(Baonghean) - Là tác giả của hơn 500 nhạc phẩm, trong đó có nhiều bài được công chúng yêu thích, nhạc sỹ Dân Huyền vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cùng các huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật, Vì sự nghiệp Báo chí, Vì sự nghiệp Tư tưởng văn hóa, Vì sự nghiệp Phát thanh, Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian, Huy hiệu “50 năm tuổi Đảng” cùng Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và nhiều bằng khen, giấy khen khác. Ông nói với tôi: “Gắn bó với Hà Nội, có nhiều cơ duyên với đất Thủ đô, nhưng trong mảnh đất xứ Nghệ luôn là chốn để tâm hồn tôi nương về, bởi không chỉ đó là quê hương của tôi, mà còn là nơi mọi người dân Việt Nam hướng về với Bác. Đó cũng là nơi những làn điệu ví dặm sâu lắng đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi…”.
Một đời đắm đuối dân ca
Trong căn nhà tập thể của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhạc sỹ Dân Huyền rót đưa tôi tách trà ấm. Tuổi 75, với hơn 500 ca khúc trong quãng đời viết nhạc, người nhạc sỹ quê Nghệ ấy khiến tôi ngạc nhiên về sức sáng tạo phi thường. Ông nhẩn nha kể chuyện mình, mặc cho những vội vã tấp nập phố phường đang trôi chảy ngoài kia…
Câu chuyện bên chén trà chiều ấy, đưa tôi về với một ngày tháng Mười chớm rét năm 1938. Làng quê nhỏ bên bờ sông Lam có tên Xuân Nha, Hưng Nhân, Hưng Nguyên đón sự ra đời của cậu bé Phạm Ngọc Dần. Tiếng khóc của cậu bé lúc chào đời rất nhỏ. Ông nội cậu bé sau đó có kể lại rằng: “Tiếng khóc chào đời của cháu nghe kỹ giống với tiếng hát ví của bà nội ”. Mọi người trong gia đình đùa với nhau rằng sau này cậu bé Ngọc Dần sẽ có duyên với âm nhạc. Tiếng khóc nhỏ nhẹ, mềm như tiếng hát ví, phải chăng nó đã vận vào cuộc đời tôi? Nhạc sỹ Dân Huyền nói vậy với một thoáng cười mơ hồ…
Sinh ra trong gia đình ông nội giỏi văn thơ, còn bà nội thì giỏi đàn hát và thuộc nhiều làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh, “Tôi lớn lên trong vòng tay của ông bà nội, những người có vốn âm nhạc và văn học khá căn bản, nên hay học mót, học lỏm mỗi khi hầu trà các cụ”, ông nhớ lại. Thêm nữa, quê ông ở ven sông Lam, dòng sông thơ mộng đã từng đi vào bao trang văn thơ, âm nhạc, đã từng tưới mát bao tâm hồn nghệ sỹ Việt. Dân Huyền thường nói về quê hương với một giọng điệu trầm lắng: “Cúi mặt xuống sông Lam vục nước, khi ngẩng đầu lên thì mắt đã chạm đỉnh núi Hồng Lĩnh. Giọng đò đưa trên sông cứ văng vẳng và dội vào sườn núi, dư âm cứ vang vọng lòng người theo tháng năm. Có lẽ vì những hình ảnh ấy mà suốt cuộc đời tôi bị quyến rũ và duyên nợ với âm nhạc, thơ ca”.
Từ nhỏ, Dân Huyền đã sớm bộc lộ sở thích âm nhạc của mình. Ông từng học nhạc ở Nhà thờ Công giáo ở Xã Đoài. Lên 16 tuổi, ông được chọn làm nhạc công của Đoàn Văn công Liên khu 4. Năm 1957 ông chuyển về Ty Văn hóa Nghệ An. Năm 1959 ông ra Hà Nội học ở trường Tuyên huấn Trung ương, sau đó về làm cán bộ văn nghệ tại Nhà máy Ô tô 1-5. Từ năm 1967 ông về công tác tại Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngày đó, những người phụ trách ở Đài Tiếng nói Việt Nam yêu cầu ông và những ai muốn làm việc ở Đài là phải “làm được, viết được, nói được, hát được và tổng kết được”. Dân Huyền kể lại, ông đã nỗ lực hết mình để học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn bởi yêu cầu của Đài cũng như sự thôi thúc trong chính con người ông. Trong thời gian công tác ở đây, ông từng giữ chức Phó phòng Âm nhạc, sau đó làm Trưởng phòng Dân ca và Nhạc cổ truyền. “Có một thời gian dài, chương trình Dân ca và Nhạc cổ truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam được đông đảo thính giả trong và ngoài nước yêu mến, trở thành thương hiệu của Đài”, Dân Huyền tự hào kể lại.
Dân Huyền có ý thức rõ ràng về việc bảo tồn vốn âm nhạc cổ truyền dân tộc. Ông không chỉ sáng tác mà còn sưu tầm, chỉnh biên và soạn lời mới cho dân ca. Với trên 500 nhạc phẩm các thể loại mà phần nhiều là các tác phẩm đậm màu hoặc mang hơi hướng dân ca, Dân Huyền đã góp công lao không nhỏ trong việc giữ gìn, phát triển nguồn “tài sản” quý báu này. Theo ông, muốn viết lời hay cho dân ca phải nắm được ba yếu tố: Nội dung phù hợp với làn điệu; giàu hình tượng văn học, vận dụng tốt ngôn ngữ dân gian; sắp xếp đúng vần theo các thể thơ truyền thống. Khi được hỏi về tình hình âm nhạc hiện nay, ông tỏ ý đầy tin tưởng rằng dù cho âm nhạc có phát triển theo hướng nào thì dân ca và nhạc cổ truyền sẽ còn sống mãi. “Không nên trách lớp trẻ ngày nay khi họ mê nhạc rock hay những loại nhạc mới, hiện đại. Song tôi mong cùng với đó họ cũng hiểu, yêu và hát được dân ca. Theo quy luật thì phải qua tuổi 40 thì dân ca mới được yêu thích, bởi họ đã được trải nghiệm, có thêm kiến thức mới, nhưng khó tìm lại được những rung động đầu đời, dân ca gợi cho họ những khoảnh khắc đáng nhớ ấy” ông nói.
Có lẽ bởi vậy mà cả cuộc đời mình, nhạc sỹ Dân Huyền đã tìm đến với dân ca và nhạc cổ truyền như nó chính là hơi thở, là dòng Lam mát rượi đã vỗ về tuổi thơ ông trong những buổi tha thẩn ven đê, là bóng núi Hồng Lĩnh cứ biêng biếc xanh trong những chiều hạ lộng gió, là tiếng à ơi ngọt ngào ru con chìm vào giấc ngủ bềnh bồng.
Dấu ấn những tác phẩm…
Nhạc sỹ Dân Huyền tâm sự rằng mỗi khi đi trên phố, người nào đó ngang qua ông miệng huýt sáo một giai điệu quen thuộc ông sáng tác, nhạc sỹ thấy rất vui và như được tiếp thêm sinh lực. “Lắng tiếng quê hương”, “Thành phố đỏ, thành phố xanh”, “Cung đàn tuổi xanh”, “Đêm Sài Gòn nghe vọng cổ”, “Gửi anh một khúc dân ca”, “Duyên quan họ”, “Phong thư sông Lam”, “Câu nhớ gửi người thương”, “Em hát anh nghe điệu lý quê nhà”, “Quê hương chín nhớ mười mong”… là những ca khúc đã chiếm được sự yêu mến của nhiều người, cũng là những đứa con tinh thần mà người nhạc sỹ đã dồn hết tâm huyết để sáng tác.
Ông kể lại kỷ niệm năm 1972 ở Hà Nội, khi diễn ra sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ trên không. Ông được phân công bám trụ tại Thủ đô, cùng các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nguyễn An trực làn sóng phát thanh của Ban biên tập Văn nghệ dưới tầng hầm của căn nhà nằm sau Đài Tiếng nói Việt Nam. Chính tại nơi đây ông đã cho ra đời nhạc phẩm “Cánh cụt, cánh què” sau khi được tin quân dân ta bắn rơi chiếc máy bay F111, loại máy bay hiện đại của không quân Mỹ. Nhạc sỹ Phạm Tuyên thì hoàn thành tác phẩm “Hà Nội những đêm không ngủ”, còn Nguyễn An thì viết “Tiếng hát Hà Nội hôm nay”. Cả ba bài hát này sau đó ít ngày đã được phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam như những khúc khải hoàn cổ vũ chiến công của quân dân Hà Nội.
Ca khúc được nhiều người biết đến và yêu thích nhất vẫn là “Bên Lăng Bác Hồ”. Tháng 10 năm 1974, Dân Huyền cùng đoàn văn nghệ sĩ Đài Tiếng nói Việt Nam đến thăm công trường xây dựng Lăng Bác. Xúc động trước cảnh lao động hăng hái của hàng ngàn cán bộ, công nhân viên, ông hình dung ra sau ngày thống nhất đất nước, đồng bào cả nước sẽ về đây viếng Bác. Trong lòng người nhạc sỹ bỗng vang lên tiếng nói của Bác năm xưa: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Rồi hai câu thơ của Tố Hữu cũng bất chợt vọng về: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”. Như không thể khác, Dân Huyền cảm thấy mình phải viết về nó, thứ cảm xúc đang dâng trào tràn ngập trái tim ông. Và cũng như không thể khác, một nét nhạc mang phong cách dân ca đã lẩy trong tâm trí ông, khi ông đang xúc động, bối rối và hân hoan đón nhận những tình cảm về Bác, về miền Nam ruột thịt. “Nét nhạc ấy cứ vương vấn trong đầu và đã cho tôi câu nhạc đầu tiên khi thốt lên bằng lời: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong…”, nhạc sỹ bồi hồi nhớ lại. Khoảng một tuần sau đó, bài hát được hoàn thành và giai điệu của nó vẫn cứ vương vấn trong ông một thời gian dài. Năm 1975, trong chương trình ca nhạc kỷ niệm ngày sinh của Bác, bài hát “Bên Lăng Bác Hồ” do nghệ sĩ Kiều Hưng thể hiện đã chiếm được sự yêu mến của đông đảo thính giả. Đây là bài hát sớm nhất viết về lăng Bác, được chọn là ca khúc chính thức trong ngày khánh thành Lăng Người (27/8/1975), và sau đó cũng được chọn làm ca khúc phát thường xuyên để đón khách trong Khu di tích Lăng Bác và Phủ Chủ tịch.
Những mùa xuân xa quê
Nhạc sỹ Dân Huyền nói với tôi rằng ông đã xa quê quá lâu, nhớ quê mà ít có dịp về được. “Do tuổi tác đấy”, ông nói rồi như cố tình để lộ ra đuôi mắt nhăn nheo, những sợi tóc bạc và một thoáng chạnh lòng. Ông bảo rằng không nhớ đã bao nhiêu cái Tết không được về quê, nhưng hàng đêm trong những giấc chập chờn sau khi miệt mài làm việc bên máy tính, ông vẫn mơ màng hình dung ra dòng Lam với những con sóng bạc óng ánh. Và tôi biết, gần cả cuộc đời tha hương của ông là để cống hiến cho âm nhạc, cho niềm đam mê từ thuở nhỏ mà mặc dù lúc sướng lúc khổ, lúc thất bại lúc thành công, ông “luôn cảm ơn cuộc đời và số phận vì những gì mình có được như hôm nay”.
Có thể, lại một cái Tết nữa, nhạc sỹ Dân Huyền “không về Nghệ được”, nhưng trong lồng ngực tưởng chừng đã già nua kia, vẫn đập nhịp trái tim của cậu bé Ngọc Dần năm nào. Cậu bé cất tiếng khóc chào đời mềm như tiếng hát ví, lớn lên trong lời bà ru, cậu bé mỗi chiều tha thẩn triền đê sông Lam để nghe tiếng đò đưa như xa, như gần, cậu bé trang nghiêm đứng trong dàn đồng ca nhà thờ Xã Đoài. Cậu bé- ông lão ấy đã đặt chân đến rất nhiều nơi, đã đi gần hết một cuộc đời, để vẫn có cái giật mình thảng thốt như thế này: “Nhìn số 37 trên đường/ Là ta gặp được đồng hương của mình… Thấy 37 nhớ dân ca/ Một vùng ví dặm chan hòa yêu thương” (Bài thơ: “Nhìn biển số, nhận đồng hương” mà ông mới sáng tác). Ông cũng không ngại ngần chia sẻ niềm xúc động khôn cùng của mình khi nghe vợ hát dân ca trên sân khấu: “Em hát bài ví dặm/ Tha thiết khúc giận thương/ Câu gừng cay muối mặn/ Xao động cả hội trường/ Cả một đời vất vả/ Vì chồng và vì con/ Nay thấy mình trẻ lại/ Trong giọng hò quê hương”.
Và tôi chợt nhận ra rằng, mảnh đất quê hương đã là máu thịt của ông và câu dân ca quê hương đã khơi dậy trong ông một mạch nguồn sáng tạo mạnh mẽ, say mê mà nếu thiếu nó, ông sẽ cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa.
Quỳnh Lâm
Theo Baonghean.vn