Trang chủ Liên hệ       Thứ hai, Ngày 23/12/2024
 
 
THÔNG TIN
Giới Thiệu Hội
Trang Thể Thao
Sức khỏe & Đời sống
Ẩm thực Nghệ Tĩnh
Việt Nam Đất Nước Con Người
Khoa học & Môi Trường
Chuyện lạ đó đây
Nhịp cầu Nhân ái
DANH SÁCH TẤM LÒNG VÀNG
Tin tức Nghệ Tĩnh
Truyền thống Nghệ Tĩnh
  -  Đất và người Xứ Nghệ
  -  Dân ca Nghệ Tĩnh
Tâm sự cuộc sống
Văn hóa - Xã hội
Văn Nghệ
Thư Viện
Góc Cười
Tin Trong nước -Tin Quốc Tế -Tin Ucraina
Tin Cộng Đồng
Người Việt Trên Thế Giới
BÀI DỰ THI VỀ XỨ NGHỆ
QUẢNG CÁO

 
Trang chủ > Truyền thống Nghệ Tĩnh > Đất và người Xứ Nghệ >
  Bài cuối: Bình yên vùng biên Bài cuối: Bình yên vùng biên , Người xứ Nghệ Kiev
 

 

(Baonghean) - Có phải hơi thở của cuộc sống vùng biên đấy không, vừa êm ái bồng bềnh như sương núi trắng trời vừa hoan ca rộn rã như tiếng kèn lá vắt vẻo từ bên này qua bên kia biên giới. Muốn nói gì, hát gì kèn lá ơi, hay kể giùm người câu chuyện yên vui, hạnh phúc. Câu chuyện phiên chợ vùng biên chuốc cho người ta say tình anh em, hữu nghị. Câu chuyện thơm nồng mùi rượu Lào và ngòn ngọt vị ngô non.

>>Bài 4: Xua luồng gió độc

Bắc Lý hôm nay

Chúng tôi đến Mường Xén, ướt lướt thướt trong một cơn mưa của núi rừng Kỳ Sơn hùng vĩ. Nghĩ đến đoạn đường đất vào Bắc Lý lầy lội khó đi, anh em hơi chùn lại, thôi kệ, thật chẳng đáng mặt đi miền ngược!  

Gần trưa thì vào đến Bắc Lý, tay ai nấy mỏi nhừ vì ra sức ghì phanh trên đường đất gập ghềnh chỉ toàn dốc xuống. Lúc này mới để ý thấy chiếc xe máy dựng trước sân trông còn khá mới, thắc mắc được trung tá Hà Đình Tín, cán bộ của đồn kiêm Bí thư Đảng uỷ xã Bắc Lý giải thích: “Chiếc thứ 2 trong năm rồi đấy, “tớ” ở đây 11 năm mà đã cho đi đời 13 cái xe máy rồi, toàn loại “mình đồng cối đá” nhưng cũng không trụ được đường sá ở đây”. Đúng là trong trí nhớ của chúng tôi thì cách đây mấy năm đường vào Bắc Lý hoàn toàn là đường đất, xuống dốc ghê cả tay chứ làm gì có đường nhựa như bây giờ.

Đi dọc đường chính của bản Huồi Cáng 1, thấy một người đàn ông mặc chiếc áo trắng bước ra từ trạm y tế xã. Lân la bắt chuyện, ra là anh Cụt Văn Tám, phó trạm y tế, hỏi anh đi đâu, anh cười thật thà: “Dân bản ta không ai ốm cả, về nhà cho con vịt, con cá ăn thôi!”. Theo chân anh về đến trước căn nhà sàn khang trang, vững chãi khiến những người miền xuôi vốn khắc sâu trong tâm tưởng cảnh đói nghèo của bà con miền ngược phải trầm trồ thán phục, bầy vịt và ao cá của anh Tám càng đáng gật gù tán thưởng hơn. 

Lúc này, chị Lương Thị Phanh, cán bộ khuyến nông xã đang loay hoay trong chuồng vịt, thấy anh Tám về, chị hồ hởi thông báo: “Vịt nhanh to ông Tám ạ, tình hình ni tháng 7 ngoài nớ họ về đánh giá mô hình rứa là hiệu quả!”. Được biết, 50 con vịt bầu này được cấp cho gia đình anh Tám theo chương trình xây dựng mô hình vịt bằng nguồn của dự án phát triển nông thôn miền Tây Nghệ An, cấp cho 10 hộ mỗi bản, triển khai từ ngày 29 tháng 5 năm 2013. Đồng chí Hà Đình Tín ra thăm ao nuôi cá trắm và rô phi đã được 2 năm, đoạn quay ra trêu anh Tám: “Anh Tám bán cho biên phòng con to nhất để chiêu đãi nhà báo nào”. Anh Tám vui vẻ khoe: “Con to nhất tận 5 cân, biên phòng với nhà báo ăn hết không?”. Mọi người ồ lên, thế thì to thật! Dạo trong sân, thấy 20 gói hạt xếp ngay ngắn trước thềm nhà, vợ anh là chị Cụt Thị Dương đang rửa mặt cho con bên bể chứa nước bằng xi-măng trông khá mới, bẽn lẽn nói rằng hạt đó để làm rẫy ngô. Mỗi gói 1kg, 20 gói kể ra là nhiều lắm! 

Rời nhà anh Tám, anh Hà Đình Tín cho hay gia đình anh Tám là ví dụ điển hình của mô hình kinh tế điểm ở xã Bắc Lý. Chương trình được lên kế hoạch từ quý 2 năm 2012 và triển khai từ đầu năm 2013 bởi Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, chương trình còn kêu gọi các doanh nghiệp và nhà hảo tâm tài trợ xây dựng trạm quân dân y kết hợp hiện đang thi công ở bản Huồi Bắc và 15 nhà “Mái ấm biên cương”, mỗi nhà trị giá 45 triệu đồng. Đến nay đã hoàn thành và bàn giao 8 nhà. Vừa nói đến đó thì một chiến sĩ biên phòng đi xe máy đến, trao đổi với anh Tín bằng tiếng dân tộc. Anh Tín chăm chú lắng nghe rồi quay sang nói chúng tôi cứ tiếp tục đi dạo trong bản, anh xin phép đi kiểm tra tình hình dựng nhà cho gia đình anh Cụt Phò Sơn, chị Cụt Me Sơn.

Những nếp nhà xinh nằm mơ màng dưới nắng, Bắc Lý hôm nay đã xanh mướt vườn cây, ao cá. Tên những bản làng của gần 4500 người Mông, người Thái, người Khơ mú cứ vương vấn mãi trên môi: Huồi Cáng 1, Huồi Cáng 2, Phà Coóng, Phìa Khăm 1, Phìa Khăm 2, Buộc, Huồi Bắc, Nhọt Kho, Ké Va Tú, Xám Thang, Cháng Nga, Kẻo Nam và Na Kho, bản cuối cùng đang được thi công đường đất. Một Bắc Lý đang trên đà vươn lên về an ninh, chính trị, văn hoá, y tế, giáo dục và kinh tế như một điểm sáng ở vùng rừng núi hiểm trở và xa xôi, hoà mình vào “bản đồ sao” của miền Tây Nghệ An. 



Bộ đội Biên phòng hướng dẫn người dân Bắc Lý trồng ngô lai.

Anh túc đi, hoa ly đến

Từ Bắc Lý ra, chúng tôi nghỉ đêm ở Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn vì nghe lỏm một ông già người Mông nói rằng ngày mai là phiên chợ biên mỗi tháng chỉ họp hai bận, vào ngày 14 và 29. 

Về đêm, tiết trời ở vùng cao vẫn có chút giá. Những bông hoa pà tâu trắng dịu dàng rũ xuống cảnh vật tĩnh mịch, thỉnh thoảng lay cánh giật mình trước tiếng núi rừng, chim muông. Món cá khe kho nghệ nấu vừa miệng rất đưa cơm, lại được nghe các đồng chí bộ đội biên phòng Đồn Nậm Cắn kể chuyện trong quá trình công tác trên địa bàn Nậm Cắn, Tà Cạ, thậm chí là huyện Noọng Hét của tỉnh bạn Xiêng Khoảng. 

Câu chuyện đang đến hồi gay cấn khi đại uý Nguyễn Ngọc Cẩm, chính trị viên phó hào hứng kể “chiến tích” truy bắt một nhóm tội phạm ma tuý hồi tháng 5 vừa qua, phối hợp với công an tỉnh Xiêng Khoảng và phòng chống tội phạm ma tuý tỉnh, thu hồi 15 bánh hê-rô-in, 2000 viên ma tuý tổng hợp. Tò mò hỏi: “Bây giờ ở Nậm Cắn người Mông có còn trồng cây thuốc phiện nữa không? Bản không chồng giờ sao rồi?” thì được trả lời: “Bây giờ thành bản nghe lời chồng rồi, còn hoa anh túc thì không kiếm được đâu, nhà báo ngắm tạm hoa ly vậy?”.

Thì ra đã 4 năm nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với gia đình đồng chí Chủ tịch xã Nậm Cắn Hờ Chống Nhìa trồng thử nghiệm 500 gốc hoa ly, với kinh phí do đồn và gia đình tự chịu trách nhiệm. Tại sao lại là hoa ly? “Anh em đọc sách báo, tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng, thấy loài cây này có đặc tính sinh trưởng phù hợp với khí hậu ở đây nên nảy ra ý định này. Cũng thích mù, cũng thích lạnh, nhưng cái giống hoa ly nó làm lợi còn hoa anh túc mình phải xoá bỏ tận gốc rễ”. 

Hạt giống hoa ly được Ban Chỉ huy Tổng đội Thanh niên xung phong đặt mua ở Đà Lạt, trước do đồn và gia đình tự chi trả, đến vụ thứ 3 thì phòng Nông nghiệp huyện nhận định mô hình có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế nên hỗ trợ hạt giống, âu cũng là một khuyến khích lớn đối với sự nhẫn nại mày mò, lao tâm khổ tứ của anh em. Anh Cẩm kể rằng, những vụ đầu chưa có kinh nghiệm nên cây không ra hoa kịp thời vụ Tết, nhưng nay đã cơ bản nắm được kỹ thuật hãm, thúc. Mô hình thí nghiệm bước đầu thành công, mỗi hạt giống giá 15 nghìn đồng khi nở hoa bán tại chỗ với giá 50 nghìn đồng một cành, chủ yếu cung cấp cho các cơ quan, ban ngành, dân ở Mường Xén. Tất nhiên, mô hình nhỏ nên chưa thể đi vào hoạt động thương mại lớn. 

Hỏi đến bao giờ mô hình mới được nhân rộng cho nhân dân Nậm Cắn thực hiện, anh Cẩm lắc đầu bảo như thế e là lạc quan quá. Hơn 7 triệu đồng tiền vốn mua hạt giống, chưa kể chi phí đầu tư làm vườn, phủ ni-lông, làm khung, mua phân bón, là một số tiền không nhỏ với người dân ở vùng núi kinh tế còn khó khăn này. Trồng hoa ly cũng có rủi ro, nếu thời tiết thất thường hay sơ sảy trong quá trình canh tác. Đây là lí do vì sao mặc dù hiệu quả vụ cao nhất đạt trên 90%, thấp nhất trên 75% nhưng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn vẫn thận trọng cân nhắc việc nhân rộng mô hình trồng hoa ly, mà chỉ triển khai thêm hai địa điểm vào mùa vụ tới, một tại đồn và một tại nhà của đồng chí bí thư xã. 

Chuyện vãn khi ai nấy đều cảm thấy người mềm nhũn sau khi mang đôi hài vạn dặm băng đường núi. Chúng tôi ngủ ngon lành dưới tán hoa pà tâu rũ mềm mơn trớn những giấc mơ. Trong giấc mộng dập dồn và lộng gió đại ngàn, những bông hoa pà tâu thoáng trông như những đoá hoa ly kiêu kỳ, trắng tinh khôi ngay trên “cái rốn” của “cái chết trắng” một thời. Sáng mai tỉnh dậy, rời Đồn Nậm Cắn và không quên hẹn anh em của đồn trở lại vào tháng 10 âm lịch để được tận mắt thấy vườn hoa ly Đà Lạt trên đỉnh núi phủ mù của miền Tây Nghệ An. 

Đi chợ vùng biên

Đường đi lên cửa khẩu sáng nay đông vui quá. Một người phụ nữ lưng địu chiếc bế, mặc chiếc váy thêu và đội khăn xanh sặc sỡ, theo sau là 3 đứa con nhỏ ríu rít đi, cả bầu đoàn trông như nai mẹ, nai con thật ngộ nghĩnh. Lâu lâu một chiếc xe Win “sừng trâu” lướt qua, phì phò tung làn hơi thở mù bụi, chở khẳm những bao tải nông sản. Một đoàn khách Lào đứng lố nhố nhìn chúng tôi khi xuất trình giấy tờ ở biên cửa khẩu. Đoàn nhà báo vật lộn với rừng núi hơn chục ngày có lẽ trông khá vui mắt đối với người dân nơi đây.

Người đồng hành hôm nay là ông già người Mông ở Mường Xén hôm trước, tình cờ gặp lại ở cửa khẩu, âu cũng là cái duyên. Vừa túc tắc đi, ông vừa kể rằng ngày trước người Mông làm gì có xe máy. Mỗi nhà nuôi hai, ba con ngựa, cho theo người đi chợ, đi rẫy. Lên dốc ngựa đi trước người túm đuôi theo sau, nhạc ngựa đủng đỉnh gõ vào từng tầng đất đá của núi rừng. Chỉ về phía khu chợ ồn ã phía trước, ông nói: “Xưa chợ họp trên đất của ta, giờ chuyển sang Lào, ta đi chợ uống rượu Lào ngon với thằng em Lào Xủng của ta ở bên đó, nhà hắn với nhà ta ở cùng một quả núi, tắm cùng một ngọn khe, săn cùng một con thú. Ta với hắn ở hai nước nhưng cùng một mẹ cả thôi!”. 

Líu ríu đi theo sau ông già, thấy cái gì cũng lạ, cái gì cũng muốn thử. Những quả dưa Mông béo núc, mọng nước bổ ra ăn trong trời mùa hè này thì tuyệt phải biết! Kia là loại đào Lào nhỏ quả, nứt nẻ xấu xí nhưng thật ra ăn lại rất ngon, mà rẻ vô cùng. Một bà già người Lào (hay người Mông?) cứ tha thiết mời mua dao Mẽo nhưng bị choáng ngợp trước cảnh chợ đông đúc, tấp nập và mới mẻ nên chúng tôi bị rối giữa vô vàn mặt hàng bánh trái, rau củ, thổ cẩm hấp dẫn, nhất là lại được bán bởi những cô em miền sơn cước trông duyên và đáng yêu như muốn bỏ bùa người ta. Đang lúc bối rối thì ông già người Mông kéo tuột ra phía ngoài chợ, sang khu ăn uống để “hàn huyên” cùng người anh em Lào Xủng. 

Quá trưa, những chiếc xe tuk-tuk mang biển Lào xập xình một thứ nhạc rất vui nhộn bắt đầu khẳm người, ai nấy mặt mày hồ hởi sau một phiên mua bán, người con dao, kẻ bộ quần áo, mớ cá biển hay thậm chí chỉ là mấy đồng niềm vui được quây quần bên chén rượu và đĩa thịt nướng thơm phức. Một con gà rụt rè gáy như sợ đánh thức đứa trẻ nghoẹo đầu ngủ trên lưng người mẹ đang cặm cụi đếm cọc tiền lẫn cả tiền Việt và tiền Lào. Ông già người Mông mặt mũi đỏ au, cười hể hả, mời về chơi nhà (tất nhiên là không thể thiếu màn từ biệt bịn rịn hết mất nửa chai rượu với người em Lào Xủng). 

Người Mông nổi tiếng chăm chỉ, cần cù nên không ai ngạc nhiên khi bước vào căn nhà vững chãi, dòng chữ “Khởi công năm 2003” còn tươi màu sơn trên cây xà ngang trần nhà. Trong nhà có bàn ghế tinh tươm, một chiếc tivi bắt đầu K+ nhưng cũng không thiếu đi những nét cổ của nền văn hoá mà người Mông vẫn tự hào giữ gìn như bàn thờ xứ ca với những vệt máu gà trống đỏ thẫm. Dưới bếp, một cô con gái thêm củi vào nồi nước líu ríu sôi. Những cành lá đã quắt khô, những đụn bồ hóng đen bám trên dàn đựng treo ngay trên bếp lửa tạo một vẻ gì đó ma mị cho cô con gái Mông có khuôn mặt bầu bĩnh tựa trẻ thơ, khiến người ta ngẩn ngơ trong giây lát. 

Ngay lúc đó, chiếc loa phóng thanh treo trên cây cột tre ngoài vườn bỗng phát ra tiếng người nói tiếng Mông, khiến con gà trống đậu dưới mái nhà giật mình nghển cổ nhìn ra, nhảy loạn xạ. Ông già chăm chú lắng nghe, gật gù nói vài câu với cô con gái đang mặc kệ ngọn lửa hờn dỗi liếm vào những thanh củi rất đượm để chạy ra ngoài nghe cho rõ. “Bản tin vùng biên đấy nhà báo ạ, nhờ có cái bản tin của cán bộ đọc bằng tiếng Mông mà ta mới biết làm đúng để không nghe theo bọn xấu rủ rê, đi làm chuyện xấu phá hoại Nhà nước!”… 

Ông già khoái trá rít một hơi thuốc lào, phả khói trắng xoá khen khét. Qua làn khói mờ ảo, chúng tôi nhìn ra sân, nơi một con trâu đang nằm uể oải túm những bụi cỏ xanh um lì lợm. Mấy đứa trẻ chạy đuổi theo con chó đang sủa ầm ĩ một cách nhố nhăng, khiến mấy con lợn nít đen lấm lem đất giật mình ngã oạch vào bãi bùn, ré lên tức tưởi. Cô con gái tỉ mẩn bóc từng lớp lá chuối gói chiếc bánh dúa phỏ làm từ ngô nếp non mua ở chợ biên, vừa ăn vừa ngân nga một điệu hát Mông không rõ lời ca, nhưng vẫn thấy lòng rộn lên một điều gì tươi vui, sống động mà tha thiết lạ.

 

Nhóm PV

Theo Baonghean.vn


  Các Tin khác
  + Bế mạc Lễ hội Du lịch và Ẩm thực Sen Nghệ An năm 2024 (02/12/2024)
  + Vượt lũy tre làng, nữ giám đốc HTX ở Hà Tĩnh đưa nước mắm biển Thiên Cầm xuất ngoại (12/11/2024)
  + Một cây cổ thụ là cây trôi đã sống 800 tuổi ở Hà Tĩnh được công nhận cây Di sản Việt Nam (26/09/2024)
  + Đến Hà Tĩnh, ngắm bình minh trên biển Hoành Sơn (17/09/2024)
  + Bản sắc SLNA - sự khác biệt tuyệt vời ở V.League 2024/2025 (31/08/2024)
  + Làng Đỏ - nơi”căm thù như biển lửa, đã đứng lên”… (31/08/2024)
  + Đại gia Trần Quang Luận và hệ sinh thái Thanh Thành Đạt nổi danh xứ Nghệ (15/08/2024)
  + Khát vọng Thanh Chương (11/08/2024)
  + Hà Tĩnh gặp mặt chúc mừng học sinh đoạt HCB Olympic Toán học quốc tế (02/08/2024)
  + Cầu Nhe - nơi ghi dấu tinh thần quả cảm của 53 liệt sỹ (23/07/2024)
  + Vô xứ Nghệ thăm quê Bác (13/07/2024)
  + Về lại Nậm Nơn (02/07/2024)
  + 48 giờ ở Nghệ An (17/06/2024)
  + Bến Thủy - cây cầu thế kỷ của xứ Nghệ (09/06/2024)
  + Đôi vợ chồng "thổi hồn" vào dân ca ví, giặm (06/06/2024)
  + 9 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến miền Tây xứ Nghệ (26/05/2024)
  + Trần Đình Sơn - "cánh chim đầu đàn” của điền kinh Hà Tĩnh (25/05/2024)
  + Nghệ An: Cả làng kiếm bộn tiền từ con đặc sản "cưỡi máy bay xuất ngoại” (20/05/2024)
  + Chiêm ngưỡng hàng cây xà cừ cổ thụ trên quê hương Bác (20/05/2024)
  + Đổi thay trên quê hương Bác (20/05/2024)
Playlist

GIỚI THIỆU
QUẢNG CÁO
Thống kê
Guests online: 3
Total: 66024971

 
 
 
Người xứ nghệ Kiev
Designed by July