Đoàn cán bộ hưu trí của Bộ GTVT vinh dự được hành hương về thăm quê Bác. Đến thành phố Vinh, đoàn được các lãnh đạo sở GTVT, TCT xây dựng giao thông 4 và Ban 85 ân cần đón tiếp, bố trí cho đoàn về dâng hương khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi sau đó thăm khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong ở Truông Bồn, tỉnh Nghệ An và 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh.
Khu di tích ngã ba Đồng Lộc, Hà Tĩnh đã để lại trong lòng người dân Việt Nam một ấn tượng thiêng liêng không bao giờ quên. Còn ở Thung Lũng Truông Bồn, Nghệ An, ít người biết đến. Cũng dễ hiểu thôi, vì khu di tích này khởi công xây dựng tháng 10/2012, và cơ bản mới hoàn thành năm 2013. Vì lẽ đó, tôi muốn viết, muốn nói nhiều đến 13 anh hùng Liệt sĩ của Tổng đội Thanh niên xung phong hy sinh ngày 31/10/1968 ở Truông Bồn.
Từ TP Vinh ngược theo Quốc lộ 46 qua thị trấn Nam Đàn, rồi đi thẳng đến khu di tích Truông Bồn, thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, cách TP Vinh 35 cây số.
Thung lũng Truông Bồn nằm sát cạnh đường cái, xuống xe bên trái là Đài tưởng niệm khu di tích, đi sâu vào phía trong là đền thờ 13 anh hùng liệt sĩ, trong có có 2 nam, 11 nữ thuộc tiểu đội 2, đơn vị C317, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An. Một tình tiết nói thêm để bạn có dịp đến đó khỏi thắc mắc: Phía ngoài danh sách đề 13 liệt sĩ, nhưng khi vào điện thờ phía trong thì xuất hiện 14 pho tượng đồng đen, bên phải 7, bên trái 7, với lý do có thêm một đồng chí bộ đội phá bom từ trường hi sinh ngày 30/12/1968 trong khi làm nhiệm vụ ở đây. Đồng chí bộ đội có tên gọi là Hoàng Kim Giao, một kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành vô tuyến điện ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh xung phong vào khu 4 làm việc dưới mưa bơm, bão đạn ác liệt của kẻ thù, rồi ngã xuống khi tuổi đời mới 26 tuổi, chưa có gia đình riêng.
Truông Bồn, mãi mãi khắc sâu vào tâm khảm chúng ta nếu ai đó có dịp đến viếng, để rồi không thể nào quên những con người dũng cảm hi sinh tuyệt vời ở đây.
Tiểu đội 2, đơn vị C317, Tổng đội Thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An do chị Trần Thị Thông làm Tiểu đội trưởng. Tiểu đội có 14 người, 2 nam, 12 nữ. Đơn vị đã từng đảm bảo giao thông ở các trọng điểm như cầu Bùng, Hoàng Mai, Bến Thủy, Đô Lương, Nam Đàn và Truông Bồn…
Ngày 30/10/1968, một số anh chị em trong Tiểu đội đã hoàn thành nhiệm vụ để ra quân, đơn vị tổ chức liên hoan để chia tay, trong bầu không khí kẻ ở người về tránh sao khỏi sự bùi ngùi lưu luyến nhớ thương và hẹn ước qua 4 năm đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau trên mặt trận đảm bảo giao thông của thời chiến. Người ta hẹn nhau sẽ về dự đám cưới của anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm, 2 người cùng Tiểu đội. Một số chị em trong tay đã cầm giấy gọi đi học các trường Trung cấp sau khi rời đơn vị. Ôi có biết bao nỗi buồn xen lấn trong niềm hân hoan đã hoàn thành nhiệm vị ra quân, để rồi qua một đêm sau đó cả Tiểu đội hi sinh chỉ còn sống sót một người.
Đêm 30 rạng ngày 31/10/1968, một sự kiện kinh hoàng đã xảy ra ở thung lũng Truông Bồn. Đơn vị nhận lệnh của cấp trên, Mỹ sẽ ném bom xuống Truông Bồn hòng chặn đứng những đoàn xe chở sung đạn, lương thực của ta vào tiếp cho chiến trường miền Nam, vì đến ngày 1/11/1968 Mỹ tạm thời ngừng ném bom ở miền Bắc.
Đơn vị C317 phải rải quân để làm nhiệm vụ thông tuyến. Tiểu đội 2 của chị Thông lại xung phong lao ra đường, và rồi sau đó rạng ngày 30/10 bom Mỹ đã vùi sâu Tiểu đội của chị trong đất đá. 14 người trong Tiểu đội chỉ có mình chị sống sót nhờ khẩu súng khoác trên vai để lộ cái nòng súng trên mặt đất, qua đó các đội cứu chữa phát hiện đào chị lên cấp cứu kịp thời. 13 người con lại hi sinh cả, người ta thu lượm được 6 thi thể còn nguyên vẹn, 7 người khác thi thể đã tan nát trong đất đã ở thung lũng Truông Bồn. Kể đến đây, xin bạn đọc cùng tôi dành một phút im lặng để tưởng nhớ vong linh những người con anh dũng kiên cường hi sinh trên mặt trận đảm bảo giao thông ở thung lũng Truông Bồn, Nghệ An vào rạng sáng ngày 31/10/1968.
Qua hai cuộc chiến tranh ác liệt chống giặc ngoại xâm của đất nước, có biết bao những người con hi sinh cho dân tộc để giành lấy độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Sử sách mãi mãi cùng với thế hệ mai sau xin đừng lãng quên những người con anh hung đó.
Truông Bồn Nghệ An, ngã bã Đồng Lộc Hà Tĩnh hát mãi bài ca bất tử.