Đó là chương trình nghệ thuật sẽ diễn ra tại đêm khai mạc Liên hoan dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh lần 2 do UBND 2 tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An cùng phối hợp tổ chức vào tối nay 17-8 tại Hà Tĩnh
Hình thành từ lao động sản xuất, các làn điệu dân ca ví, giặm luôn gắn với con người Nghệ Tĩnh.
Tại đây sẽ có 420 nghệ nhân và nhân dân của 2 tỉnh tranh tài trong liên hoan lần này với 15 điệu ví, 8 điệu giặm.
Điệu ví, giặm - sức sống của người Nghệ Tĩnh...
Không biết từ thuở nào, miền quê "mưa úng đất, nắng nẻ trời” - Nghệ An, Hà Tĩnh đã cất lên những lời ví, tiếng giặm mang nặng ân tình quê hương đất nước, khắc ghi đời sống sinh hoạt hằng ngày, kết nối biết bao tâm hồn những đôi trai gái... để rồi lưu truyền, phát triển cho đến ngày nay. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được ví như tâm hồn, cốt cách của người Nghệ Tĩnh.
Mới đầu, dân ca ví, dặm xứ Nghệ còn thô sơ, mộc mạc, giản dị, xuất phát từ lời ca của những cô gái kéo sợi, đi cấy, dệt vải... nhưng sau đó theo thời gian phát triển lên một tầm cao mới với lề lối, bố cục chặt chẽ và hình thành nên những vần điệu dân ca trữ tình, hấp dẫn làm say đắm lòng người.
Ví là "ví von”, chẳng hạn như "Thân em như hạt mưa sa. Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng”. Ví là "với”, bên nam hát đối đáp với bên nữ. Ví cũng là "với”, bên nam đứng ngoài đường, ngoài ngõ hát với vào trong sân, trong nhà đối đáp với bên nữ đang quay sợi, kéo vải... Còn “giặm” gần nghĩa với giặm lúa, điền nan. Ví, giặm là hai kiểu hát khác nhau nhưng đều có không gian diễn xướng gắn liền với lao động sản xuất, trong các làng nghề truyền thống, hoặc những lúc nông nhàn, lúc chèo thuyền, thả lưới ven sông, lên rừng lấy củi, hay mỗi dịp lễ hội... vì vậy ví, giặm thường được gắn với những tên gọi như ví phường Vải, ví phường Đan, ví phường Cấy, ví phường Củi...
Chính xuất phát từ hát ví, hát giặm mà đại thi hào Nguyễn Du từng có bài văn tế sống Nhị nữ Trường Lưu khi ông lặn lội từ Nghi Xuân sang Can Lộc để hát đối với hai cô gái nơi đây. Khi bước vào sân không may bị ngã thì liền có câu hát đối rằng: "Đến đây hò hát làm thân. Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì?/Đất chi có đất lạ lùng. Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho”...
Sông La, sông Lam hội tụ...
Đêm Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần II – 2013 tại Hà Tĩnh là dịp để các Câu lạc bộ hát dân ca ví, dặm gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; tái hiện lại các không gian diễn xướng dân ca, nuôi dưỡng các thế hệ nghệ nhân dân gian nòng cốt trong các CLB dân ca Nghệ - Tĩnh.
Đêm liên hoan dân ca ví, giặm này được đạo diễn An Thuyên lấy cảm hứng, chất liệu từ vùng Nghệ - Tĩnh, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống, quê hương đất nước, con người... bằng các điệu hò ví, giặm như : "Em chọn lối này", "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác", "Chỉ tại dòng sông đa tình", "Neo đậu bến quê", "Hà Tĩnh mình thương", "Sông Ngàn Sâu"...
Ví, giặm xưa ở Nghệ Tĩnh. |
Phần 1 của chương trình là ca cảnh "Đôi bờ ví giặm" diễn tả những chàng trai Nghệ An đêm trăng trốn nhà vượt sông Lam sang hát cùng các cô gái Hà Tĩnh. 130 diễn viên của Hà Tĩnh huy động từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống, Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể thao và Đại học Hà Tĩnh đã nỗ lực tập luyện gần 1 tháng cho tiết mục này.
Phần 2 là những làn điệu sân khấu đã cải biên thành công gồm lẩy Kiều, ví giận thương, hát khuyên, tứ hoa. Phần này hội tụ các nghệ sĩ nổi tiếng đang sống tại Nghệ - Tĩnh như NSND Hồng Lựu, NSƯT An Phúc, ca sĩ Nguyễn Phương Thanh, ca sĩ Hồng Oanh, ca sĩ Quang Hưng...
Đại chúng nhất là phần 3, "Mùa trăng sông Lam, sông La". Đây cũng là tên ca khúc được nhạc sĩ An Thuyên viết dành riêng cho sự kiện. "Mùa trăng" thực sự là "mùa sao" vì phần này hội tụ các ca sĩ thế hệ 8X, được công chúng cả nước biết đến. Đa số họ đều đã giành giải cao trong các kỳ thi Sao Mai như Phạm Phương Thảo, Bùi Lê Mận, Đinh Thành Lê. Ngoài ra còn có các ca sĩ Vành Khuyên, Quốc Việt, Tố Nga...