Sắp đến ngày giỗ, lần thứ 45 của những chàng trai, cô gái TNXP Truông Bồn huyền thoại (31/10/1968-31/10/2013), tôi kể lại chuyện tình của nữ TNXP Truông Bồn- Chị Trần Thị Thông- tiểu đội trưởng tiểu đội thép anh hùng- người sống sót duy nhất trong những trận bom, ngày 31-10-1968, trước khi Mỹ ngừng bắn phá Miền Bắc chưa đầy một ngày.
Trên đường 15A, cung đường qua Truông Bồn có một vị trí hết sức quan trọng- tránh được những trọng điểm đánh phá ác liệt dọc đường quốc lộ 1 : Cầu Bùng (Huyện Diễn Châu ), Cầu Phương Tích, Cầu Cấm ( huyện Nghi Lộc ) và phà Bến Thủy (Thành Phố Vinh) . vì thế kẻ thù không ngừng ném bom ,bắn phá ác liệt , hòng ngăn chặn sự chi viện của MB vào MN. Vậy mà có đêm TB đã đưa được 500 chuyến xe chở hàng qua CỬA TỬ an toàn…. Những đoàn xe rầm rập đi trong đêm, trong tiếng bom rền ra mặt trận. Mỗi lần xe qua, Bộ đội và TNXP hò hát vui vẻ , mà không thấy mặt nhau . Năm 1968, Anh Lê Hải Diên , thuộc sư đoàn 308 được lệnh vào mặt trận Khe Sanh. Đến Truông Bồn đoàn xe bị sa lầy. Biết các anh bộ đội đang nóng lòng, muốn cho xe qua nhanh, để kịp ra mặt trận, Các chị TNXP vừa làm vừa hò hát. Ngày ấy từng câu hò đã là lời hẹn ước, dù không biết mặt, biết tên :
- .... Ơ.... Tình cờ gặp gỡ nhau đây/ có cho chung mẹ chung thầy không... ơ.... em? - Bên nam hò
- Ơ.... Quí hồ anh có lòng thương/ em có lòng ...ờ... đợi như rương khoá rồi - bên nữ
- Đến đây ai vợ ai chồng /ai đi đánh Mỹ ai bồng con thơ? - bên nữ
- Đáp: Đến đây em vợ anh chồng/ anh đi đánh Mỹ em bồng con thơ.... cả đoàn cười theo tiếng xe lăn.
Đường thông, đoàn xe lại bon bon .... Những lần "gặp" nhau vội vàng như thế, các anh bộ đội hỏi : có ai người Yên Thành? Diễn Châu? Quỳnh Lưu ?.. anh Diên cũng hỏi : Có ai người Hưng Nguyên không? Cho tôi gửi thư về cho cha mẹ...rồi vội vã ném lá thư xuống đường. Chị Thông nhặt thư lên, ấp vào lòng. Sau đó chị tìm cách gửi về cho gia đình anh, theo địa chỉ trên phong thư. Công việc cuốn hút, không ai kịp nghĩ sẽ còn gặp lại nhau hay không nữa. Những người ra đi lần lượt hy sinh...
7 h sáng ngày 31-10-1968 sẽ có một đoàn xe quân sự đi qua truông Bồn. 4h sáng ngày 31-10 , các anh chị TNXP đang san lấp hố bom , . hơn 6h sáng , công việc sắp hoàn thành , con đường đã thành hình. Thì bất ngờ máy bay mỹ ào đến , trút bom tới tấp xuống nơi các anh chị đang làm nhiệm vụ…khi tạm ngừng tiếng rú của máy bay, các đơn vị bộ đội , dân quân và nhân dân xã Mỹ Sơn chạy ra … không còn thấy đâu là đường , chỉ thấy hố bom chồng chéo dày đặc. Họ đào bới trong tiếng khóc nghẹn ngào. Hai người tìm thấy đầu tiên là anh Hòa và chị Thông- chị tiểu đội trưởng tiểu đội trực chiến. Nhờ cây súng gác trên vai, mà Chị Thông được cứu sống .Máy bay lại ào đến ném bom cấp tập, nơi các chị đang bị vùi trong lòng đất. Mọi người đau đớn nhìn về phía những đợt bom cày đi , xới lại nhiều lần …Sau hai ngày đêm vừa đào bới vừa gọi tên các chị : Nhung ơi, Phúc ơi, Tâm ơi, Đang ơi,…các chị ở đâu ?…chỉ tìm được 6 người còn nguyên hình hài.7 người còn lại chỉ nhặt được những mảnh thi thể bị băm nát - chia ra 7 phần và chôn chung một nấm mồ , ngay nơi các chị đã hy sinh. 13 chiến sỹ tiểu đội thép đã anh dũng bám đường , chết kiên cường dũng cảm . các chị phần lớn quê ở huyện yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên- đã về đây sống chết với con đường. và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ -17 đôi mươi . Họ đã vui với niềm vui của từng đoàn xe nối nhau vào Nam . Họ đã từng làm cọc tiêu di động. và cũng đã từng hồi hộp , căng thẳng đếm từng quả bom rơi thật chính xác , để kịp thời phá bom, mở đường, thông xe…
Năm 1969 chị Thông được cử đi học may. Chị ở trọ trong gia đình ông Lê Văn Đèo, xóm Yên Duệ, xã Đông Vĩnh, huyện Hưng Nguyên Tỉnh Nghệ An. (Nay là Phường Đông Vĩnh, thành phố Vinh).
Thấy bức ảnh con trai chủ nhà là bộ đội, chị Thông càng quí trọng ông bà . Mọi việc trong nhà tìm cách giúp đỡ. Mặc dù sức khoẻ của chị không bình thường, do sức ép của hàng tấn bom . Nửa đầu bên phải luôn bị đau- Nhất là khi trái gió trở trời. Chị không dám kêu, sợ không lấy được chồng. Năm ấy ông ốm nặng, sợ không qua khỏi, gia đình điện cho con trai về ...
Gặp các chị ở trọ trong nhà , anh Diên hỏi có ai là TNXP Truông Bồn không? lần ấy tôi có gửi lá thư... Khi biết người cầm thư và tìm cách gửi về tới tay bố mẹ mình là chị Thông. Anh Diên vô cùng xúc động, như gặp được người thân yêu cũ. Hai người đem lòng yêu nhau. Hết mấy ngày phép, anh trở về đơn vị. Thư từ qua lại, họ hen ước ngày về đoàn tụ...Chị Thông kể - mỗi lần nhận được thư anh , chỉ cầm phong thư, không cần đọc nội dung, xem địa chỉ, các bạn chị cũng biết là thư của ai rồi-Thơm mùi nước hoa. Bạn anh về phép mua hộ . Anh để giành ngày về tặng chị. Mỗi lần viết thư anh đều vẩy nước hoa... Kể đến đây, hai anh chị nhìn nhau cười hạnh phúc.
Năm 1970, sư đoàn 308 về Nghi Thái Nghi Lộc. Đơn vị cho anh 5 ngày phép về cưới vợ. Hết phép anh chia tay người vợ hiền để lên đường vào chiến dịch Nam Lào. Anh thuộc sư đoàn chủ lực cơ động của bộ. Tháng 7/1972 anh bị thương ở sân bay Phú Bài. Đến tháng 4/1973 ra quân. Mang trong mình vết thương và ba lô xẹp về với vợ...cũng là hạnh phúc lắm rồi ... Trong khi bạn bè đang nằm lại chiến trường...Anh nghẹn ngào nói.
Chị Thông sau khi học xong lớp may, ở lại xí nghiệp may mặc Việt Đức. Sức khoẻ không đảm bảo, do sức ép của bom Mỹ .Năm 1982 chị về mất sức. Khi đi TNXP chị cân nặng 54 kg. Nay chỉ còn 33 kg. Nửa đầu bên phải đau, chị đã đi khám và điều tri bệnh viện thành phố và BV tỉnh. Nhưng không nơi nào chữa được vết thương. Các bác sỹ khuyên nên vào TP Hồ Chí Minh để mổ. Chị không dám đi vì kinh tế gia đình không đảm bảo. Các con chị cháu Lê Hồng Sơn và Lê Xuân Hựu, hết nghĩa vụ quân sự , đều làm ăn tự do... Con gái lấy chồng. ..
Tiểu đội trưởng TNXP năm xưa- bà Trần Thị Thông hôm nay , trong niềm thương nỗi nhớ đồng đội đã hy sinh , ngồi lặng đi hồi lâu... rồi từ từ nói: Sắp đến ngày giỗ lần thứ 45 của các bạn . Tôi được thế này là may mắn lắm rồi chị ạ. Nhưng thà được chết như họ ... sống mà không bằng chết...tủi thân lắm. Năm 2008 xem tivi, thấy có đoàn của Hải Phòng vào tặng 14 chiếc tivi cho gia đình những TNXP đã hy sinh ở trận địa Truông Bồn. 13 người chết rồi thì được nhận. Riêng tôi sống sót thì không....
Cả Tiểu đội được phong tặng anh hùng, mà tôi thì như chết...Chị Thông gạt nước mắt buồn rầu. Anh Diên động viên vợ "Thôi bà, có các con các cháu là nguồn động viên tuổi già rồi...hà hà..."
Bài và ảnh : Cẩm Thạch
Chị Thông ngày ấy bấy giờ
Bài và ảnh Hoàng Cẩm Thạch
|