Ròng rã trong suốt gần 30 năm trời, cô gái khuyết tật với bước chân tập tễnh vẫn miệt mài đạp xe bất chấp thời tiết mưa gió hay cái lạnh thấu xương để chuyển những trang báo, phong thư, công văn, giấy tờ… đến tận tay bà con trong mọi ngõ hẻm của xã.
Vượt qua đường đá lởm chởm, nữ bưu tá miệt mài tập tễnh đạp xe đưa thư.
Đó chính là hình ảnh cửa nữ bưu tá Hà Thị Thân (thôn 4, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) luôn nỗ lực và không quản ngại để hoàn thành công việc thầm lặng của một “cô giao liên.”
Không ai có thể bước hộ mình
Dáng người mảnh dẻ, cộng với tính cách hoạt bát hài hước, khiến cho nhiều người trong xã cứ hễ nhắc đến o Thân là nghĩ ngay đến hình ảnh người giao liên nhỏ nhắn, với “cái xắc xinh xinh”, vẫn ngày ngày đạp xe rong ruổi khắp mọi ngõ ngách thôn xóm mang “tin” cho bà con.
Trò chuyện thân mật, chị Thân thổ lộ, thuở bé chị thấy thiệt thòi vì trông chúng bạn chạy nhảy nô đùa tung tăng với đủ các trò chơi thích thú trong khi mình chỉ biết đứng nhìn và cổ vũ. Số phận không may mắn khi chị sinh ra với đôi chân không lành lặn bình thường, các ngón chân của chị teo nhỏ quắp lại khiến bước đi thêm phần khó khăn.
Đi bộ với chị đã là một điều không dễ dàng, việc chị có thể đi được xe đạp càng là điều ngoài sức tưởng tưởng của nhiều người. Thế nhưng quyết không đầu hàng số phận, cho đến năm lớp 12 chị cũng đã tự mình tập xe để đi.
Càng lớn, chị càng quyết tâm tự hứa với bản thân mình là phải nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và hình ảnh người cha già chính là một tấm gương sáng để chị noi theo.
Nhiều lần ngã đau “nhớ đời” đến bật òa khóc nhưng nhìn ánh mắt hy vọng của cha, chị không nỡ làm cha thất vọng, lại đỡ xe tiếp tục tập. Cuối cùng ông trời cũng không phụ lòng người, tốt nghiệp trung học phổ thông chị đã có thể rong ruổi đạp xe cùng chúng bạn và quan trọng nhất là chiếc xe đạp đã trở thành người bạn đồng hành cho những chuyến đưa thư của chị đến tận bây giờ.
Chị Thân xúc động kể: “Cha mình là thương binh 2/4, sau khi xuất ngũ ông về làm bưu tá tại xã. Khi ông về già, phần vì tuổi cao sức yếu, cộng với cơn đau của những vết thương chiến tranh để lại mỗi khi trái gió trở trời, thì mình chính là người nối nghiệp khi ông về hưu.”
Thuở sinh thời ông đã dìu dắt chị tự đứng lên bằng đôi chân của mình đến khi chị chập chững bước vào nghề. Sự ra đi đột ngột ở tuổi 86 của người cha già chính là sự mất mát lớn đối với chị, cũng từ đó chị dặn lòng sẽ cố gắng quyết tâm bám nghề để không phụ công lao của cha.
Không chỉ vậy, nhìn người mẹ già yếu ngã bệnh nằm liệtgiường đã hơn chục năm nay, chị càng thêm cay đắng cho số phận của mình, quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng việc tiếp nối nghề “đưa thư” của cha, với hy vọng mang nhiều niềm vui hơn nữa cho mọi người và trở thành một người có ích cho quê hương.
Trở về gia đình, nữ bưu tá tảo tần chăm sóc người mẹ nằm liệt giường (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)
Dường như đã thông thuộc với công việc từ những ngày cha còn làm bưu tá xã, chị cũng đã được cha giao cho đi chuyển thư, lúc đầu là những hộ gần nhà mình, sau đó là nhiềunơi xa hơn ở những thôn khác. Có nhiều hôm mỏi mệt, chị muốn đầu hàng khi đôi chân không chịu nghe lời để bước đi, nhưng vì thương người cha già, chị quyết tâm hoàn thành bằng được.
“Mãi về sau mình mới biết, đó chính là cách rèn người mà bố đã dạy cho mình. ‘Không ai có thể bước hộ ta nếu ta không tự nhấc chân lên để đi,’ lời dạy này có lẽ không bao giờ mình có thể quên,” chị Thân sụt sùi nhắc lại.
Yêu nghề đơn giản là cần một tấm lòng
Chính thức được trở thành nữ bưu tá của xã từ năm 1992, song công việc thì chị đã thông thạo vì phụ làm cùng cha từ thuở bé. Cho đến giờ cũng ngót gần 30 năm trải nghề, những buồn vui trong công việc cũng đã tiếp thêm nghị lực để chị cố gắng.
Chia sẻ về những buổi đầu được xã phân cho nhiệm vụ chuyển công văn, giấy tờ, chị hồi hộp nói: “Trước đây đi giao thư hộ cha thì chỉ nhận những lá thư đơn giản hay tờ báo, thế nhưng giờ nhận chuyển cả những công văn phải đảm bảo thời gian, bảo mật… mình lo lắng lắm, tuy nhiên gắn vào đó là trách nhiệm của một nữ cán bộ khiến mình cũng tự tin lên.”
Những tháng đầu công việc của người “đưa thư” chỉ chật vật với khoản phụ cấp ít ỏi mấy chục nghìn mỗi tháng khiến chị có chút nản lòng, nhưng với ý nghĩ đó chính là tiền mồ hôi nước mắt chính mình làm ra, chị đã biến điều đó thành động lực và niềm vui trong công việc.
Hay có cả những kỷ niệm như “ăn sâu” vào ký ức, khi có lần giao thư cho một cụ ở trong xã, hỏi thăm mãi chị mới tìm được đúng nhà. Thật bất ngờ đó là nhà một bà cụ, thoạt trông cụ cũng đã ngoài 80 tuổi, làn da của cụ đã nhăn nheo, nổi lên những hàng gân gồ gề, khuôn mặt không còn rõ đường nét, thế nhưng vừa nghe tiếng có người đến, cụ đã đon đả chào đón.
Chị Thân tâm sự: “Trông cụ thế thôi nhưng hễ ai vào nhà là cụ biết hết, khi chị hỏi thăm đầu ngõ cụ đã sớm nghe tiếng và tỏ ra hân hoan vì biết có thư của con trai gửi về. Cảm động khi cụ nhờ mình đọc nội dung bức thư cho cụ nghe, càng đọc nước mắt cụ cứ rưng rưng. Đến khi đọc xong cụ cứ cảm ơn rối rít. Kể từ đó, hàng tháng mình nhận được lá thư nào của cụ là tức tốc mang thư đến để ngồi cạnh đọc cho cụ nghe.”
Ngẫm lại cuộc đời mình, chị Thân cũng thầm cười và hy vọng, có những điều trong cuộc sống tưởng chừng như ta chẳng thực hiện được, nhưng bằng những nỗ lực của chính mình, chị nhận ra rằng cái vốn có không phải là khả năng sinh ra đã có sẵn của mình mà đó chính là sự tôi luyện, cố gắng.
Mỉm cười hãnh diện khi thấy tấm bằng khen đạt giải nhì huyện môn Toán của cậu con trai học lớp 3 đang lớn lên khỏe mạnh với bàn tay chăm sóc của mình, chị biết đó là phần thưởng lớn nhất cho suốt những năm tháng cố gắng không ngơi nghỉ.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, mặc dù đã có nhiều phương tiện thông tin liên lạc thay thế, nhà nhà đã có điện thoại, tivi, máy tính… nhưng nơi vùng đất Lĩnh Sơn-Anh Sơn, vẫn có một “cô giao liên” nhỏ nhắn quen thuộc, ngày ngày bên chiếc xe đạp cũ, tập tễnh mang thông tin, niềm vui đến cùng bà con.
Để mỗi lần nhắc đến o Thân, nhiều người nơi đây lại được dịp ngâm nga câu hát: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”