Chưa từng học qua lớp nghiệp vụ sư phạm, chưa một lần đứng trên bục giảng trường học, nhưng với tâm nguyện không thể để trẻ xã mình trượt cấp 3 nhiều quá, anh Học đã mở lớp phụ đạo miễn phí.
Thầy giáo không chuyên dạy học miễn phí tại gia đình. Ảnh: Hải Bình.
19h tối, ngôi nhà cấp 4 ở xã Tân Long (Tân Kỳ, Nghệ An) vang lên tiếng giảng bài của anh Nguyễn Viết Học. Đã 5 năm nay, tối nào cũng vậy, khi anh Học giảng bài thì ở dưới học sinh lại chăm chú lắng nghe, sau đó bàn luận sôi nổi. Người lạ mới đến ngỡ đây là lớp học thêm của một giáo viên, nhưng không phải. Thầy ở đây chính là cán bộ xã tranh thủ dạy thêm miễn phí cho con cháu trong làng.
Nghe tiếng người lạ ghé vào lớp học, Tuấn, một học sinh xin phép thầy chạy ra mở cửa rồi nhanh nhảu hỏi: “Chú tìm ai? Bác Học đang dạy chúng cháu ở trong nhà. Chú vào đây ngồi nghe bác ấy giảng bài luôn, hay lắm!”. Ấn tượng khi chứng kiến lớp học rộng chưa đầy 30 m2 là thầy giáo dáng người cao, nước da rám nắng, giọng nói lưu loát. Phía dưới hơn chục chiếc bàn học được xếp ngay ngắn, với ánh điện sáng trưng rõ nét mặt từng em.
Anh Học cho biết, tối nay có 40 cháu là học sinh lớp 6 và 7 đang học môn Toán. Để đảm bảo việc học tập của các cháu hiệu quả, anh chia luân phiên mỗi tối một lớp. Cụ thể lớp 8 và 9 cùng nhau học một tối; lớp 6 và 7, rồi các cháu cấp 1 học cùng nhau. “Việc làm của tôi không to tát chi mô. Đâu đó ngoài đời vẫn còn nhiều người cống hiến những việc làm ý nghĩa hơn tui mà”, anh Học khiêm tốn khi bắt đầu cuộc trò chuyện.
Sinh ra ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) trong gia đình có 3 anh chị em, năm lên 3 thì anh Học mồ côi bố. 4 tuổi, Nguyễn Viết Học cùng mẹ rời quê hương ra Tân Kỳ (Nghệ An) để tránh bom đạn. Hết cấp 3, Học thi đỗ vào ĐH Thông tin liên lạc, theo được một năm thì lên đường nhập ngũ. Trở về quê, anh làm việc ở Văn phòng UBND xã Tân Long, rồi chuyển sang làm cán bộ địa chính.
Nói về cơ duyên đến với việc dạy học, người đàn ông 50 tuổi cho biết, năm 2008 một lần ngồi chơi, anh thử kiểm tra kiến thức các cháu trong làng xem lực học tới đâu thì thấy thất vọng. Hàng năm tỷ lệ học sinh trong xã thi đỗ tốt nghiệp cấp 3 đều thấp, nhiều cháu không tới trường sa vào tệ nạn xã hội. "Thấy kiến thức của mình còn hơn các cháu nên tôi nghĩ phải tranh thủ phụ đạo thêm", anh Học nói về ý tưởng mở lớp.
Nghĩ là làm, anh Học tới từng gia đình có con em đang học cấp 2 trong làng để trình bày ý tưởng, rồi tới trường học đề xuất nguyện vọng với giáo viên của các em có lực học yếu. Ban đầu, nhiều phụ huynh bất ngờ nghĩ anh Học nói đùa vì một người chưa từng đứng trên bục giảng thì làm sao có thể dạy học. Lớp học đầu tiên chỉ có 6 em lớp 9 trong làng. Bàn ghế chưa có nên các cháu dùng chung chiếc bàn cũ kỹ của gia đình.
Sau khi 6 em học yếu thi đỗ vào cấp 3, tiếng tăm của anh Học bắt đầu vang xa. Bà con trong làng xã tìm đến gửi con học, số lượng tăng nhanh, từ học sinh lớp 4-5 cho đến các em cấp 2. Thiếu chỗ học, anh chạy qua thợ mộc đặt mua 10 bộ bàn ghế rồi dọn dẹp gian nhà ngang của gia đình để lấy chỗ làm lớp. "Ngoài kiến thức có sẵn từ thời đi học, tôi nghiên cứu sách giáo khoa tất cả các môn Văn - Toán - Lý - Hóa... để có kiến thức chuẩn nhất truyền đạt tới các cháu", anh Học kể.
Anh Học dạy từ cấp 1 tới cấp 2. Ảnh: Hải Bình. |
Nhằm khuyến khích tinh thần học tập của lớp, anh Học trích tiền túi thưởng cho những cháu có lực học tốt, hay có hoàn cảnh khó khăn. 5 năm qua, hơn 10 lớp học với hơn 400 con em không chỉ ở Tân Long mà các xã lân cận đã tìm tới theo học. Tỷ lệ học sinh trong xã thi đỗ cấp 3 đã tăng cao hơn trước, trong đó có cả những em được anh Học phụ đạo thi đỗ vào trường cấp 3 chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Nhiều học sinh cá biệt, lực học yếu đã vươn lên.
Cảm phục trước việc làm của anh Học, nhiều phụ huynh mang tiền tới gọi là "hỗ trợ", nhưng anh Học đều từ chối, trừ ngày lễ tết có bà con biếu cân hoa quả, gói bánh. "Tôi chỉ có một trăn trở là lớp học ngày càng đông, mà cơ sở vật chất và phòng học quá chật, thời gian không đủ để phục vụ các cháu", anh Học chia sẻ.
Ông Lưu Quang Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long cho biết, việc anh Học mở lớp dạy miễn phí cho các cháu trong xã rất được Đảng ủy, HĐND và bà con trong xã nhiệt tình ủng hộ. Mặc dù dành nhiều công sức cho việc dạy thêm, nhưng tất cả công việc được giao ở ủy ban xã anh Học vẫn hoàn thành tốt. "Hiện Đảng ủy và ủy ban xã đã giao cho anh giữ chức Phó giám đốc trung tâm văn hóa cộng đồng xã và Chủ tịch hội khuyến học của xã", ông Dũng cho biết thêm.