Người Nghệ, đất Nghệ, tiếng Nghệ trong đời sống văn hóa của dân tộc có một bản sắc riêng từ ngàn năm nay không thể trộn lẫn...
Nói đến Xứ Nghệ là người ta nghĩ ngay đến một vùng quê nắng lửa, mưa chan, chịu nhiều thử thách của thiên tai và giặc giã. Con người Nghệ chân thật đến quê mùa, can trường đến gan góc, tiết kiệm đến mức “cá gỗ”, thủy chung hết mực và có phần “gàn”, đặc biệt là tâm hồn khoáng đạt và chất chứa tình yêu thiết tha sâu đậm với thiên nhiên, con người. Tiếng Nghệ nặng mà ấm, nghe qua thì khó hiểu bởi nhiều thổ ngữ nhưng nghe quen rồi thì thấy yêu, thấy mến và thấy thú vị như con người và vùng đất này vậy.
|
Tiết mục dân ca ví, giặm của tỉnh Nghệ An tham dự Festival di sản tại Quảng Nam (tháng 6/2013). Ảnh: Chính Thu
|
Lẽ thường, sống như thế nào thì khi hát lên cũng như vậy. Những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là tấm gương phản chiếu đời sống tâm hồn, tình cảm của người Xứ Nghệ. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi chỉ muốn đề cập đến bài hát ví giao duyên lời cổ và bài giặm kể “Thần sấm ngã” được nhiều người yêu thích, thể hiện rõ nhất bản sắc Xứ Nghệ.
Bài hát ví giao duyên (có pha giặm kể) là những lời da diết trách móc có phần tủi phận của chàng trai bị lỡ chuyến đò với người mình yêu khi “đến bến đò, đò đã sang sông” và lời phân trần giãi bày của cô gái gặp khi “đò đã đầy, duyên đã đến”, dẫu biết rằng “muối ba năm còn mặn, gừng chín tháng còn cay”. Sau đoạn mở đầu, từ trạng thái yêu thương da diết chuyển sang giận dỗi, trách móc, nhịp điệu bài hát đã nhanh và gấp, đối đáp đầy vẻ quyết liệt của người “không giữ được vàng”. Một loạt từ ngữ Xứ Nghệ đầy biểu cảm được thể hiện trong nhịp điệu 3/2:
Trước (thì) mự nói mự thương
Cau dành để trên buồng
Trầu dành để ngoài nương
Tiền buộc chạc trong rương
Lợn ục ịch trong chuồng
...Giừ mự nói… mự nỏ thương
Cau long hạt trên buồng
Trầu rụng cuống ngoài nương
Tiền đứt chạc trong rương
Lợn bỏ cám trong chuồng
Bạc tình chi rứa mự?
Chi bạc tình chi rứa mự?
Trước những lời oán trách của người yêu, cô gái Xứ Nghệ đã lên tiếng thanh minh và chứng tỏ tình yêu non cao biển rộng của mình bằng lời hát đáp lại với ngôn từ đời thường rất giản dị mà đầy hình ảnh nhằm xoa dịu nỗi đau cho chàng trai:
Thương anh lắm anh ơi!
Nhớ anh lắm anh ơi!
Thương đáo để khúc nhôi
Nhớ ngao ngán tình đời…
Bưng cơm ăn nỏ được
Bưng nác (nước) uống không trôi
Cầm lấy đũa/ đũa rớt
Cầm lấy đọi/đọi rơi
Ra ngông đất ngó trời
Ra nhìn ngược nhìn xuôi
Cha tui mới hỏi: Mần răng rứa con ơi?
Mẹ tui cũng hỏi: Mần răng rứa con ơi?
Tui lẳng lặng trả lời: Vì thương anh vô kể, thiếp nhớ chàng vô kể...
Nếu như tình yêu nam nữ là đề tài phổ biến trong dân ca ví, giặm cổ thì trong thời kỳ hiện đại, đề tài quê hương, đất nước, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, thể hiện ý chí và khát vọng chiến thắng của dân tộc được nhiều tác giả quan tâm. Nắm bắt được dòng chảy của thời đại, ngay sau khi Hà Tĩnh đánh thắng trận đầu vào ngày 26/3/1965, ông Lê Thanh Bình, người con quê hương Thạch Ngọc (Thạch Hà) đã viết bài giặm kể (nhân dân hay gọi là vè) “Thần sấm ngã”. Bài hát được nghệ sĩ Xuân Năm thể hiện trên sân khấu và ngay lập tức được truyền tụng rộng rãi trong nhân dân những ngày tháng sục sôi ấy. Với chất liệu hiện thực là dân quân xã Thạch Hòa (Thạch Hà cũ) bắn rơi máy bay Thần Sấm, Con Ma của Mỹ, ông Bình đã dùng lối hát giặm kể với nhịp 3/2 để kể lại câu chuyện lịch sử bằng những ngôn từ địa phương đầy biểu cảm, giàu bản sắc Xứ Nghệ và dễ hình dung, dễ nhớ, dễ thuộc:
Khi tui chưa đánh/ thằng Mỵ (Mỹ)
Nghe đồn ngược/ đồn xuôi
Thần Sấm Mỵ/ra đời
Bay cho rách nón/ rách tơi
Bay cho gạy chọng (chõng)/ bể nồi
Giừ tui đánh thằng Mỵ rồi
Tui nghị (nghĩ) cũng/ tức cười (buồn cười)
“Trôốc thì nậy (đầu thì lớn)/ hơn đuôi
Chui đằng mô/ cũng đạn
Lọt đàng nào/ cũng đạn.
Nhịp bài hát từ chỗ đều đều của giọng kể chuyển sang giọng điệu sảng khoái pha lẫn tự hào về quân dân ta, giễu cợt “uy lực không quân Hoa Kỳ” với hình ảnh nhân hóa “thần Sấm Mỹ” bị bắn hạ như một kẻ hung ác “chết nhăn răng ra đó”:
Dân quân xã/ Thạch Hòa
Bắn nhịp bảy/ nhịp ba
Bắn cho bò trượt /bò trà
Một chiếc rồi/hai, ba
Thần đứt đuôi gạy (gãy) cánh
Thần troạng (vỡ) đầu gạy cánh...
... Chết nhăn răng ra đó
Nằm chỏng quèo ra đó
Người Nghệ là vậy, yêu đến điều, ghét đến độ: đã thương thì thương cho chắc, mà trục trặc thì trục trặc cho luôn, đừng như con thỏ đầu truông, khi vui giỡn bóng khi buồn giỡn trăng. Người Nghệ không ngại gian khổ, luôn đi đầu trong mọi cuộc cách mạng, quyết chí học hành để làm rạng danh cho gia đình và dòng họ, quê hương. Trong đời sống thường ngày, người Nghệ lắm triết lý, tuy có vẻ đa sự nhưng thực chất rất tình cảm, ít khi đổi thay bởi thế sự và lòng người, không hào nhoáng rồi như mây bay gió thổi, trái lại rất mộc mạc mà sâu lắng, bền lâu. Bản sắc ấy, nếu chỉ qua vài ba bài dân ca ví, giặm quả là chưa đủ. Xin khắc họa vài nét để hiểu thêm vì sao trước lúc đi xa, Bác Hồ của chúng ta lại thèm được nghe một câu hát dân ca Xứ Nghệ và để ghi nhớ những câu hát quê mình đã từng bay đi khắp thế giới, ẩn sâu nơi đáy lòng của những người con xa xứ, làm đẹp thêm tâm hồn của giới trẻ hôm nay.
BÙI MINH HUỆ
Theo Báo hà tĩnh
|