(Baonghean) - Chùa Giai (xã Thanh Khai, Thanh Chương) là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng lâu đời, đến nay chùa vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính và lưu giữ nhiều đồ tế khí cổ có giá trị, gắn với huyền thoại của nhân dân địa phương về sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng Phật giáo xứ Nghệ. Hiện Chùa Giai đã được Ban Quản lý Di tích và danh thắng lập hồ sơ đề nghị công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh.
Xã Thanh Khai huyện Thanh Chương quê tôi nằm giữa góc giao nhau của sông Lam và sông Đa Cương (sông Gang), thời Hậu Lê, thời Nguyễn vốn thuộc huyện Nam Đường (Nam Đàn nay), có đình Giai nếu không bị phá bỏ thì nay chắc chắn được xếp hạng, bảo tồn sánh ngang các đình Trung Cần, Hoành Sơn nổi tiếng xứ Nghệ. Chùa Giai được dựng từ thời Hậu Lê, bị tàn phá cùng thời điểm với đình Giai. Làng quê trung du cửa ngõ gió Lào không có cổng làng, thiếu phong thủy cây đa bến nước, mất đi đình đền, miếu mạo hóa cộc cằn, tình làng nghĩa xóm lấy cái “cương” (trực) làm trọng mà nhãng đi cái “nhu” vốn là trầm tích nhân bản, nhân văn tinh thần người quê đã ngàn năm thấm đẫm.
|
Ảnh minh họa |
Giá trị văn hóa vật thể dù bị “điêu linh”, nhưng phi vật thể luôn bền bỉ với cộng đồng, dân tộc. Âm thầm lòng hướng thiện của dân cư, dấu xưa nền cũ còn thì chùa còn. Chùa Giai được nhân dân sưu tầm hiện vật, đóng góp khôi phục, tôn tạo trên nền cũ từ cuối những năm 1990. Tháng 5/2013 này chùa được chỉ đạo lập hồ sơ để công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Chùa Giai thực là một công trình kiến trúc tâm linh cổ kính, là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách thập phương. Giúp dân hướng thiện, cố kết cộng đồng. Vào các ngày lễ trọng như Lễ Thượng Nguyên, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, các tuần tiết, sóc vọng hoặc mỗi khi có việc… người dân đều lên chùa lễ Phật dâng hương cầu cho người sống và phát nguyện cho người đã khuất. Chùa Giai vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kính, vững chãi, khá đẹp và lưu giữ được nhiều đồ tế khí cổ có giá trị, như tượng, giá gương, câu đối, đại tự….đặc biệt là Pho tượng phật cổ gắn với huyền thoại của nhân dân địa phương về sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng Phật giáo của một vùng quê xứ Nghệ.
Chùa Giai linh thiêng không nhờ toà ngang dãy dọc. Chùa Giai kiến trúc khiêm nhường nhỏ bé, nhưng lớn lao trong tâm niệm người dân quê. Tôi theo anh rể lên chùa, nhẹ bước chân trên lớp hoa đại rụng luân hồi sân chùa chiều tĩnh tại, gặp đôi câu đối: “Trăm cành gặp sương đến phương nam/ Trường cửu đền miếu có sự giác ngộ”, chợt nhớ nhà văn Nam Hà quê Kinh Bắc từng viết: “Ta cứ đi tìm những cái hay, cái lạ ở quê người, điều đó không có gì đáng trách, nhưng ta vô tình hay hữu ý bỏ quên cái hay, cái đẹp của quê hương, dù ta có viện ra nhiều lý do nào đó để bảo vệ cho sự thờ ơ của mình, cũng là có lỗi với người xưa...”. Cây có cội, nước có nguồn, dù ở đâu rồi cũng hướng về quê hương, tìm một không gian tâm linh để thắp nén hương hồi niệm, lại được hướng giác ngộ bồi đắp điều nhân, điều thiện.
Đình Sâm
Theo Baonghean.vn