Những ngày này, cả đất nước nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp với niềm tiếc thương vô hạn.
Trên mảnh đất xứ Nghệ này, nước mắt người dân cũng đang rơi. Những ký ức về Người được người dân hoài niệm, trong đó có tuổi đôi mươi của Đại tướng và tình yêu đầu đời với người con gái thành Vinh.
Khu nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nằm bên con đường Quang Trung (TP Vinh, Nghệ An) tấp nập người qua lại. Nơi đây trước kia chính là nhà của gia đình ông Nguyễn Huy Bình, người đã sinh ra những người con cộng sản kiên trung bậc nhất, trong đó, có hai người con gái anh hùng: Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thị Quang Thái.
Bà Quang Thái chính là người vợ đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong khu lưu niệm, những gì còn sót lại của ngôi nhà nằm cuối ga Vinh ngày ấy là cái rương gỗ sờn tróc, cái mâm đồng cũ phai màu, một bộ ấm chén, vài bát đã sứt mẻ. Thời gian đã xóa nhòa đi rất nhiều thứ. Nơi đây, giờ chỉ còn hiện diện bóng dáng những chiến sĩ cộng sản thời kỳ tiền khởi nghĩa gian lao qua từng bức ảnh đen trắng. Có tấm hình bà Quang Thái chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí của mình, cả hai còn rất trẻ…
Cuộc gặp gỡ giữa Quang Thái và Võ Nguyên Giáp như một định mệnh. Trên chuyến xe lửa Hà Nội – Vinh – Huế, Quang Thái từ nhà vào Huế nhập học trường nữ sinh Đồng Khánh, còn Võ Nguyên Giáp cũng trên đường công tác vào Huế. Cô gái với dáng vẻ dịu hiền, gương mặt trái xoan, nhưng đôi mắt cương nghị, thông minh đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người cán bộ cách mạng trẻ tuổi.
Những năm 1930 – 1931 đầy sôi động. Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh như ngọn lửa bùng lên, dội vào đất Huế. Học sinh phát tờ rơi, tổ chức quyên góp ủng hộ cách mạng… Thực dân Pháp đàn áp, bắt nhiều học sinh, trong đó có bà Quang Thái. Lúc ấy, đồng chí Võ Nguyên Giáp hoạt động cũng bị bắt giam vào nhà lao Thừa Phủ. Khi đi ngang qua trại giam nữ, Võ Nguyên Giáp giật mình thấy Quang Thái! Tình yêu của hai người nảy nở từ lòng cảm phục lẫn nhau, từ chung một lý tưởng chiến đấu, cống hiến cho Tổ quốc.
Năm 1935, Nguyễn Thị Quang Thái 20 tuổi, Võ Nguyên Giáp 26 tuổi, đã tổ chức lễ cưới. Đó là một đám cưới chạy tang chuẩn bị gấp gáp vì bà ngoại của Quang Thái đột nhiên ngã bệnh.
Quãng đời chung sống của Quang Thái và Võ Nguyên Giáp quá ngắn ngủi, 10 năm chồng vợ nhưng chỉ có 5 năm chung sống bên nhau ở Hà Nội. Năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp phải ra nước ngoài hoạt động bí mật. Ở nhà, bà Quang Thái vừa chăm lo cho bố mẹ, vừa nuôi con gái Hồng Anh, vừa tham gia cách mạng. Một lần, bà tìm cách giúp đỡ cán bộ thì bị lộ, giặc xông vào nhà bắt bà đi trong lúc đang mặc áo tang làm lễ 3 ngày cho cụ thân sinh vừa mất. Bà bị giải vào Sở mật thám Vinh, rồi đưa ra nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội. Sự hà khắc của chế độ nhà tù, sức khỏe yếu, bà Quang Thái ngã bệnh và mất năm 1944 khi vừa tròn 29 tuổi.
Ngôi nhà ở Vinh của gia đình cách mạng ấy giờ đây trở thành khu lưu niệm để đồng bào đến thăm viếng. Có hai ông bà vẫn thường hay sang chơi vì giữ những ký ức kỷ niệm cùng ngôi nhà từ ngày đất Vinh đỏ lửa chiến tranh. Đó là ông Nguyễn Việt Sỹ (80 tuổi) và bà Nguyễn Thị Mỹ Cường (79 tuổi), trú tại phường Quang Trung, TP Vinh.
Bà Cường kể: “Nhà tôi gần nhà bà Minh Khai và bà Quang Thái, ngày nhỏ tôi vẫn đi qua đó suốt. Tôi vẫn nhớ đó là một ngôi nhà vừa đủ rộng, nằm cuối ga Vinh. Khi toàn quốc kháng chiến, Vinh thực hiện chủ trương vườn không nhà trống, phá hủy rất nhiều công trình. Đường ray xe lửa bị dỡ, ngôi nhà nằm ở cuối ga Vinh trở thành đống gạch vụn nát, sau này mới được xây lại”.
Bà Cường nhớ lại, thời trước, nghe kể chuyện mối tình của bà Quang Thái và tướng Giáp, bao nhiêu lớp thanh niên đều lấy làm ngưỡng mộ, trở thành tình yêu lý tưởng thời chiến. Bà cũng noi theo mà xung phong lên tận Điện Biên Phủ chiến đấu, để được gần chồng, để hai vợ chồng sống chết có nhau, không trong cảnh “ngưu lang chức nữ” nữa.
Cách đây mấy hôm, nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, hai người lính già đã khóc. Năm xưa, nghe chuyện bà Quang Thái – tướng Giáp họ đã khóc vì cảm phục, tự hào. Giờ đây, tóc đã bạc, họ khóc vì đã mất đi vị tướng suốt đời của mình. “Người chẳng thể ở lại mãi với chúng ta, bởi cuộc sống này là hữu hạn. Nên hãy tin rằng đó không phải là một sự ra đi mà là sự trở về. Sẽ có đất mẹ ôm Người vào lòng, sẽ có biết bao người lính đã ngã xuống trên khắp mảnh đất Việt Nam này đón người chỉ huy vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam và sẽ có cả những người thân đã ở đó từ lâu lắm rồi đợi Người. Cuộc hội ngộ trùng phùng ấy, ắt hẳn cũng đầy cảm động thiêng liêng”, bà Cường nói trong nước mắt.
(Gia Đình)
Theo nguyentandung.org