(Baonghean) - Đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống, cứ độ Xuân sang nhằm vào Rằm tháng Giêng, người dân Nam Đàn lại nô nức mở hội Đền vua Mai. Lễ hội Đền vua Mai năm 2014 được tổ chức trong 3 ngày 12, 13, 14 tháng 2 năm 2014 (tức ngày 13, 14 và 15 tháng Giêng năm Giáp Ngọ) với những hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, vùng quê Nam Đàn.
Đầu Xuân mới, ngược Nam Đàn - mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, khắp các con đường đỏ rợp cờ, phướn, khẩu hiệu chào mừng Lễ hội Đền Vua Mai năm 2014. Đây là một lễ hội văn hoá truyền thống, được tổ chức hàng năm nhằm vào Rằm tháng Giêng; là lễ hội đầu tiên có tính chất mở đầu cho mùa lễ hội trong năm ở tỉnh Nghệ An và cả nước. Ông Trần Hữu Giáp – Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Nam Đàn, cho biết: “Để chuẩn bị cho Lễ hội Đền Vua Mai năm 2014, ngay từ trong năm, trung tâm đã huy động các hạt nhân văn nghệ ở các xã, thị trấn, cơ quan, trường học trên địa bàn tập luyện và ngay từ Mồng 6 Tết, các đội đã tiếp tục luyện tập chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật đặc sắc phục vụ trong phần hội, gồm múa lân, múa rồng, dàn trống hội và chương trình văn nghệ với âm hưởng chủ đạo ca ngợi về thân thế, sự nghiệp và công đức vua Mai Hắc Đế”.
Ở các địa phương, không khí chuẩn bị cũng không kém phần sôi nổi. Tại các xã Khánh Sơn, Nam Trung, Nam Phúc, Nam Kim, Nam Cường, Nam Lộc, Nam Tân, Nam Thượng, Vân Diên, Nam Thanh, Nam Hưng, Nam Nghĩa và thị trấn, các đoàn viên thanh niên cùng nhau “thiết kế” những ngôi nhà trại, những chiếc bàn, những khu vườn, cổng chào... thật ấn tượng, góp phần cho thành công của hội trại được tổ chức tại Lễ hội Đền Vua Mai năm nay. Ông Đặng Đức Bá, xã Vân Diên, chia sẻ: “Không khí chuẩn bị cho Lễ hội Đền Vua Mai thu hút đông đảo già trẻ, trai gái trong xã tham gia vào các hoạt động của lễ hội như hội trại, thi đấu bóng chuyền, bóng đá, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên... tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, từ đó đẩy lùi các tệ nạn tiêu cực trong những ngày đầu Xuân mới; đồng thời góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc, của quê hương. Đặc biệt, xã Vân Diên là nơi khởi phát truyền thống đấu vật, cho nên chúng tôi luôn tự hào khi tất cả những trai tráng trong làng đều biết đến môn võ cổ truyền này”.
Đua thuyền tại Lễ hội Đền Vua Mai. Ảnh: Thanh Lê |
Theo các bậc cao niên ở xã Vân Diên, Lễ hội Đền Vua Mai là sản phẩm sáng tạo xuất phát từ nhu cầu của chính người dân Nam Đàn để ghi tạc công ơn của Mai Thúc Loan và nghĩa quân của ông với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu đánh đuổi quân xâm lược nhà đường, giải phóng đất nước, cứu nhân dân thoát khỏi cảnh thống khổ năm 722. Và dù lịch sử đã lùi xa 13 thế kỷ hoặc nhiều hơn nữa thì những dấu tích của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu gắn với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan – vị vua đầu tiên trên đất Nghệ An vẫn tiếp tục được bảo tồn, lưu giữ và phát huy thông qua Lễ hội Đền Vua Mai được tổ chức hàng năm.
Sức sống trường tồn của Lễ hội Đền Vua Mai không chỉ xuất phát từ truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mà còn ở chính sự linh thiêng của ngôi đền và vua Mai Hắc Đế được người dân Nam Đàn xây dựng, bảo tồn suốt hơn nghìn năm qua. Đó là lý do mà nhiều con em Nam Đàn xa quê vẫn thường hẹn nhau về quê vào dịp tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai. Anh Nguyễn Văn Thế, ở tận Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Dù công việc bận rộn nhưng năm nào tôi cũng cố gắng sắp xếp về quê vào dịp Rằm tháng Giêng để thắp hương cho tổ tiên, cho vua Mai, xin vua Mai Hắc Đế phù hộ cho bản thân và gia đình một năm thật nhiều sức khỏe, thuận lợi và thành công”.
Ông Thái Văn Nông – Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai năm 2014, cho biết: Việc tổ chức Lễ hội Đền Vua Mai năm 2014 là điểm nhấn quan trọng cho các lễ hội năm 2014 của tỉnh Nghệ An, góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, Kết luận Hội nghị lần thứ 10 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về "Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc"; tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng các tướng lĩnh của ông và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc xây dựng nước Vạn An độc lập. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ để tăng thêm niềm tự hào, lòng yêu nước gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Thông qua các hoạt động của lễ hội để quảng bá, giới thiệu, từ đó thu hút các nhà đầu tư, khách thập phương đến tìm hiểu, thưởng ngoạn các giá trị văn hoá thông qua các di tích Đền, Miếu mộ Vua Mai nhằm phát huy văn hoá truyền thống và phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc và địa phương, làm tiền đề phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Bởi vậy, tiếp nối truyền thống lễ hội các năm trước, Lễ hội Đền Vua Mai năm 2014 tiếp tục được tổ chức mang đậm nét văn hóa truyền thống gắn liền với những truyền thuyết, sự tích lịch sử về Mai Hắc Đế và nghĩa quân. Lễ hội gồm đầy đủ hai yếu tố lễ và hội.
Phần lễ bao gồm các nghi thức mang đậm yếu tố văn hóa tâm linh, như lễ khai quang, lễ yết cáo, lễ rước, lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, lễ đại tế, lễ tạ. Phần hội gồm nhiều hoạt động sôi nổi mang đậm bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc với tinh thần thượng võ, đoàn kết như đua thuyền, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên, đấu vật, thi đấu bóng chuyền, bóng đá... Không chỉ dừng lại ở đó, trong những ngày diễn ra lễ hội, nhân dân các địa phương trong huyện Nam Đàn sẽ chuẩn bị các mâm cỗ xôi gà tươm tất để dâng lên mời vua Mai và các nghĩa quân. Mùa lễ hội năm 2014 này, Ban Tổ chức lễ hội cũng đang đặt ra yêu cầu rất cao cho công tác đảm bảo tốt an ninh trật tự cũng như bố trí các khu vực ăn uống, vệ sinh, phục vụ nhân dân địa phương và du khách thập phường về dự lễ hội.
Với sự chuẩn bị chu đáo và thành tâm, Lễ hội Đền Vua Mai năm 2014 sẽ thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong cả nước về tham gia. Tất cả đang hứa hẹn một mùa Lễ hội Đền Vua Mai năm 2014 sôi nổi, hấp dẫn, đặc sắc trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” Nam Đàn.
Mai Hoa
Theo Baonghean.vn