Hẳn có rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè đã từng biết đến một nhà báo, một nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Bá Liễu đam mê, xông xáo nhiệt tình và tận tụy với nghề, với nghiệp, với bạn bè; nhưng không có nhiều người biết về một Lê Bá Liễu “con nhà nòi” rất đa tài và cả... đa mang. Cố Nghệ sỹ nhân dân Tuồng Lê Bá Tùng là thân sinh, còn nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh, cựu chiến binh nổi danh ở chiến trường Quảng Trị Lê Bá Dương là anh trai của anh. Lê Bá Liễu trước khi thành một nhà báo, anh đã từng là công nhân lái máy cày; Bí thư đoàn TNCS HCM; Ủy viên văn hóa; Xã đội trưởng rồi Phó Chủ tịch kiêm Công an trưởng thị trấn Thái Hòa (nay là thị xã Thái Hòa), nơi được coi là thủ phủ của miền Tây Nghệ An… Cho đến bây giờ người dân ở đây vẫn còn nhắc tới giai thoại về những vụ chỉ huy săn bắt, cảm hóa cướp ở miền Phủ Quỳ của ông Phó chủ tịch kiêm công an Lê Bá Liễu trong những năm tám mươi của thế kỷ trước.
Anh Lê Bá Dương kể rằng, năm 1991, đang từ vị trí Phó chủ tịch Thái Hòa, Lê Bá Liễu gửi cho anh bài viết “Đạo thầy” viết về người cha thân yêu của hai anh em, NSND Lê Bá Tùng, kèm theo lời nhắn: Em sẽ xin thôi việc “quan” để theo cha theo anh làm “kẻ sĩ “ anh nhé!
Đọc bài viết chứa đầy tư chất nghề viết của đứa em trai, lại ngược lịch sử dòng họ, Lê Bá Dương hiểu Lê Bá Liễu đã chọn đúng ngã rẽ cho cuộc đời mình. Lê Bá Dương rất ủng hộ khích lệ em. Liền sau đó, Lê Bá Liễu vào Nha Trang nhập môn nghề viết, nghề chụp ảnh với anh trai. Được “bậc tiền bối” Lê Bá Dương tận tình chỉ dạy rồi trang bị cho một số phương tiện hành nghề “secon-hand” như máy ảnh, laptop, máy quét…Lê Bá Liễu dũng cảm chính thức bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới đầy bất trắc: làm một nhà báo chuyên nghiệp tự do.
Còn nhớ, cách đây mười lăm năm, trong một chuyến lên Miền Tây Nghệ An, lần đầu tiên tôi gặp anh. Ngày ấy Lê Bá Liễu vừa đi viết báo vừa làm thợ cơ khí, sơn sửa xe đạp. Nghe tôi giới thiệu là đồng đội cũ của Lê Bá Dương anh mừng lắm. Vậy là cửa hiệu sửa xe đóng cửa mấy ngày liền để hai chúng tôi cùng đi tác nghiệp. Bẵng đi vài năm, khi ngược lên Quỳ Châu lần thứ hai tôi không thấy hiệu sửa xe đạp Đò Ham đâu nữa – Hỏi người láng giềng: “ông sửa xe đạp đâu rồi” thì được biết: “ông nhà báo đang đi công tác”! Và kể từ ngày ấy, tên tuổi Lê Bá Liễu liên tục xuất hiện trên các mặt báo và trong những câu chuyện làm quà của đồng nghiệp, ai đã từng gặp và quen biết nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lê Bá Liễu thì dường như đều phải tâm phục khẩu phục về cái sức đi, sức viết cùng khả năng bang giao rất sâu rộng của anh.
Là một đồng nghiệp, một người bạn và là một người anh hơn tuổi Liễu, tôi có thể nói rằng: trong số những đồng nghiệp làm báo ở Nghệ An mà tôi được biết thì Lê Bá Liễu là người đi xe máy khỏe nhất. Những chuyến đi xe máy từ Quỳ Châu về dự giao ban báo chí ở TP Vinh rồi về lại Quỳ Châu trong ngày; hoặc những chuyến đi tác nghiệp tuyến Quốc lộ 7, Quốc lộ 48 đến hàng trăm cây số đi về trong ngày, thậm chí trong buổi là chuyện thường của Lê Bá Liễu; nếu đồng nghiệp nào một lần được ngồi xe máy với anh để đi săn tin, săn ảnh ở các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn... ắt không thể quên. Bởi vì anh ấy lái xe trên địa hình đèo núi hiểm trở thiện nghệ kỳ lạ!
Tôi biết chắc là từ khi bắt đầu trở thành nhà báo chuyên nghiệp, Lê Bá Liễu đã 3 lần “đổi đời” xe máy (loại rẻ tiền) và dăm lần thay đổi máy ảnh, máy tính (máy ảnh, laptop của anh rơi suối, rơi khe là chuyện bình thường). Còn chuyện viết khỏe thì rõ rồi. Lê Bá Liễu là phóng viên, Trưởng Văn phòng đại diện của tạp chí Văn hiến Việt Nam tại Nghệ An-Hà Tĩnh, đồng thời là cộng tác viên “ruột” của rất nhiều tờ báo trung ương và địa phương. Ngoài tạp chí Văn hiến, bạn đọc có thể bắt gặp tin, bài, ảnh của anh đăng trên các báo in báo mạng: TTXVN, Quân đội nhân dân, Tuổi Trẻ, Vietnamnet, Lao động xã hội, Nông nghiệp VN, Nông Thôn ngày nay, Thiếu niên TP, Văn Hóa, Nghệ An, Lao động NA... Tin bài của anh bao giờ cũng nóng hổi tính thời sự vì luôn được anh cập nhật chính xác và kịp thời. Tôi còn nhớ rất nhiều lần, mãi đến ngày 29, 30 tết, hoặc trước ngày “khai hạ” đầu năm mới anh ấy vẫn hay rủ tôi đi tác nghiệp. Đã không ít lần tôi đi theo và “mót” được những tin, những ảnh thật hay! Một biệt tài nữa của Lê Bá Liễu là mày mò về các ứng dụng của máy tính và các phần mềm tác nghiệp báo chí; hễ chúng tôi hỏi là anh chỉ bảo đến nơi đến chốn, kể cả hàng mấy chục phút trên máy điện thoại.
Ngày nghe tin anh đổ bệnh, tôi lên thăm, nhìn anh mà xót xa. Mới đó, tôi cùng anh dự chuyến hành hương với các cựu chiến binh Đoàn Triệu Hải về chiến trường xưa Quảng Trị... mà giờ trông anh đã tiều tụy lắm ?! Chiếc Laptop vẫn để đầu giường, nhưng anh không thể gõ được nữa rồi! Khó nhọc lắm anh mới gượng dậy nói trong hơi thở đứt quãng: “Tôi đã viết xong bài thơ nói về đêm ở Hồ Khê – Quảng Trị, đọc nghe thử nhé: “Trăng non chênh chếch mé rừng / neo đầu cánh võng thức cùng các anh / chợt về cái thuở còn xanh / câu thơ báng súng rắn đanh lời thề /...” *! Lại một bất ngờ nữa: Lâu nay tôi chưa bao giờ nghĩ Lê Bá Liễu biết làm thơ!
Có thể còn nhiều điều tôi chưa biết về anh, nhưng chỉ bấy nhiêu thôi: Đó là lòng yêu nghề, yêu công việc đến độ đam mê, quên cả bệnh tình, quên cả hiểm nguy đến mạng sống; đó là tính cương trực đến mức dường như thái quá mà vẫn không sợ bị ganh ghét... cũng đủ để cho người đời nhớ đến anh, nhắc đến anh và rất nhiều trong số họ đã không quản đường xa, không quản trời mưa lạnh đến với anh trong phút lâm chung...
Nhà báo Lê Bá Liễu đã vĩnh biệt chúng ta vào hồi 14 giờ 45 phút ngày 11 tháng 11 năm 2012 ! Xin gửi những dòng viết này thay nén tâm hương của bạn bè đồng nghiệp đến hương hồn Anh, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Liễu, người con tận tâm của xứ sở Miền Tây xứ Nghệ thân yêu!
______________
Văn hiến trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một bài thơ và một số bức ảnh của Lê Bá Liễu:
VIẾT TRONG ĐÊM HỒ KHÊ
Lê Bá Liễu
Trăng non chênh chếch mé rừng
Neo đầu cánh võng thức cùng các anh
Chợt về cái thủa còn xanh
Câu thơ báng súng rắn đanh lời thề
Các anh mãi mãi không về
Tìm đâu, bạn giữa bốn bề nỗi đau
Bốn mươi năm, mãi tìm nhau
Cháy lòng thắp nến ngàn sau sáng rừng
Trăng khuya,
sương trắng
giăng mùng
Võng đêm
ai cứ
trở lưng
ngày về
Hồ Khê đêm 29/4/2012