Dù không đông đảo như ở một số nước khác, nhưng người Việt tại Liên bang Nga là một cộng đồng tương đối mạnh, có tổ chức và điều đặc biệt, họ luôn coi mình là một phần máu thịt không thể tách rời của quê cha đất tổ. Họ nuôi giữ trong mình dòng máu Lạc Hồng, luôn đau đáu một tình yêu quê hương đất nước và thể hiện tình yêu ấy bằng những việc làm thiết thực...
Được hình thành từ những năm 1950, 1960 của thế kỷ trước với thế hệ người Việt Nam đầu tiên gồm những sinh viên, kỹ sư được Đảng và Nhà nước gửi sang Liên xô cũ học tập, sau nhiều biến động, hiện nay người Việt tại Liên bang Nga tập trung nhiều nhất ở 2 thành phố Liu-bli-nô và Xa-đô-vốt. Theo con số điều tra của các cơ quan chức năng, hiện nay người Việt tại liên bang Nga có khoảng gần 100.000 người.
Ngay từ năm 1993, những tổ chức đầu tiên của cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga đã ra đời. Đầu tiên là Hiệp hội KHKT, sau đó là Hội doanh nghiệp người Việt tại Liên bang Nga, Hội VHNT Việt Nam tại LB Nga, Hội người Việt tại Liên bang Nga, Hội người Việt định cư. Những hội và hiệp hội đó đều nằm dưới mái nhà chung của Đại sứ quán Việt Nam và có những đóng góp lớn cho cộng đồng người Việt sinh sống trên đất nước Nga.
|
Đoàn đại biểu Hà Tĩnh chụp ảnh lưu niệm với bà con Hà Tĩnh tại LB Nga |
Năm 2002, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh ra đời, tập hợp những người con sinh ra trên miền quê Nghệ Tĩnh, những gia đình con cái vợ chồng từng gắn bó với miền đất Nghệ Tĩnh, đoàn kết, tập hợp, giúp đỡ lẫn nhau và cùng hướng về quê hương. Hội đã trực tiếp hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn tại Nga và liên kết, tìm đối tác để làm cầu nối giúp đỡ cho quê hương, tiếp đón, tạo điều kiện giúp đỡ các đoàn công tác của tỉnh sang thăm và làm việc tại Nga. Một trong những công việc mà Hội đồng hương Nghệ Tĩnh đã làm được là tổ chức quyên góp giúp đỡ quê hương trong trận lũ lịch sử 2010 với số tiền 2 tỷ đồng
Do tình hình ở Nga có những thay đổi, năm 2011, Hội đồng hương Nghệ Tĩnh chia thành 2 chi nhánh: Hội đồng hương Hà Tĩnh và Hội đồng hương Nghệ An hoạt động độc lập nhưng vẫn gắn bó với nhau. Vào các dịp lễ tết, các Hội đồng hương tổ chức đón tết cổ truyền cho bà con, thường xuyên chia ngọt sẻ bùi, thông tin cho nhau về tình hình ở quê hương.
Có thể nói, Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Liên bang Nga là một hội đồng hương mạnh với nhiều gương mặt nổi bật. Đó là ông Trần Văn Hiển - chủ khách sạn Rô-bac tại Liên bang Nga, khách sạn Bảo Khánh (Hà Nội) và một số khách sạn tại các tỉnh phía Nam. Ông Hoàng Văn Vinh - Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Svet-lop, người con của đất Nghi Xuân, hiện là Tổng gíam đốc Công ty Rồng vàng; ông Hồ Sĩ Huy - Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại Mat-xcơ-va, người con của đất Hương Khê là giám đốc một doanh nghiệp may mặc; ông Phạm Văn Công, Tổng giám đốc Công ty DINAMEX… Những doanh nghiệp này đã có những đóng góp đáng kể cho nước sở tại, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người và tích cực đóng góp cho quê hương.
|
Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Svet-lop Hoàng Văn Vinh và Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình ký kết văn bản tài trợ |
Nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Đồng Lộc, hai năm nay, cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga, đặc biệt là những người con quê hương Hà Tĩnh đã gửi gắm tình cảm của mình bằng việc đóng góp xây dựng công trình đài phun nước nghệ thuật Đồng Lộc hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, gia đình anh Phạm Văn Công đã đóng góp 4,1 tỷ; anh Hoàng Văn Vinh đóng góp 400 triệu; cộng đồng người Hà Tĩnh ở Mat-xcơ-va: 1,2 tỷ. Vào dịp lễ kỷ niệm 45 năm chiến thắng Đồng Lộc sắp diễn ra, cùng với bà Lê Thị Thanh Loan - phu nhân Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga - Phạm Xuân Sơn, những người con xa quê tụ hội về, dự lễ khánh thành đài phun nước và các hoạt động kỷ niệm tại quê hương.
|
Ông Trần Văn Hiển (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị tỉnh Hà Tĩnh thăm Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề cho nạn nhân CĐDC/dioxin |
Ngoài ra, trong những chuyến đi về thăm quê, nhận thấy số lượng người tàn tật ở quê còn rất nhiều và được lương y Võ Hoàng Yên hết lòng chăm sóc, vợ chồng anh Hoàng Văn Vinh đã ủng hộ Trung tâm chữa bệnh cho người tàn tật ở Cẩm Xuyên 100 triệu đồng. Nhân chuyến lãnh đạo tỉnh sang thăm và làm việc tại LB Nga, anh đã đăng ký tài trợ cho việc dịch truyện Kiều ra tiếng Nga với số tiền 5.000 USD.
Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Vinh bộc bạch: “Mình là người con của quê hương Nghi Xuân, ơn sâu nghĩa nặng với hạt lúa củ khoai mộc mạc của người dân quê, với lời ru thấm đẫm nhân tình của mẹ, công lao trời bể của cha, trong mình luôn ăm ắp nỗi nhớ quê hương và tình thương quê sâu nặng. Những việc mình làm đều xuất phát từ ân tình ấy, và nó cũng thật nhỏ bé so với những gì mình đã được nhận từ gia đình, quê hương”
Dù ở xa quê nhưng tấm lòng những người con tại LB Nga luôn hướng về quê hương, chia ngọt sẻ bùi với người dân quê khi khó khăn hoạn nạn, nhất là những khi bị thiên tai bão lụt... Trong thời gian đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh đến Nga, những người con xa quê, Hội đồng hương Hà Tĩnh ở Mat-xcơ-va; Xanh-pê-tec-bua; Svet-lop đã đón tiếp nồng nhiệt, chu đáo bằng những tình cảm chân thành, ấm cúng, hồ hởi đón nhận những thông tin ở quê nhà và chia sẻ với những khó khăn của quê hương. Những bản ký kết hợp tác, tài trợ đều là cách để họ thể hiện tình yêu và sự gắn bó với quê hương. Dù xa cách ngàn trùng, quê hương luôn ở trong trái tim những người con xa xứ.
MINH NGỌC
theo báo hà tĩnh
|