(Baonghean) - Mới đây tôi từng có dịp lên bản Na Ngá của xã Mường Nọc, huyện Quế Phong. Nằm gần Thị trấn Kim Sơn nên khung cảnh của bản người Thái này đã phảng phất cái nét miền xuôi. lớp trẻ bây giờ nhanh nhiễm những cái học đòi phố thị... Thế nhưng, cái nếp thuần hậu người Thái còn đậm đà lắm ở Na Ngá; mà mới chỉ hơn mươi năm trước thôi đâu được thế! Đó là nhờ Na Ngá đã may mắn có được một người phụ nữ giỏi giang - nữ trưởng bản Lương Thị Hải.
V ào năm 1986, khi 27 tuổi, chị Hải được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ, bắt đầu hành trình làm “người của bản”. Cũng phân vân lắm, nhưng vốn được học hết phổ thông, thêm cái gật đầu động viên của chồng, chị nhiệt tình tay bắt tay vào việc với khao khát đem cái hiểu biết của mình góp phần giúp bà con bản quê bớt đói nghèo. Thế rồi bộn bề việc nhà, việc hội. Đầu tiên là vận động hội viên thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Phải đến năm 1991, Na Ngá mới cơ bản thực hiện đăng ký đẻ ít con ở các cặp vợ chồng trẻ. Xuôi cái lo sinh đẻ có kế hoạch rồi, chị Hải nung nấu việc thực hiện các phong trào Hội phụ nữ phát động, ưu tiên cho phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Lúc này, chị đã nhận ra, làm cán bộ, phải miệng nói tay làm và làm bằng được, thì vận động chị em việc gì cũng xuôi. Thế nên, chị gắng cùng chồng thu vén phát triển kinh tế gia đình, chăm lo con cái học hành đến nơi đến chốn, đưa gia đình mình vượt lên thành một hộ khá ở Na Ngá. Lo nhiều việc nhà nhưng vẫn không một chút buông xuôi việc đoàn thể! Chị đã bao đêm, bao ngày lăn lộn vận động, tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, lập tổ hội phụ nữ góp vốn giúp nhau làm ăn, tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách... sôi nổi nhiều cách, nhiều hướng, cánh đàn ông Na Ngá dần bị thuyết phục bởi sự vào cuộc hưởng ứng tích cực của cánh “quân của bà Hải”, nên nhà nhà đoàn kết thi đua làm ăn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng lúa, chăn nuôi... kinh tế cả bản đi lên thấy rõ. Kinh tế lên rồi, làng bản sáng cái diện mạo, phụ nữ bản lại tiếp tục “chủ công” trong xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Năm 2003, Na Ngá đạt cái danh hiệu đơn vị văn hóa cấp huyện, cũng là lúc chị Hải được tín nhiệm bầu giữ chức phó bản.
Ruộng bậc thang ở Quế Phong. Ảnh: Nhật Lân
Chính thức chung tay “vác tù và...” ở Na Ngá, bên cạnh cái lo tỷ lệ đói nghèo của bản còn cao, chị Hải còn thêm canh cánh về tệ nạn ma túy đang hoành hành, hủy hoại lớp trẻ trong bản. Khi đó, bản nhỏ này có 6 người nghiện ma túy, 1 tụ điểm mua bán sử dụng ma túy và 2 đối tượng trộm cắp. Chị Hải đã phải lăn lộn, đi đến tận nhà có người nghiện, người nghi nghiện tuyên truyền, phân tích để người dân tránh xa ma túy. Có lần, đêm mùa Đông vùng cao lạnh cắt da cắt thịt, chị Hải cuốc bộ cả một quãng đường dài để chia sẻ, vận động người nghiện, vậy mà bị người đó đuổi ra khỏi nhà.
Chị Hải không nhớ nổi bao lần mình bị người nghiện đuổi ra khỏi nhà như thế. Nhưng hôm nay bị đuổi, ngày mai chị lại đến, có hôm đến nhà không gặp, chị ngồi đợi hàng giờ để tâm tình, thuyết phục... Cứ thế, bằng sự kiên trì, tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của một trưởng bản, phó bí thư chi bộ, chị đã cảm hoá, thuyết phục được người nghiện tự giác đi cai nghiện. Cùng với đó, chị yêu cầu Ban cán sự và các đoàn thể trong bản tổ chức tuyên truyền vận động thông qua các cuộc họp xóm, các cuộc sinh hoạt; chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tụ điểm buôn bán sử dụng ma túy, hành vi trộm cắp. Đến nay, Na Ngá không còn người nghiện, tụ điểm ma túy được xóa; an ninh, trật tự an toàn xã hội trong bản được giữ vững.
Bên cạnh thành quả không ngờ ấy, qua 3 năm gánh vai trưởng bản, chị Lương Thị Hải đã kêu gọi sự quan tâm của trên để Na Ngá được đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa bản trị giá 450 triệu đồng. Hiện là 1 trong 3 nhà văn hóa bản của toàn xã Mường Nọc; xây dựng sân bóng chuyền khang trang từ kêu gọi đóng góp của con em trong bản đi làm có lương. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Na Ngá còn bê tông hóa được 750m đường giao thông nội bản, còn lại 650m nữa quyết tâm sẽ đầu tư xây dựng và hoàn thiện vào cuối năm 2013.
Cũng từ năm 2010, nữ trưởng bản Lương Thị Hải đã mạnh dạn nhận xây dựng mô hình bón phân dúi sâu cho lúa và làm mạ xúc, cấy theo dây đầu tiên của huyện Quế Phong. Năng suất lúa của Na Ngá từ đó tăng gần gấp đôi, bà con hăng hái hưởng ứng các cách làm ăn mới. Chị cũng đã vận động đàn ông trong bản thành lập được 6 tổ thợ xây đi làm nghề lúc nông nhàn, chị em tiếp tục phát huy hiệu quả các tổ cho nhau vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, đưa đời sống được cải thiện một bước. Năm 2010, Na Ngá còn 51 hộ nghèo, thì hiện chỉ còn 34/128 hộ toàn bản chủ yếu là ở các hộ có hoàn cảnh neo đơn, thiếu nhân lực lao động; bản chỉ còn 3 ngôi nhà tạm bợ đang trong kế hoạch hỗ trợ nâng cấp.
Tâm tình chuyện riêng, chị Hải cho biết, nhà nhận 8 sào ruộng lúa, làm năm 2 vụ, thu 7 tấn lúa, mỗi năm đều đều xuất chuồng 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa 4 - 5 con. Anh sức khỏe yếu đành về làm “hậu phương” cho chị, khi rỗi việc nông thì thêm nghề mây tre đan... Con trai đầu nay xong nghĩa vụ quân sự, về phụ giúp bố và có chân trong tổ an ninh bản; con gái thứ hai là đảng viên, cán bộ văn phòng xã Hạnh Dịch, con gái út học xong đại học lấy chồng sinh sống ở Sơn La; con dâu là đảng viên cùng chi bộ... “Cả nhà 3 đảng viên, không thể không nỗ lực để gương mẫu”. Chị Hải nói vui thế, nhưng tôi cảm nhận được niềm tự hào, biết ơn đối với gia đình đầm ấm của chị.
... Sau cái bắt tay tạm biệt, trong tôi vẫn đọng lại hình ảnh người nữ trưởng bản mang theo niềm vui, niềm vinh dự từ Hội nghị điển hình người uy tín 5 tỉnh Tây bắc lần này về, bắt tay lăn lộn với phong trào, quyết tâm để Na Ngá thực hiện tốt chủ trương dồn điền, đổi thửa, xây dựng mô hình cánh đồng mẫu thành công như trăn trở mà chị đã chia sẻ...
Bài, ảnh: Đình Sâm
Theo Baonghean.vn
|