Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, ca dao, dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu, đặc biệt là những câu dân ca thắm đượm nghĩa tình, được đúc kết từ lời ăn tiếng nói mộc mạc, từ cái hay cái đẹp tinh tuý trong cuộc sống của người lao động. Trong đó, dân ca được xem là viên ngọc bích trong hoạt động văn hoá dân gian.
Mỗi bài ca với những nhịp điệu và tiết tấu phong phú với những hình tượng đặc sắc, tế nhị, sinh động duyên dáng gắn bó với những kỷ niệm thân thương, gợi nhớ những tình cảm trìu mến với quê hương làng bản; gắn chặt với phong tục tập quán của từng vùng miền.
Dân ca xứ Nghệ ngân vang lắng đọng trong hồn người cũng bởi nét dung dị, trữ tình, gợi nhớ, gợi thương, nơi neo đậu một hồn quê sâu thẳm.
Dân ca là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được nhân dân ca hát theo tập tục của địa phương. Đó là những tinh hoa văn hoá được cha ông gạn lọc và gọt giũa qua các thế hệ dựa vào tục ngữ và ca dao.
Mỗi làn điệu dân ca thể hiện trí tuệ, phẩm chất tinh hoa trong tư duy, lối sống của con người Việt Nam qua các thời đại. Đó là một loại hình sáng tác dân gian mang tính tổng hợp bao gồm: lời nhạc, động tác, điệu bộ kết hợp với diễn xướng; là những bài hát có hoặc không có chương khúc do nhân dân sáng tác và lưu truyền trong dân gian có nội dung trữ tình và có giá trị đặc biệt về nhạc.
Ta hãy nghe âm điệu dịu dàng quyến rũ của một làn điệu dân ca xứ Nghệ: Ai đi vô nơi đây, xin dừng chân xứ Nghệ/ Nghe câu hò ví dặm, càng lắng lại càng sâu/ Như sông Lam chảy chậm, đọng bao thửa vui sầu/ Tình xứ Nghệ không mau, nhưng bén rồi sâu lắng/ Quen xứ Nghệ quen lâu, càng tình sâu nghĩa nặng.
Những câu ca trên vừa dung dị, trữ tình vừa gợi nhớ, gợi thương với hồn người xa quê, để không nguôi ước mong một lần được nghe câu hò ví dặm thấm đượm tình người, tình đất của xứ Nghệ... Dân ca là bản sắc của mỗi vùng quê, riêng mảnh đất xứ Nghệ, những điệu dân ca dường như là tâm hồn, diện mạo, cốt cách của người dân nơi đây.
Đó là những điệu hát ru đưa trẻ thơ vào giấc ngủ, nuôi lớn tâm hồn và chấp cánh cho những ước mơ; những điệu hát giao duyên vừa hài hước, vừa dí dỏm thông minh, mà lại sâu lắng thiết tha, những điệu ví phường vải, ví đò đưa bay bổng... lặng lẽ ngân vang đâu đó trên những dòng sông và sau luỹ tre làng. Náo nức vui tươi trong buổi giao duyên hay những buổi lao động thường nhật...
Dân ca xứ Nghệ quyến rũ hồn người với câu ví dặm Mời trầu. Thâm trầm nhưng cảm động của lời hát ru Phụ tử tình thâm và cả cái thông minh hóm hỉnh của Bần hát ghẹo mênh môngcùng điệu hò trên sông trong Nhớ người em đứng trông trăng và trĩu nặng nỗi niềm cùngGiận thương. Mỗi điệu hát, một nỗi niềm, với một cách thể hiện riêng, nhưng tất cả đều tha thiết lắng đọng, mộc mạc chân chất như chính hồn quê.
Có thể hình dung một số thể loại dân ca xứ Nghệ như: hát ví; hát dặm Nghệ Tĩnh; hát ru; hò Nghệ Tĩnh; hát ghẹo... Mời trầu là một trong số những bài dân ca tiêu biểu được diễn xướng nhiều nhất: Miếng trầu thơm đượm đượm tình làng nghĩa xóm/ Mộc mạc quê nhà nhưng đậm đà đằm thắm, đượm câu ví dặm/ Mời trầu để chọn bạn tri âm tri kỷ/ Mời trầu để xe duyên đôi lứa.
Người Việt thường có câu “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Vậy nên, thắm đượm nghĩa tình trong câu ví dặm Mời trầu nghe tha thiết quyến rũ đến say lòng. Cũng là một phương thức giao tiếp nhưng qua điệu ví xứ Nghệ thấy tình quê tình người sâu sắc đến khó quên. Với tiết tấu nhanh, vui nhộn trong lời ca tha thiết. Lối hát bè cộng hưởng khiến cho điệu ví Mời trầumang một sức lay gọi mãnh liệt, dư âm mãi trong đáy sâu hồn người.
Bài Giận thương có từ những năm 1966 – 1967. Về bố cục dựa trên hình thức của những bài hát đò dọc, hát ru. Dựa trên chất liệu âm nhạc là điệu hát ví, hát giặm. Điều đáng chú ý là câu hát giặm năm chữ cổ truyền đã được biến dạng thành bảy chữ, tiết tấu cũng như tốc độ đều được nâng lên thanh thoát hơn.
Người có công dựng lên bài hát này là ông Nguyễn Trung Phong, quê ở xã Diễn Minh, Diễn Châu Nghệ An. Ông là người biết hát dân ca Nghệ Tĩnh gần 30 năm nay, góp phần xây dựng một số vở kịch dân ca, lúc ấy ông phong là cán bộ lao động văn nghệ quần chúng của Ty văn hoá Nghệ An (nay là Sở VH-TT-DL). Bài Giận thương sau khi đoàn dân ca Nghệ An biểu diễn đã nhanh chóng phổ cập trong nhân dân các vùng trong tỉnh và trở thành bài dân ca mới: Anh ơi khoan vội bực mình/ Em xin kể lại phân minh tỏ tường/ Anh cứ nhủ rằng em không thương/ Em đo lường thì rất cặn kẽ/ Chính thương anh nên em bàn với mẹ/ Phải ngăn anh không đi chuyến ngược lường...
Giận thương được viết ở giọng pha trưởng với nhịp 2/4. Đây là bài ví dặm mới bởi giai điệu đã được biến dạng, tiết tấu được phát triển bước đều, tốc độ được nâng lên ăn nhịp với sức sống mới. Thỉnh thoảng, trong bài xuất hiện các dấu nối độ dài làm cho giai điệu như mênh mang một nỗi niềm thương nhớ, cho ta cảm nhận được tình cảm dào dạt vô bờ bến của người vợ đối với chồng. Ngoài ra cái dấu luyến để nối chung các nốt vào một lời ca khiến cho các âm quyện chặt vào nhau như tình cảm vợ chồng son sắt, mặn nồng thuỷ chung.
Nhip điệu bài hát chuyển từ chậm sang nhanh, từ nhanh lại về chậm nghe như tâm trạng của người vợ với chồng: giận rồi lại thương. Lời ca bình dị giản đơn nghe như trôi chảy nỗi niềm giận thương đáng yêu chân chất. Giận, thương, buồn tủi hay hạnh phúc sướng vui ấy là những cung bậc tình cảm thường nhật của cuộc sống. Điều quan trọng là giận rồi để mà thương đấy là chân lý được tìm thấy, là hành trang mang theo trong cuộc sống lứa đôi để trong sóng gió thường nhật biết vượt qua và giữ gìn hạnh phúc. Bài hát kết thúc bằng dấu luyến kết hợp với dấu chấm đôi ở nốt rê làm cho âm điệu vừa ấm áp vừa ngân dài mãi ra. Qua đó thể hiện một tình cảm thật lớn lao, sâu sắc và ấm áp của người vợ đối với chồng.
Một trong những hình thức văn hoá giao tiếp của người Việt trong dân gian độc đáo, ý nhị và sâu sắc nhất có lẽ phải kể đến câu hát giao duyên đã từng se duyên cho bao đôi lứa. Bần hát ghẹo một điệu dân ca nằm trong thể loại này có thể xem là một hiện tượng nghệ thuật, một sản phẩm tinh thần độc đáo của miền quê xứ Nghệ. Qua những câu hát giao duyên, lời tỏ tình được bật ra đày ý nhị, tinh tế mà cũng không kém phần tha thiết: Trăng kia đã đến hôm rằm hay chưa/ Trăng đang mười bốn chưa rằm/ Dâu xanh đang đợi con tằm kéo tơ.
Rồi như thách đố sự thông minh, lòng thuỷ chung và tình cảm chân thành của nhau, những lời đối đáp hài hước, dí dỏm, thông minh khiến cho đôi trai gái càng hiểu nhau hơn. Bần hát ghẹo là một bài hát dân gian có cái tình tứ, ý nhị và e ấp. Có cái thông minh, nghịch ngợm của những chàng trai, cô gái trong dân gian, nhưng kết lại vẫn là điều gì đó tha thiết chân thành, hứa hẹn một cuộc tình duyên đầy mộng đẹp.
Nhắn bạn (hò Nghệ Tĩnh) là loại hình dân ca có âm điệu và tiết tấu đơn giản, gồm 2 phần, phần xướng và phần xô. Với những câu hát mộc mạc, dung dị nhưng rất tinh tế và khéo léo người con gái đã thể hiện được tâm tư, tình cảm mà mình muốn gửi gắm với chàng trai: Lên non truông ngái đường xa/Anh chờ em với để mà đi chung/Đường vô trong rú trong rừng/Mình em đơn chiếc hãi hùng lắm thay.
Để đáp lại tình cảm của cô gái, chàng trai đã dùng những hình ảnh Hùng Sơn Nam Giang để ví tình yêu mà mình dành cho cô gái: Hùng Sơn cao ngất mấy trùng/Nam Giang mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.
Và rồi tình yêu đôi lứa được đúc kết trọn vẹn trong Nhắn bạn. Trên đường đời dù gặp nhiều khó khăn thư thách, nhưng với tình cảm chân thành và tình yêu đủ lớn sẽ vượt qua tất cả.
Phụ tử tình thâm một điệu hát ru quen thuộc của dân ca xứ Nghệ, chứa đựng trong nó những lời răn dạy đạo lý sâu sắc. Trải dài trong lời ru là nỗi lòng của người cha, người mẹ với những hy sinh thầm lặng, mong mỏi yêu thương luôn dõi theo từ khi con mới lọt lòng đến khi khôn lớn: Rồi mười ngày chín tháng/Mẹ thúc giục lên thai/Con nên một nên hai/Thầy ấp yêu bồng bế/Đứa mười chín đôi mươi/Lo cửa nhà dựng vợ...
Bởi vậy, đi giữa cuộc đời, đạo làm con phải giữ gìn cho trọn nghĩa. Những lời ru như rót chảy vào tim những nỗi niềm diệu vợi, thấm cảm hơn những bài học đạo lý sâu xa với những câu răn mình khuyên người đậm đà triết lý. Để rồi lắng sâu trong đó và vượt lên trên mọi pha tạp của cuộc sống đời thường, tôi luyện thêm cái gốc của tình người và đạo lý.
Mỗi lần nghe, mỗi lần cảm nhận là một lần đắm mình vào hồn quê xứ Nghệ, bởi, hoá thân trong những lời ca ấy là điệu hồn của người dân quê tôi, mộc mạc mà chân chất ân tình... Với lớp ngôn từ mượt mà, tha thiết diễn tả những nỗi lòng sâu kín, tinh tế diệu vợi, khiến cho mỗi lần nghe là một lần thấm cảm, một lần đưa ta về với nguồn cội, để đối diện với chính mình mà biết sống và ước mơ. Dân ca Xứ Nghệ tồn tại như một biểu tượng vững bền trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam- như một con thuyền chở hồn người về neo đậu bến quê ân tình.
Theo Nguyễn Thị Nhàn - Tạp chí Tri thức Thời đại