, được phổ biến rộng rãi trong lòng khán giả yêu âm nhạc cả nước.
Quốc Việt chia sẻ: “Tôi bắt gặp bài thơ Núi Hồng sông Lam trong tập thơ của cố nhà thơ Xuân Hoài – nguyên hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT, Giám đốc Sở VHTT Hà Tĩnh. Nhà thơ từng là thầy giáo, sinh ra trên vùng quê có dòng La thơ mộng, nơi con sông xuôi dòng rồi hợp lưu với sông Lam trước khi đổ ra biển lớn. Bài thơ không chỉ đơn thuần nói chuyện núi sông mà còn chứa đựng cả một triết lý của cuộc sống, sự hòa quyện của âm, dương. Nếu không có sông Lam/ Núi Hồng buồn biết mấy/ Núi Hồng không đứng đó/ Sông Lam xanh cũng thừa…
Cũng giống như trong tình yêu, nếu không có em hoặc nếu không có anh thì cuộc sống cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Bài thơ cũng là sự biết ơn hồn thiêng sông núi quê mình, niềm kiêu hãnh của những người con Hà Tĩnh khi bước ra cuộc đời vẫn hiên ngang trước những thử thách cuộc sống. Núi cao cho dáng đứng/ Sông dài cho bước đi. Đồng điệu, rung cảm với tâm hồn của thi nhân, ngay sau khi đọc bài thơ ấy, trong tâm hồn đa cảm của nhạc sỹ đã hình thành những âm điệu, những nốt nhạc lay động lòng người.
Để phù hợp cho một ca khúc, Quốc Việt có chỉnh sửa về ca từ nhưng anh vẫn tôn trọng bản chính và dựa trên ý chính của nhà thơ Xuân Hoài. Trong ca khúc có dùng một số điệp từ gây cảm giác bâng khuâng như: Bao buồn vui buồn vui/… Nghĩa tình ơi chan chứa. Âm nhạc sử dụng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh nên nghe thân thương, gần gũi, dễ đi vào lòng người. Ca khúc còn được nhạc sỹ Xuân Thủy – một người bạn của anh quê gốc Đức Thọ đang công tác tại Trường Đại học VHNT quân đội phối khí và ca sỹ Tố Nga là người đầu tiên thu thanh ca khúc này. Với Quốc Việt, giây phút không thể nào quên có lẽ là khoảnh khắc sau khi thu xong bài hát mở ra nghe lại, nhạc sỹ Xuân Thủy đã thốt lên: “Nghe bài ni, tau nhớ quê ta quá!”. Nhạc sỹ đã xúc động đến trào nước mắt bởi anh linh cảm rằng, đứa con tinh thần của mình sẽ chạm đến tận cùng những cung bậc cảm xúc của người nghe.
Sau khi thu thanh, Quốc Việt đã mang nhạc phẩm đến tận nhà nhà thơ Xuân Hoài để ông nghe. Hồi đó, ông đang bị bạo bệnh, không còn nói được và đã rất yếu, ông phải ngồi trên xe lăn, nhưng thật kỳ lạ, sau khi nghe xong, ông cũng đã xúc động rưng rưng.
Sau ca sỹ Tố Nga có Tân Nhàn, Đinh Thành Lê, NSND Thu Hiền và rất nhiều giọng hát không chuyên khác thể hiện thành công và ca khúc cũng đã được nhiều ca sỹ lựa chọn thu thanh trong các album hay xuất hiện trong nhiều hội thi, hội diễn và đặc biệt được sự đón nhận của đông đảo khán giả. Sự hòa quyện giữa âm nhạc và ca từ đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, kỳ diệu để mỗi khi giai điệu bài hát vang lên, mỗi một người con đang sống trên dải đất nắng gió này lại thấy yêu quê hơn. Với những người con xa xứ, quê hương như níu bước quay về và với những người chưa từng đến Hà Tĩnh lại có thêm ước muốn một ngày nào đó sẽ được đến với mảnh đất hữu tình, với núi Hồng, sông Lam.
Anh Thư - Baohatinh.vn
|