(Baohatinh.vn) - Là vùng đất cổ với nhiều đặc điểm khác biệt về địa lý, khí hậu, hoàn cảnh lịch sử cũng như tính cách con người nên Hà Tĩnh có nhiều lễ hội dân gian khá độc đáo, phản ánh sinh động và rõ nét đời sống văn hóa của người dân.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh, Hà Tĩnh có 89 lễ hội dân gian, trong đó có lễ hội đền, lễ hội chùa và lễ hội văn hóa khác. Theo dòng chảy của thời gian, nhiều lễ hội đã bị thất truyền, không còn bóng dáng trong đời sống hiện tại. Tuy vậy, những lễ hội chính hiện còn lưu giữ và được phục hồi đã thu hút mỗi năm hàng triệu lượt người tham gia, góp phần phát huy bản sắc văn hóa Hà Tĩnh, thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.
|
Hội xuân. Ảnh: Quốc Khánh |
Giá trị nổi bật nhất của các lễ hội ở Hà Tĩnh, đó là phản ánh đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tri ân người có công với nước trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, khai khẩn đất đai, lập nên làng xã, các ông tổ làng nghề, các danh nhân đỗ đạt cao, gây dựng phong trào học hành, khoa cử, sáng tạo văn học nghệ thuật, tạo nên những phong tục, tập quán đẹp… Các lễ hội này thường gắn với ngày giỗ, ngày sinh của các bậc anh hùng như lễ hội: đền vua Mai (Mai Phụ - Lộc Hà), đền Hải Khẩu - Chế thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu (Kỳ Ninh - Kỳ Anh), đền Chiêu Trưng Lê Khôi (Thạch Bàn - Thạch Kim), Đô đài Bùi Cầm Hổ (Đậu Liêu - TX Hồng Lĩnh), đền Thánh thợ rèn Trung Lương (Hồng Lĩnh), đền Thái Yên (Đức Thọ), lễ rước báu vật vua Hàm Nghi (Phú Gia, Hương Khê) v.v… Gần đây, có thêm lễ hội hiện đại là kỷ niệm các năm tròn chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, kỷ niệm năm sinh chẵn Đại thi hào Nguyễn Du.
Với tình cảm biết ơn và ngưỡng vọng những người đã có công gìn giữ và xây dựng đất nước, hàng năm, chuẩn bị đến ngày lễ, người dân trong, ngoài vùng đều rủ nhau mang lễ vật về bái Phật, Thánh, trước là bày tỏ sự tri ân, sau nữa cầu mong cho gia đình mình được yên ấm, no đủ, mọi sự hanh thông. Chính vì vậy, các ban tổ chức lễ hội ngoài lo bài văn tế thật hay để đọc trong không khí trang nghiêm và thành kính còn phải lo sắp xếp đội ngũ các thầy lễ viết sớ cầu nguyện cho người dân. Đây cũng là mong ước rất chính đáng của họ và tính nhân văn của lễ hội vì thế càng thể hiện đậm nét.
Những lễ hội có quy mô lớn, kéo dài hàng tuần (thậm chí cả tháng) là các lễ hội: đền Hải Khẩu, đền chợ Củi (Xuân Hồng - Nghi Xuân), chùa Chân Tiên và lễ hội chùa Hương Tích. Ở những lễ hội này, phần lễ chỉ diễn ra 1-2 ngày với các hoạt động chính là nghinh rước, cúng tế, còn phần hội có thể kéo dài nhiều ngày sau đó. Du khách ngoài việc đi lễ để thể hiện lòng tôn kính với Phật, Thánh còn là dịp để thưởng ngoạn cảnh non xanh nước biếc, trời mây chan hòa, thiên nhiên tươi đẹp trong ngày đầu xuân năm mới và tham gia các hoạt động giải trí khác. Chính vì thế, ban tổ chức phải lo thu xếp cả năm trời từ cơ sở vật chất, tuyển chọn thầy lễ, giới thiệu quảng cáo, tổ chức các đội văn nghệ, thể thao, lo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự... Công tác quản lý lễ hội vì thế cũng vất vả hơn nhiều.
|
Lễ hội cầu ngư ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên). Ảnh: Hương Thành |
Giá trị nổi bật thứ 2 của các lễ hội ở Hà Tĩnh là thể hiện ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cá tôm đầy thuyền, làm ăn phát đạt… của nông - ngư dân, thợ thủ công các làng nghề. Chính vì vậy, rất nhiều lễ hội đã ra đời phản ánh ước vọng đó của người dân như lễ hội cầu ngư của các làng biển Hội Thống, Cửa Nhượng, Động Gián (Cương Gián - Nghi Xuân), lễ kỳ phúc lục ngoạt (Thạch Trị - Thạch Hà), lễ hội làng mộc Thái Yên, làng Thánh thợ rèn Trung Lương, lễ hội dẫn hoa (Phan Xá - Nghi Xuân) v.v... Các lễ hội này diễn ra chủ yếu vào đầu các mùa vụ sản xuất trong năm và ngày giỗ các vị tổ sư làng nghề.
Bên cạnh đó, các lễ hội tôn giáo như lễ Phật đản, Noel… phản ánh tín ngưỡng của nhân dân với tiên, phật, chúa trời… và khát vọng được chở che, được bình an trong hiện tại, được về với cõi trời, cõi Phật khi sang thế giới bên kia. Những ngày lễ lớn, nhân dân khắp nơi đổ về các chùa, nhà thờ lớn, thực hiện các nghi lễ rước Phật, rước Đức chúa và ca hát, cầu nguyện…
Giá trị thứ 3 của các lễ hội là phản ánh đời sống tinh thần sôi nổi, tâm hồn khoáng đạt, gắn bó, giao hòa với thiên nhiên, với cộng đồng, ước vọng chinh phục và làm chủ thiên nhiên của con người Hà Tĩnh. Rõ nét nhất là các hội thể thao truyền thống đầu năm như đua thuyền (Trung Lương, thị trấn Thạch Hà, Trường Sơn, Đức Thọ…); hội vật Thuần Thiện (Can Lộc), Trung Lễ (Đức Thọ); hội thi nấu cơm Long Trì (Kỳ Phú - Kỳ Anh); hội Chay ở chợ tỉnh (TP Hà Tĩnh); hội hát ghẹo và tục ăn cá gỏi ở Mỹ Xuyên, Đức Lập (Đức Thọ), các hội này nay đã mất; hội chợ tết ở làng Thịnh Xá (Hương Sơn); hội cờ người ở Yên Điềm (Yên Lộc - Can Lộc)… Các hội này diễn ra phần nhiều vào mùa xuân, hoạt động vui chơi, giao lưu, thi thố là chủ yếu, gần như phần lễ không có. Chính vì thế đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi, phấn khởi đầu năm, khiến cho người người xích lại gần nhau hơn trong tình thân ái chan hòa, nam thanh nữ tú có cơ duyên hẹn hò, trao gửi tình yêu.
|
Một nghi thức trong lễ hội tế giỗ Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu |
Chỉ có nhân dân mới là chủ thể và là đối tượng trong sáng tạo lễ hội. Thiếu số đông người dân tham gia, lễ hội sẽ không còn được duy trì và phát triển. Nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh cho rằng: “Lễ hội có chiều sâu lịch sử và ý nghĩa rộng lớn, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, nhu cầu cộng cảm, chứ không chỉ là việc nghỉ ngơi, giải trí đơn thuần. Lễ hội gắn chặt với lĩnh vực tư tưởng và triết lý sống của dân tộc. Các lễ hội lớn gắn liền với những vấn đề khái quát nhất như thế giới quan tôn giáo của dân tộc. Nhu cầu cộng cảm là nhu cầu tất yếu của xã hội, chứ không ngẫu nhiên nên cộng cảm trở thành động cơ của việc thiết lập và cũng là động cơ duy trì lễ hội”. Chính vì vậy, Nghị quyết T.Ư V (khóa VIII) của Đảng đã nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.
trì, phục hồi và phát triển các lễ hội dân gian, tổ chức tốt các ngày lễ kỷ niệm truyền thống chính là góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, với một dân tộc đa tôn giáo, đa tín ngưỡng và nhiều di tích lịch sử văn hóa, hoạt động lễ hội vô cùng phong phú, đa dạng… thì việc quản lý tốt các hoạt động lễ hội không phải dễ dàng. Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị cũng đã quy định rõ thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết 11 (khóa XIV) Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển nền văn hóa Hà Tĩnh theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5, Chỉ thị 20 của BTV Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và các hoạt động lễ hội.
Hiện ngành VH-TT&DL và các địa phương đã phối hợp tổ chức các hoạt động lễ hội. Các tổ chức, cá nhân hảo tâm và con em quê hương với tấm lòng thành đã đầu tư tiền của, công sức trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và đóng góp cho lễ hội. Nắm bắt được nhu cầu của người dân, nhiều công ty du lịch đã vào cuộc đầu tư các hạng mục công trình nhằm phục vụ tốt hơn du khách về trẩy hội, đồng thời mang lại nguồn thu cho du lịch. Nếu các BQL di tích làm tốt hơn nữa công tác tổ chức, đảm bảo ANTT và vệ sinh môi trường, chắc chắn lễ hội sẽ có sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa của nhân dân, góp phần tô đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, văn hóa Hà Tĩnh.
Bùi Minh Huệ
Theo Báo Hà tĩnh