(Baonghean) - Người dân xã Thanh Lương (Thanh Chương) tự hào bởi trên mảnh đất này có khá nhiều di tích lịch sử, những minh chứng sinh động cho bề dày truyền thống về văn hóa của một vùng quê. Toàn xã hiện có tới 4 di tích được nhà nước xếp hạng, trong đó 2 di tích được xếp hạng quốc gia (nhà thờ họ Nguyễn Sỹ và nhà thờ Nguyễn Sỹ Sách) và 2 di tích xếp hạng cấp tỉnh (nhà thờ họ Nguyễn Duy, nhà thờ và mộ tổ dòng họ Chu).
Theo gia phả, dòng họ Nguyễn Sỹ đến vùng đất Cồn Lim khai phá đất đai và lập nên làng Tú Viên (nay là xã Thanh Lương) đến nay đã trải qua 15 đời. Theo thời gian, dòng họ này ngày càng phát triển và đã sản sinh ra nhiều bậc khoa bảng và võ tướng làm rạng danh quê hương, đất nước. Chính những người con của dòng họ Nguyễn Sỹ xã Thanh Lương đã góp phần làm nên truyền thống yêu nước và khoa bảng của mảnh đất Nghệ An nói chung, Thanh Chương nói riêng. Có thể kể ra những nhân vật tiêu biểu như danh tướng Nguyễn Sỹ Xung (đời Hậu Lê), từng tham gia quân đội 18 năm và được phong đến chức Tráng tiết tướng quân phó Thiên hộ chức. Về sau, ông cũng là một trong những cận thần của Bắc Bình vương Nguyễn Huệ, có công lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Thanh. Em trai Nguyễn Sỹ Xung là Nguyễn Sỹ Biểu từng được vua Minh Mạng (nhà Nguyễn) ban đạo sắc vì có công “dẹp bọn cướp bóc ức hiếp nhân dân”. Con trai Nguyễn Sỹ Xung là Nguyễn Sỹ Quyển cũng từng được giữ chức Biền binh thư lại.
Về truyền thống khoa bảng, có Nguyễn Sỹ Lạng (tức Nguyễn Thúc Hằng) đỗ Cử nhân khoa Canh Ngọ (1870), không ra làm quan mà về quê “gõ đầu trẻ”. Nguyễn Sỹ Ấn, đỗ Phó bảng năm Giáp Thìn (1844), được triều đình nhà Nguyễn phong chức Hàn lâm viện Kiểm khảo, sau đó làm Thị giảng Hàn Lâm viện...
Thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, nhà thờ họ Nguyễn Sỹ là điểm hội họp của giới sỹ phu khắp các vùng để bàn bạc con đường cứu dân, cứu nước. Đặc biệt, trong cao trào Xô viết Nghệ- Tĩnh (1930- 1931), đây chính nơi hội họp, in ấn và cất giấu tài liệu của Đảng. Tại đây, cuối năm 1930, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An, Tổng ủy Xuân Lâm tiến hành Hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Quang Trung, do đồng chí Nguyễn Sỹ Tâm làm bí thư. Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ còn là nơi gắn bó với cuộc đời của đồng chí Nguyễn Sỹ Sách, một cán bộ cách mạng tiền bối và trung kiên của Đảng. Nhà thờ họ Nguyễn Sỹ được con cháu đời sau lập nên để thờ các vị tiên tổ có công với nước, với dân. Hàng năm, dòng họ tổ chức lễ đại vào Rằm tháng Giêng và lễ Rằm vào 17/5 Âm lịch. Và vào ngày Thương binh liệt sỹ (27/7) hàng năm, các ban ngành, đoàn thể cấp huyện và xã đến đây thắp hương tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Sỹ Sách.
Tổ tiên dòng họ Nguyễn Duy ở Thanh Lương cũng là những người đến khai phá vùng Cồn Lim- Kẻ Ó, góp phần biến vùng đất hoang sơ này trở thành một miền quê đông vui, trù phú. Từ mảnh đất này, dòng họ Nguyễn Duy đã có những con người làm nên sự nghiệp vẻ vang, góp phần xây đắp truyền thống quê hương, là những tấm gương của muôn đời con cháu. Thời Tây Sơn, có Nguyễn Duy Địch, Nguyễn Duy Mờn, Nguyễn Duy Năm đã góp phần giúp vua Quang Trung đại phá quân Thanh, làm nên nghiệp lớn và được triều Tây Sơn, được ghi nhận công lao bằng việc ban tặng 5 đạo sắc. Trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, con em dòng họ Nguyễn Duy hăng hái đứng vào hàng ngũ đấu tranh chống áp bức, cường quyền. Tiêu biểu như Nguyễn Duy Trâm, Nguyễn Duy Tiên, Nguyễn Duy Từ, Nguyễn Duy Thịnh... Và nhà thờ họ Nguyễn Duy được chọn làm cơ sở in ấn tài liệu tuyên truyền của Đảng. Đây cũng là nơi các đồng chí lãnh đạo Đảng họp bàn và soạn thảo kế hoạch đấu tranh với địch, là 1 trong 8 địa chỉ đỏ trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh ở Thanh Chương.
Xin được nói thêm, từ đường họ Nguyễn Duy là nơi thờ các vị tổ tiên, trong đó có những nhân vật được ghi danh vào sử vàng dân tộc. Đó là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc, thủy tổ của dòng họ, người có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lập nên vương triều mới. Là Nguyễn Trãi, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, vị quân sư đắc lực của Lê Lợi, người có công lớn trong việc đánh thắng giặc Minh, đưa dân tộc ta thoát khỏi tai họa. Là Nguyễn Anh Vũ, người con của Nguyễn Trãi sống sót sau thảm án Lệ Chi viên. Đây còn là nơi thờ Nguyễn Duy Hiền và Nguyễn Duy Năng, những người đầu tiên của dòng họ đến vùng này mở đất lập làng.
Cùng với họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Duy, dòng họ Chu cũng đến vùng đất Kẻ Trằm khá sớm. Và dòng họ này cũng đã sinh ra những bậc danh nhân, công thần của đất nước. Người đầu tiên là Tiến sỹ Nghĩa quận công Chu Tất Thắng, đỗ đại khoa lúc mới 18 tuổi, văn võ song toàn và lập được nhiều chiến công dưới triều Hậu Lê. Tiếp đến là Tiến sỹ Bút xuyên hầu Chu Quang Trứ, từng giữ chức Hộ bộ tả thị lang, kiêm Giám sát ngự sử và được triều Hậu Lê phong Bút xuyên hầu. Tiến sỹ Văn Thụy hầu Chu Dy Hiến, một vị quan văn võ toàn tài, thanh liêm và yêu thương dân hết mực. Năm 1619, Chu Dy Hiến được vua Lê Thần Tông thăng chức Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Đề hình Thập tam đạo, phong tước hầu và được ban tặng đôi “Thượng phương bảo kiếm”. Con trai của ông là Giáp quận công Chu Phụng Huệ được phong chức Thiếu bảo hữu phủ.
Gia phả dòng họ Chu còn nhắc tới Nhị vị cung phi, hoàng hậu Chu Nhũ Nhân, hiện chỉ mới xác định được danh tính một người là bà Chu Thị Ngọc Quỳnh. Bà sinh năm 1632, là con gái của Chu Phụng Trực. Là một người tài sắc vẹn toàn nên năm 16 tuổi Ngọc Quỳnh được tuyển vào cung. Sau đó, Ngọc Quỳnh được gả cho Thái bảo quận công Trịnh Xuân và được phong là Á vương phi. Năm 19 tuổi, chồng qua đời, bà quyết định thủ tiết thờ chồng. Cảm kích trước tấm lòng và đức hạnh của người con gái họ Chu, vua cho bà về quê cai quản cả một vùng đất đai. Cách đây 3 năm (đầu năm 2011), con cháu gần xa vinh dự đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử- văn hóa của nhà thờ và mộ tổ dòng họ Chu.
Đền Cả (xã Thanh Lương, Thanh Chương). |
Ngoài ra, trên địa bàn xã Thanh Lương còn có đền Cả, một di tích lịch sử - văn hóa, là nơi gửi gắm tâm linh của toàn thể cộng đồng. Theo các bậc cao niên trong xã, đền Cả có từ rất lâu đời, là nơi thờ Thánh Đức vận đô thiêng, vị thần đã chở che và phù hộ cho cuộc sống yên bình, trù phú của làng Tú Viên. Một thời gian dài, do điều kiện chiến tranh, người dân nơi đây không có điều kiện chăm sóc hương khói và tu bổ nên đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2000, người dân xã Thanh Lương đã góp của, góp công để phục dựng lại ngôi đền Cả trên nền đất cũ và tổ chức tế lễ vào dịp 24/2 Âm lịch hàng năm.
Ngày nay, các thế hệ con cháu của các dòng họ ở làng Tú Viên xưa, xã Thanh Lương hiện nay, luôn nỗ lực trong học tập, nghiên cứu khoa học và lao động sản xuất để mãi xứng đáng với truyền thống tổ tiên bao đời gây dựng. Làng quê Thanh Lương đang từng ngày khởi sắc, nhà cửa đã khang trang, đường làng đã được bê tông hóa, đồng bãi luôn tốt tươi, bộ mặt nông thôn mới đang hiện hữu…
Công Kiên
Theo Baonghean.vn