Trang chủ Liên hệ       Thư ba, Ngày 24/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Thân thương tên làng Thân thương tên làng , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

(Baonghean) - Trong “Trường ca Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm có một câu thơ giản dị nhưng vô cùng dễ nhớ khi nói về tình cảm của nhân dân đối với làng, xã: “Họ gánh theo tên xã, tên làng qua mỗi chuyến di dân…”. Tên làng, tên xã, trong tâm tưởng của nhiều người không chỉ là để định danh, mà chính là một phần máu thịt thiêng liêng trong tâm hồn.

Tên làng xưa...


Làng trong đời sống, sinh hoạt của dân tộc Việt Nam từ xưa được xem là đơn vị hành chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là một cộng đồng đa chức năng, không chỉ mang tính chất hành chính, mà còn ẩn chứa những lớp trầm tích văn hóa được bồi đắp qua các thế hệ người dân của địa phương. Hình thành cùng với quá trình di cư và khai khẩn, làng xã ổn định dần theo thời gian. Đặt tên cho một vùng đất, cho một làng, cha ông thường gửi gắm những ước vọng cho quê hương được bình yên, thịnh vượng, trù phú. Tên gọi đó luôn lưu giữ những ý nghĩa thiêng liêng, thủy chung trong tình cảm con người, ngay cả khi nghèo đói, cơ cực, gian khó nhất. Ngày nay, khi đời sống kinh tế, văn hóa phát triển, người ta bắt đầu danh xưng lại những tên làng…

Đơn cử ở xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên cổng làng Đô Yên được xây dựng bề thế, với kiến trúc hai mái, cao trên 10 mét, rộng 7 mét, trị giá 120 triệu đồng, do chính người dân xóm 1 và xóm 2 quyên góp xây dựng. Hai bên cổng làng đắp rõ nét hai câu đối “Tiền nhân gây dựng Đô Yên đẹp” (bên tả) và “Hậu thế chung xây Mỹ Giang giàu” (bên hữu). Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng không chỉ với người dân đang sinh sống ở “làng” mà cả với những người con xa quê. 

Thắc mắc về hai địa danh khác nhau trong câu đối, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Tính, 73 tuổi (xóm 1) giải thích cặn kẽ rằng: “Trước những năm 1930, vùng này thuộc tổng Đô Yên. Sau ngày độc lập được đổi thành Mỹ Giang và sau đó chia tách thành các xóm 1 và 2. Từ lâu, nơi đây có 2 cách gọi khác nhau hoặc là xóm 1, xóm 2 hoặc xóm Mỹ Giang. Theo nguyện vọng và thống nhất của người dân 2 xóm, khi xây dựng cổng làng, lấy lại tên xưa Đô Yên với nghĩa thể hiện vùng đất này đô hội, phát triển và yên bình như các thế hệ cha ông hằng mong muốn khi đặt tên cho làng”.



Cổng làng Đô Yên (còn gọi là Mỹ Giang) của xóm 1,2 (Hưng Mỹ - Hưng Nguyên).

Trong quá trình biến động của lịch sử, vì nhiều nguyên nhân, do đất nước có một thời gian dài trải qua chiến tranh, có thể do kỵ húy, do tách nhập làng mới… nên nhiều tên làng đã bị thay đổi. Thể hiện qua việc thay một phần chữ đầu hay cuối hoặc thay hoàn toàn bằng tên mới nhưng cũng có những tên làng được tách ra và được “số hóa” với xóm 1,2,3,4… Nhưng cũng có những miền quê, quá trình chia tách vẫn giữ tên làng bằng cách thêm số phía sau tên làng cũ. Điển hình nhất là ở xã Kim Liên (Nam Đàn). 

Trước đây chỉ có một làng Sen - quê nội của Bác Hồ nhưng nay do dân cư tăng, làng được tách ra thành làng Sen 1, làng Sen 2, làng Sen 3 và làng Sen 4. Tương tự ở làng Hoàng Trù - quê ngoại của Bác được tách thành Hoàng Trù 1, Hoàng Trù 2. Còn làng Mậu Tài (xưa có tên là làng Sày) được chia tách thành 6 xóm với tên gọi Mậu 1 cho đến Mậu 6. Cách đặt tên như vậy trong mỗi lần chia tách được hầu hết người dân bản xứ thống nhất. Theo ông Phạm Văn Cương, 83 tuổi ở làng Sen 2, sở dĩ ở xã Kim Liên việc tách tên làng được giữ nguyên tên cũ thêm con số phía sau không phải vì “bí tên”, mà cái căn bản là người dân nơi đây luôn tự hào về tên làng, tên xã từ trước. Điều đó thể hiện ý chí, nguyện vọng cũng như quyết tâm của người dân trong việc phát huy truyền thống quê hương trên chặng đường mới…

Tên làng nay

Trước đây, các giai đoạn tách thôn, xóm, khối, nhiều địa bàn dân cư đã chọn các sự kiện chính trị để đặt tên, như: Thôn 2 - 9 ở xã Châu Khê và Bồng Khê (Con Cuông); Thôn 1- 5 ở xã Cẩm Sơn (Anh Sơn), ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Cách đặt tên như vậy, trong tiềm thức của người dân để giáo dục truyền thống cho các thế hệ, phát huy tinh thần đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Song cũng có rất nhiều nơi vẫn duy trì “số hóa” tên khối, xóm, thôn như một thói quen thay cho danh xưng tên làng, xóm đặt cho mỗi vùng đất như trước đây. Cũng dễ hiểu cho hiện tượng này là do quan niệm tên gọi cần phải gọn ghẽ, hoặc do người dân không để ý đến những đặc trưng truyền thống của vùng đất đang ở... Cần phải nhìn nhận, từ trước đến nay việc tách làng thành các thôn, xóm, khối, bản ở các địa phương được thực hiện theo các qui định của Nhà nước qua các thời kỳ. Đây là một tất yếu của lịch sử, yêu cầu bức thiết của xã hội trong quá trình phát triển và xuất phát từ phần đa ý nguyện của người dân. 

Vùng đất xã Đông Hiếu, Thị xã Thái Hòa trong những năm thực dân Pháp cai trị, lập đồn điền trồng cây công nghiệp đã có những xóm, làng với cái tên rất “Tây”. Sau khi đất nước độc lập, miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, nơi đây là thị trấn Nông trường Đông Hiếu. Đến năm 1995 Chính phủ ban hành Nghị định 83 – CP, thị trấn nông trường trở thành xã Đông Hiếu. Và làng Đội chế biến thì được đổi tên thành xóm Đông Xuân, làng Lụi thành xóm Đông Mỹ.  Hiện xã Đông Hiếu có 14 xóm: Đông Mỹ, Đông Xuân, Đông Hải, Đông Hồng, Đông Du 1, Đông Du 2, Đông Tiến, Đông Thắng, Đông Thành, Đông Sơn, Đông Hà... 

Hầu như các tên xóm, làng này đều mới được nhân dân lựa chọn đặt nên và mỗi cái tên đều mang một ý nghĩa tích cực. Anh Trần Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu, người dân xóm Đông Mỹ cho hay: “Đông Mỹ trước có tên là làng Lụi bởi trong những năm thuộc địa, khi những người công nhân, nông dân trong đồn điền đau, ốm nặng, thực dân Pháp đã đưa họ ra đây chôn sống hoặc vứt bỏ để tự sinh, tự diệt. Cái tên Đông Mỹ được ra đời bởi người dân chúng tôi mong muốn mọi người ra sức xây dựng quê hương giàu đẹp để xóa bỏ ấn tượng buồn đau xưa. “Xưa tôi sống trong làng, giờ làng sống trong tôi!” Cái tên Đông Mỹ đã trở thành niềm tự hào của nhân dân trong xóm”.

Được thành lập từ năm 1953, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn hiện có 19 xóm và 1 khu dân cư. Từ trước đến nay, hầu hết những tên làng, xóm đều ổn định, chỉ có một số thay đổi nhỏ, như xóm Đồng Đè thành xóm Đồng Tiến, xóm Bờ Pheo thành xóm Đông Tâm... Rất nhiều tên làng, xóm có từ trăm năm trước vẫn giữ nguyên như Khe Bai, Đồng Săng, Đồng Nấp, Đồng Mỹ. Và có tên xóm đã thay đổi như Đồng Tâm nhưng người dân vẫn quen và thích gọi là Đồng Mý.

Nói về những cái tên làng, tên xóm thay đổi theo thời gian, anh Nguyễn Sỹ Nghị, Chủ tịch UBMTTQ xã Nghĩa Hội tâm tình: “Khắc ghi trong ký ức tôi khi chập chững những bước đi đầu tiên ra ngõ, bi bô gọi tiếng “mẹ”, “cha” và trên con đường đất ngoằn ngoèo đưa tôi đến với ngôi trường mái rạ, phên tre là tên làng, tên sông, dáng núi quê hương. Và khái niệm địa dư đầu đời chẳng gì lấn át nổi tiếng làng. Làng to lắm, ấm cúng lắm, thiêng liêng tưởng đến vô cùng với đình làng, đường làng, ao làng, giếng làng, chợ làng...”. 

Việc thay đổi tên làng ở các giai đoạn là điều cần thiết. Song đôi khi cũng làm cho con người cảm thấy đôi chút mất mát về một phần của quá khứ. Nhưng thiết nghĩ đã yêu quê hương thì phải cần quý cả cái tên làng nay. Cũng theo anh Nghị: Khi thay đổi tên làng cũng nên có cách lưu lại tên gốc, bởi vì ngoài tính chất hành chính, làng xã (xưa) hay thôn ngày nay là một đơn vị cơ sở gắn với chiều sâu văn hóa cổ truyền.

Gìn giữ nếp quê

Trong đời sống văn hóa - xã hội Việt Nam, “làng” là một cộng đồng văn hóa của địa phương, dân tộc. Quan hệ trong làng là quan hệ láng giềng đan xen với quan hệ huyết thống. Khi chọn một vùng đất lập nghiệp, đến hình thành kết cấu làng, tổ tiên ta tính đến việc đặt tên cho làng.

Cách đặt tên thường đặt theo tên chữ (chữ Hán, Quốc ngữ, do chính quyền đặt) hoặc theo tên nôm  (tên gọi thông dụng của làng xã, do nhân dân đặt), tên làng thường có hai chữ. Có nhiều cách khác nhau để đặt tên làng xã: Làng đặt theo họ của người khai hoang khai khẩn (Hà Xá, Đặng Xá ở Thanh Chương; Thái Xá, Nguyễn Xá, Cao Xá ở Diễn Châu; Phan Xá, Đặng Xá, Nguyễn Xá ở Nghi Lộc); đặt tên theo đặc điểm tự nhiên hay sinh hoạt; đặt theo tên cây trồng hay cây dại; đặt tên theo nghề nghiệp (làng vạn Tuần Lã ở Khánh Sơn, Nam Đàn; Vạn Thai ở Sơn Hải, Mộng Ngư ở Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu); làng được lấy tên theo quê gốc hay theo ý chí, ước nguyện của dân cư...

“Đất lề, quê thói”, hầu như làng nào cũng có một lối sống riêng, một bản sắc riêng. Chính vì sự riêng biệt đó mà đã hình thành nên sự “cục bộ vô tư” rất đáng yêu, đáng quý của người làng. Và ngược lại tên làng thể hiện niềm tự hào về đặc điểm, sự viên mãn của đất đai vốn có bao đời. Bài hát “Những tên làng gọi chúng ta đi” (sáng tác Huy Sô, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ) với những câu từ “Trong mỗi trái tim ta ấp ủ một tên làng/ Trong mỗi giấc mơ nỗi nhớ một tên làng/ … Ôi. Những tên làng Việt Nam/ Qua bao đạn bom không mất”, đi vào lòng người, tạo nên những cảm xúc không nguôi về đất đai, xứ sở là vậy. Nó thân thương gắn bó đến đỗi những người phải sống ly hương, tha phương cầu thực hàng mấy chục năm không thể nào quên và cả những người đang sống trong làng vẫn thấy nhớ. Họ luôn hết mực bảo vệ thanh danh, “phẩm giá” của  làng mình.

Làng xã ở tỉnh ta vào đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều mô hình làng. Có làng nông nghiệp kiêm thủ công nghiệp, có làng nông nghiệp kiêm buôn bán, có làng nông nghiệp nổi tiếng học hành, có làng nông nghiệp kiêm cả thủ công nghiệp, cả buôn bán, và cả nổi tiếng về học hành đỗ đạt. Trước đây, Phó giáo sư Ninh Viết Giao có những nghiên cứu về làng, tên làng, những nét văn hóa truyền thống của làng. Cùng với đó có một số đề tài luận văn riêng lẻ về tên làng, văn hóa làng (theo từng làng nghề, hoặc miền quê). Thế nhưng, trong xu thế phát triển những nghiên cứu đó chưa được ứng dụng, phát huy. Đặc biệt, mấy chục năm đổi mới, nhiều vùng miền chỉ chú trọng làm ăn, chưa quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng quê. Có nhiều nơi, xóm làng được đánh số, khi có những sự việc tiêu cực, “người ta” lại gọi là “làng ma túy”, “làng nghiện hút”, “làng ung thư”, “làng không chồng”... Mặc dù không có giá trị hành chính và có vẻ hơi “bất nhẫn” với cả vùng dân cư, nhưng với việc cái tên đó được xướng lên nhiều lần cũng đáng để quan tâm. 

Việc tách làng, lập xóm ở tỉnh ta đang được thực hiện theo Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 6/12/2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ “về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố”, và Quyết định số 84/2010/QĐ-UBND ngày 27/10/2010 của UBND tỉnh Nghệ An về quy định phân loại xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, về quy mô thôn, xóm, khối mới được giới hạn thấp nhất có 50 hộ dân - đối với miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa và trên 150 hộ - đối với ở vùng đồng bằng. Khi số hộ dân lớn hơn nhiều thì các xã, phường, thị trấn cần tiến hành các qui trình tách xóm, thôn, khối. 

Quá trình đó, tên xóm, thôn, khối phải được đa số cử tri đồng ý, Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) hoàn chỉnh phương án, trình Hội đồng nhân dân thông qua. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thẩm định phương án, hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định. Các qui trình được đảm bảo chặt chẽ như vậy vừa phát huy được tính dân chủ, thống nhất của cộng đồng dân cư trong việc thảo luận, quyết định và cùng nhau thực hiện các công việc tự quản, bảo đảm đoàn kết giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường. Qua đó đảm bảo sự chung tay của cộng đồng xây dựng cuộc sống mới, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, xây dựng cơ sở hạ tầng, hương ước; đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, thuần phong, mỹ tục của thôn, xóm, khối. 

Những năm gần đây, cùng với chủ trương chấn hưng văn hóa dân tộc, đồng hành với phong trào xây dựng đời sống văn hóa, người ta bắt đầu danh xưng lại những tên làng ngày trước. Đó không chỉ đơn thuần là hiện tượng “người ở thành phố nhớ làng quê” mà cả sự yêu mến, tự hào về tên làng, tên núi, tên sông…Hiện nay, cùng với việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhiều miền quê đã có những khởi sắc, kinh tế phát triển, cuộc sống khấm khá dần lên, người dân đang hướng về những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. 

Chúng ta nhìn thấy những lễ hội truyền thống ở các vùng miền đang được khôi phục, gìn giữ. Những tên làng, vì thế cũng được nhắc tới với tình cảm quí mến, thiêng liêng. Thậm chí nhiều nơi, trong văn bản hành chính xóm, thôn được xướng bằng số, nhưng người dân khi xây nhà văn hóa vẫn lấy tên làng cũ. Điển hình ở xã Hưng Thông (Hưng Nguyên), trong văn bản là xóm 10 nhưng cổng nhà văn hóa xóm lại ghi tên “Làng Đông”... Trước xu thế này, thiết nghĩ: Cộng đồng làng xã hay thôn sẽ là nền tảng để kế thừa tiếp biến, xây dựng xã hội hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc. Vậy nên chăng cần có định hướng tên làng xã, xóm, khối, thôn mới cũng phải đảm bảo yếu tố vừa truyền thống vừa hiện đại. Bởi tên làng (xóm, khối) bao hàm cả giá trị văn hóa, tình cảm - là những cái còn đọng mãi với thời gian.

 

Nguyên Sơn - Thành Chung

Theo Baonghean.vn


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 2
Total: 66026351

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July