(Baonghean) - Những cây cầu đang được dựng lên từng ngày, thay vào đó là sự “hao hụt” dần của một nghề vốn quen thuộc từ lâu với bà con dân bản - nghề lái đò ngang.
Toàn huyện Con Cuông hiện chỉ còn khoảng vài bến đò ngang. Trên dòng sông đục như nước ruộng ở bến đò ngang bản Yên Hoà (xã Lạng Khê, Con Cuông), anh Quang Văn Hải gồng hết mình đẩy mạnh con đò rồi nhảy phốc lên khoang máy khởi động.
Khác xa với sự tưởng tượng về nghề lái đò của nhiều người, ở những huyện miền núi như Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương… đây là công việc không hề đơn giản, luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn.
Không có ngày nào được nghỉ, hễ có khách là anh Hải đưa họ sang sông. Ban đêm thì nghỉ, tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt như ốm đau phải đi bệnh viện, hay việc đột xuất cần sang sông, anh luôn sẵn lòng phục vụ.
Bến đò hiện anh Hải đang “lái” là bến đò mới, còn bến Yên Hoà cũ nằm ở phía dưới, cách gần 1km (bến đò cũ bị sạt lở, lại nằm ở phần đường không thuận tiện cho dân bản đi lại)...
Mỗi mùa nước, mỗi con nước trên dòng sông là một tình huống xử lý. Anh Hải kể, có những hôm buổi sáng, học sinh đi học đông, đò bị tắt máy giữa dòng, học sinh hoảng loạn. Những lúc như thế anh phải nhanh chóng lên đầu, cầm mái chèo bằng tay, đẩy bàn chèo cật lực để chỉnh lại hướng mới đưa được đò vào bờ. Mùa mưa bão, dòng sông cuồn cuộn như giận dữ, như muốn nhấn chìm đò trong biển nước. Những lúc như thế, anh Hải phải “chạy” đò dọc bờ, cách bến hơn 100m mới dám “đánh lái” sang bên bờ kia.
Hiện trên đò đã được trang bị các loại phao cứu sinh như phao tròn, áo phao… Thế nhưng, có những hôm nước lên quá to, anh Hải phải nghỉ lái đò, cả bản Yên Hoà đành phải nghỉ sang sông!
Đẩy đò rời bến.
Đò chở đầy người và phương tiện.
Giúp khách lên dốc.
Đồ dùng nấu ăn của lái đò ngay tại bến.
Hồ Phương
Theo Baonghean.vn
|