Đến Nghệ An không thể không vào Nam Đàn tham quan làng Kim Liên và Hoàng Trù (quê ngoại và nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh), viếng mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh, hoặc lên núi Dũng Quyết viếng đền thờ Quang Trung và ngắm dòng sông Lam, chứng nhân lịch sử của cả vùng địa linh nhân kiệt. Tiếp đến khách sẽ thư giãn trên bãi biển Cửa Lò. Ít du khách biết, có một Nghệ An khác, độc đáo, tự nhiên và quyến rũ.
Nghi Lộc có vườn thị cổ tích gồm năm đại thụ gần 700 tuổi. Chẳng rõ do ai trồng hay mọc tự nhiên nhưng xếp hình như sao bắc đẩu. Thị bố, dòng thị hồng, chu vi gốc 14m. Thị mẹ, dòng thị họ, chu vi gốc 11m. Các thị con, dòng thị bần, gốc to 8 - 9m. Thị bần không hạt, quả bé như quít; còn thị hồng, thị họ quả gần bằng bưởi, nặng hơn 500g. Vườn thị còn có hàng chục cháu, chắt, chít… hơn trăm tuổi.
Tương truyền, đầu thế kỷ XV, Lê Văn Hoan là tướng công phò Lê Lợi đuổi giặc Minh, dẹp Chiêm Thành; từng đi qua rừng thị, dừng chân nghỉ đêm. Hôm sau, quân sĩ và ngựa voi đều phấn chấn, đánh thắng giòn giã. Cho là vùng đất thiêng, sau chiến tranh, ông đưa cả dòng họ Lê từ Thanh Hóa vào lập nghiệp. Ông Lê Minh Thưởng, 76 tuổi nhưng rất tráng kiện, trưởng tộc Lê có thể kể cả ngày chuyện kỳ thú về những cây thị thần bí ẩn và thân thiết. Tháng Tư, thị ra búp, tháng Năm nở hoa và kết trái vào tháng Sáu - Bảy. Vào mùa, thị rụng vàng rực sân, lủng lẳng trên cành như trăng sà xuống đùa nghịch, thơm điếc mũi. Tha hồ hái lượm, có thể ăn hoặc mang về làm quà tùy thích.
Đại thụ gần 700 tuổi
Đô Lương có chợ Ú ở xã Đại Sơn, chợ trâu lớn nhất Đông Nam Á. Bất kể nắng mưa hay rét, bão; chợ họp sáu phiên mỗi tháng vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch. Mỗi phiên chợ, hàng ngàn trâu (có một ít bò và ngựa), đủ lứa tuổi; ở các tỉnh của Việt Nam và cả Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar cùng lũ lượt về dự bằng đủ phương tiện, từ đi bộ, ba gác, tải nhẹ đến tải nặng. Sớm tinh mơ, đường quê đã rộn ràng í ới. Con nào cũng đẹp mã và hiền khô, chen chúc giữa chợ và tràn ra các đường lân cận. Chúng có ngôn ngữ chung nên không cần phiên dịch. Thi thoảng có vài con nổi hứng, húc nhau loạn xạ. Người mua, kẻ bán săm soi, ngã giá ồn ào từng góc chợ. Du khách rón rén chụp hình, hồi hộp lách người giữa chợ trâu lố nhố. Lũ trâu vẫn bình thản, cạnh mấy người dắt thuê. Nhiều bạn nhỏ trốn học, dắt thuê trâu về chợ cũng kiếm được tiền ăn quà, đóng học phí và mua sách vở. Trâu bán được về với chủ mới, còn lại theo chủ cũ, hẹn phiên sau gặp lại.
Làng nồi đất Trù Sơn, Đô Lương tương truyền có từ thời nhà Trần. Mọi công đoạn đều làm bằng tay nên sản phẩm có hồn và đa dạng, mà giá thì không thể “bèo” hơn. Nghệ nhân chỉ ngồi một chỗ, chân đạp bàn xoay và tay “phù phép” cho đất sét ra hàng chục sản phẩm. Chẳng phải nhọc công đi vòng quanh bàn xoay như làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận. Khách đến học nghề, chọn cho mình những sản phẩm ưng ý, rồi cưỡi trâu bạc (còn gọi là trâu cò, trâu he) tham quan làng cổ. Làng nghề một thời hưng thịnh, giờ chỉ còn số ít bám nghề. Nếu không có biện pháp hỗ trợ tích cực, nguy cơ xóa sổ làng nghề chỉ là thời gian.
Chợ trâu lớn nhất Đông Nam Á
Vườn quốc gia Pù Mát rộng gần 95.000 ha, thuộc các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương là bộ sưu tập kỳ thú với khoảng 1.000 loài động vật và 2.500 loài thực vật. Nhiều loài đặc hữu quý hiếm như sao la, thỏ sọc, vượn đen má trắng, vượn má hung… Pù Mát có những mảng rừng đặc dụng hàng trăm ha như dầu, dẻ, long não, bằng lăng… đẹp mê hồn. Thác Khe Kèm cao 150m, một trong những thác cao nhất Việt Nam, như một dải lụa trắng khổng lồ nối trời với đất. Trong vườn quốc gia có bộ tộc Đan Lai ở thôn Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông với những nét văn hóa nguyên sơ và lạ lùng. Do phải chống lại sự truy đuổi của kẻ thù và thú dữ, bao đời nay, người Đan Lai chỉ sống ngồi, kể cả khi ngủ. Với họ, con người chỉ nằm khi chết. Khám phá rừng nguyên sinh Pù Mát, chèo thuyền độc mộc trên sông Giăng (phụ lưu của sông Lam), thưởng thức món cá mát, một trong 10 món ngon xứ Nghệ... là một trải nghiệm trên cả tuyệt vời.
Tôi đã nếm thử 10 món ngon xứ Nghệ nhưng thích nhất là món cháo lươn hoặc xúp lươn. Loại lươn đồng, to nhất bằng ngón tay cái nhưng thịt thơm, ngọt, dai, bùi. Mê nhất là món dồi lươn nướng ở khách sạn Hữu Nghị, Vinh; ăn một lần là nhớ, cứ nghĩ tới là thèm. Các món cam xã Đoài, cá mát sông Giăng, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, bánh đa Đô Lương, bánh mướt, măng đắng… cũng không thể bỏ qua. Nghệ An còn là cửa ngõ qua Lào. Đi Xiêng Khoảng với cánh đồng Chum thì theo đường 7 lên cửa khẩu Nậm Cắn. Đi Savanakhet, Thakhet thì theo đường 8 qua cửa khẩu Cầu Treo. Đầu năm 2014, có đường bay thẳng từ Vinh đi Vientiane nên càng thuận lợi. Tha hồ để du khách đến Nghệ An lựa chọn những điểm đến mới, thú vị, bất ngờ.
Theo www.phunuonline.com.vn
|