(Baohatinh.vn) - Du xuân Giáp Ngọ lên huyện miền núi Quế Phong, cách TP Vinh 173 km về phía Tây Bắc, ngoài chiêm ngưỡng núi rừng trùng điệp của miền Tây xứ Nghệ, PV Báo Hà Tĩnh còn có dịp tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái qua Di tích văn hóa Đền 9 gian.
|
Đền có kiến trúc nhà sàn 9 gian |
Đền 9 gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV tại Pú Chà Nhàng, gọi là Tến Pỏm (đền trên núi), thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim. Đền có 9 gian nên đồng bào thường gọi là Tến Cau Hoong (tức đền 9 gian), mỗi gian tượng trưng cho một Mường đến tôn thờ: Mường Tôn, Mường Pắn, Mường Chừn, Mường Hin, Mường Puộc, Mường Quáng, Mường Pha Quèn, Mường Miểng, Mường Chón. Lúc bấy giờ Đền thờ Thẻn phà (thờ trời) và Náng Xỉ Đả (con gái trời).
Truyền thuyết kể lại rằng: Một năm, vào ngày mở hội tế trời, khi chuẩn bị hành lễ hiến trâu, bỗng có con rồng bay đến cuốn đi con trâu trắng của Mường Tôn. Thấy điềm xấu, Tạo Mường liền cho giết trâu làm lễ, khấn xin trời phật, tổ tiên để chuyển dời Đền đi nơi khác. Tương truyền, có con quạ cổ khoang trắng đến gắp miếng xương trâu nơi đền cũ bay đi và thả xuống một ngọn đồi nhỏ phía Nam Mường Tôn, còn gọi là Pú Căm (Núi vàng), tục gọi là Pú Quái (núi trâu). Vì thế, cuối thế kỷ XVIII, Đền được chuyển đến Pú Căm hay còn gọi là Đền hiến trâu, thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim. Lúc này, Đền có kiến trúc nhà sàn 9 gian lợp nứa; thờ Thẻn phà (thờ trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ (người có công xây bản lập mường).
|
Trong khuôn viên Đền còn có hai gian nhà nhỏ: một gian thờ Đức Phật, một gian thờ Bác Hồ |
Năm 1927, Đền được tôn tạo lại bằng nhà sàn kê, có 4 hàng cột, chín gian bằng gỗ lim, lợp tôn. Từ năm 1927 - 2003, trải qua thời gian dài với nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Đền bị xuống cấp và mai một, chỉ còn là phế tích. Năm 2004, Đền được tôn tạo lại nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ.
Thuở xưa, Lễ hội Đền 9 gian được tổ chức ba năm một lần vào tháng 8 âm lịch hàng năm, là dịp để người dân chín bản mười mường vùng Phủ Quỳ cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Từ năm 2006, Lễ hội Đền với quy mô hoành tráng được tổ chức trở lại vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh nhớ về tổ tiên, cội nguồn của đồng bào Thái.
Năm 2008, đền được công nhận Di tích văn hoá cấp tỉnh.
Thêm một số hình ảnh đặc trưng của Đền 9 gian:
|
Cửa chính lên Đền với hai bên là hai con rồng lớn |
|
Trước sân Đền là hình ảnh 9 con trâu (đen và trắng) nằm sau 9 vạc nước lớn chờ tế |
|
Gian chính Đền... |
|
... và 8 gian nhỏ, mỗi gian tượng trưng cho một Mường đến tôn thờ |
|
Trên mặt tường phía trước Đền treo 9 cái mâm (mỗi mâm của một Mường) làm bằng mây tre đan |
Hải Xuân/
Theo Báo Hà Tĩnh